Năng suất khoa học Việt Nam qua công bố quốc tế 2001 – 2015

Liên quan đến ấn phẩm (hay năng suất) khoa học, có ba câu hỏi đặt ra hiện nay. Thứ nhất là xu hướng công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian gần đây so với các nước trong vùng ra sao. Trước đây, vấn đề "nội lực" của khoa học Việt Nam đã được đặt ra (1), và do đó câu hỏi thứ hai là đã có một sự biến chuyển tích cực nào về nội lực khoa học trong thời gian qua. Thứ ba là chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam có gia tăng theo số lượng hay không. Trong bài này, tôi sẽ cố gắng trả lời 3 câu hỏi trên. Những dữ liệu (2) trình bày sẽ cung cấp một bức tranh chung và khách quan về hiệu quả của đầu tư vào khoa học.



Xu hướng công bố quốc tế

Trong thời gian 15 năm qua (2001 - 2015), các nhà khoa học Việt Nam đã công bố được 18076 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI. So sánh với các nước trong vùng trong cùng thời kì, số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines, nhưng vẫn còn thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Singapore (Biểu đồ 1). Thật vậy, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ mới bằng 28% của Thái Lan, 25% của Malaysia, và 15% của Singapore.

 

Biểu đồ 1: Số bài báo khoa học công bố trên những tập san trong danh mục ISI trong thời gian 2001-2015 của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Số bài báo liên tục tăng nhanh từ 2001 (362 bài) đến năm 2015 (2906 bài). Tính trung bình, tỉ lệ tăng trưởng mỗi năm là 17%. Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam có phần cao hơn so với Thái Lan (13%/năm), nhưng thấp hơn so với Malaysia (22%/năm). Malaysia xuất phát thấp hơn Thái Lan, nhưng với tỉ lệ tăng trưởng cao, đến nay đã vượt qua Thái Lan, và sẽ vượt qua Singapore trong vài năm tới (Biểu đồ 2).

  

Biểu đồ 2: Tình hình tăng trưởng công bố quốc tế của một số nước trong vùng Đông Nam Á trong thời gian 2001-2015.

Phân tích theo một số lĩnh vực nghiên cứu chính cho thấy các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng chiếm đa số công bố quốc tế của Việt Nam (Biểu đồ 3). Đứng đầu danh sách là các lĩnh vực liên quan đến y học và sinh học (kể cả y tế công cộng), chiếm 36.3% tổng số công bố quốc tế. Kế đến là kĩ thuật và công nghệ (chiếm 26% tổng số), vật lí (15%), toán học (13%). Khoa học xã hội và kinh tế đóng góp ít nhất cho tổng số công bố quốc tế, với mỗi lĩnh vực có tỉ trọng 4%.


Biểu đồ 3: Tỉ trọng (%) công bố quốc tế của một số lĩnh vực nghiên cứu chính của khoa học Việt Nam (2001-2015).


Bảng 1: Số bài báo khoa học nguyên thuỷ (original articles) công bố trên các tập san trong danh mục ISI (2001 - 2015)

Lĩnh vực nghiên cứu 
2001-2005
2006-2010
2011-2015
Tỉ lệ tăng trưởng (%)
Tất cả các lĩnh vực 
2250
4776
11018
17.0
Toán học
305
676
1329
15.8
Vật lí
399
690
1548
13.8
Hoá học
177
357
1206
21.3
Kĩ thuật và công nghệ
409
978
3369
22.6
Khoa học trái đất 
89
196
475
18.2
Y học lâm sàng
340
732
1236
14.1
Y tế công cộng
215
438
670
12.2
Y sinh học
421
849
1691
14.7
Khoa học xã hội
79
198
422
20.0
Kinh tế
71
247
399
18.9


Phân tích chi tiết cho một số lĩnh vực nghiên cứu (Bảng 1) cho thấy một số xu hướng quan trọng. Nói chung, tất cả các lĩnh vực nghiên cứu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm. Lĩnh vực nghiên cứu có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất là kĩ thuật & công nghệ (22.6%), kế đến là hoá học (21.3%) và khoa học xã hội (20%). Các lĩnh vực nghiên cứu có tỉ lệ tăng trưởng thấp bao gồm y tế công cộng (12%), y học lâm sàng (14%), vật lí (14%), và y sinh học (15%).


"Nội lực" 

Một trong những vấn đề người viết bài này từng nêu là một số lĩnh vực trong khoa học Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc đồng nghiệp ngoại quốc. Để thẩm định tình hình trong thời gian qua, tôi chia những bài báo thành hai nhóm: nhóm 1 gồm những bài báo mà tất cả tác giả xuất phát từ các trường/viện trong nước (tạm gọi là "thuần Việt"), và nhóm 2 gồm những bài báo có tác giả với địa chỉ trường/viện ở nước ngoài (hợp tác quốc tế).

Tính chung, tỉ lệ số bài báo "thuần Việt" là 23%. Nói cách khác, hơn 3/4 công bố quốc tế của Việt Nam có sự hợp tác với các trường/viện quốc tế, và tỉ lệ này còn khá cao so với Thái Lan và Malaysia  (56%). Tỉ lệ này có xu hướng giảm theo thời gian, nhưng mức độ giảm rất nhẹ. Chẳng hạn như tính chung, trong thời gian 2001-2005, tỉ lệ hợp tác quốc tế gần 80%, nhưng đến thời gian 2011-2015 thì còn 76%.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về mức độ hợp tác quốc tế giữa các lĩnh vực nghiên cứu (Bảng 2). Các lĩnh vực có tỉ lệ hợp tác quốc tế cao nhất (trên 85%) là y tế công cộng, y học lâm sàng, y sinh học, và khoa học xã hội. Nhưng các lĩnh vực như hoá học và kĩ thuật cũng có tỉ lệ hợp tác quốc tế khá cao.

Bảng 2: Tỉ trọng (%) hợp tác quốc tế trong các bài báo khoa học của Việt Nam (2001 - 2015)

Lĩnh vực nghiên cứu  
2001-2005
2006-2010
2011-2015
Tính chung 2001-2015
Tất cả các lĩnh vực  
79.2
78.7
76.1
77.0
Toán học
40.0
42.5
42.5
41.2
Vật lí
71.7
68.3
68.4
68.8
Hoá học
89.8
83.2
75.5
78.9
Kĩ thuật và công nghệ
76.8
77.2
73.1
74.3
Khoa học trái đất  
88.8
91.3
90.5
90.2
Y học lâm sàng
91.8
90.7
89.6
90.6
Y tế công cộng
95.4
92.5
92.2
93.8
Y sinh học
95.7
94.6
85.3
89.4
Khoa học xã hội
78.9
75.7
78.9
90.4
Kinh tế
63.3
70.7
67.5
67.9

Phân tích chi tiết hơn (Biểu đồ 4) cho thấy các nhà khoa học Việt Nam hợp tác với đồng nghiệp của hơn 150 quốc gia trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, nhiều nhà khoa học của 5 nước cùng hợp tác trong một dự án, và có vài trường hợp nghiên cứu vật lí có hơn 100 quốc gia tham gia (kể cả Việt Nam). Nhìn chung, Việt Nam có xu hướng hợp tác với các nước phương Tây (Biểu đồ 4). Mười nước Việt Nam có hợp tác nhiều nhất là Mĩ (2416 bài), Nhật (2283), Hàn Quốc (1955), Pháp (1887), Anh (1392), Úc (1384), Đức (1321), China (1183), Hà Lan (913) và Thái Lan (747). Hai nước Nga và Na Uy cũng có hợp tác nhưng số lượng thấp hơn các quốc gia vừa kể.

 

Biểu đồ 4: Biểu đồ mạng về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam (2001-2015). Đường biểu diễn càng dày có nghĩa là số bài báo khoa học hợp tác giữa Việt Nam và nước đó càng cao.

Một điểm đáng chú ý là có sự thay đổi trong xu hướng hợp tác với các quốc gia. Trong thời gian 2001-2005, số ấn phẩm quốc tế có tác giả Nhật đứng đầu bảng (với 342 bài), kế đến là Mĩ (282) và Pháp (282). Nhưng 10 năm sau (2011-2015), hợp tác với Mĩ đứng đầu bảng (với 1570 bài), kế đến là Hàn Quốc (1316), Nhật (1244), và Pháp (1128). Hợp tác nghiên cứu với Úc và Anh có tăng trưởng trong thời gian 10 năm qua, nhưng tốc độ vẫn thấp hơn so với Mĩ và Hàn Quốc (Bảng 3).


Bảng 3: Mười quốc gia có hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam thể hiện qua công bố quốc tế trong thời gian 2001-2015.

Quốc gia
2001-2005
2006-2010
2011-2015
Tổng số
282
564
1570
2416
Nhật
342
697
1244
2283
Hàn Quốc
147
492
1316
1955
Pháp
282
477
1128
1887
Anh
171
336
885
1392
Úc
142
366
876
1384
Đức
125
276
920
1321
Peoples R China
81
220
882
1183
Hà Lan
99
235
579
913
Thái Lan
94
224
429
747
Nga
48
93
570
711
Na Uy
6
37
84
127

Chất lượng nghiên cứu

Rất khó đánh giá chất lượng nghiên cứu, nhưng hai chỉ số được giới khoa học sử dụng thường xuyên là chỉ số trích dẫn và hệ số tác động của tập san. Một công trình nghiên cứu sau khi công bố nếu có chất lượng tốt thường được trích dẫn cao hơn những công trình kém chất lượng. Thời gian trích dẫn có thể khác biệt giữa các lĩnh vực nghiên cứu, nhưng nhiều nghiên cứu về trích dẫn cho thấy khoảng thời gian 5 năm là cần thiết cho một công trình khoa học được chú ý và trích dẫn. Do đó, trong bài này, tôi chọn những bài báo công bố trong thời gian 2006 - 2010, và tính chỉ số trích dẫn cho đến năm 2015.

Tính chung, chỉ số trích dẫn trung bình (tính bằng số trung vị) của các bài báo khoa học VN là 6. Một phần tư các bài báo có chỉ số trích dẫn bằng 1. Ba phần tư các bài báo có chỉ số trích dẫn 6 hoặc thấp hơn. Có 18% trong số 4776 bài báo chưa bao giờ được trích dẫn 5 năm sau đó. Trong số những bài chưa bao giờ được trích dẫn, 28% là từ các lĩnh vực toán học, 21% từ các bài báo về kĩ thuật và công nghệ, và 14% từ các bài báo ngành vật lí.

Bảng 3 trình bày chỉ số trích dẫn (dùng số trung bình) cho các công trình "thuần Việt" và công trình có hợp tác quốc tế. Tính chung cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, chỉ số trích dẫn của các bài báo có hợp tác quốc tế (16.4) cao gấp 3 lần so với những bài báo thuần Việt (chỉ số trích dẫn trung bình 5.2).

Kết quả phân tích theo lĩnh vực nghiên cứu cho thấy ngoại trừ khoa học xã hội, trong tất cả các lĩnh vực khác, bài báo có "yếu tố quốc tế" đều có chỉ số trích dẫn cao hơn bài báo thuần Việt. Chẳng hạn như trong lĩnh vực y học lâm sàng, chỉ số trích dẫn của các bài báo thuần Việt là 7.74, nhưng bài báo có hợp tác quốc tế có chỉ số trích dẫn cao hơn 3.1 lần. Cần nhắc lại rằng 91% bài báo y học lâm sàng là có hợp tác quốc tế. Ngay cả trong lĩnh vực toán học, bài báo có hợp tác quốc tế vẫn có chỉ số trích dẫn cao gấp 2.4 lần so với bài báo thuần Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các bài báo có hợp tác quốc tế (chiếm 68% tổng số) có chỉ số trích dẫn cao gấp 4.5 lần so với bài báo thuần Việt.

Bảng 3: Chỉ số trích dẫn trung bình cho những bài báo công bố trong thời gian 2006-2010 phân chia theo lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Lĩnh vực nghiên cứu  
Bài báo "thuần việt"
Bài báo có hợp tác quốc tế
Tỉ số so sánh
Toán học
4.36
10.23
2.35
Vật lí
5.40
14.68
2.72
Hoá học
7.32
11.71
1.60
Kĩ thuật và công nghệ
6.07
14.82
2.44
Khoa học trái đất 
13.17
24.06
1.83
Y học lâm sàng
7.74
24.21
3.12
Y tế công cộng
7.93
16.55
2.09
Y sinh học
8.87
20.04
2.26
Khoa học xã hội
10.17
8.58
0.84
Kinh tế
2.15
9.78
4.55


Một chỉ số khác để đánh giá chất lượng nghiên cứu là qua chỉ số tác động (impact factor, IF) của tập san khoa học. Giả định đằng sau chỉ số này là công trình nghiên cứu có chất lượng cao, tác giả thường chọn tập san có IF cao để công bố. Những công trình công bố trên các tập san có IF cao cũng thường có chỉ số trích dẫn cao, tuy không phải là qui luật bất định. Chỉ số tác động IF dù bị chỉ trích nhiều (và chỉ trích đúng) nhưng vẫn là một trong những thước đo đơn giản mà các đại học và cơ quan quản lí khoa học dùng để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.

Biểu đồ 5 trình bày chỉ số IF trung bình trong thời gian 2001 - 2015 của các bài báo khoa học từ Việt Nam. Tính chung, đa số các bài báo khoa học Việt Nam được công bố trên các tập san có IF thấp. Năm 2001, số trung vị IF của các bài báo khoa học từ Việt Nam là 1.897; năm 2006, 1.970; năm 2010, 1.982; và 2015, 1.897. Kết quả này cho thấy tính trên chỉ số IF, chất lượng khoa học Việt Nam không thay đổi đáng kể trong thời gian 15 năm qua.

Biểu đồ 5: Chỉ số tác động (impact factor) trung bình của những tập san khoa học công bố những bài báo khoa học từ Việt Nam.

Tuy nhiên, Biểu đồ 5 còn cho thấy chỉ số IF của một số ngành đã giảm khá rõ rệt. Chẳng hạn như ngành toán, chỉ số IF trung bình trong những năm 2009-2012 là từ 1.05 đến 1.28, nhưng tính từ 2009 đến 2015 thì chỉ số này giảm xuống trong khoảng 0.84 đến 0.94. Tương tự, nghiên cứu trong lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ cũng giảm về chỉ số IF, từ 2.13-2.21 trong thời gian 2010-2011 xuống còn 1.89 trong thời gian 2012-2015. Ngược lại với ngành toán và kĩ thuật, nghiên cứu vật lí có xu hướng tăng chỉ số IF, từ 1.97 trong những năm 2006-2010 tăng lên 2.18-2.22 trong những năm 2011-2015. Các lĩnh vực khác như hoá học, y học lâm sàng, y sinh học, v.v. thì không có một sự biến chuyển đáng kể về IF.

Vài nhận xét

Nhà nước đã và đang tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học, nhưng hiệu quả của đầu tư chưa được đánh giá một cách đầy đủ và có hệ thống. Vì một trong những "sản phẩm" quan trọng của nghiên cứu khoa học, bất kể là khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng, là bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, nên một cách đánh giá đầu tư là qua phân tích công bố quốc tế. Trong bài này, tôi đã trình bày kết quả phân tích công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian 2011-2015, và những kết quả này đã cung cấp một "bức tranh" chung về sự tăng trưởng của hoạt động khoa học về lượng, nhưng chưa có một sự biến chuyển đáng kể về chất. Một khía cạnh toát lên từ kết quả phân tích này là nguy cơ lệ thuộc nước ngoài về nghiên cứu khoa học vẫn còn quá cao.

Tuy số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây (17%/năm), nhưng vì điểm xuất phát thấp nên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với hai nước đang lên là Thái Lan và Malaysia, và Singapore. Thật vậy, cho đến nay, số bài báo khoa học của Việt Nam vẫn chỉ bằng 15% của Singapore và thấp hơn 1/3 của Thái Lan và Malaysia. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, có thể ước tính rằng đến năm 2030, số ấn phẩm Việt Nam cũng chỉ bằng Singapore năm 2015, và đến năm 2025 Việt Nam cũng chỉ bằng Thái Lan của năm 2015. Nói cách khác, Việt Nam tụt hậu khoảng 10 năm so với Thái Lan và 15 năm so với Singapore.

Nhưng Việt Nam có khả năng bắt kịp các nước vừa kể. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có 164744 người tham gia nghiên cứu, và trong số này có 37480 người nghiên cứu chuyên nghiệp trong các viện và trung tâm nghiên cứu.  Do đó, nếu chỉ tính trên số nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, năng suất khoa học của Việt Nam là mỗi năm cứ 13 người "sản xuất" ra được 1 bài báo khoa học trên các tập san ISI. Nhưng chỉ cần con số này giảm xuống 5 người thì Việt Nam đã có số ấn phẩm tương đương với Thái Lan.

Một trong những chiến lược để nâng cao năng suất khoa học là tái tổ chức các labo nghiên cứu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhà khoa học có năng suất cao thường làm việc theo nhóm nhỏ (khoảng 5-10 nhà khoa học) trong một labo chuyên ngành. Mỗi labo do một nhà khoa học có uy tín quốc tế đứng đầu. Một trường đại học có thể có nhiều labo, và cùng chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất nghiên cứu với nhau. Trong một hệ thống ngang như thế, năng suất khoa học sẽ tăng cao rất nhanh. Kinh nghiệm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân (có khoảng 20 labo) cho thấy với tổ chức chặt chẽ và tiêu chuẩn khoa học minh bạch cùng hệ thống quản lí trao quyền tự chủ cho nhà khoa học, năng suất khoa học và chất lượng nghiên cứu cải tiến rất nhanh. Cho đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã trở thành một trong 5 trường/viện có công bố quốc tế cao nhất nước (sau Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Việt Nam Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội). Số công trình của Trường đã tăng gấp 12 lần so với 5 năm trước. Tất cả (100%) công trình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là do tác giả của Trường làm tác giả chính.

Số lượng công trình khoa học chỉ phản ảnh mức độ hoạt động, chứ không nói lên chất lượng khoa học, vốn còn quan trọng hơn cả số lượng. Người ta đánh giá nhà khoa học không phải qua số lượng, mà qua chất lượng nghiên cứu khoa học; tương tự, đánh giá hoạt động khoa học của một quốc gia không thể nào bỏ qua chất lượng. Nhưng chất lượng nghiên cứu là một khía cạnh rất khó định lượng. Cách tốt nhất là đọc mỗi bài báo và đánh giá, nhưng cách làm nay phi thực tế và cũng không khách quan. Do đó, giới nghiên cứu nghiên cứu khoa học dùng các chỉ số gián tiếp như chỉ số tác động và tần số trích dẫn để đánh giá chất lượng khoa học.

Kết quả phân tích trình bày cho thấy đại đa số các công trình nghiên cứu của Việt Nam hay xuất phát từ Việt Nam được công bố trên các tập san có chỉ số tác động thấp. Thật vậy, trong hầu như tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, các công trình khoa học của Việt Nam xuất hiện trên các tập san có chỉ số tác động dưới trung bình (sau khi hiệu chỉnh cho lĩnh vực nghiên cứu). Chẳng hạn như 75% các bài báo lĩnh vực vật lí và kĩ thuật xuất hiện trên tập san có chỉ số tác động thấp hơn 2.8. Một số lĩnh vực nghiên cứu có xu hướng tăng chỉ số tác động, nhưng một số lĩnh vực có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh thì chưa có một sự biến chuyển đáng kể trong thời gian 15 năm qua.

Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam chịu áp lực nặng từ các cơ quan tài trợ về công bố quốc tế. Không quá khó hiểu khi nhà tài trợ đòi hỏi nhà khoa học phải có "sản phẩm", và sản phẩm cụ thể nhất là bài báo khoa học. Nhưng vì tầm nhìn chưa được xa, nên các cơ quan tài trợ thường đòi hỏi phải có bài báo khoa học sớm nhất, trong vòng 2 năm hay thậm chí 1 năm sau khi được tài trợ. Đối với một số lĩnh vực thì đòi hỏi đó có lẽ không quá đáng, nhưng đối với các lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm thời gian 1 năm sau tài trợ để có bài báo khoa học là phi thực tế. Một công trình nghiên cứu có phẩm chất cao cần một thời gian dài (thường hơn 1 năm) để có thể thu thập được dữ liệu để công bố. Nhưng trước áp lực công bố như thế, giới khoa học phải chọn chủ đề nghiên cứu đơn giản hoặc chủ đề "mì ăn liền" để có bài báo nhanh. Trong những trường hợp như thế thì bài báo sẽ không bao giờ có cơ may xuất hiện trên các tập san có chỉ số IF cao và cũng khó có thể thu hút sự chú ý của đồng nghiệp quốc tế. Điều này đòi hỏi ở cơ quan tài trợ phải có tầm nhìn xa và rộng, chứ không phải chỉ hạn hẹp trong vòng 1-2 năm.

Một xu hướng thú vị là các công trình có hợp tác quốc tế có chỉ số trích dẫn cao và được công bố trên các tập san có chỉ số tác động cao. Xu hướng này thật ra cũng phù hợp với và từng được ghi nhận ở các nước đang phát triển. Khi phân tích chỉ số trích dẫn theo hợp tác quốc tế và vai trò của tác giả, một xu hướng rất thú vị khác xuất hiện. Những công trình có hợp tác quốc tế và tác giả chính là người nước ngoài có chỉ số trích dẫn cao nhất. Kế đến là những công trình hợp tác quốc tế nhưng tác giả chính là người Việt Nam. Những công trình không có hợp tác quốc tế (tức "thuần Việt") có chỉ số trích dẫn thấp nhất. Xu hướng này hiện hữu gần như trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu (Biểu đồ 6).

 
Biểu đồ 6: Chỉ số trích dẫn phân tích theo lĩnh vực nghiên cứu (toán, vật lí, hoá, kĩ thuật và công nghệ, khoa học trái đất, y học lâm sàng, y tế công cộng, y sinh học, khoa học xã hội, và kinh tế). Mỗi lĩnh vực được phân tích theo ba nhóm: nhóm 1 là bài báo có hợp tác quốc tế và tác giả chính là người nước ngoài (IC.IA); nhóm 2 là bài báo có hợp tác quốc tế và tác giả chính là người trong nước (IC.VN); và nhóm 3 là bài báo "thuần Việt".

Tại sao công trình nghiên cứu hợp tác quốc tế có chất lượng cao? Hợp tác với các đồng nghiệp từ các nước đã phát triển có nhiều lợi thế. Họ có thể giúp đồng nghiệp trong nước chọn chủ đề nghiên cứu thích hợp, chủ đề mà cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm; họ có thể đóng góp quan trọng về kĩ năng chuyên môn; họ cũng có thể nâng cao phẩm chất khoa học qua ứng dụng các công nghệ hiện đại. Ngoài ra, các đồng nghiệp thành danh ở nước ngoài có uy tín để gửi công trình Việt Nam đến những tập san có tác động cao. Do đó, những công trình hợp tác có chỉ số tác động cao hơn hay chỉ số trích dẫn nhiều hơn các công trình thuần Việt là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, hợp tác khoa học cũng có khi phải trả một cái giá về tự chủ. Các chuyên gia quản lí khoa học thường xem một tỉ lệ hợp tác cỡ 80% hay cao hơn là "lệ thuộc". Nếu dùng tiêu chuẩn này, kết quả phân tích trong bài này cho thấy đa số các lĩnh vực nghiên cứu của Việt Nam (như hoá học, Khoa học Trái Đất, Y học lâm sàng, Y sinh học, Y tế công cộng) có thể xem là đang trong tình trạng lệ thuộc. Và, đó là một điều đáng quan tâm vì sau hơn 25 năm hợp tác quốc tế tình hình vẫn chưa có biến chuyển tích cực, và điều này có thể nói lên rằng "nội lực" khoa học Việt Nam trong những lĩnh vực vừa kể còn thấp.

Tóm lại, những phân tích về công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian 2001 – 2015 cho thấy hoạt động khoa học đã tăng nhanh (trung bình 17% / năm), nhưng phần lớn sự tăng trưởng là do hợp tác quốc tế chứ không phải do nội lực. Một khía cạnh đáng quan tâm khác là chất lượng khoa học vẫn chưa tăng, nếu không muốn nói là giảm nhẹ ở một số lĩnh vực nghiên cứu. Những kết quả này có thể làm nền tảng để chúng ta phải suy nghĩ lại về chiến lược nghiên cứu khoa học và tổ chức hoạt động khoa học cấp vi mô và vĩ mô để đạt được một sự tăng trưởng tốt hơn và bền vững hơn trong tương lai.


Chú thích:

(1) Nguyen TV, Pham LT. Scientific output and its relationship to knowledge economy: an analysis of ASEAN countries. Scientometrics2011;89:107-117.

(2) Dữ liệu trình bày trong bài này được trích từ cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) của ISI Thomson. WoS bao gồm 11762 tập san khoa học có bình duyệt. Tất cả các bài báo nguyên thuỷ (original papers) công bố trong thời gian 2001 đến 2015 được tải về máy tính, và phân tích bằng chương trình máy tính R.

(3) Bản tiếng Anh của bài này đã được công bố trên tập san Scientometrics 12/2016 


Dịch vụ SEO