Để thành công trong việc học tiến sĩ

Không nói ra thì ai cũng biết học tiến sĩ là một quyết định lớn trong đời, và quyết định đó cũng có nghĩa là chấp nhận gian nan. Thời gian học tập (chủ yếu là nghiên cứu) có rất nhiều yếu tố bất định mà nghiên cứu sinh (NCS) không thể nào đoán trước được. Theo tôi thấy, đa số thí sinh sau khi học xong có nhiều kinh nghiệm cay đắng. Sau đây là vài điều cần xem xét trước khi dấn thân vào cái nghiệp học tiến sĩ.





1. Chọn thầy cho tốt

Thầy tốt là người có tiếng trong chuyên ngành. Những người thầy đẳng cấp quốc tế họ chỉ giao lưu với những người cùng cấp. Điều này có nghĩa là học với những thầy như thế mình có cơ hội tiếp xúc với những người danh tiếng, và giúp cho sự nghiệp postdoc hanh thông hơn. Xem website của họ (thường có liệt kê công trình nghiên cứu), xem họ công bố ở đâu, trích dẫn (nếu có) ra sao, từng làm việc với ai, nhất là trong 5 năm gần đây, để biết họ ở đẳng cấp nào. Thường, những người cấp Professor thì thoải mái hơn những người cấp Associate Professor và Assistant Professor vì hai cấp này đang phấn đấu, nên họ có thể khó khăn và đòi hỏi nhiều ở NCS.

Trong thế giới khoa bảng có nhiều loại thầy, và thể loại có ảnh hưởng đến sự thành bại của NCS. Tôi nghĩ có 3 dạng thầy chính:

• Vua chúa: dạng này xem NCS là nô lệ, hay lao động cấp thấp giá rẻ, chuyên sản xuất data cho họ. NCS không thể làm gì khác những gì họ yêu cầu làm. NCS không được cãi, chỉ có làm, làm, và làm. Lâu lâu NCS mới có ân huệ gặp họ một lần, và mỗi lần cũng chỉ vài phút. Dạng thầy này kì vọng NCS như là phiên bản nhỏ hơn của họ.

• Độc tài: dạng này khá tàn bạo, duy ý chí, chuyên đày đoạ NCS để cho ra kết quả họ muốn. Làm không ra cũng phải cố gắng làm cho ra kết quả. Loại độc tài này cũng giống như Tào Tháo, lúc nào cũng nghi ngờ và chất vấn NCS, và tìm mọi cách kiểm soát mọi hành vi của NCS. Họ cũng hành xử giống như những kẻ khủng bố. Dạng thầy này gặp NCS thường xuyên, nhưng không phải để giúp mà để hỏi "kết quả đâu".

• Đồng nghiệp: đây là dạng thầy NCS cần, vì họ xem NCS là người đồng nghiệp, họ khuyến khích NCS tìm cái mới không thuộc lĩnh vực của họ, họ sẵn sàng giúp cho NCS tiến xa hơn và mở rộng hướng nghiên cứu. Họ kì vọng NCS sẽ giỏi hơn họ, và họ ủng hộ trò ngay khi cả sau khi tốt nghiệp. Đây là dạng thầy NCS rất cần.

2. Chọn đề tài khả thi

NCS chỉ có 3-4 năm toàn thời gian để học và làm. Thời gian làm quen với chuyên ngành và học kĩ năng đã mất 1 năm trời. Còn 2-3 năm lại là nghiên cứu và công bố. Hãy tự hỏi mình trong thời gian đó, đề tài nghiên cứu có cho phép mình có cơ hội công bố. Tuy nhiên, đây cũng là một thoả thuận giữa thầy và trò (thường là do thầy áp đặt, chứ trò chẳng có tiếng nói nào cả).

3. Học viết và nói

NCS Việt Nam nói chung rất dở về nói, và càng dở hơn về viết. Nói ra điều này có thể làm cho nhiều người phản đối, vì họ nói có bằng tiếng Anh IELTS gì đó, nhưng trong thực tế mấy các điểm trong bằng đó giúp rất ít cho thời gian nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là một thế giới riêng, và mỗi chuyên ngành có một văn hoá bộ lạc đặc thù, một ngôn ngữ đặc biệt mà NCS cần phải học thêm. Nói và viết là hai "kĩ năng mềm", nhưng hết sức quan trọng trong khoa học. NCS Á châu thường không được đồng nghiệp phương Tây "take seriously", nên kĩ năng nói và viết sẽ giúp họ vượt qua cái định kiến đó.

Cách học viết hay nhất là viết review paper. Không ai mời, mình cũng viết. Viết để có cơ hội cập nhật hoá và học tiếng Anh. Viết để làm quen với văn phong khoa học. Cách học nói hay nhất là tham gia các hội nghị, và cho ý kiến. Nên nhớ là cho ý kiến tốt và insightful để trước là học nói, sau là vừa giúp người ta vừa gây chú ý từ đồng nghiệp.

4. Hoạt động xã hội

Một kĩ năng rất quan trọng trong việc học tiến sĩ là học làm leader, mà theo kinh nghiệm của tôi thì NCS gốc Việt rất kém. Trong thời gian theo học, NCS nên tham gia vào những hoạt động xã hội như câu lạc bộ, như đóng vai trò tình nguyện trong các hội sinh viên tiến sĩ, tình nguyện làm những việc phụ tá trong hội nghị chuyên môn, v.v. Những việc này giúp cho NCS trở nên năng nổ, tích cực, và tập làm lãnh đạo, điều hành công việc. Nhưng đa số NCS Việt rất thụ động, họ chỉ lo học, chứ không quan tâm đến việc chung quanh, và điều này chỉ làm cho họ mất điểm trước các đồng môn khác. Nên nhớ, học tiến sĩ là một việc, nhưng đóng góp và phục vụ cũng là một việc quan trọng khác.

5. Networking

Để thành công trong khoa học, NCS cần phải tập văn hoá networking, có nghĩa là hoà mình vào cộng đồng khoa học, nhất là bộ lạc của mình. Phải biết ai là bậc "trưởng thượng" trong bộ lạc, ai đang điều hành, ai đang lên, v.v. để làm quen và tìm hiểu con đường đi của họ. Nên nhớ nguyên lí "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", và networking với các đồng nghiệp "sáng" trong bộ lạc giúp cho tương lai postdoc rất nhiều. Ngoài ra, cũng nhớ rằng nhiều sự việc quan trọng có khi không được bàn luận trong hội nghị, mà trên các bạn tiệc và những lúc đang giao lưu "rượu chè" với nhau; do đó, phải học cách giao lưu (học uống red wine) và học ngôn ngữ lóng của bộ lạc để mình không bị lạc hậu và được "take seriously."

Đó là vài ý nghĩ chợt hiện. Mai mốt tôi sẽ suy nghĩ kĩ và viết thêm để mách bảo cho các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO