Đây đó có ý kiến của các quan chức cho rằng chỉ có Bộ Y tế mới có quyền công bố về an toàn thực phẩm, chứ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) không có quyền đi lấy mẫu hàng hoá về, làm kiểm nghiệm và công bố kết quả! Tôi nghĩ tư duy này rất cũ, phản ảnh một sản phẩm của thể chế bao cấp ngày xưa.
Có thể đó là qui định ở Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ qui định đó -- nếu có -- không còn hợp lí trong xã hội dân sự nữa. Trong xã hội dân sự, tất cả các thành viên xã hội đều có quyền nghiên cứu và công bố kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Tôi tán thành nỗ lực của Vinastas, nhưng còn vấn đề kĩ thuật và khoa học thì phải bàn thêm.
Chẳng hạn như ở Úc có vài nhóm người tiêu thụ chuyên làm những kiểm nghiệm ngẫu nhiên các sản phẩm bày bán trên thị trường, và họ công bố kết quả cho cả nước biết. Họ thường hợp tác với các viện nghiên cứu hay đại học để phân tích. Tất cả đều được làm minh mạch. Một trong những nhóm làm rất hiệu quả là CHOICE (4), mỗi năm họ làm một số điều tra và công bố kết quả gây tiếng vang rất tích cực. Họ công bố và xếp hạng những sản phẩm kèm theo tên của công ti. Cách làm của họ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng hàng hoá và tạo áp lực các công ti phải làm tốt hơn. Chính phủ không hề can thiệp vào việc họ làm.
Không chỉ nhóm CHOICE, mà các nhóm khác còn thử nghiệm cả xe hơi. Họ bỏ tiền ra (hay có ai tài trợ) mua hàng loạt xe hơi, kể cả xe đắt tiền, rồi gây hiện trường tai nạn, sau đó công bố kết quả xe nào an toàn hơn xe nào. Tất cả các nhóm này không cần xin phép bất cứ công ti nào để làm kiểm nghiệm. Đó mới chính là tính độc lập.
Nhiều khi nghe và đọc các phát biểu, nhất là từ các quan chức VN, tôi thấy ... rầu. Rầu là vì họ có vẻ có những suy nghĩ cũ quá, cái gì cũng phải từ "bộ" thì mới đáng tin. Tôi tự hỏi: thế còn các đại học, các viện nghiên cứu, các chuyên gia thì sao, họ không có vai trò gì trong phản biện xã hội sao. Tôi ngạc nhiên là thời đại này, thế kỉ 21, mà hình như vẫn còn có nhiều người suy nghĩ như là thời bao cấp!
Cái suy nghĩ theo "mô hình độc quyền chân lí" đó chẳng những thiếu hợp lí mà còn nguy hiểm. Lấy gì để đảm bảo là quan điểm của các "bộ" hay các quan chức là đúng. Chỉ có tiêu chuẩn khoa học mới biết ai đúng ai không đúng. Tiêu chuẩn khoa học ở đây là qui trình lấy mẫu kiểm nghiệm, độ chính xác, độ tin cậy của phương pháp đo lường, và quan trọng nhất là tính tái lập (reproducibility). Nếu kết quả của hai nhóm độc lập giống nhau thì đó chính là đạt chuẩn khoa học. Đã đến lúc phải bỏ cái "mô hình độc quyền chân lí", và tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự độc lập có cơ hội tham gia vào việc quản trị -- và góp phần nâng cao nhận thức -- xã hội.
TB: Xin giới thiệu vài ý kiến tôi đóng góp cho chuyện này (như là một người ngoài cuộc):
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét