Qua mấy cái note trước, tôi đã bàn về cách viết phần Tóm tắt, Dẫn nhập, và Kết quả; hôm nay tôi sẽ bàn về phần khó viết nhất: Bàn luận. Phần này khó viết là vì nó không có một cấu trúc cố định và sách dạy về cách viết bài báo khoa học thì mỗi tác giả cho ra một lời khuyên không nhất quán. Có lẽ cái "công thức" tôi trình bày ở đây cũng ... chẳng giống ai, nhưng tôi đảm bảo với các bạn rằng công thức này rất có hiệu quả.
Phần Bàn luận có liên quan một cách logic với phần Dẫn nhập và Kết quả. Phần Dẫn nhập nhằm trả lời câu hỏi "Tại sao tôi thực hiện nghiên cứu này?" Phần Kết quả thì trả lời câu hỏi "Tôi đã tìm thấy những gì?" Còn phần Bàn luận thì nhằm trả lời câu hỏi "Những kết quả này có ý nghĩa gì?" Do đó, nếu nói phần Kết quả là trái tim của bài báo, thì phần Bàn luận là bộ não, là "trí thức" của bài báo. Người đọc có thể biết tác giả thuộc đẳng cấp tri thức nào qua đọc phần Bàn luận. Điều này đòi hỏi tác giả phải am hiểu vấn đề và cấu trúc những bàn luận sao cho logic. Nến nhớ rằng phần Dẫn nhập, tác giả đi từ cái chung (bối cảnh) đến cái riêng (mục tiêu nghiên cứu), còn phần Bàn luận thì đi từ cái riêng (phát hiện) đến cái chung (qui luật).
Vài điểm cần lưu ý khi viết phần Bàn luận
Thứ nhất tác giả phải tỏ ra là người có suy nghĩ "critical" về vấn đề. Lúc nào cũng nhìn một vấn đề qua nhiều khía cạnh, chứ không bao giờ nhìn vấn đề một chiều. Phải tỏ ra mình là người khách quan, và dựa vào chứng cứ chứ không phải với thái độ "trust me" (tin tôi đi).
Thứ hai là phải nói lên được một câu chuyện. Mỗi một bài báo khoa học là một câu chuyện. Câu chuyện dựa trên những "nhân vật" và sự kiện trong phần kết quả. Nhân vật ở đây là những biến số, những yếu tố nguy cơ, những "ouctome". Còn sự kiện là những mối tương quan giữa các biến số. Để nói lên một câu chuyện từ dữ liệu đòi hỏi tác giả phải lên kịch bản và phác họa những ý chính. Sau đó sẽ dùng chữ nghĩa để mô tả câu chuyện sao cho thuyết phục.
Thứ ba là tránh lặp lại kết quả và những con số. Phần bàn luận là phần "trí thức", tức là phần mà tác giả phải vận dụng một loại ngôn ngữ cấp cao (high-level language), chứ không phải dùng các thuật ngữ. Những con số là chứng cứ và đã được báo cáo trong phần Kết quả, còn phần Bàn luận là có mục đích biến những con số đó "biết nói". Nói cách khác, phần Bàn luận là chuyển hóa data từ Kết quả sang information và knowledge để độc giả có thể thấu hiểu vấn đề hơn.
Thứ tư là độ dài vừa phải. Trong nghiên cứu y khoa, phần Bàn luận chỉ dao động trong khoảng 3 đến 5 trang A4 (double spaced). Nếu viết ngắn quá, người ta có ấn tượng tác giả không có ý tưởng. Nhưng nếu viết dài quá thì người đọc có thể nghĩ rằng tác giả "nhiều chuyện", dữ liệu thì ít mà nói thì nhiều.
Tìm chất liệu
Cách viết phần Bàn luận hiệu quả nhất là đọc những nghiên cứu trước. Các bạn nên tìm những bài báo quan trọng về chủ đề mình quan tâm, những bài báo được công bố trên những tập san lớn, của các tác giả có tiếng trong chuyên ngành, in ra và đọc. Đọc phần bàn luận xem các tác giả viết gì, họ quan tâm đến vấn đề gì, cách dùng thuật ngữ ra sao. Những điểm các bạn cần lưu ý và viết xuống khi đọc các bài báo này là:
· cái thông điệp chính là gì?
· cơ chế mà tác giả đề nghị để giải thích phát hiện của họ là gì?
· phương pháp nghiên cứu có điểm gì sáng và chưa sáng?
· kết luận có dựa vào dữ liệu hay không?
Đó là cách các bạn có thể làm quen với y văn và những ý tưởng trong chuyên ngành của mình. Từ đó, có thể hình thành những ý có thể trình bày trong phần bàn luận của bài báo.
Viết gì trong phần Bàn luận
Như nói trên, phần Bàn luận là phần khó viết nhất, vì nó không có một cấu trúc nhất định và cố định. Đây chính là lí do tại sao nhiều bài báo có phần Bàn luận đọc rất ... chán. Tôi có một "công thức" viết Bàn luận, và đã thử nghiệm qua hàng trăm bài báo, nên biết cấu trúc này có thể giúp nhiều bạn. Công thức viết Bàn luận của tôi rất đơn giản, bao gồm 6 phần:
· Phần 1: tóm tắt lí do nghiên cứu và những phát hiện chính;
· Phần 2: so sánh kết quả với các nghiên cứu trước;
· Phần 3: giải thích cơ chế các mối liên quan;
· Phần 4: bàn về ứng dụng hay khái quát hóa;
· Phần 5: bàn về những điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu;
· Phần 6 là kết luận.
1. Tóm tắt
Đây là đoạn văn (chỉ 1 đoạn văn) mở đầu cho phần Bàn luận. Viết một câu rất ngắn để nói về bối cảnh của vấn đề và một câu về khoảng trống tri thức. Câu kế tiếp là nhắc lại những phát hiện chính để lấp vào khoảng trống tri thức. Nên nhớ, và xin nhắc lại rằng, ở đây chỉ dùng chữ chứ không dùng số; nếu có dùng số thì cũng phải rất đơn giản và dùng rất rất ít.
Một ví dụ phần 1 của Bàn luận là đoạn văn dưới đây. Các bạn sẽ thấy, vào đầu, tác giả viết về bối cảnh chung, trong trường hợp này nói rằng ai cũng biết BMD là yếu tố quan trọng để tiên lượng gãy xương:
"There has been little doubt that BMD measured at various sites is one of the best measureable determinants of fracture risk [28-30]."
Sau đó là câu văn nói về vấn đề. Vấn đề là BMD chịu sự tác động của gene, hormone, dinh dưỡng, v.v. Câu kế tiếp là viết về mục tiêu:
"BMD is, in turn, regulated by genetic, hormonal, dietary and mechanical factors. The present study addressed a small part of this complex system by using the classical twin design."
Kế đến là những câu về phát hiện chính:
"We found that (i) both lean mass and fat mass were associated with areal BMD; however, fat mass alone appeared to have an independent effect on BMD/height ratios and volumetric BMD; (ii) both lean mass and fat mass as well as BMD were under strong genetic influence and (iii) the association between fat mass (and lean mass) and BMD were mainly mediated through environmental influences."
Như các bạn thấy cách viết trên theo cái motif người ta gọi là "linear logic". Mở đầu là nói về BMD, kế đến là yếu tố ảnh hưởng đến BMD, sau đó là vấn đề mà nghiên cứu giải quyết, và sau cùng là những phát hiện chính. Cái điểm nhấn ở đây là BMD, nên nó được nhắc nhở đến nhiều lần trong đoạn văn mở đầu.
2. So sánh với nghiên cứu trước
Thông thường kết quả nghiên cứu của chúng ta có thể nhất quán hay không nhất quán với các nghiên cứu trước. Nếu nhất quán thì cái giá trị khoa học của nghiên cứu có thể đáng tin cậy hơn. Nhưng nếu không nhất quán thì chúng ta cần phải giải thích tại sao.
Cách viết về kết quả nhất quán có thể là dùng chữ "consistent":
"Our findings are consistent with those of Kay and Rugen, given the wide confidence intervals in both studies."
hay "confirm" (chữ này "oai" hơn):
"Our study confirms the familial influence on bone density with estimates of heritability for the lumbar spine, femoral neck and total body BMD of 78%, 76% and 79%, respectively, comparable with previous estimates [12-16]. However, the present study also indicates that a common source of genetic ... "
Cách viết về không nhất quán thì hơi tế nhị và phải giải thích tại sao. Những lí do về sự khác biệt giữa kết quả hiện tại và các kết quả nghiên cứu trước đây có thể nhiều, thậm chí rất nhiều, nhưng tựu trung lại là do:
• Nghiên cứu hiện tại là đúng, nghiên cứu trước sai. Nhưng cũng có thể nghiên cứu hiện tại là sai, nghiên cứu trước đúng. Tuy nhiên, rất khó để nói đúng hay sai ở đây, bởi vì khái niệm đúng/sai trong khoa học tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác mà tôi bàn dưới đây.
• Phương pháp đo lường. Nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp đo lường khác nhau, và do đó kết quả cũng khác nhau. Ví dụ như trong lĩnh vực loãng xương, có labo dùng phương pháp DXA để đo mật độ xương, nhưng cũng có labo dùng siêu âm hay một công nghệ khác. Ngay cả hai nhóm dùng phương pháp DXA để đo, thì kết quả vẫn có thể khác nhau, do hãng sản xuất dùng công nghệ khác nhau (như máy Hologic và Lunar chẳng hạn). Do đó, tác giả cần phải tìm hiểu và đọc kĩ những nghiên cứu trước để biết tại sao kết quả của mình khác họ.
• Thiết kế thí nghiệm hay mô hình nghiên cứu. Cho dù hai nghiên cứu dùng công nghệ đo lường như nhau, nhưng cách thiết kế nghiên cứu cũng ảnh hưởng đến kết quả. Có thể nghiên cứu trước thiết kế theo mô hình RCT, còn nghiên cứu hiện tại là cắt ngang. Có thể nghiên cứu trước làm thí nghiệm trên dòng tế bào A, còn nghiên cứu này làm trên dòng tế bào X, và do đó kết quả cũng khác nhau.
• Đối tượng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu ở đây là tế bào, động vật, con người, v.v. Trong nghiên cứu lâm sàng, chúng ta thu thập dữ liệu trên người, và những đặc điểm cá nhân (như tuổi tác, giới tính, bệnh trạng) có thể rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Trước đây khi chúng tôi nghiên cứu về gen loãng xương ở người Việt, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đi ngược lại với kết quả công bố trước đây ở phương Tây. Sau khi tìm hiểu và so sánh thì mới phát hiện cái tần số allele của gen ở người Việt và người da trắng rất khác nhau, và do đó nó làm đảo lộn mối liên hệ. Điều thú vị là kết quả của chúng tôi sau này được một nhóm ở Hàn Quốc lặp lại. Điều này cho thấy đối tượng nghiên cứu có ảnh hưởng rất lớn đến sự khác biệt về kết quả giữa các nghiên cứu.
• P hương pháp phân tích dữ liệu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa các nghiên cứu. Nhưng nói chung sự khác biệt về phương pháp phân tích chỉ mang tính định lượng chứ ít khi nào làm thay đổi kết luận. Tuy nhiên, trong vài trường hợp hiếm, phương pháp phân tích có thể làm thay đổi toàn bộ kết quả. Chẳng hạn như một nghiên cứu về di truyền học về bệnh tự kỉ mới công bối hồi tháng 3/2017 trên Nature Genetics, khi các đồng nghiệp ở Anh phân tích lại thì thấy tác giả bài báo gốc đã sai lầm nghiêm trọng, và do đó kết luận cũng có thể sai (http://biorxiv.org/content/early/2017/03/12/115964).
Sau đây là một cách viết về so sánh kết quả. Bài báo này dùng siêu âm để đánh giá khả năng gãy xương:
"Our results are agreeable with previous observations [25-30], in which BUA measurement was significantly lower in individuals with fracture. In women, BUA measurement remained significantly associated with fracture risk, suggesting that BUA at calcaneus is an independent predictor of fracture risk as reported by other authors [18, 32]. However, in men, the combination of BUA and FNBMD did not enhance the predictive value of fracture, which is also consistent with that reported by the MrOS [42]. This indicated that BUA provides little or no additional prognostic information in fracture risk assessment in men. The results observed in men, compared with that of women is likely related to the higher bone mass and lower fracture risk in men."
Có khi chúng ta không so sánh được với nghiên cứu trước, bởi vì nghiên cứu của chúng ta là đầu tiên trên thế giới. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể viết:
"It is difficult to compare the present study’s finding with other studies because of different study designs and clinical outcomes. However, our results confirm the proof of principle study that a profiling of up to 50 genetic variants could improve the fracture prediction ...."
3. Giải thích ý nghĩa của những phát hiện
Mục 3 của phần Bàn luận là giải thích cơ chế của mối liên quan hay ý nghĩa của những phát hiện được báo cáo trong mục 2. Trong phần này, tác giả cần phải chú ý đến 2 điểm:
• Những kết quả này có ý nghĩa gì?
• Đặt ý nghĩa của kết quả trong bối cảnh chung.
• Đặt ý nghĩa của kết quả trong bối cảnh chung.
Đây là mục quan trọng của phần Bàn luận, bởi vì qua đó mà độc giả có được "tri thức" từ công trình nghiên cứu. Cái "brain" của bài báo chính là ở đây, và do đó, tác giả phải hết sức thận trọng trong cách viết và phải tỏ ra mình ... "thông minh".
Giả dụ như tác giả tìm ra mối liên hệ giữa yếu tố A và bệnh X (như mối liên hệ giữa thuốc điều trị tiểu đường rosiglitazone và bệnh tim mạch), thì vấn đề đặt ra là phải thuyết phục người đọc rằng phát hiện này là "thật". Thật ở đây có nghĩa là mối liên hệ nhân quả, chứ không phải ngẫu nhiên hay do các yếu tố nhiễu khác. Để thuyết phục người đọc đó là mối liên hệ thật, tác giả cần phải xem xét đến 5 tình huống có thể giải thích cho một mối liên hệ: ngẫu nhiên, bias, confounding, do hiện tượng của bệnh, và sau cùng là do liên hệ nhân quả.
(a) Kết quả này có phải là do yếu tố ngẫu nhiên? Để loại bỏ yếu tố này, tác giả có thể dùng trị số P để loại bỏ. Nên nhớ rằng một kết quả với trị số P = 0.05 thì vẫn có thể sai sót, và sai sót (dương tính giả) có thể lên đến 30%. Do đó, nếu kết quả có P < 0.001 thì mới "mạnh miệng" nói, còn chưa đạt được mức độ đó thì nên khiêm tốn và dè dặt khi phát biểu. Dĩ nhiên, không ai muốn nói kết quả của mình là ... ngẫu nhiên, nhưng chúng ta cũng phải thành thật đề cập đến yếu tố ngẫu nhiên.
(b) Kết quả này có thể là do bias? Khái niệm bias rất khó giải thích, nhưng nói chung có thể hiểu bias là sự lệch giữa những gì chúng ta quan sát (kết quả) và sự thật. Có hàng chục, thậm chí hàng trăm bias, mà chúng ta phải để ý. Bias về chọn đối tượng, bias trong đo lường, bias trong cách chọn biến số, bias trong phân tích, v.v. tất cả đều có thể góp phần vào kết quả chúng ta quan sát. Nếu chẳng hạn như chúng ta quan sát thấy tỉ số odds (OR - odds ratio) 6.5, thì chúng ta phải suy nghĩ tại sao kết quả quá cao như vậy. Rất có thể vì nghiên cứu làm trong bệnh viện, và nhóm chứng được chọn chưa thích hợp, nên dẫn đến "bias". Chẳng hạn như yếu tố nguy cơ trong nhóm chứng ở quần thể là 1000/5000, nhưng trong nghiên cứu bệnh chứng là 20/30 thì rõ ràng là có vấn đề. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phải chỉ ra những bias này; không chỉ ra thì người đọc có thể nghĩ tác giả thiên vị.
(c) Kết quả này có thể phản ảnh hiện tượng "effect – cause"? Trong các nghiên cứu quan sát (tức không phải thí nghiệm và can thiệp), có nhiều khi chúng ta quan sát một mối liên hệ, nhưng đó là mối liên hệ theo kiểu bệnh dẫn đến yếu tố nguy cơ, chứ không phải ngược lại. Ví dụ như nếu chúng ta quan sát qua một nghiên cứu cắt ngang rằng bệnh nhân lao có nồng độ vitamin D thấp, chúng ta khó kết luận rằng vitamin D là yếu tố nguy cơ của bệnh lao phổi, bởi vì bệnh nhân lao có thể ít ra tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và do đó họ có nồng độ vitamin D thấp. Do đó, tác giả cần phải xem xét đến tình huống này (bệnh --> yếu tố nguy cơ).
(d) Kết quả này có thể là do yếu tố nhiễu (confounding)? Một dạng bias khác có tên là "confounding effect", có nghĩa là mối liên hệ chúng ta quan sát được thực chết là do một yếu tố khác mà nghiên cứu chưa xem xét đến. Chẳng hạn như chúng ta quan sát rằng người mắc bệnh thoái hóa khớp có mật độ xương thấp hơn người không bị thoái hóa khớp. Đây là một mối liên hệ đáng ngờ, bởi vì người bị thoái hóa khớp thường là béo phì, và béo phì thì thường có mật độ xương cao. Do đó, mối liên hệ chúng ta quan sát [ngược lại với kiến thức sinh học] có thể là do yếu tố nhiễu. Rất có thể những người mắc bệnh thoái hóa khớp là cao tuổi hơn người không bị thoái hóa khớp, và cao tuổi cũng liên quan đến mật độ xương thấp. Trong trường hợp này, tuổi là một confounder bởi vì tuổi vừa liên quan với bệnh và liên quan với yếu tố nguy cơ (mật độ xương). Nếu nghiên cứu chưa điều chỉnh cho độ tuổi thì có thể xem là chưa đạt.
(e) Nếu tất cả 4 lí giải trên bị loại bỏ thì kết quả này là do hiện tượng nhân quả "cause – effect". Như vậy, chúng ta thấy khi viết phần Bàn luận, tác giả phải tỏ ra là người suy nghĩ đa chiều và khách quan, chứ không được suy nghĩ theo kiểu một chiều. Cách suy nghĩ này cũng giống như chúng ta xem xét một tài liệu trên mạng, trước khi tin nó, chúng ta phải tìm cách bác bỏ nó bằng những giải thích khả dĩ. Nói theo ngôn ngữ thông thường là cho dù chúng ta thấy mối liên hệ rõ ràng đó, nhưng chúng ta phải tìm cách bác bỏ nó (vì có nhiều yếu tố chúng ta chưa biết hay chưa xem xét đến), và chỉ khi nào chúng ta bác bỏ tất cả những lí do khả dĩ thì mới tạm chấp nhận đó là mối liên hệ thật.
Sau khi bác bỏ các yếu tố khả dĩ, phần còn lại là mối liên hệ nhân quả. Nhưng tác giả không dừng ở đó, mà phải giải thích tại sao có mối liên hệ này. Trong đoạn văn bàn về mối liên quan giữa thuốc chống tiểu đường rosiglitazone và nguy cơ bệnh tim mạch (NEJM), tác giả viết như sau. Đầu tiên, tác giả nói rằng cái cơ chế chưa rõ ràng, nhưng ngay sau đó họ dùng dữ liệu trong quá khứ cho thấy rosiglitazone tăng LDL và họ suy luận rằng đó có thể là cơ chế thuốc tăng nguy cơ bệnh tim mạch:
"The potential mechanism(s) for cardiovascular (CV) harm from rosiglitazone use (and the differences from pioglitazone use) remains to be elucidated, but there are several reasonable hypotheses. Rosiglitazone therapy increased low-density lipoprotein cholesterol (LDL-C) levels as much as 23% in trials, leading to approval [21]. [...] Although the FDA has not established a level of increase in LDL-C that is presumed to cause harm, a drug that increases LDL-C levels would reasonably be expected to increase CV adverse events. Interestingly, the lipid effects of the 2 marketed thiazolidinediones, pioglitazone and rosiglitazone, are markedly different".
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không giải thích được tại sao, và phải viết như thế. Chẳng hạn như trong các nghiên cứu di truyền học, chúng ta có thể phát hiện nhiều gen, nhưng chúng toàn nằm ở vùng "non-function" (tức không có chức năng) nên chúng ta không biết cơ chế của chúng là gì, và phải nói rõ là ... không biết. Ví dụ như sự ảnh hưởng của [ví dụ] gen HAL đến xương chưa rõ ràng, chúng ta có thể viết: "The exact mechanism by which HAL gene is associated with bone mass is not known." Nhưng chẳng lẽ viết một câu ngắn như thế thì chứng tỏ chúng ta chẳng có ý tưởng gì! Vấn đề là phải đặt ra một giả thuyết về gen HAL và xương để giải thích. Do đó, câu kế tiếp có thể là "However, a hypothesis can be postulated to account for the association. The BB genotype of HAL gene is known to be associated with greater bone resorption levels [12], and this could be the mechanism of the association between HAL and bone mass." Nói tóm lại, nếu không biết thì nói ... không biết, nhưng cũng phải kèm theo một giả thuyết để chứng tỏ tác giả là người chịu khó suy nghĩ, chứ không phải lười biếng suy nghĩ.
4. Khái quát hóa kết quả nghiên cứu
Một trong những đoạn bàn luận cần phải có là chỉ ra ý nghĩa của kết quả nghiên cứu, nhất là khái quát hóa. Một cách để viết phần này là chỉ ra ứng dụng (nếu được) của kết quả nghiên cứu. Trong ví dụ dưới đây, tác giả bàn về ý nghĩa của mối liên quan giữa thiếu vitamin D ở bệnh nhân lao phổi trong lâm sàng:
Vào đầu viết một câu văn 'tuyên ngôn', và ngay sau đó là một chút lịch sử để người đọc an tâm:
"The finding of high prevalence of vitamin D insufficiency in TB patients has a number of clinical implications. Vitamin D in the form of cod liver oil and sunlight exposure was once a therapy for tuberculosis prior to the Robert Koch’s discovery of the etiology of this disease."
Câu kế tiếp là bàn về việc bổ sung vitamin D cho bệnh nhân:
"The association between vitamin D insufficiency and the risk of tuberculosis suggests that supplementation of vitamin D may help prevent and reduce the severity of tuberculosis."
và thêm bằng chứng về hiệu quả của bổ sung:
"Indeed, a recent randomized controlled trial has shown that the severity of TB at the end of treatment was less for patients with normal vitamin D status at baseline than for those with vitamin D insufficiency, without adverse effects. However, the vitamin D dose used in the intervention (100,000 IU) is probably too low to warrant a clinical effect."
và một câu kết:
"These results taken together suggest that low vitamin D status in TB patients, whether cause or effect, might be an important determinant of treatment outcome and comorbidities."
Một nghiên cứu khác về nguy cơ tử vong ở bệnh nhân gãy cổ xương đùi, tác giả phải đặt kết quả vào một bối cảnh lớn và rộng hơn. Câu hỏi là nếu khái quát hóa kết quả này cho cả thế giới thì mỗi năm có bao nhiêu người chết vì gãy cổ xương đùi. Cái ý đó được tác giả diễn giải như sau:
"The relevance of study’s finding can be appreciated within the context of the world-wide burden of hip fracture. It has been estimated that in the year 2000, approximately 1.5 million hip fractures occurred world-wide in women and men, aged 60 or older (men 422,000 and women 1.1 million) [25]. With the upper confidence intervals of our estimates of the number needed to harm, we estimated that worldwide, an extra of 120,000 women and 105,000 men would have died within the first-year following a hip fracture. The additional significance of these estimates is that although fracture in men accounts for only a-third of the incidence of hip fracture, the mortality from men accounted for half of excess deaths following a hip fracture."
5. Bàn về điểm yếu và điểm mạnh của nghiên cứu
Bất cứ nghiên cứu nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu, thậm chí khiếm khuyết. Nhiệm vụ của tác giả là phải chỉ ra những điểm mạnh và yếu này để người đọc có thể cảm nhận và rút kinh nghiệm. Đây cũng là cách để tác giả tự nhìn lại nghiên cứu của mình và chứng tỏ tính khách quan của tác giả.
Thông thường, cách viết đoạn này là viết những điểm mạnh trước, và sau đó là đề cập đến những điểm yếu. Ví dụ như đoạn sau đây tác giả viết về điểm mạnh:
"The present findings must be interpreted in the context of a number of potential limitations. An important strength of this study is that the results are derived from a long-term population based study. The study included both men and women, and was able to compare the relative survival between sexes. Furthermore, by applying relative survival techniques and by accounting for the expected mortality in the background population of a similar age, sex and calendar period, we have addressed the proportion of mortality attributable to osteoporotic hip fracture."
sau đó là những điểm yếu:
"However, the sample size (e.g., the number of hip fracture cases) in the study was relatively modest, which limited our ability to examine factors with low effect sizes. Importantly we lack information of the smoking and prior fracture status of the background population and therefore the expected mortality in these groups."
Thỉnh thoảng cũng nên tỏ ra "critical" với chính kết quả của mình. Chẳng hạn như có thể viết thẳng rằng "Our results could also be interpreted as showing that therapy with calcium is ineffective in preventing osteoporosis. Although bone density was increased, fracture rates were no different than in the control group." Nếu kết quả với mức độ ảnh hưởng thấp cho dù có ý nghĩa thống kê, tác giả cũng có thể viết "Though the differences we observed were statistically significant, they were generally small and may not be clinically meaningful."
6. Kết luận
Đây là đoạn văn cuối cùng của phần Bàn luận và là đọan văn như một nốt nhạc "finale". Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn vào mắt độc giả và nói một câu để độc giả tin là bạn nói thật và nói cái câu mà tiếng Anh gọi là "Take-home message". Cái thông điệp đem về nhà đó có thể làm thay đổi niềm tin, thay đổi cách làm, hay thay đổi nhận thức của người đọc. Đó là những điểm cần lưu ý để viết câu kết luận.
Đoạn văn dưới đây là kết luận về mối liên hệ giữa mật độ xương và thành phần cơ thể. Chú ý câu sau cùng là một message về lâm sàng:
"In conclusion, these data indicate that the clinically relevant association between volumetric BMD and body composition is mediated only through fat mass. Furthermore, lean mass and fat mass, as with .... These data also suggest that modulation of environmental factors could translate to clinically relevant changes in BMD and presumably fracture risk."
Trong phần kết luận của một bài báo khoa học, tác giả phải có cái "conviction" (lập trường), chứ không nên như là một "wimp". Tránh những câu văn vô duyên và làm mất thì giờ của người đọc như:
• Additional research is needed.
• Our findings may have clinical significance.
• Further studies to confirm these findings would be helpful.
• The meaning of these results is uncertain.
• In conclusion, we conclude that we found what we just said we found.
• Our findings may have clinical significance.
• Further studies to confirm these findings would be helpful.
• The meaning of these results is uncertain.
• In conclusion, we conclude that we found what we just said we found.
Tránh những kết luận mang tính suy đoán, vỏ đoán; những kết luận mang tính áp đặt. Đặc biệt không bao giờ viết kết luận mà không dựa vào chứng cứ. Cũng không nên đề nghị bất cứ cái gì trong tương lai, bởi vì đó chưa hẳn là nội dung của bài báo. Ở Việt Nam người ta có thói quen (hay qui định?) là phần cuối bài báo phải có đề nghị can thiệp hay chính sách, nhưng trong thế giới khoa học thì những đề nghị và khuyến cáo không dựa trên bằng chứng can thiệp là không chấp nhận được.
Nói tóm lại, phần Bàn luận là cái "brain" của bài báo khoa học. Công thức viết bàn luận là 6 điểm như trình bày trên: (i) giới thiệu lí do nghiên cứu và tóm tắt kết quả chính; (ii) so sánh với nghiên cứu trước; (iii) giải thích cơ chế; (iv) giải thích ý nghĩa và khái quát hóa; (v) bàn về những điểm mạnh và những điểm yếu; và (vi) kết luận. Công thức đó đã được tôi "thử nghiệm" nhiều lần với nhiều nghiên cứu sinh, và có thể nói là lần nào cũng thành công (vì lần nào cũng thấy chuyên gia bình duyện khen là "well written"). Tôi hi vọng các bạn có dịp ứng dụng công thức trên cho bài báo của mình và hi vọng rằng kết quả cũng sẽ tốt.
====
Nhân đây, xin thông báo đến các bạn rằng lớp học về "Cách viết và xuất bản bài báo khoa học" vào cuối tháng 7 này ở Bệnh viện Chợ Rẩy đã đóng sổ, vì số học viên ghi danh đã vượt qua ngưỡng cho phép. Các bạn không nên ghi danh nữa. Các bạn có nhu cầu phải chờ đến một dịp sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét