Một kĩ năng quan trọng trong khoa học: Nói

Hôm qua tôi mời một nhà khoa học gốc Việt đến nói chuyện trong chương trình seminar của lab. Hiếm có một nhà khoa học gốc Việt nào có phong cách trình bày tốt như nhà khoa học này. "Câu chuyện" được trình bày một cách hào hứng, logic, và khúc chiết. Phong cách tự nhiên, thong thả, nhưng giữ đúng giờ. Cách trả lời câu hỏi một cách lịch sự, nho nhã. Trong khán phòng, ai cũng khen anh chàng này. Tất cả những khía cạnh đó làm tôi hài lòng vì mình đã mời đúng người -- the right person. Hài lòng hơn nữa là không làm mình mất mặt là người Việt. Điều này làm tôi có cảm hứng viết cái note này về kĩ năng trình bày trong khoa học.



Tôi nghĩ trong khoa học, cách thức trình bày trước đồng nghiệp (hay trước công chúng) là một kĩ năng rất quan trọng. Nhà khoa học thành công thường phải hội đủ 3 đặc điểm: viễn kiến, phương pháp, và kĩ năng truyền thông.  Kĩ năng truyền thông, hay communication skills, bao gồm viết và nói. Do đó, trong thời gian làm nghiên cứu sinh, các đại học phương Tây rất quan tâm đến đào tạo kĩ năng viết và nói, như là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo tiến sĩ. Ở những lab nghiên cứu, tất cả nghiên cứu sinh đều phải dự vài seminar mỗi tuần, và đó là điều kiện gần như bắt buộc. Có nơi ra qui định nếu không dự seminar đầy đủ thì sẽ bị cắt tiền trợ giúp cho đi dự hội nghị nước ngoài. 

Tôi nghĩ kĩ năng nói rất quan trọng, và đúng là một phần trong hoạt động khoa học. Chúng ta có thể có kết quả rất hay, có thể có phương pháp làm rất tuyệt, nhưng nếu chúng ta không nói được những cái hay đó thì ... cũng như không.  Dĩ nhiên, tôi không có ý nói rằng chúng ta "nổ" hay nói theo người phương Tây là "bán" (sell) hay nói quá những gì chúng ta làm; tôi chỉ đơn giản nói rằng chúng ta cần phải có kĩ năng thuyết phục. Thuyết phục người nghe rằng công trình của chúng ta làm là có ích, hoặc nếu hay hơn nữa là tầm quan trọng. Thuyết phục không phải chỉ bằng lời nói, mà phải bằng chứng cứ, và chứng cứ phải qua bình duyệt hay đã công bố.

Do đó, ở các trường đại học lớn, người ta hay có những giải thưởng gọi là "3 minute competition", tức là giải thưởng dành cho những nghiên cứu sinh tiến sĩ giải thích cho đồng nghiệp khác ngành biết mình đang làm gì, và thời gian cho phép là đúng 3 phút. Trong vòng 3 phút, nghiên cứu sinh phải nói cho được tại sao theo đuổi công trình nghiên cứu, mục tiêu là gì, cách tiếp cận ra sao, và kết quả kì vọng là gì. Tất cả phải dùng ngôn ngữ thường ngày (tức không phải ngôn ngữ khoa học) sao cho người lái taxi cũng hiểu được. Cái khó, do đó, không chỉ là giới hạn thời gian, mà còn là cách dùng ngôn ngữ.

Sau này, những hình thức "3 minute competition" được mở rộng cho các nhà khoa học đã xong luận án tiến sĩ. Qua những giới hạn, hay cũng có thể xem là thách thức đó, người trình bày phải suy nghĩ kĩ và suy nghĩ sâu, phải sắp xếp ý tưởng sao cho thành một câu chuyện hấp dẫn để thuyết phục người nghe. Đó là một dịp rất tuyệt vời để mình tự nhìn lại mình, và để mình trao dồi kĩ năng truyền thông.

Nhưng kĩ năng truyền thông là khía cạnh mà người Việt mình kém nhất. Qua nhiều tiếp xúc với các em nghiên cứu sinh gốc Việt, tôi thấy các em ấy có thể rất giỏi về chuyên môn, nhưng lại rất kém về kĩ năng truyền đạt thông tin, ngay cả truyền đạt những gì các em ấy đang làm. Thật ra, chẳng nói đâu xa, chính tôi ngày xưa cũng như thế: Tức là cũng rất dở trong việc trình bày ý tưởng và kết quả trước đồng nghiệp. Đối với người Việt chúng ta, hạn chế tiếng Anh là một điểm âm lớn, nhưng kém kĩ thuật trình bày và thiếu phong cách lại chính là rào cản lớn nhất. Chưa nói đến nội dung, nhưng ngay cả những cách soạn slide không đúng bài bản đến cách nói không thông cũng gây ấn tượng không tốt cho người theo dõi. Nhưng rất tiếc đó lại là những đặc điểm dễ thấy ở giới khoa học gốc Việt.

Tôi có một thói quen học từ thời còn làm sinh viên: Đó là tập dượt và ... tập dượt. Cứ mỗi lần đi dự hội nghị cùng nhóm, tôi yêu cầu các nghiên cứu sinh phải trình bày trước để tôi xem và góp ý. Lâu ngày thói quen này trở thành một qui ước trong lab. Bất cứ ai trong lab trước khi trình bày ở đâu cũng tranh thủ thời gian trình bày trước lab để đồng nghiệp góp ý. Góp ý đủ thứ, từ nội dung, cách chọn "money slide", cách dùng thuật ngữ, cách chọn màu sắc và font chữ sao cho người ngồi xa có thể thấy, đến cách nói và điệu bộ. Tất cả những góp ý như thế làm cho bài nói chuyện khi ra trình làng gần như là hoàn hảo (theo một qui ước chung trong khoa học).

Thế thì làm sao để có một bài nói chuyện seminar tốt? Tôi nghe các bạn hỏi. Ở đây, tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân như sau:

1.  Chọn chủ đề thích hợp. Khi người ta mời mình đến chia sẻ nghiên cứu, mình phải tìm hiểu xem "chủ nhà" đang theo đuổi chủ đề gì, và sở trường của họ là gì. Khi đã biết hai thông tin đó, chúng ta có thể thiết kế một bài nói chuyện dù là về việc làm của mình, nhưng việc làm đó có liên quan đến sở trường và chủ đề mà họ đang theo đuổi. Phải làm như thế để chúng ta tỏ ra là người đem lại lợi ích cho họ. Lợi ích ở đây là ý tưởng, cách tiếp cận, hay cơ hội hợp tác trong tương lai.

2.  Chú ý đến thời gian. Phải tìm hiểu xem chủ nhà cho chúng ta bao nhiêu phút. Thông thường seminar thì chủ nhà cho chúng ta 1 giờ, nhưng trong thực tế chỉ nên nói khoảng 45 phút, còn lại 15 phút để trao đổi và trả lời câu hỏi. Biết được thời gian cũng rất có ích để chúng ta quyết định số slide cần thiết.

3.  Không nên dùng quá nhiều slide. Một điều tôi thấy cần nên tránh là dùng quá nhiều slide. Dùng nhiều slide có cái hay là mình có nhiều nội dung để nói, nhưng cái nguy hiểm là người nghe sẽ quên những gì mình nói. Do đó, quyết định số slide cần thiết là hết sức quan trọng. Đối với những người nói tiếng Anh giỏi, họ có thể chỉ cần 10 slide mà nói chuyện suốt 1 giờ.  Đối với một câu chuyện khoa học phức tạp và tiếng Anh chưa tốt mấy, tôi nghĩ cứ trung bình ~2 phút cho 1 slide là lí tưởng. Do đó, một bài nói chuyện 1 giờ chỉ nên có khoảng 30 slide.

4.  Xác định thông điệp chính là gì. Trước khi soạn slide, chúng ta phải xác định một thông điệp chính mà chúng ta muốn gửi đến khán giả. Phải làm sao sau khi xong bài nói chuyện, khán giả biết mình muốn nói gì. Để xác định thông điệp chính, cần phải soạn một cái mà giới khoa học gọi là "money slide" (slide ăn tiền), tức là cái slide mà chúng ta muốn mọi người phải nhớ đến và nhắc đến. Có khi người ta đưa cái money slide ngay trong lúc bắt đầu bài giảng. Cái money slide phải đơn giản, cô đọng, không có nhiều thông tin, không được dùng nhiều chữ, chỉ dùng hình ảnh càng tốt.

5.  Câu chuyện phải khúc chiết. Không có gì buồn chán hơn khi nghe một diễn giả ê a hết chuyện này sang chuyện khác mà không có một ý chính hay một thông tin chính. Đối với một bài nói chuyện về những công trình của lab thì chúng ta phải dẫn dắt người xem từ công trình A, đến công trình B, C, và kết thúc công trình D. Dĩ nhiên công trình B là nối tiếp công trình A, và C là hệ quả của B, v.v. Với cách sắp xếp như thế, khán giả sẽ được thưởng lãm một câu chuyện có đầu có đuôi. Nếu bài nói chuyện chỉ tập trung vào một công trình, thì cách sắp xếp là từ ý tưởng hay cảm hứng, đến cách tiếp cận, kết quả, và ý nghĩa, và sau cùng là hướng đi kế tiếp.

Nên nhớ rằng "câu chuyện", chứ không phải là bài giảng - lecture. Câu chuyện mang tính chuyên môn ở bậc cao nhưng thân mật, còn lecture là mang tính sơ đẳng dành cho sinh viên hay người không biết gì. Lẫn lộn câu chuyện thành lecture là rất nguy hiểm!

6.  Cách nói thong thả.  Nói chuyện trong seminar chúng ta có khá nhiều thì giờ, nên không cần phải "nói như chạy". Nên tập cách nói thong thả, phát âm rõ ràng, nhưng nhịp điệu phải lên xuống, nhấn nhá. (Thử tưởng tượng chúng ta nghe một người nói suốt 45-50 phút với cái giọng đều đều thì sẽ dễ buồn ngủ như thế nào). Tôi rất ấn tượng với cách vào đề của anh chàng tôi mời: Anh ta bắt đầu bằng cách cám ơn chủ nhà, sau đó anh ta nói về ngoài trời đang có gió mưa tơi tả (để bắt chuyện), rồi mới giới thiệu nội dung bài nói chuyện. Anh ta biết nhấn chỗ nào để người xem chú ý, và biết dùng kĩ thuật animation để mô tả câu chuyện rất tuyệt vời.

Nói thong thả còn áp dụng cho mỗi slide. Một trong những thói quen tôi thấy ở nhiều diễn giả là họ trình chiếu 1 slide rồi dành ra chỉ 1-2 giây hay cao lắm là 30 giây để nói về slide đó. Tôi cho rằng cách làm như thế là rất dở, vì nó làm cho khán giả nghĩ rằng diễn giả không có ý gì để nói, và nếu thiếu ý thì trình bày slide đó làm gì cho mất thì giờ?! Một điểm khác là trình bày slide quá phức tạp hay chữ quá nhỏ, không ai đọc được, cũng là một khiếm khuyết cần phải khắc phục.

Khi diễn giả tiêu ra nhiều thì giờ cho một slide đơn giản, điều đó gửi một tín hiệu tốt cho người xem rằng diễn giả là người am hiểu câu chuyện từ A đến Z. Sự hiện diện của slide chỉ là một yếu tố phụ mà thôi. Tiêu ra nhiều thì giờ cho một slide còn cho khán giả thấy diễn giả là một "master" câu chuyện của mình, và chính điều đó làm cho khán giả có thể tin vào diễn giả.

Dĩ nhiên, đại kị nhất là đọc slide. Đọc slide là một tín hiệu cho thấy diễn giả không biết câu chuyện mình nói. Người ta sẽ hỏi: Chúng tôi cũng có thể đọc slide, hà cớ gì phải mời vị này đến đây? Không bao giờ đọc slide!

7.  Nói với khán giả, không phải nói với slide.  Một trong những khiếm khuyết hay thấy là diễn giả chỉ nhìn vào slide và nói. Phong cách này làm cho người ta có cảm tưởng diễn giả đang nói chuyện với slide, nhưng họ kì vọng diễn giả nói chuyện với họ. Do đó, khi đã trình chiếu slide, thì diễn giả nên nhìn vào khán giả mà nói, và thỉnh thoảng chỉ đề cập đến slide bằng cách dùng laser pointer. Đây chính là lí do tại sao tôi hay yêu cầu nghiên cứu sinh phải học thuộc lòng nội dung bài nói chuyện của mình để không phải lúng túng và ... không quên. 

Một điều quan trọng cần phải chú ý là cách dùng laser pointer. Một số em nghiên cứu sinh có lẽ do hồi hộp nên vung laser pointer ... tùm lum, và do đó tạo ấn tượng không tốt. Một khiếm khuyết khác là dùng laser pointer quá ngắn, nên người ta không theo dõi được. Cũng không nên xoáy xoáy laser pointer quá nhiều làm cho khán giả khó chú ý. Cách dùng laser pointer hợp lí là chỉ vào điểm mình cần nhấn mạnh, và cần phải dành ra khoảng 5-10 giây để khán giả có đủ thì giờ theo dõi.

8.  Cách nói "chuyển tông".  Một trong những khó khăn khi trình bày bài nói chuyện bằng slide là chuyển tiếp từ slide này sang slide khác. Một số người có thói quen dừng lại sau khi nói xong một slide, rồi mới bấm nút chuyển tiếp sang slide kế tiếp. Cái khoảnh khắc dừng lại đó nó tạo ra một khoảng trống thời gian rất bất lợi cho diễn giả. Do đó, người có kinh nghiệm thường dùng cách chuyển tông như sau: Nói đến hết slide, thì diễn giả bắt đầu giới thiệu slide kế tiếp, và trong khi nói chuyện thì tay bấm ngay nút chuyển tiếp. Cách nói chuyển tiếp có thể là "Now, I am going to show you a very important data ...", hay"In the next slide, I am going to show you that ...", hay "Shown in the next slide is some very interesting information ...", hay"Now, I would like you to pay attention to the next slide ..." Với cách chuyển tông như thế, người nghe sẽ cảm thấy được lĩnh hội một câu chuyện đầy đủ và liên tục.

9.  Tỏ ra thân thiện. Khi được mời đến nói chuyện, chúng ta là khách của chủ nhà. Mà, đã là khách thì cần phải tỏ ra thân thiện với chủ nhà và đồng nghiệp của chủ nhà. Có nhiều cách tỏ thái độ thân thiện, từ cách nhìn, đến nụ cười, và nhất là cách trả lời câu hỏi. Nhưng một điều cần phải tránh, tuyệt đối tránh, là không bỏ tay vào túi quần. Bỏ tay vào túi quần là một cử chỉ được xem là ngạo mạn, phách lối, và sẽ gây thiếu thiện cảm ở diễn đàn.

10.  Cách trả lời câu hỏi thuyết phục.  Một seminar lúc nào cũng có câu hỏi, và câu hỏi góp phần làm hào hứng "câu chuyện". Nhưng cách mà diễn giả xử lí và quản lí câu hỏi là một yếu tố khá quan trọng để cho bài nói chuyện thành công. Đối với những câu hỏi hay, thì cách trả lời là khen người đặt câu hỏi trước khi trả lời. Những câu khen có thể là "This is a very good question ...", hay "The question you raised is very interesting ...", hay "Thank you for raising that question, and I am happy to tell you that ...", hay hoa hoè một chút, "Well, that is a very beautiful point ..." Đối với những câu hỏi dở hay quá sơ đẳng, thì mình cũng nên tỏ ra lịch sự nhưng không khen, nhưng đi thẳng vào câu trả lời. Câu trả lời tốt nhất là câu trả lời có chứng cứ, tức trích dẫn một dữ liệu nào đó trong một tập san danh tiếng. Nếu chúng ta không đồng ý với quan điểm của người đặt câu hỏi, thì cách nói lịch sự nhất là "I think your point is very relevant, but I would like to think that ...", hoặc "I think your view is not really different from mine, but they do complement each other in this respect." Một điều tuyệt đối cần phải tránh khi trả lời là không được lên lớp người đặt câu hỏi, không được tỏ thái độ lên lớp.

Như tôi nói, và tôi muốn nhắc lại, rằng người Việt chúng ta có một bất lợi khi trình bày báo cáo khoa học là vấn đề tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là rào cản lớn nhất, nhưng phong cách trình bày mới chính là yếu tố làm cho diễn giả người Việt "mất điểm". Hi vọng 10 điều tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bạn một chút trong sự nghiệp khoa học của mình.

Tôi có cơ hội mời nhiều khách đến chia sẻ nghiên cứu ở lab tôi, trong đó có 3 người gốc Việt. Lần trước là một em thuộc vào nhóm trẻ (dưới 40 tuổi), lần này cũng là một em thuộc nhóm trẻ. Và, cả hai em, đặc biệt là em hôm qua, không hề làm tôi thất vọng, mà còn cảm thấy tự hào là người Việt. Chỉ cần nhìn qua cách sắp xếp nội dung và phong cách trình bày, tôi nghĩ em này có một tương lai sáng. Việt Nam chúng ta rất cần những người như hai em này, nhưng có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội giúp Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO