GS Phạm Hoàng Hộ (1929-2017)


Mới nhận được một tin buồn: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã qua đời ở Montréal hôm 29/1/2017. Trước 1975, ông từng là một giáo sư danh tiếng của Đại học Khoa học, người sáng lập và Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, và Tổng trưởng (bộ trưởng ngày nay) Bộ Giáo Dục VNCH.


 
GS Phạm Hoàng Hộ (1929-2017)

Gs Phạm Hoàng Hộ là người miền Tây. Ông sinh năm 1929 (nhưng vài chỗ ghi năm 1931, xem comment phía dưới) ở Cái Khế, Cần Thơ. Ông theo học ở Collège de Can Tho (Cao đẳng Cần Thơ), sau đó đi Pháp học trung học, và Đại học Sorbonne (Pháp) và hình như tốt nghiệp agrégé ở Sorbonne vào cuối thập niên 1950. Về nước, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Hải Dương học ở Nha Trang, và từ nghiên cứu thực địa (về rong, tảo), ông đệ trình luận án tiến sĩ vào năm 1961.

Sau này, ông được bổ nhiệm làm khoa trưởng Đại học Sư Phạm Sài Gòn, nhưng ông từ chức để phản đối vụ kì thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông còn tham gia chấp chính trong vai trò Tổng trưởng Bộ Giáo Dục VNCH một thời gian ngắn (1964). Ông chính là người sáng lập ra Đại học Cần Thơ vào năm 1966 (thời đó gọi là Viện Đại học Cần Thơ), và ông được bổ nhiệm làm viện trưởng đầu tiên (1). Không biết ĐH Cần Thơ ngày nay có phòng truyền thống lưu giữ công trạng này của ông?

Năm 1970 ông từ chức Viện trưởng và mời Gs Nguyễn Duy Xuân (2) về đảm nhận chức đó. Ông về Sài Gòn nhậm chức giáo sư thuộc Đại học Khoa học, và tại đây ông có những công trình nghiên cứu có giá trị lâu dài. Một trong những công trình quan trọng nhất còn lưu danh cho đến ngày nay là "Cây cỏ Việt Nam" (3) và "Cây có vị thuốc ở Việt Nam". Trong hai công trình đó, ông liệt kê và mô tả hơn 10,000 loài cây có mặt ở Việt Nam! Hai công trình này được hoàn tất gần 50 năm trước, nhưng giá trị vẫn còn nguyên, và sẽ là đề tài để giới khoa học khai thác trong tương lai bằng những phương pháp hiện đại.

Sau năm 1975, ông được "lưu dụng" và có chức vụ hẳn hoi (4), nhưng không lâu sau đó ông rời Việt Nam. Năm 1984 ông sang Pháp, rồi từ Pháp sang Canada định cư. Bất cứ ai từng gặp ông (và tôi từng gặp ông) đều thấy ông là một nhà giáo mẫu mực, một nhà sư phạm nho nhã, một nhà khoa học điểm đạm và khiêm tốn, một người "miền Tây chánh hiệu".

Đóng góp của Gs Phạm Hoàng Hộ cho khoa học Việt Nam là rất lớn, nhưng tiếc rằng Nhà nước hiện nay chưa ghi nhận công trạng của ông một cách thích hợp. Nhưng có lẽ ông cũng chẳng cần ghi nhận từ Nhà nước, vì thế giới khoa học chân chính ở trong và ngoài nước lúc nào cũng xem ông là một người Thầy mở đường cho khoa học thực vật Việt Nam.

---

(1) Hai trí thức vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ là Bs Lê Văn Thuấn và Gs Phạm Hoàng Hộ. Người kí sắc lệnh thành lập là ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp.

(2) Gs Nguyễn Duy Xuân cũng là người miền Tây, và chính ông là người đưa cách học theo tín chỉ (credit) đầu tiên vào VN tại Viện Đại học Cần Thơ.

(3) Bộ sách "Cây cỏ Việt Nam" có ở đây:
http://www.mediafire.com/folder/grpmu9awg5toc/C%C3%A2y_c%E1%BB%8F_VN_-_Ph%E1%BA%A1m_Ho%C3%A0ng_H%E1%BB%99

(4) Trong sách "Bên thắng cuộc" (Chương VI), Huy Đức có viết về giới trí thức miền Nam thời sau 1975, trong đó có đoạn viết về Gs Phạm Hoàng Hộ. Trích vài đoạn đọc cho biết (tôi chua thêm tiêu đề cho dễ theo dõi):

Bối cảnh chung thời đó: ganh tị

Nhiều trí thức Sài Gòn cũ, không phải vô cớ, đã trở thành thuyền nhân. Con đường để họ phấn đấu trở thành “con cưng” của chế độ mới không hề bằng phẳng. Họ vừa có thể bị khinh rẻ bởi các đồng nghiệp cũ, vừa bị kỳ thị bởi các “trí thức xã hội chủ nghĩa” vừa từ miền Bắc vô, vừa bị bế tắc bởi môi trường làm việc thiếu thốn và không được chế độ mới hoàn toàn tin cậy.

Khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm tới các trí thức Sài Gòn cũ bằng cách trợ cấp thêm mỗi tháng mấy lít xăng, mấy chục ký gạo, một ít than củi, nhưng lại không thể giúp họ phá vỡ những bứcbách để có thể làm những điều mà người trí thức mong muốn. Vậy mà theo ông Võ Văn Kiệt: “Một số trí thức từ miền Bắc vào hoặc đi tập kết về than phiền, ‘Thành ủy nuôi mấy ông cũ, tụi này heo nuôi’. Anh em ở ngoài vô cũng đòi tái đánh giá để cấp bằng lại đối với những trí thức trong Nam, kể cả những người đã làm tiến sỹ ở Pháp, Mỹ”.

Những ngày ấy, tiến sỹ học ở Liên Xô về được tính hệ số 1, tiến sỹ ở Pháp được tính hệ số 0,9, còn tiến sỹ ở Mỹ thì chỉ được tính hệ số 0,8. Trong đợt đầu, một người từng lấy bằng tiến sỹ ở Mỹ, từng được phong giáo sư trước năm 1975 nhưông Chu Phạm Ngọc Sơn cũng chỉ được nơi ông giảng dạy đề nghị phong phó giáo sư299. Ông Chu Phạm Ngọc Sơn kể: “Nhà tôi, năm 1954 di cư từ Bắc vô, rất sợ, vì đang là trưởng Phòng Xét nghiệm của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Giải phóng vô nói bả là giai cấp áp bức phải giao lại chức cho người khác không có chuyên môn lên thay. Cái bàn cũng không có ngồi mà bả không dám kêu ca gì cả”.

Không có "khoa học chào mừng"

Sau ngày 30-4-1975, Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà chuyên môn hợp tác toàn diện với chế độ. Ông và một số nhà khoa học khác thường không câu nệ khi nhận các đơn đặt hàng thực hiện những công trình “khoa học” phục vụ nhu cầu chính trị. Theo Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Báu: “Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’. Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”.

Gs Phạm Hoàng Hộ

"Giáo sư Phạm Hoàng Hộ tuy ở thời điểm đó vẫn còn là hiệu phó Đại học Khoa học, nhưng theo ông Báu: “Đấy chỉ là một chức vụ bù nhìn, không có vai trò gì trong giáo dục”. Giáo sư Hộ là hiệu phó nhưng không phải đảng viên, nên khi có vấn đề gì thì những người trong Đảng họp riêng, quyết định xong, có việc nói vớiông, có việc ông không bao giờ được biết. Từ rất sớm, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã phản đối cách đào tạo đưa thời gian học chính trị quá nhiều vào chương trình. Ông cảnh báo: “Nếu chính trị can dự quá mạnh, các nhà khoa học sẽ mất căn bản”.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ nói lên điều này sau khi chính ông đã được trải nghiệm trong những ngày học chính trị. Năm 1977, một lớp học kéo dài mười tám tháng về “Chủ nghĩa xã hội khoa học” dành riêng cho các trí thức miền Nam đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Võ Ba, người tham gia tổ chức lớp học này, kể: “Chính quyền tưởng rằng sau lớp học sẽ có được một tầng lớp trí thức của chế độ cũ yêu mến và phụng sự chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu như Marxism đã từng được các trí thức miền Nam quan tâm như là một môn khoa học thì giờ đây họ lại nghe những giảng sư miền Bắc nói về Marx hết sức giáo điều. Chưa kể, những người đứng lớp còn rao giảng với tư thế của người chiến thắng, tự tôn, tự đắc”. Những đảng viên tham gia lớp học như ông Võ Ba cũng thừa nhận: “Trước giới trí thức Sài Gòn, chính quyền đã thất bại ngay trong lần trình diễn đầu tiên”.

Một thời gian sau, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trả lại chức hiệu phó. Trường sợ mang tiếng không nhận, ông khóa phòng, giao chìa khóa, tự chấm dứt vai trò “chim kiểng” của mình. Theo ông Võ Văn Kiệt, Thành ủy vẫn để Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hàng năm sang Pháp dạy học. Trong một lần đi Pháp, ông ở lại luôn bên đó rồi viết thư về cho ông Kiệt nói rằng, công việc nghiên cứu nhiều, ông cần phải ở nơi có phương tiện cho ông làm việc, khi nào đất nước thực sự cần, ông sẽ về.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO