Lan man chuyện thế sự

Định viết lại cảm nhận của tôi về buổi tiếp xúc với bà Bộ trưởng Y tế khi bà ấy ghé thăm Viện Garvan để khánh thành chương trình "Know Your Bone", nhưng chẳng biết viết gì. Thôi thì tôi viết lan man vài dòng về chuyện thời sự để gọi là nhật kí tháng 6 ... 


1.

Ở Úc vào tháng này là "mùa xin tài trợ". Tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Thật ra, mùa xin tài trợ bắt đầu từ tháng 2, thời gian mà hầu hết giới khoa học và khoa bảng Úc tiêu ra rất nhiều thì giờ để viết đề cương nghiên cứu xin tiền. Cái đề cương chỉ có 9-10 trang, nhưng thông tin kèm theo thì có khi nhiều gấp 10 lần số trang đề cương! Việc soạn đề cương làm tiêu hao biết bao nhiêu năng lượng và thời gian của giới khoa học, nhưng trớ trêu thay đó là việc phải làm. Nói theo tiếng Anh là "A Must".

Trong thế giới khoa học, người ta đánh giá một nhà khoa học không phải chỉ qua danh sách bài báo khoa học, mà còn qua số tiền nhà khoa học đem về cho trường/viện. Danh sách bài báo dĩ nhiên là quan trọng, nhưng trong thế giới rational economics, thì số tiền tài trợ nhà khoa học đem về cho cơ quan còn quan trọng hơn cả bài báo. Nhớ có lần một vị giám đốc một viện nghiên cứu lớn của Úc nói thẳng thừng rằng [tôi dịch] "một nhà khoa học không thu hút được tài trợ thì người đó là ... nothing". Ai cũng biết điều đó, nhưng chẳng ai muốn nói ra; chỉ có vị giáo sư đó nói huỵch toẹt.

Thành ra, để có tư cách là một scientist hay một academic, anh/chị phải đi xin tiền tài trợ. Người xin nhiều tài trợ được trọng vọng. Người chẳng có tài trợ được xem là ... nothing. Phũ phàng.  Nhưng để xin tài trợ thì phải có công trình nghiên cứu mới, quan trọng, và tốt. Mà, chẳng nói ra thì ai cũng hiểu để có công trình nghiên cứu tốt và mới thì phải có nhiều tiền. Đến đây thì ai cũng thấy cái vòng luẫn quẫn trong khoa học hiện đại: tiền - nghiên cứu - tiền.

Người viết cái note này, dù muốn hay không, cũng phải nằm trong cái vòng xoáy đó. Thành ra, năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên: tháng 2 viết đề cương, tháng 6 trả lời bình duyệt, tháng 11 chờ kết quả. Đề cương viết thì 9-10 trang, bình duyệt thì 3-4 trang, nhưng họ chỉ cho mình trả lời trong vòng 2 trang. Trả lời nhiều hơn 2 trang là ... dẹp bỏ. Không có nhân nhượng.

Năm nào cũng viết nhiều đề cương, nhưng thành công thì chẳng bao nhiêu. Có năm chẳng có đồng nào. Có năm may mắn thì được vài trăm K. Nói như một bài hát là: Cho, cho rất nhiều nhưng nhận chẳng có bao nhiêu / Người ta phụ hoặc thờ ơ, chẳng biết.

2.

Mấy hôm trước, ngồi cà phê với bạn bè, và một người bạn bàn về chuyện "Thành Đô". Câu chuyện xoay quanh sự kiện quan trọng là Việt Nam mất Trường Sa vào năm 1988. Có một thông tin làm tôi chú ý trong vụ này là thời điểm Tàu cộng đánh chiếm Trường Sa và những diễn biến ở Việt Nam sau đó.

Ngày 14/3/1988, Tàu xua quân đáng chiếm Trường Sa. Lúc đó tôi ở ngoài nên không biết báo chí Việt Nam phản ứng ra sao.

Ngày 25/5/1988, đảng CSVN ra nghị quyết 13 trong đó có đoạn viết "phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau".

Tháng 9 cùng năm, Hiến pháp Việt Nam được chỉnh sửa, bỏ đoạn khẳng định Tàu là kè thù.

3.

Mấy tuần nay, tôi nghiền ngẫm những trích đoạn trong hồi kí của Lê Phú Khải. Có lẽ nhiều bạn chưa biết Lê Phú Khải là ai, nên tôi phải có đôi ba dòng giới thiệu. Cá nhân tôi chưa gặp anh Khải ngoài đời, nhưng đọc sách và bài viết của anh thì nhiều. Lê Phú Khải là một nhà báo, từng là phóng viên thường trú của Đài tiếng nói Việt Nam tại miền Nam. Anh là người gốc Hà Nội, sinh năm 1942, năm nay đã 74 tuổi. Vì là người "đóng đô" ở miền Nam, nên anh viết rất nhiều bài kí sự về miền Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Là kí giả, nên anh được đi nhiều, biết nhiều, kể cả những câu chuyện không bao giờ được viết trên mặt báo. Do đó, hồi kí của Lê Phú Khải chắc chắn phải thú vị.

Tôi "làm quen" với anh ấy qua những cuốn sách anh viết về ĐBSCL. Mỗi lần về Việt Nam là tôi mua hàng tá cuốn sách. Có năm tôi đặc biệt chú ý đến cuốn sách của Lê Phú Khải viết về ĐBSCL, mà trong đó anh trình bày nhiều số liệu rất thú vị cùng những nhận xét có thể nói là kém lạc quan. Tôi ngấu nghiến đọc cuốn sách, và cảm thấy như có ai đang nói hộ cho mình. Tôi còn có ấn tượng đẹp với Lê Phú Khải về sự uyên bác, những nhận xét tinh tế, cùng văn phong trong sáng. Đọc văn là biết ngay một con người đàng hoàng và có học nghiêm chỉnh. Sau này tôi mới biết anh ấy không phải là đảng viên dù là một kí giả kì cựu của làng truyền thông chính thống.

Bẵng đi một thời gian, nay tôi mới biết Lê Phú Khải viết hồi kí. Cuốn hồi kí có tựa đề là "Lời Ai Điếu". Cuốn hồi kí do Nhà xuất bản Người Việt Books (California) xuất bản vào tháng 6 năm nay. Tôi chưa có cuốn sách, nên chỉ đọc những trích đoạn trên Văn Việt blog (1). Trong hồi kí, ông kể nhiều chuyện tai nghe mắt thấy rất ư thú vị. Những chuyện này liên quan đến những người như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, và giới văn nghệ sĩ như Nguyên Ngọc, Chế Lan Viên. Tôi không muốn trích ra đây, mà để cho các bạn -- nếu cần -- tự đọc và tìm hiểu.


====

(1) Hồi kí "Lời Ai Điếu" của Lê Phú Khải:

Lời nói đầu:

Kì 2:

Kì 3:

Kì 4:

Kì 5:

Kì 6:

Kì 7:

Kì 8:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO