Lấy tiêu chí gì để đánh giá thành công và thất bại của một quốc gia. Đây là một câu hỏi quan trọng, vì qua đó chúng ta có thể đánh giá sự tiến triển của một quốc gia. Một nước giàu có trên con số mà dân còn nghèo nàn (ví dụ như các nước Ả Rập) thì chắc khó nói là thành công. Đã 42 năm sau ngày thống nhất đất nước, câu hỏi VN đã thành công hay thất bại nó cứ ám ảnh nhiều người.
Tôi thích lấy Nam Hàn ra làm điểm tham chiếu (không hẳn là để so sánh). Lí do chọn Nam Hàn là vì nước này và VN có nhiều điểm giông giống nhau. Hai dân tộc đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng Mạnh. Hai dân tộc, nếu nói về thông minh và cần cù làm việc, chưa biết ai hơn ai. Hai nước cùng trải qua chiến tranh ác liệt và chia đôi đất nước, một bên theo cộng sản và một bên theo tư bản. Theo nhiều nguồn, thời thập niên 1955-1960 Nam Việt Nam và Nam Hàn có thu nhập bình quân tương đương (nhưng tôi chưa có con số cụ thể). Nhưng sau chiến tranh, Nam Hàn phát triển rất nhanh chỉ trong 30 năm là thành hổ, thành rồng, sánh vai cùng câu lạc bộ OECD. Còn Việt Nam, sau 42 năm chúng ta thành gì ? Không nói ra thì các bạn cũng biết rồi. Nhưng chúng ta thử xem vài dữ liệu xem sao.
GDP
Thông thường, giới kinh tế sử dụng tổng sản lượng quốc gia (GDP) để đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia. Chỉ số này thật ra có một lịch sử hơn 80 năm, từ khi nhà kinh tế người Mĩ Simon Kuznets đề xướng. Nhưng những năm gần đây, giới xã hội học và kinh tế học đã nhận ra sự giới hạn của GDP, bởi vì nó không phản ảnh được sự thành công của một xã hội. Cuộc Cách mạng Mùa Xuân ở Ả Rập diễn ra ở các nước Ả Rập có GDP cao hay rất cao, hay những bất ổn ở Brazil (nơi có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng) là hai ví dụ về sự hạn chế của GDP.
GDP của Việt Nam năm 2015 là ~194 tỉ USD. GDP của Nam Hàn cùng năm là 1378 tỉ USD, cao gấp 7 lần Việt Nam. Thu nhập bình quân của VN năm 2015 là 2111 USD, chưa bằng 1/10 của Nam Hàn (27221 USD).
Chỉ số HDI
Liên hiệp quốc nhận ra khiếm khuyết của GDP, nên 25 năm trước họ cho ra đời một chỉ số mới có tên là "Human Development Index" (Chỉ số Phát triển Con người, HDI) (1). Sự ra đời của HDI được xem là một bước phát triển quan trọng trong việc đánh giá sự thành bại của một quốc gia. Tuy nhiên, HDI có vài hạn chế, vì nó vẫn lệ thuộc vào GDP và các chỉ số về môi trường vốn rất khó đo lường.
Kết quả phân tích năm 2016 của LHQ cho thấy Việt Nam có chỉ số là 0.683 (tối đa là 1). Trong số 188 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng hạng 115, tức trung bình, cùng nhóm với các nước như Phi Luật Tân, Iraq, Nicaragua, Palestine, Bolivia. Nam Hàn đứng hạng 18, Thái Lan 87, Mã Lai 59, Singapore 5.
Chỉ số SPI
Mới đây một nhóm nhà kinh tế đề xướng một chỉ số mới họ gọi là Social Progress Index (SPI, Chỉ số Tiến bộ Xã hội) (2). Chỉ số SPI, như tên gọi, đo lường sự tiến bộ của xã hội. Hình như chỉ số này ít được báo chí trong nước đề cập đến. Đây là một chỉ số do nhóm kinh tế gia, dẫn đầu bới nhà kinh tế Michael Porter, phát triển. Chỉ số SPI là bình quân của ba tiêu chí như sau:
(a) Nhu cầu cơ bản. Quốc gia có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của công dân? Những nhu cầu này bao gồm thực phẩm, dinh dưỡng, và y tế; nước và vệ sinh; nơi an cư; an toàn cá nhân.
(b) Nền tảng phúc lợi: Quốc gia có những thể chế và điều kiện sẵn sàng giúp công dân họ cải thiện chất lượng cuộc sống? Những vấn đề trong câu hỏi này bao gồm kiến thức căn bản, quyền được có thông tin, chất lượng môi trường.
(c) Cơ hội: Quốc gia có cung cấp một môi trường mà trong đó công dân có cơ hội để đạt được tiềm năng của mình. Trong tiêu chí này có những tiêu chuẩn như quyền cá nhân, tự do cá nhân và lựa chọn, dung hợp và hòa hợp, quyền về giáo dục.
Mỗi tiêu chí được tính toán và chuẩn hóa sao cho có giá trị từ 0 (tối thiểu) đến 100 (tối đa).
Trong số 134 quốc gia được xếp hạng, nước có SPI cao nhất là Phần Lan với SPI là 90.09. Kế đến là Canada (89.49), Đan Mạch (89.39), Úc (89.13), Thụy Sĩ (88.87), Thụy Điển (88.80), Na Uy (88.70). Riêng Mĩ đứng hạn 19 với SPI là 84.62, cao hơn Nam Hàn hạng 26 (SPI 80.92).
Còn Việt Nam? Số liệu cho Việt Nam không đầy đủ, nên họ không xếp hạng. Tuy nhiên, tôi tìm ra những dữ liệu trong bảng của họ, và tính được chỉ số SPI chung là 57.81. Với điểm này, Việt Nam đứng hạng 95 trên 134 quốc gia về tiến bộ xã hội. Với điểm này, Việt Nam đứng chung bảng với Tajikistan, Iran, Nepal, Senegal, Cambodia, Ấn Độ, hay nói chung là những nước lạc hậu.
Bảng SPI cho Việt Nam dựa trên 3 tiêu chí trên là như sau:
(a) Nhu cầu cơ bản:
• Thực phẩm và y tế: 91.55
• An toàn cá nhân: 75.23
• Cư trú: 74.36
• Nước và vệ sinh: 71.45
• Điểm chung: 78.15.
• Thực phẩm và y tế: 91.55
• An toàn cá nhân: 75.23
• Cư trú: 74.36
• Nước và vệ sinh: 71.45
• Điểm chung: 78.15.
(b) Nền tảng phúc lợi:
• Y tế và sức khỏe: 76.28
• Truy cập thông tin: 58.78
• Phẩm chất môi trường: 58.20
• Điểm chung: 58.78.
• Y tế và sức khỏe: 76.28
• Truy cập thông tin: 58.78
• Phẩm chất môi trường: 58.20
• Điểm chung: 58.78.
(c) Cơ hội:
• Tự do cá nhân: 65.09
• Dung hợp và hòa hợp: 44.25
• Tiếp cận giáo dục bậc cao: 28.42
• Quyền cá nhân: 8.24
• Điểm chung: 36.5
• Tự do cá nhân: 65.09
• Dung hợp và hòa hợp: 44.25
• Tiếp cận giáo dục bậc cao: 28.42
• Quyền cá nhân: 8.24
• Điểm chung: 36.5
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đều cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn như Thái Lan (61), Mã Lai (50), Nam Dương (82), Phi Luật Tân (68), đều cao hơn Việt Nam. Riêng Singapore vì không đủ số liệu nên không xếp hạng.
Nói tóm lại, dù dựa trên GDP, chỉ số phát triển con người (HDI), hay chỉ số tiến bộ xã hội (SPI), thì Việt Nam vẫn đứng rất thấp trong thế giới hiện đại. Tuy các chỉ số về thực phẩm và y tế của VN không cao nhưng cũng không tệ, các chỉ số về tiếp cận thông tin và quyền cá nhân còn quá thấp. Những số liệu này có lẽ nói lên một thực tế rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian chưa đủ để nói rằng Việt Nam là một quốc gia thành công.
Các bạn nghĩ sao? Với những dữ liệu trên, các bạn hiểu như thế nào? Tôi rất muốn nghe diễn giải của các bạn.
-----
Hình chụp từ Google về ánh đèn điện ở Nam Hàn và Bắc Hàn, trong cuốn sách "Why Nations Fail" của Daron Acemoglu và James Robinson.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét