Vậy là chúng ta đã xong chương trình workshop 4 ngày về viết và xuất bản khoa học (scientific writing and publication), và hội thảo 1 ngày về ứng dụng di truyền học (applied genetics) tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tôi nghĩ cái câu mà người ta hay dùng, "thành công tốt đẹp", có thể sử dụng ở đây. Xin cám ơn các bạn, các đồng nghiệp từ các miền Nam, Trung, Bắc đã tham dự một cách hào hứng và đóng góp vào sự thành công của hai chương trình tập huấn.
Thoạt đầu, Trường hi vọng ghi danh 80-100 người (vì hội trường chỉ hạn chế như thế), nhưng con số sau cùng là 145. Đó là một sự "vượt chỉ tiêu" ngoài kì vọng, nhưng cũng nói lên sự ủng hộ của các bạn. Tôi rất vui khi gặp lại các đồng nghiệp và các bạn cũ từ các khoá học trước, kể cả khoá học ở Kiên Giang vào tháng 7 vừa qua. Tôi cũng hân hạnh có dịp làm quen với nhiều bạn mới từ Bắc chí Nam.
Tôi nghĩ đa phần là các bạn đến vì nhu cầu học hỏi, nhất là cái qui chế phải có bài báo công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ mà người ta đang bàn hiện nay. Nhưng các bạn đến cũng có lẽ một phần là vì tôi, chẳng hạn như nghe tôi kể chuyện đời. Quả thật, có vài lớp học trước đây có vài bạn đã nghỉ hưu, nhưng vẫn đến để nghe tôi nói chuyện khoa học và chuyện bên ngoài. Dù đến với động cơ nào thì tôi cũng cảm kích và cám ơn các bạn và các đồng nghiệp.
Tôi phải nói là rất phấn khích khi thấy các bạn thảo luận hết sức hào hứng. Bây giờ thì các bạn đã biết và thấy viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh khó khăn như thế nào. Các bạn cũng đã thấy xuất bản một bài báo khoa học gian nan ra sao, và các bạn đã thấy tập san New England Journal of Medicine đã từ chối bài báo của tôi! Nhưng tôi tin rằng các bạn đã nắm lấy nhiều kĩ năng quan trọng để viết bài báo khoa học trong tương lai. Cũng như mấy khoá trước, tôi hi vọng rằng nay mai sẽ có nhiều bài báo được công bố từ khoá học này.
Ngày hôm nay (18/11), chúng ta cũng đã hoàn tất chương trình hội thảo về ứng dụng di truyền học trong nghiên cứu và thực hàng lâm sàng. Tôi xin nhắc lại cái ý chính là: chúng ta đang ở trong thời vàng son (golden age) của di truyền học. Qua bài nói chuyện của Thomas Klemm các bạn đã thấy công nghệ di truyền học nằm trong tay chúng ta, và giá rất "phải chăng". Các bạn cũng đã biết cách thiết kế để khám phá gen. Các bạn đã thấy các đồng nghiệp khác ứng dụng di truyền học trong lâm sàng ra sao. Bây giờ là lúc chúng ta phải dần dần xoá bỏ cái mô hình nghiên cứu cũ, nghiên cứu theo kiểu dịch tễ học hay y tế công cộng, và tiến đến mô hình chuyên sâu hơn, có giá trị hơn, và mang tính khám phá hơn.
Xin cám ơn các bạn và đồng nghiệp đã đến chia sẻ. Đặc biệt, tôi cám ơn các bạn sau đây: PGS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Quốc tế), PGS Phạm Nguyễn Vinh (Bệnh viện Tâm Đức), PGS Nguyễn Thi Hùng (FV), BS Nguyễn Vạn Thông (Bv Hùng vương), BS Thục Lan (Bệnh viện 115), BS Kim Huệ (Bệnh viện Nhi Đồng), BS Diễm Thuý (, BS Quế Mai (CGRH, ĐHQG HCM), BS Hồ Mạnh Tường (CGRH, ĐHQG HCM), Thomas Klemm (Illumina), BS Thanh Hương (ĐH Y Hà Nội). Không có các bạn thì workshop này không thể thành công. Chúng ta sẽ còn gặp lại vào năm tới với nhiều đề tài về genetics hay hơn nữa! Tôi hứa.
Tôi chân thành cám ơn các nhà tài trợ. Xin cám ơn các công ti Boehringer-Ingelheim, Novartis, Janssen, Pfizer, Biomedic và Illumina, và SISC đã tài trợ và giúp đỡ hai workshop. Tôi cũng chân thành cám ơn các bạn trong Phòng Đào Tạo của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức hai workshop. Nếu tôi quên ai, tôi xin lỗi trước, và xin các bạn nhắc nhở nhé.
Khoá học "Scientific Writing and Publication" cũng có vài "hic-cup". Như các bạn thấy, hội trường thì nhỏ, ghế được thiết kế không tốt (chắc là lâu rồi), và ban tổ chức phải dùng ghế xếp, và tôi xin lỗi các bạn vì không thể làm cách nào khác hơn. Hệ thống âm thanh thì "cà tàng", nhưng may mắn là phòng nhỏ nên có khi cũng chẳng cần cái microphone. Nói chung thì phần logistics cần phải cải tiến, và tôi nghĩ Trường cũng đã rút kinh nghiệm.
BS Nguyễn Vạn Thông của BV Hùng Vương nói về sàng lọc bệnh thalassemia.
Thomas Klemm (Illumina) trình bày những công nghệ mới trong di truyền học, kể cả GWAS. Rất vui khi thấy anh ấy đem Viện Garvan của tôi ra làm điểm nhấn.
PGS Phạm Nguyễn Vinh nói về các bệnh tim mạch mang tính di truyền, nhiều ca rất hay!
Bs Kim Huệ đang trình bày một ca tiểu đường với đột biến dạng missense rất thú vị (và điều trị thành công). Coi nhỏ bé vậy, nhưng rất thông minh. Em ấy nói là đã theo dõi blog tôi từ thời còn là sinh viên.
Quế Mai trình bày về những ứng dụng di truyền học trong nam sinh. Chẳng hiểu sao ai cũng đọc sai tên của em ấy. Thay vì tên đẹp là Quế Mai, người ta đọc là "Mai Quế"!
TB 1: Mới viết xong thì đọc được email sau đây:
"Em là [...] học khoá viết báo và công bố quốc tế của thầy. Em viết email này để cảm ơn những bài giảng tâm huyết và những câu chuyện truyền cảm hứng của thầy trong những ngày qua. Những buổi học đó thực là những tích luỹ vô giá, đã giúp em mở mang tầm mắt rất nhiều. Sau đợt học này, em sẽ vào việc ngay để chuẩn bị cho bài báo tốt nghiệp USYD của mình. Rất mong sẽ có dịp được gặp lại thầy ở Sydney cũng như ở Việt Nam trong thời gian tới."
OK, cám ơn em và nhiều em ngoài Bắc đã "lặn lội" vào đây. Lần sau có thể chúng ta sẽ gặp ngoài Hà Nội.
TB 2: Trước hôm khai mạc chương trình workshop tôi có cơ duyên đến nói chuyện với các bạn (tạm gọi là "trẻ") trong nhóm IBSG tại ĐHYD. Tôi suy nghĩ nói về một chủ đề thời sự, nhưng các bạn ấy kêu tôi nói về ứng dụng thống kê trong y sinh học. Tôi nghĩ mãi là mình phải nói cái gì mới và làm cho các bạn ấy lên tinh thần. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra đề tài để nói: "Scientific discovery through statistics".
Tôi nói rằng thống kê học là một cách suy nghĩ, là một phương tiện cho khám phá khoa học, và là một công cụ để chuyển hoá dữ liệu thành tri thức. Tôi trình bày hàng loạt ví dụ để minh hoạ cho 3 ý trên. Từ khám phá gen, khám phá hạt Higgs Boson, đến các ý tưởng trong nghiên cứu lâm sàng, v.v. đều xuất phát từ những cái mà tôi gọi là "statistical thinking". Thinking cái gì? Theo tôi là suy nghĩ theo công thức CAP, tức là classification/clustering (phân loại), association/relation (liên quan), và prediction (tiên lượng). Đó cũng chính là 3 mục tiêu của nghiên cứu khoa học. Thành ra, statistical thinking là một phần không thể thiếu được trong nghiên cứu khoa học. Tôi đã upload bài nói chuyện đó lên ResearchGate; nếu các bạn không có dịp đến nghe thì có thể theo dõi qua những slides.
Chụp hình lưu niệm cùng các bạn trong IBSG 13/11/16
TB 3: Trong chuyến đi này tôi có một cơ duyên hiếm hoi. Tôi gặp ... thủ tướng! Số là nhân một ngày rảnh trước khoá học, tôi được mời đến dự buổi tiếp kiến với thủ tướng. Phải qua mấy vòng an ninh và cả kiểm tra lí lịch mới được nghe những cao kiến của nhiều bậc trí thức bàn về tình hình phát triển đất nước và Sài Gòn. Tôi chẳng có cao kiến gì, nên chỉ lắng nghe. Đến cuối buổi gặp mặt, ông thủ tướng đến nơi tặng quà, và vậy là tôi có dịp nói một vài câu cùng nhận món quà (là bộ tách uống trà).
Món quà của thủ tướng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét