Cách đặt câu hỏi và trả lời hội nghị

Trong cuốn "Từ nghiên cứu đến công bố" tôi có bàn qua về cách làm chủ toạ hội nghị, nhưng từ đó đến nay, qua các email của các bạn đọc, tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm trong cách đặt câu hỏi và cách trả lời câu hỏi trong hội thảo khoa học. Bài này do đó chia làm hai phần: phần đầu là các nguyên tắc về đặt câu hỏi, và phần hai là cách trả lời.





Trong các hội thảo khoa học chúng ta biết rằng có diễn giả và khán giả (và chủ toạ). Diễn giải nói, khán giả đặt câu hỏi, chủ toạ điều phối hội thảo và trao đổi giữa diễn giả và khán giả. Đặt câu hỏi và bình luận trong hội thảo tôi nghĩ cũng chẳng khác mấy "comment" trên các diễn đàn xã hội như facebook và blog. Có người hành xử lịch sự, người làm ra vẻ "ta đây" cái gì cũng biết hết, kẻ thì trịch thượng, người lại thích thoá mạ người khác, v.v. (1). Nghiêm chỉnh mà nói, cách hỏi trong hội nghị cũng là cả một nghệ thuật. Dưới đây là vài kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn ở đây.

Có vài nguyên tắc văn minh (thực ra qui ước thì đúng hơn) về cách đặt câu hỏi trong hội thảo. Cũng chẳng có sách vở gì, tôi nghĩ đến những qui ước sau đây:

(a) Lịch sự. Lúc nào cũng tỏ ra lịch sự với diễn giả. Nên nhớ rằng diễn giả cũng chịu áp lực lớn để đứng trên bục, và họ có thể quên, có thể nhớ không hết, có thể có thiếu sót nào đó. Vì thế, người đặt câu hỏi nên tỏ ra cảm thông cho diễn giả, và có thể bắt đầu bằng câu đại khái như "Có lẽ tôi nhớ không kĩ những gì anh nói, nhưng tôi muốn hỏi lại cho chắc ăn là ..." (Perhaps I could not catch what you said earlier, but could I please clarify with you ...).

(b) Ngắn gọn. Thông thường phần thảo luận chỉ có 5 phút sau bài nói chuyện, mà có thể có nhiều người muốn hỏi, nên người hỏi phải hỏi ngắn, và đi thẳng vào vấn đề. Để hỏi một câu hỏi ngắn mà có ý nghĩa là không dễ chút nào. Do đó, người hỏi phải suy nghĩ trong đầu cẩn thận câu hỏi nào cần thiết nhất và "burning" nhất để hỏi, chứ không nên phí thì giờ những câu hỏi phi thực tế hay ngoài chủ đề bài nói chuyện.

(c) Không được lên lớp. Điều đại kị là không được lên lớp diễn giả, vì điều đó gây ấn tượng xấu đến diễn đàn. Trong diễn đàn có những người bậc thầy cô, không nên thể hiện theo kiểu phô trương "ta đây thông minh", "ta có kiến thức", "ta biết hơn người". Những cách thể hiện như thế chẳng giúp gì cho người hỏi, mà còn tạo ấn tượng không tốt ở khán giả.

Tựu trung lại, tôi thấy những câu hỏi trong hội thảo có thể chia thành 3 nhóm liên quan đến khen, hỏi đàng hoàng, bất đồng ý kiến, và định hướng. Mỗi câu hỏi có thể thể hiện qua vài câu ngắn. Dĩ nhiên, câu hỏi tuỳ thuộc vào tình thế và bối cảnh, nhưng có những câu chung chung như sau:

1. Khen và ủng hộ

Có những bài nói chuyện hay và có ích, thì cũng nên khen diễn giả để trước là cám ơn và sau là giúp họ lên tinh thần. Những câu khen mang tính "cliché" như great talk, beautiful data, comprehensive, hard act to follow, v.v. có thể sử dụng:

• "Thank you for your lecture/talk/presentation. Those were beautiful data" (cám ơn bài nói chuyện của ông. Những phát hiện/dữ liệu thật là đẹp đẽ).

• "That was a great talk! Thank you. Now, I would like to bring your attention to the point you raised earlier that ..." (Đó thật là một bài nói chuyện quá hay! Xin có lời cám ơn. Bây giờ tôi muốn quay lại điểm anh nêu lên lúc ban đầu rằng ...)

• "Thank you for the elegant presentation. You are a hard act to follow. Let me start off by asking you this question ..." (Cám ơn ông về bài nói chuyện lịch lãm. Khó mà theo đuổi anh nỗi. Tôi muốn bắt đầu bằng câu hỏi sau đây ...)

• "Wow, such a nice and comprehensive lecture! Thank you. Could I bring up one issue that I am hoping that you will comment on..." (Wow, thật là một bài giảng hay và đầy đủ. Tôi muốn nêu một vấn đề mà tôi hi vọng là ông sẽ cho ý kiến ...)

Cũng nói thêm là những câu chữ cliché không có nghĩa là đạo văn hay cóp của ai cả, vì đó là những câu chữ phổ thông, ai cũng dùng.

2. Câu hỏi "critical" nhưng công bằng

Một số câu hỏi trong hội thảo thường ... khó khăn. Đó là những câu hỏi gọi là insightful, tức là đi sâu vào chi tiết. Chi tiết có thể liên quan đến một dữ liệu nào đó, một slide, một phương pháp, hay một cách diễn giải. Thường là những vấn đề mà người hỏi không đồng ý với tác giả. Những câu hỏi loại này thường làm cho diễn giả cảm thấy cám ơn và làm cho môi trường học thuật thêm hào hứng. Có một số câu có thể dùng:

• Những câu hỏi loại yêu cầu diễn giả bình luận: Vào đầu lúc nào cũng cám ơn: "Your data are great. Thank you." Sau đó là đặt câu hỏi, ví dụ như câu hỏi về dữ liệu: "Could I ask you a question on slide 7, where you showed the data concerning the distribution of E2 hormone which seemed non-normal. Could you elaborate more on the clinical implication of this non-normality?" (Tôi muốn hỏi ông dữ liệu về hormone E2 trong slide số 7. Tôi thấy phân bố của hormone hình như không tuân theo luật phân bố chuẩn. Ông có thể bình luận về ý nghĩa lâm sàng của phân bố như thế?)

• Những câu hỏi loại bắt bẽ: "You concluded that the gene can be used for disease screening, but the graph in slide 10 shows that the magnitude of the relationship was very modest. Do you think the gene, with such a modest effect, is qualified as a screening tool?" (Ông kết luận rằng cái gen đó có thể dùng cho tầm soát bệnh, nhưng nhìn vào biểu đồ ở slide số 10 thì mức độ ảnh hưởng rất thấp. Vậy ông nghĩ với mức độ ảnh hưởng như thế gen này có thể dùng cho screening?"

• Khi diễn giải dùng phương pháp sai, câu hỏi cần phải hết sức cẩn thận. Không bao giờ dùng chữ gì quá xác định, mà lúc nào cũng phải perhaps, may, may be, possibly, v.v. Ví dụ nếu diễn giải dùng sai phương pháp phân tích hồi qui tuyến tính, có thể hỏi nhẹ nhàng: "I may have misunderstood you, but from what you showed, the outcome was a discrete variable, and yet you used linear regression in the analysis. I am wondering (and I would like to have your opinion on) whether such a method is appropriate for the data?" (Tôi có thể hiểu lầm ông, nhưng những gì ông trình bày thì outcome là một dữ liệu phân nhóm, vậy mà ông dùng mô hình hồi qui tuyến tính! Tôi tự hỏi (và muốn nghe ý kiến của ông) là không biết một phương pháp như thế có thích hợp cho nghiên cứu này?"

• Không đồng ý với cách diễn giải. Đây là những câu hỏi hơi tế nhị, và cần phải xử lí bằng chữ rất cẩn thận. Người mất lịch sự và thô lỗ thì nói thẳng là sai. Nhưng trong giới đồng nghiệp với nhau, không nên dùng chữ đó (sai) nơi công cộng, nếu không bị mang tiếng là thô lỗ. Cách hỏi lịch sự nhất là "If you don't mind, I would like to come back to your interpretation of the data in Table 2. You postulated that there was an effect of the drug on the time to remission, but I am wondering whether an alternative interpretation is possible. One such interpretation is that the drug had no effect, and what you saw is actually confounded by patient's severity. Do you think such an interpretation is reasonable" (Nếu ông không phiền, tôi muốn quay lại cách diễn giải của ông trong bảng số 2. Ông cho rằng thuốc có ảnh hưởng đến thời gian tái phát. Nhưng tôi nghĩ có một cách hiểu khác, và cách hiểu đó là thuốc không có ảnh hưởng, nhưng cái ảnh hưởng mà ông quan sát là do bệnh trạng của bệnh nhân. Ông nghĩ cách hiểu như thế có hợp lí không?"

Cách nói "một cách hiểu khác" là cách lịch sự để nói rằng có thể cách hiểu của diễn giả có vấn đề. Một cách nói khác là "For the sake of my own understanding, I see this way ..." cũng hay được sử dụng và có hiệu quả rất tốt. Nên nhớ là không ai lịch sự lại nói đồng nghiệp mình "wrong" trước đám đông cả. (Còn người thô lỗ thì mình không nói đến ở đây).

3. Định hướng

Ngoài những câu hỏi trên, còn có những câu hỏi mang tính định hướng, hay nói chung là những câu hỏi kiểu "trời ơi", "nổ". Những câu hỏi này thường xuất phát từ các bậc "senior" trong ngành. Chẳng hạn như đối với những bài giảng mang tính tổng quan, người ta hỏi kiểu "So, in your view, where the field is moving to" (theo ông thì lĩnh vực này sẽ đi về đâu), hay "Looking to the future, where do you think we will be heading to?" (Nhìn về tương lai, theo ông thì lĩnh vực chúng ta theo đuổi sẽ đi về đâu?) Nhưng câu hỏi như thế thường mang tính giống như một note nhạc sau cùng của bài nói chuyện, nên diễn giả có cơ hội nói lời sau cùng.

Đó là những câu hỏi mà tôi trải nghiệm trong thực tế. Tôi nghĩ chắc chắn còn vài loại câu hỏi khác mà tôi chưa biết hết, nhưng dù là câu hỏi loại gì, thì 3 qui ước lịch sự, ngắn gọn, và không lên lớp là phải tuân theo. Dĩ nhiên, đối với những người mất lịch sự và thô lỗ thì chúng ta không bàn ở đây. Tôi đã chứng kiến những trường hợp cãi nhau trong hội nghị, mà cái dư âm và tác động kéo dài cho đến ngày qua đời! Có người từng là đồng nghiệp với nhau mấy mươi năm, nhưng chỉ vì một nhận xét thô lỗ mà tình bạn bị tổn hại, và ngày người kia qua đời, ông này nhất định không đi đám tang. Do đó, qui luật nhân quả rất diệu kì, mà có khi chúng ta không thấy trước được. Trong hội nghị cũng giống như trong diễn đàn facebook, có người này kẻ kia, nên cách tốt nhất là giữ hoà khí và tử tế với nhau, hay nói như Trịnh Công Sơn là sống tử tế với nhau.

TB: Tôi phải có lời xin lỗi trước nếu cái note này (và những cái note dạng kĩ năng mềm) mang tính "lên lớp". Tôi không có ý lên lớp ai cả; tôi viết chủ yếu là cho nghiên cứu sinh của tôi và các học viên trong các workshop của tôi.


Cách trả lời câu hỏi trong hội nghị

Có thể nói rằng trong các hội thảo khoa học, phiên vấn đáp sau mỗi bài báo cáo là thời điểm đáng sợ nhất. Điều này đúng cho những người mới vào "nghề" hay chưa quen với văn hoá khoa học. Cái sợ còn tăng lên khi khả năng đối đáp tiếng Anh của diễn giả còn hạn chế. Nhưng đã "leo lưng cọp" thì cũng phải làm cho tròn nhiệm vụ, chứ không thể "than thân trách phận" được. Trong note này tôi sẽ mách cho các bạn vài nguyên tắc và mẹo cụ thể để trả lời các câu hỏi hay gặp.

Những câu hỏi này xuất phát từ trải nghiệm thực tế của cá nhân tôi. Dạo đó, vào đầu thập niên 1990, tôi mới vào ngành và may mắn được báo cáo trong một hội nghị cấp quốc gia ở Sydney. Báo cáo xong thì một ông cụ (mà sau này tôi mới biết là bậc tiền bối Chris Nordin) đứng lên hỏi. Ông vào câu hỏi bằng một phát biểu như sau: "Oh, my dear young man, I have done this work 25 years ago ...." (Người bạn trẻ của tôi ơi! Tôi đã làm về lĩnh vực này 25 năm trước). Tôi lúc đó thấy "tê tái" trong người, cái công trình như thế mà ông cụ xem như đồ cổ thì còn gì để nói nữa. Nhưng sau này tôi phát hiện đó là câu tủ của ông cụ, vì đối với ông chẳng có cái gì là mới cả. (Sau này tôi quen với ông cụ, không dám nói là "thân", nhưng ông thích tôi. Khi ông chết, tôi có viết một bài điếu văn). Một lần khác ở Minnesota, tôi trả lời sai câu hỏi. Người ta hỏi "weight" mà tôi thì tiếng Anh còn kém, tưởng là hỏi "sway" (đề tài tôi nói chuyện) nên tôi trả lời bon bon về "sway". Đến khi xuống ghế ngồi, 'sư phụ' mặt hình sự lạnh như tiền, phán một câu: "You did not answer the guy's question" (Mi chưa trả lời câu hỏi của hắn). Tôi chết điếng người! Thời đó (và nay) có ai dạy tôi về cách ứng phó trong hội nghị đâu. Làm đến đâu học đến đó. Gặp thầy tốt chỉ dẫn thì là một may mắn, còn gặp thầy thờ ơ thì cũng … như không.

Cách hay nhất là tự học. Tự học bằng quan sát và học từ những thất bại của mình và cái sai của đồng nghiệp. Qua một thời gian tự học, tôi có thể tổng kết lại một số câu hỏi phổ biến, và từ đó tôi tự đề ra 5 nguyên tắc trong ứng phó oral trong hội thảo khoa học. Đã đến lúc tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với các bạn, để sau này các bạn không chết đứng như tôi trước đây.

Nguyên tắc 1: Chuẩn bị câu hỏi và trả lời

Không có cái gì tốt hơn là sẵn sàng và có chuẩn bị. Trước khi lên bục giảng trình bày bài nói chuyện, diễn giả cần phải thực tập trước và có sẵn một loạt câu hỏi khả dĩ. Nói cách khác, diễn giả cần phải suy nghĩ trước những câu hỏi mà khán giả (đồng nghiệp) có thể đặt ra, và suy nghĩ câu trả lời. Dĩ nhiên, không phải tất cả những câu hỏi mình nghĩ ra sẽ xảy ra trong thực tế (vì làm sao có thể đoán trước hết được), nhưng qua chuẩn bị, diễn giả sẽ cảm thấy tự tin hơn và "trơn tru" hơn trong khi trả lời.

Chuẩn bị câu hỏi gì? Theo tôi là những câu hỏi liên quan đến lí do chọn đề tài nghiên cứu; phương pháp làm (thường bị hỏi nhiều nhất), nhất là những phương pháp mới lúc nào cũng gây ra e dè từ người nghe; cách diễn giải dữ liệu; và kết luận. Một số câu hỏi thường nhắm đến cơ chế. Phải chuẩn bị câu trả lời cho từng câu hỏi. Chuẩn bị những chữ quan trọng cần phải nhấn mạnh (gọi là "keywords") và những "câu tủ" cần phải nói cho trơn tru Tôi đã từng giúp vài bạn chuẩn bị câu hỏi và lần nào kết quả cũng rất mĩ mãn. Do đó, các bạn hãy chuẩn bị câu hỏi và câu trả lời trước khi lên bục giảng.

Nguyên tắc 2: Tôn trọng người hỏi

Điều rất quan trọng là phải tôn trọng người hỏi. Ngoại trừ một số rất ít những người hỏi để "kiếm chuyện", đại đa số người đặt câu hỏi đều có thiện ý và thiện tâm, họ muốn giúp cho diễn giả tốt hơn, hoặc làm cho diễn giải phải suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề, hoặc chia sẻ thông tin. Do đó, lúc nào cũng tỏ ra tôn trọng người đặt câu hỏi. Cách tỏ ra sự tôn trọng là trước khi trả lời, cần nói vài câu loại cliché, như "Thank you for your question, which I think is very important and I forgot to mention in my talk" (Cám ơn câu hỏi của ông/bà mà tôi nghĩ là rất quan trọng nhưng tôi quên đề cập trong bài nói chuyện). Có thể thay thế chữ important bằng interesting, relevant, crucial, v.v. Cũng có thể thay cách nói "I really appreciate your question which allows me to clarify one thing ..." (tôi thật sự cám ơn câu hỏi của anh vì nó giúp tôi minh bạch một vấn đề ...).

Tôn trọng ở đây có nghĩa là trả lời câu hỏi đầy đủ (nếu biết) và dựa vào chứng cứ. Tuyệt đối không được lên lớp người hỏi, vì gây ấn tượng rất xấu và nguy hiểm. Cũng không nên trả lời cho có, theo kiểu "nhát gừng". Càng tránh dùng những câu mà người ta có thể hiểu là câu hỏi không xứng đáng để trả lời như "As you should know", "It is well known that", "I think everyone here knows that". Cố gắng trả lời câu hỏi một cách đầy đủ, cho dù câu hỏi sơ đẳng cỡ nào.

Nguyên tắc 3: Khiêm tốn và thành thật

Lúc nào cũng tỏ thái độ khiêm tốn khi trả lời, nhất là những người mới vào "bộ lạc" hay còn ở vị trí "junior" trong chuyên ngành. Thái độ khiêm tốn có thể bày tỏ qua cách nói, như sau khi trả lời xong câu hỏi, diễn giả có thể nói thêm một câu mang tính học hỏi ("I hope I have answered your question", "I would like to hear more from you"), hay quay về phía khán phòng ("I hope someone in this audience can provide further information"). Tỏ thái độ khiêm tốn bằng ngôn ngữ cơ thể, như chăm chú câu hỏi và nhìn vào người hỏi với ánh mắt thân thiện. Tuyệt đối không đút tay vào túi quần, không chống nạnh, không cầm hai vành podium như tổng thống, không giơ tay chỉ trỏ về phía khán giả (như kiểu ông gì đó của Bộ ngoại giao).

Thành thật trong cách trả lời có nghĩa là nếu diễn giả không có câu trả lời, không biết, hay không rõ thì cứ thú nhận. Chẳng có gì phải mắc cỡ khi thú nhận mình không biết. Cách xử lí trong trường hợp này là nói một câu ngắn gọn, kiểu như: 

• "That is an important question, but I must admit that I have no answer for that" (Đó là một câu hỏi quan trọng, nhưng tôi phải thú nhận là tôi không có câu trả lời"); hoặc 

• "To be honest with you, I don't know" (thú thật với ông là tôi không biết). 

• Một cách khác là "đá" câu trả lời sang thầy của mình hay về phía khán giả, như "I am not a qualified person to answer that question, but I guess Professor Nguyen may want make some comments" (tôi không đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, nhưng tôi đoán rằng Giáo sư Nguyen có lẽ muốn có vài bình luận -- chỉ nói câu này khi đã có thoả thuận với thầy).

Nguyên tắc 4: Trả lời một cách tự tin

Một khi đã đứng lên trình bày báo cáo trước khán giả thì diễn giải phải tự tin vào nghiên cứu của mình. Cho dù là kết luận có thể bị chất vấn, nhưng diễn giả vẫn phải nói rằng kết luận của mình là dựa vào dữ liệu (nếu sự thật là vậy), chứ không phải "nói trên mây". Tự tin còn thể hiện qua sự hào hứng. Không gì chán hơn khi nghe một bài nói chuyện mà diễn giải nói như "nói cho có nói", ê a với những hình ảnh và con số, mà không tỏ ra yêu thương đứa con tinh thần của mình. Do đó, khi trả lời câu hỏi cũng nên tỏ ra mình có nhiệt huyết và hăng hái lắng nghe ý tưởng mới, và những gì mình có để đóng góp vào y văn thế giới. Cách nói có thể là "Well, you know, I am very excited to tell you more about that issue ..." (Cách nói "Well, you know" là cố tình làm cho không khí thân thiện hơn, chứ trong thực tế nói thì ít sử dụng).

Nguyên tắc 5: Trả lời với chứng cứ

Nguyên tắc trả lời câu hỏi quan trọng nhất là dựa vào chứng cứ. Chứng cứ ở đây có thể là những nghiên cứu trước hay những thông tin có thể trích dẫn được từ các công trình có bình duyệt. Tuyệt đối tránh dùng thông tin từ các trạm thông tin internet hay wiki vì điều đó cho thấy diễn giả lười biếng tìm thông tin.

Một điều liên quan cần phải tránh là đừng bao giờ tỏ ra thái độ mà tiếng Anh gọi là "trust me attitude". Chúng ta hay thấy và nghe những cách trả lời như "Chúng tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này 20 năm" như là một cách "bảo kê" cho quan điểm, cho phương pháp của họ. Đó là cách trả lời rất dở, vì kinh nghiệm không thể nào thay thế khoa học được, và kinh nghiệm cá nhân (cho dù cá nhân đó nổi tiếng cỡ nào) thì không thể nào lấy ra làm chân lí. Cần phải tránh cách trả lời đó, và thay vào đó là cách trả lời dựa vào chứng cứ. Lấy một ví dụ từ một công trình nổi tiếng nào đó để làm chứng cứ, chẳng hạn như "I would like to emphasize that our methodology/approach is a standard in the field, and it has previously been used by the UCLA research group" (tôi muốn nhấn mạnh là phương pháp của chúng tôi là chuẩn trong chuyên ngành, và nó đã từng được nhóm UCLA sử dụng trước đây).

Những cách ứng phó câu hỏi: Còn mẹo trả lời câu hỏi thì rất khó nói hết được, do còn tuỳ thuộc vào tình huống. Nhưng tựu trung lại, kinh nghiệm của tôi là có mấy loại câu hỏi sau đây, và tôi mách cho các bạn cách ứng đáp sao cho đáp ứng 5 nguyên tắc trên.

1. Câu hỏi loại liên kết

Thỉnh thoảng người nghe muốn đặt nghiên cứu của diễn giả trong bối cảnh, và họ thường có những câu hỏi mang tính "cò mồi" như "Is there any literature relating to ..." (Có nghiên cứu nào trước đây liên quan đến ...). Đối với những câu hỏi loại này thì rất dễ trả lời, nếu diễn giả nắm được vấn đề và "on top of things". Cách trả lời tốt nhất là vào đầu cám ơn họ ("Thank you for your question"), và sau đó là đi thẳng vào câu trả lời: "As far as I know, a number of groups around the world have been exploring this area ..." (Theo như tôi được biết thì có vài nhóm trên thế giới đã và đang khai thác đề tài này).

2. Câu hỏi loại thách thức

"Thách thức" ở đây không mang tính tiêu cực như người mình hay hiểu; nó mang tính challenge, tức là làm cho diễn giả phải suy nghĩ về phương pháp, về cách diễn giải, về kết luận của mình. Người lịch sự thường hay hỏi kiểu "I think there is an alternative interpretation to your data..." (Tôi nghĩ có một cách diễn giải khác về dữ liệu của anh). Đó là câu hỏi gián tiếp và lịch sự nói "Anh nói sai rồi"! Cách đối phó với câu hỏi loại này là "Thank you very much for offering another interpretation of my data. I think it is possible that the interpretation is correct, but I would like to think that my interpretation is more consistent with the data. Let me explain why ..." (Cám ơn ông rất nhiều về cách diễn giải khác. Tôi nghĩ cách diễn giải đó có thể đúng, nhưng tôi muốn nghĩ rằng cách diễn giải của tôi phù hợp với dữ liệu hơn. Để tôi nói thêm một chút ...)

Những câu hỏi thách thức có khi cần phải đặt vào bối cảnh và trả lời thông minh. Có lần tôi chỉ cho một em nghiên cứu sinh và kết quả rất mĩ mãn. Câu hỏi là "The relative risk of death associated with the gene was only 1.05, and yet it is statistically significant. Do you think it is clinically significant?" (Cái tỉ số nguy cơ tử vong liên đến gen chỉ có 1.10, vậy mà nó có ý nghĩa thống kê. Vậy theo anh, nó có ý nghĩa lâm sàng không?) Câu hỏi này rất "ác độc", vì nó đánh đổ cái phát hiện quan trọng. Cách trả lời tôi bày cho em ấy là "You are absolutely right that the relative risk was modest, but I would like to think that it is clinically important. Now, approximately 30% of people have the exposed genotype, so approximately 3% of deaths is attributable to the gene, and I think that is highly relevant" (Ông rất đúng là cái mức độ ảnh hưởng rất nhỏ, nhưng tôi muốn nghĩ rằng nó có ý nghĩa lâm sàng. Bởi vì 30% cá nhân mang cái gen này, do đó, có thể ước tính rằng gần 3% tử vong là do gen này. Tôi nghĩ đó là mức độ ảnh hưởng rất quan trọng).

3. Câu hỏi loại "sao ngươi quên ta"

Có một loại câu hỏi hay được đặt ra, mà người hỏi có ý nghĩa khác. Đó là câu hỏi kiểu "We have been working on this area for quite a while, and we found that the effect was not as strong as your observation" (chúng tôi đã làm về vấn đề này khá lâu rồi, và chúng tôi thấy mức độ ảnh hưởng không lớn như anh quan sát). Đây là loại câu hỏi mà ý đằng sau là "Tôi đã làm trước anh, vậy mà anh được mời báo cáo, còn tôi thì không." Cách đối phó với câu hỏi loại này là "Thank you for your question. Of course, we are aware of your great work in this area, and in fact our work has been built on your earlier studies ..." (Dĩ nhiên, chúng tôi biết các công trình của ông, và thật ra mà nói công trình của chúng tôi cũng được xây dựng trên cơ sở những công trình của ông). Nói vậy để "xua đuổi" cho họ đi, mà cùng lúc làm cho họ ... hài lòng.

4. Câu hỏi đề nghị cho ý kiến

Đây là những câu hỏi loại "what do you think" (chị nghĩ gì). Trong hội nghị khoa học, chúng ta hay thấy và nghe những câu hỏi loại này, và cách trả lời cũng không quá khó khăn. Trước hết cần phải hiểu rằng đó là một dạng yêu cầu diễn giải nói thêm, và nếu cần, nói ra ngoài đề tài nghiên cứu của mình. Đây là một loại câu hỏi thử xem diễn giả có cái nhìn bao quát, cái nhìn của người biết mình đang làm gì và đang ở đâu trong chuyên ngành.

Có hai cách để trả lời: cụ thể và chung chung. Cách cụ thể là nghĩ đến những gì mình sẽ làm tiếp và đưa ra một định hướng. Ví dụ như, "Well, that is a good question that has bothered me for quite some time. I think there are three more issues we need to address ...." (Ờ, tôi nghĩ đó là một câu hỏi hay, và nó cũng đã làm hao tổn tâm trí tôi một thời gian. Tôi nghĩ trong tương lai chúng ta cần giải quyết 3 vấn đề ...). Sau đó, đừng quên nói thêm một câu "I am not sure whether I have answered your question adequately" (Tôi không chắc là tôi đã trả lời câu hỏi của ông một cách đầy đủ).

Cách trả lời thứ hai là .... không biết, nhưng "đá" ngược câu hỏi về cho người hỏi: "Well, it is a very interesting question that I will invest more time to think about it" (Đó là một câu hỏi thú vị, mà tôi sẽ đầu tư thêm thời gian để suy nghĩ về nó"), rồi sau đó đá sang người hỏi: "I am keen to hear your comments on this" (Tôi rất muốn nghe ông bình luận về vấn đề này).

5. Đề nghị nhưng giả dạng câu hỏi

Có những câu hỏi tuy mang danh là "hỏi" nhưng thực chất là yêu cầu diễn giả làm theo họ. Đó là những câu hỏi kiểu như "We have approached the problem by using this methodology, I am wondering if you had used the same approach what would be your conclusion" (Chúng tôi từng tiếp cận vấn đề bằng phương pháp này, và tôi nghĩ không biết kết luận của anh sẽ ra sao nếu anh dùng phương pháp đó). Để đối phó với những câu hỏi loại này, cách tốt nhất là làm cho họ đẹp lòng, và nói "I think that is a wonderful suggestion, thank you. We will definitely use that approach next time" (Tôi nghĩ đó là một đề nghị tuyệt vời, cám ơn. Chúng tôi chắc chắn sẽ dùng phương pháp đó trong tương lai).

6. Câu hỏi ngoan cố, cố chấp

Trong các hội nghị khoa học, thỉnh thoảng cũng có những người cố chấp, muốn làm khó hoặc hạ bệ diễn giả. Những người này không bao giờ hài lòng với câu trả lời của diễn giả, mà lúc nào cũng lăm le tranh biện, chỉ trích. Đối với loại người này thì khán giả rất dễ nhận ra, nên cách hay nhất là lấy lòng đám đông bằng cách nói như "I understand your concern, but I think we can discuss the issue after the seminar. Right now, I think it is sensible to give the audience a chance to ask other questions" (Tôi hiểu mối quan tâm của ông, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thảo luận sau buổi seminar. Còn bây giờ tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta nên để cho khán giả hỏi câu hỏi khác).

7. Nghe không rõ hoặc không hiểu

Nếu không hiểu câu hỏi hay nghe không rõ, có thể yêu cầu người đặt câu hỏi nói lại. Trong những khán phòng rộng với hàng ngàn người dự, rất khó có thể nghe hết câu hỏi. Có nhiều diễn giả là người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ thì vấn đề hiểu rõ câu hỏi còn khó hơn nữa. Nếu không hiểu rõ hay không nghe rõ, diễn giả có thể ôn tồn hỏi lại, chẳng hạn như "I am really sorry that I could not hear your question clearly. Could you please repeat the question" (Tôi thật sự xin lỗi là tôi không nghe rõ câu hỏi của ông. Xin ông làm ơn lặp lại câu hỏi). Nếu không hiểu câu hỏi vì họ dùng từ ngữ phức tạp hay dùng tiếng lóng (vâng, khoa học cũng dùng tiếng lóng), thì một cách khác để nói là "I am sorry that I have trouble of understanding your question. I am wondering whether you could please express it in another way" (Tôi xin lỗi là tôi gặp trở ngại trong việc hiểu câu anh hỏi. Anh làm ơn nói lại câu hỏi một cách khác được không). Không có gì phải xấu hổ nếu nói mình không hiểu câu hỏi.

8. Không có ai hỏi

Thỉnh thoảng sau khi xong bài nói chuyện, chẳng ai đặt câu hỏi. Đây là thời gian đáng sợ nhất, vì sự im lặng. Có vài lí do tại sao người ta im lặng. Thứ nhất là diễn giả nói quá tốt, quá đầy đủ, nên chẳng ai hỏi, nhưng tình huống này khó xảy ra. Thứ hai là tác giả nói quá phức tạp, khó theo dõi, nên chẳng ai biết hỏi câu gì, và trường hợp này là tín hiệu cho thấy diễn giả đã thất bại. Thứ ba là diễn giả nói quá giờ, nên khán giả bực mình, chẳng cần quan tâm. Thứ tư là diễn giả tỏ là phách lối, ngạo mạn, nên khán giả cũng chẳng cần hỏi. Trong trường hợp sự "im lặng đáng sợ" xảy ra, và người chủ toạ không can thiệp, diễn giả có thể nói một câu như "I gather that some of the results I showed you earlier were complicated, so let me clarify some important points ..." (Tôi e rằng một số kết quả tôi trình bày có vẻ phức tạp. Xin cho tôi giải thích thêm). Đó cũng là một cách để phá vỡ sự im lặng và mời câu hỏi.

Đó là một số mẹo mà tôi học được trong quá khứ, và từ đó tôi đúc kết thành 5 nguyên tắc. Tôi nghĩ trong thực tế còn nhiều tình huống và câu hỏi khác mà tôi chưa nghĩ ra hết hay chưa trải nghiệm qua. Hi vọng rằng các bạn có thể thêm vào để cùng nhau học hỏi. Như tôi từng nói, và nói lại ở đây một lần nữa, để thành công trong khoa bảng, phải học cách viết và cách nói -- hai khía cạnh mà người Việt chúng ta rất kém. Hi vọng rằng các bạn có dịp thực hành và tôi tin rằng nếu làm đúng thì các bạn sẽ thành công trong hội nghị.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO