Nước mắm và arsenic: suy nghĩ lại!

Mấy ngày gần đây tin nước mắm nhiễm arsenic dậy sóng trên mặt báo. Nhiều báo, kể cả Tuổi TrẻDân Trí (1), cho biết 67% mẫu nước mắm chứa thạch tín vượt mức cho phép. Nhưng tôi nghĩ sự thật chắc không đơn giản như thế. Chỉ cần xem qua vài số liệu sơ khởi, kết quả được trình bày tên báo chí là rất bất bình thường. 



Tin về nước mắm nhiễm arsenic là xuất phát từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) (2). Vinastas cho biết họ lấy 150 mẫu nước mắm từ 19 tỉnh thành thuộc 3 miền. Kết quả là 101 mẫu (tức 67%) có nồng độ arsenic cao hơn 1 mg/L, nồng độ an toàn mà ai đó (Bộ Y tế) xác lập. Con số này làm rất nhiều người quan tâm. Nhưng tôi thấy có 4 vấn đề trong kết luận này:

Thứ nhất là chúng ta không biết họ lấy mẫu ra sao. Nước mắm được chế biến từ nhiều loại cá, và mỗi loại cá có nồng độ "arsenic tự nhiên" khác nhau. Cho nên nếu lấy không đúng phương pháp và không mang tính đại diện thì sẽ khó diễn giải kết quả.

Thứ hai là chúng ta không biết họ dùng phương pháp phân tích nào. Theo tôi biết, phương pháp chuẩn là HPLC, nhưng rất đắt tiền. Với một mẫu, nhưng mỗi phương pháp đo lường cho ra kết quả khác nhau, có khi rất khác nhau. Đó là chưa nói đến qui trình đảm bảo chất lượng trước khi phân tích đòi hỏi khá nhiêu khê, chỉ có các lab có accreditation thì mới đáng tin cậy.

Thứ ba là arsenic có độc như họ nói? Có 3 dạng arsenic: vô cơ, hữu cơ và arsine gas. Phần lớn hải sản đều có arsenic nhưng là dạng không độc hại. Chẳng hạn như một phân tích nước mắm Việt Nam và Thái Lan gần đây (3) cho thấy 82-94% nồng độ arsenic trong nước mắm là arsenobetaine, tức không độc hại. Còn các hợp chất arsenic độc hại như arsenite, arsenate, methylarsonic acid và dimethylarsinic acid (DMA) thì rất thấp (dưới 0.01 mg/L) (3). Câu hỏi đặt ra là kết quả của Vinastas về arsenobetaine là bao nhiêu? Không có con số này, chúng ta đâu thể nói nồng độ arsenic trong nước mắm là độc.

Thứ tư, và quan trọng, là kết quả của Vinastas rất khó hiểu. Phân tích nồng độ arsenic nếu lấy mẫu đại diện và nếu phương pháp phân tích chuẩn thì nồng độ arsenic thường tuân theo luật phân bố chuẩn, với độ lệch chuẩn bằng khoảng 2% trung bình.

Nhưng kết quả của Vinastas rất lạ! Trong báo cáo, họ viết: "kết quả thử nghiệm cho thấy hàm lượng Asen tổng trong các mẫu không đạt dao động từ 1-5 mg/lít." Nói cách khác 101 mẫu có nồng độ trong khoảng 1-5 mg/L, và 49 mẫu có nồng độ từ 0 đến 1 mg/L. Với các con số này, chúng ta có thể đoán rằng nồng độ trung bình của 150 mẫu là khoảng (3*101 + 0.5*49)/150 = 2.18 mg/L.

Nếu theo qui luật chung, thì độ lệch chuẩn (2% số trung bình) phải cỡ 2.18*0.02 = 0.044 mg/L. Từ kì vọng này, và nhấn mạnh là theo qui luật chung, thì chúng ta có thể mô phỏng phân bố arsenic như hình này. Theo đó, tất cả (100%) các mẫu phải có nồng độ arsenic hơn 1 mg/L (xem hình mô phỏng).


Nhưng trong thực tế thì có 67% mẫu có nồng độ arsenic cao hơn 1 mg/L. Điều này nói lên rằng phân bố arsenic trong 150 mẫu của Vinastas có độ lệch chuẩn rất cao, tức là không theo luật phân bố chuẩn, và đó là điều bất bình thường so với số liệu công bố trước đây trong y văn. 

Nồng độ arsenic không tuân theo luật phân bố chuẩn là tín hiệu cho thấy hoặc là phương pháp lấy mẫu có vấn đề, hoặc là phương pháp xác định nồng độ arsenic có quá sai số đo lường cao (?). Dù là lí do gì thì kết quả này cho thấy chúng ta khó có thể kết luận gì về nồng độ arsenic trong nước mắm Việt Nam và cách đưa tin là có vấn đề về đạo đức (4).

===



Arsenic speciation in fish sauce samples determined by HPLC coupled to inductively coupled plasma mass spectrometry
(4) Tôi thấy cách báo chí đưa tin và cách Vinastas ra thông cáo báo chí về nồng độ arsenic trong nước mắm là có vấn đề đạo đức. Trong khoa học, người ta chỉ ra thông cáo báo chí khi kết quả nghiên cứu đã qua bình duyệt và công bố trên một tập san khoa học. Công bố kết quả khi chưa qua bình duyệt (còn gọi là "cầm đèn chạy trước ô tô") là vi phạm nguyên tắc Ingelfinger. Tương tự, trong kiểm định sản phẩm tiêu dùng, người ta chỉ ra thông cáo báo chí khi kèm theo các qui trình lấy mẫu, phương pháp phân tích, và chi tiết về kết quả để các chuyên gia độc lập có thể thẩm định. Không cung cấp những thông tin khoa học như thế mà kết luận nước mắm Việt Nam độc hại thì đó là một hành động quá vội vã có thể ảnh hưởng đến cả một ngành nghề truyền thống, thương hiệu của Việt Nam, và gây hoang mang trong cộng đồng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO