Một tin không mấy vui đầu năm: trang web scholarly(dot)com của ông Jeffrey Beall đã đóng hay bị đóng (1). Đây là một trang web mà giới khoa học toàn cầu tham khảo và nhận dạng các tập san khoa học dỏm. Đóng góp thiện nguyện của ông là vô giá, và sự vắng mặt của trang web là một thiệt thòi cho giới khoa học chính thống.
Qua sưu tầm và thẩm định cẩn thận các tập san theo dạng Mở (Open Access) ông phát triển những tiêu chuẩn để phân biệt đâu là tập san dỏm và đâu là thật. Ông làm việc hoàn toàn thiện nguyện, ngoài giờ làm việc trong vai trò thủ thư của ông ở ĐH Colorado, Denver. Ông trở nên nổi tiếng và được hầu hết các tập san lừng danh như Science và Nature khen ngợi và giới thiẹu trang web của ông, vốn chỉ là một blog. Nhưng ông còn có hàng triệu người trên khắp thế giới cám ơn vì việc làm quan trọng: khai trí.
Ông liệt kê hàng ngàn "nhà xuất bản" chuyên làm tiền và hàng vạn "tập san" dỏm. Qua việc làm này, ông đã tiết kiệm hàng triệu USD cho giới khoa học từ các nước nghèo. Ông còn giúp giới khoa học phân biệt giữa dỏm và thật, giúp cho các nhà quản lí khoa học xây dựng các bộ tiêu chuẩn để nhận dạng dỏm. Quan trọng hơn hết, ông Beall đã góp phần rất lớn trong việc làm sạch khoa học.
Nhưng việc làm của ông Beall làm cho những kẻ dỏm tức tối. Họ dùng mọi phương cách để rêu rao bịa chuyện nói xấu ông. Họ gửi email nặc danh đến giới khoa học nhằm hạ uy tín của ông. Họ còn táo tợn cho rằng ông Beall lập ra danh sách tập san dỏm chỉ để moi tiền từ các nhà xuất bản! Có nhà xuất bản dỏm còn đòi kiện ông ra toà. Đứng trước những làn sóng tấn công từ những kẻ xấu như vậy, ai cũng nghĩ ông Beall sẽ mệt mỏi và bỏ cái công việc vô ơn này. Dù ông không giải thích tại sao ông đóng trang web, nhưng những ai quan tâm đều có thể đoán rằng các áp lực từ thế lực thù địch khoa học đã góp phần vào quyết định của ông.
Nhiều nhà khoa học VN đã rơi vào cạm bẫy của các tập san dỏm. Nhìn qua danh sách các bài báo của vài trường đại học, kể cả đại học quốc gia, tôi thấy nhiều bài trên tập san dỏm. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả một số giới khoa học Việt kiều mang hàm giáo sư cũng có tên trong các tập san dỏm! Ngay cả ở Úc một vài người Tàu thuộc một đại học có tiếng cũng công bố trên vài tập san dỏm. Một số do không phân biệt được dỏm với thật, nên trở thành nạn nhân của những chiêu trò làm tiền. Nhưng một số thì có thể biết là dỏm nhưng vì không công bố được trên tập san chính thống nên đành nhắm mắt sa vào tròng của bọn dỏm.
Nhưng nguy hiểm nhất là những tập san nằm ở biên giới của dỏm và thật. Đây là những tập san không do các nhà xuất bản danh tiếng xuất bản nhưng có trong danh mục ISI do họ biết cách khai thác kẻ hở của tiêu chuẩn ISI. Những tập san loại này cũng có những người có tiếng trong ban biên tập, nhưng họ không công bố trên các tập san đó. Chính vì những đặc điểm này mà những người công bố trên các "tập san mờ mờ tỏ tỏ" có lí do để biện minh cho sự chính thống của tập san và bài báo của họ. Và, đây là những trường hợp làm cho giới quản lí khoa học rất nhức đầu để đối phó với những nguỵ biện. Rất mất thì giờ giải thích cho họ, vì họ lúc nào cũng nghĩ tập san họ công bố là chính thống.
Sự vắng mặt của trang web của ông Beall có thể xem là một "thắng lợi" của khoa học dỏm. Tôi đoán là sẽ có nhiều "tập san" dỏm ra đời, và chúng sẽ hoành hành nhiều hơn nữa trong tương lai. Giới khoa học bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở các nước đang phát triển (như VN), bởi vì từ nay chúng ta mất một nguồn tham khảo để đánh giá và phân biệt dỏm thật. Do đó, tôi nghĩ ai đó trong chúng ta nên đứng ra thành lập một trang web khác để catalogue những tập san và các trạm xuất bản dỏm.
Riêng tôi thì có một cách phân biệt đơn giản và nó trở thành nguyên lí cho thành viên trong lab: gần đèn. Nguyên lí "gần đèn" [thì sáng] để tránh "gần mực thì đen", cũng có thể triển khai thành 3 tiêu chuẩn cụ thể: chỉ công bố trên các (1) tập san thuộc các hiệp hội chuyên ngành tầm quốc tế (chứ không địa phương); (2) tập san có ban biên tập gồm những người "coi được" mà tôi biết rõ qua hội nghị; (3) tập san Mở của các nhà xuất bản danh tiếng và có mặt các nhà khoa học coi được trong ban biên tập và họ có công bố trên các tập san đó. Tôi nghĩ nguyên lí "gần đèn" này có thể giúp cho giới khoa học trẻ chọn tập san sao cho "track record" của họ sáng một chút.
===
(1) http://www.sciencemag.org/news/2017/01/mystery-controversial-list-predatory-publishers-disappears
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét