Người tị nạn thời nay


Hôm qua xem một phóng sự về tình cảnh của người tị nạn A Phú Hãn (Afghanistan) và Ba Tư (Iran) ở Nauru mà cảm giác buồn vui lẫn lộn, và không thể không so sánh & hồi tưởng về cái thời người Việt tị nạn bên Thái Lan và các nước Đông Nam Á vào thập niên 1980s ...


Trong mấy năm gần đây, làn sóng tị nạn từ A Phú Hãn, Ba Tư, hay các nước Hồi giáo nói chung. Thật ra, có cả một làn sóng tị nạn từ Việt Nam nữa (chủ yếu là những người đi tàu từ Nghệ An - Hà Tĩnh). Những người này đi tàu trực tiếp đến Úc. Những nhóm người Hồi giáo thì họ đi đến Nam Dương (Indonesia) trước, rồi ở đó chờ mua tàu đi thẳng qua Úc. Còn người từ Việt Nam thì đi thẳng đến Úc. Con số lên đến nhiều ngàn người. Tuy không nhiều như thời thập niên 1980s, nhưng với vài ngàn người đến thẳng Úc làm cho chính quyền lúng túng đối phó.

Cách mà Úc đối phó rất kì quặc và bị nhiều người chỉ trích. Thoạt đầu Úc lập ra lập ra các trại tị nạn trên một số đảo thuộc chủ quyền Úc để chứa người tị nạn và để sàng lọc ai là người tị nạn thật sự và ai là tị nạn kinh tế. Nhưng giải pháp này xem ra không hiệu quả khi có quá nhiều người liên tục đến Úc, nên Úc thương lượng với một số quốc đảo như Nauru và cả Cambodia để tài trợ cho các nước này, lập trại tị nạn, và nhờ họ quản lí. Nói cách khác, Úc không muốn người tị nạn đặt chân đến Úc một cách vượt rào, mà phải qua qui trình sàng lọc đàng hoàng. Một số người đấu tranh cho nhân quyền xem đó là một chính sách kì thị. Nước Úc vốn đã có tiếng là kì thị, nên với chính sách mới đối với người tị nạn thì càng mang tiếng xấu hơn.

Câu hỏi đặt ra là Úc chăm sóc người tị nạn như thế nào. Trong quá khứ đã có nhiều đoàn phóng viên Úc đến các trại tị nạn ở Nauru làm phóng sự và cung cấp cho khán giá nhiều hình ảnh về đời sống của họ trong đó. Nói chung những phóng sự này (của các đài truyền hình Úc, kể cả đài ABC của chính phủ Úc) cho thấy người tị nạn rất khổ cực, bị ngược đãi, sống trong môi trường bẩn thỉu và tù túng. Tất cả chỉ để nói lên rằng Úc là một nước ... vô cảm. Nước văn minh nhưng vô cảm và kì thị.

Nhưng phóng sự ngày hôm qua cung cấp một bức tranh khác. Theo phóng sự này thì cuộc sống của người tị nạn trên đảo Nauru có vẻ rất ... sung túc. Họ ở trong phòng riêng giống như khách sạn không sao. Phòng có máy giặt, phòng ăn, bàn ghế, giường ngủ, v.v. khá chỉnh chu, chẳng khác gì một căn hộ ở Úc! Tôi không nghĩ là có sự dàn dựng "làm cảnh" ở đây, mà là thực tế như thế. Người tị nạn không hề bị giam giữ, họ có thể hoà nhập với cộng đồng người địa phương trên đảo. Một số người tị nạn thậm chí còn mở doanh nghiệp nhỏ gần bãi biển. Nhưng cái khổ tâm của họ là chỉ sống quanh đảo, chính phủ Úc đã nói rất rõ là họ không được định cư ở Úc. Đa số đã ở Nauru 3 năm. Một số người đòi về nguyên quán, nhưng chưa biết cách giải quyết ra sao, ai sẽ là người trả tiền cho họ về quê, và nước của họ có chấp nhận họ quay lại hay không. Toàn những vấn đề phức tạp và nhức đầu.


    Một căn phòng trong trại tị nạn Nauru 

Tuy nhiên, nhìn những cảnh sinh hoạt của người tị nạn trên đảo Nauru làm tôi ngậm ngùi nhớ đến tình cảnh người tị nạn VN ở Thái Lan. Thời đó (thập niên 1980), hàng trăm ngàn người Việt liều mình vượt biển đến các nước Đông Nam Á để xin đi tị nạn một nước thứ ba ở phương Tây (chủ yếu là Mĩ, Canada, Pháp và Úc). Đại đa số (có lẽ 95%) chúng tôi đến Thái Lan chẳng có một cái gì dính túi, chỉ có bộ đồ trên người. Chính quyền Thái Lan xem chúng tôi là những người xâm nhập bất hợp pháp (dĩ nhiên rồi), và do đó phải đưa vào các trại tạm giam. May mắn là các trại tạm giam này do Cao uỷ Tị nạn Liên hiệp quốc quản lí nên điều kiện không hẳn là trại tù, mà đúng nghĩa là tạm giam. Chúng tôi được đưa đến những trại tị nạn được vội vã dựng lên [thường là] ở những vùng gần biển hay "khỉ ho cò gáy".


Một dãy nhà tiêu biểu trong một trại tị nạn Thái Lan vào thập niên 1980

Điều kiện trong trại tị nạn rất ư là khắc nghiệt. Chúng tôi không được đi ra ngoài trại, mà phải sống trong vùng được rào bởi dây kẽm gai. Có lính gác chung quanh trại. Trong trại thường có những dãy nhà chia thành 3 khu cho 3 nhóm người Việt, Miên, Lào. Mỗi dãy nhà có nhiều nhà, và mỗi nhà chứa khoảng 10-20 người. Tính chung, mỗi dãy nhà có thể chứa hàng ngàn người. "Nhà" không có phòng riêng, mọi người ở chung nhau. Không có bếp, không có bàn ghế, không có bất cứ một thứ gì. Ăn uống thì tập trung. Tắm giặt thì cũng tập trung. Tuy nhiên, trong trại có những tổ chức thiện nguyện từ các nước phương Tây đến dạy tiếng Anh, dạy văn hoá, điều hành thư viện, và một số dịch vụ xã hội.

Do đó, so sánh với các trại tị nạn do Úc dựng lên ở Nauru thì người Việt tị nạn thời xưa khổ hơn gấp vạn lần. Có lẽ là người Việt đã quan chịu đựng và nhẫn nhục, thời đó chúng tôi không dám đòi hỏi gì từ các nước nhận người tị nạn. Họ nhận thì mình đi, họ không nhận thì mình tìm chỗ khác, chứ không dám phản đối. Tuyệt đối không ai dám chỉ trích nước nhận mình là kì thị. Nhưng nhìn thái độ của những người tị nạn ở đảo Nauru tôi rất ngạc nhiên. Họ than vãn đủ thứ chuyện, như đồ đạc bị người địa phương ăn trộm, không dám ra ngoài, ra ngoài thì bị người địa phương dèm pha, v.v. Khi phóng viên hỏi chính quyền địa phương thì họ nói ngược lại, và cho rằng những người tị nạn hay phịa chuyện; họ chỉ ra rằng có vài người tị nạn lập doanh nghiệp buôn bán mà có ai nói gì đâu. Họ chỉ ra những tài liệu nặc danh do người tị nạn rải trong cộng đồng với nội dung đe doạ người địa phương. Một điều làm tôi rất ngạc nhiên là người tị nạn tỏ ra rất hung hăn, họ chửi Úc không còn một từ nào tồi tệ hơn, dù họ muốn … đi Úc.

Tôi nghĩ qua thiên phóng sự trên, có lẽ chẳng có bao nhiêu người Úc có cảm tình với người tị nạn ở Nauru. Người Hồi giáo ở Úc hiện đang rất khổ tâm vì mang tiếng là dung dưỡng khủng bố. Tất cả những vụ khủng bố chết người ở Úc trong thời gian qua đều dính dáng đến người Hồi giáo. Một điều đáng chú ý là có người còn rất trẻ (ở tuổi vị thành niên) mới đến Úc tị nạn chỉ có vài năm mà cũng trở thành căm thù nước Úc và trở thành khủng bố nghiệp dư. Cảnh sát Úc phanh phui ra những email nặc danh mang tính đe doạ, những email liên lạc với nhóm khủng bố đâu đó bên Trung Đông, tàng trữ vũ khí, tài liệu truyên truyền cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, v.v.

Những vụ như thế, dù chỉ là thiểu số, nhưng nó không giúp gì cho hình ảnh người Hồi giáo ôn hoà. Nó càng chẳng giúp ích gì cho người tị nạn ở Nauru đang chờ xin đi Úc. Rồi nay cộng thêm cái thiên phóng sự ngày hôm qua, tôi nghĩ cảm tình của người Úc dành cho người tị nạn Hồi giáo cũng vơi đi khá nhiều. Cá nhân tôi trước đây cũng đấu tranh cho quyền người tị nạn Hồi giáo, nhưng nay xem qua thiên phóng sự tôi thấy niềm tin của mình bị "dao động".

TB: Trong thiên phóng sự tôi không thấy có mặt người Việt. Có lẽ những người tị nạn Việt đến Úc gần đây đã được chuyển qua Miên. Úc có những trại giữ người tị nạn ở Miên.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO