Nhận xét và đề nghị tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư

Bộ GDĐT mới ra một dự thảo về qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS/PGS (1), và kêu gọi những ai quan tâm góp ý. Đọc qua Dự thảo này tôi thấy qui trình vẫn y như cũ và các tiêu chuẩn thì có vẻ thấp quá.



Nhận xét 1: Ngạch bổ nhiệm.  Dự thảo bộ tiêu chuẩn không phân biệt được ngạch giáo sư. Trong thực tế, có 2 ngạch giáo sư chính là giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều người làm nghiên cứu nhưng không hay ít giảng dạy; ngược lại, có người xem giảng dạy là chính và nghiên cứu là phụ. Đóng góp của họ cần được ghi nhận, và tiêu chuẩn cho giáo sư ngạch giảng dạy phải khác với tiêu chuẩn cho giáo sư ngạch nghiên cứu.

Đề nghị 1: Cần xây dựng và tách bạch bộ tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư ngạch giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải được quyền lựa chọn ngạch đề bạt.

Nhận xét 2: Cấp bậc.  Dự thảo duy trì hai bậc giáo sư (phó giáo sư và giáo sư), nhưng với xu hướng chung trên thế giới, người ta phân định 3 bậc giáo sư: assistant professor, associate professor, và full professor (hay professor). Ngay cả ở Úc cũng có một số trường đại học theo cách phân cấp này. Hiện nay, theo dự thảo thì qui định cho phó giáo sư là 3 năm sau tiến sĩ, tôi nghĩ là chỉ tương đương với thời gian cho một hậu tiến sĩ để xin chức danh assistant professor ở nước ngoài.

Đề nghị 2: Nên cải cách và đưa vào cấp assistant professor. Tôi chưa biết dịch danh xưng này ra sao (trong thực tế, chữ "assistant" ở đây không có nghĩa là "trợ lí" mà là "phó"). Chức danh này nhằm khuyến khích các nhà khoa học và giảng viên trẻ có tiềm năng để họ phấn đấu thành một associate professor. 

Nhận xét 3: Thời gian.  Dự thảo bộ tiêu chuẩn không qui định thời gian bổ nhiệm chức danh giáo sư. Điều này có thể hiểu rằng các chức danh này là phẩm hàm và có giá trị suốt đời. Tuy nhiên, trong thực tế ở các nước tiên tiến, mỗi chức danh giáo sư (professor, associate professor và assistant professor) có thời hạn, thường là 5 năm, chứ không phải suốt đời. Khi một giáo sư đã nghỉ hưu thì chức danh đó không còn nữa, nhưng nếu giáo sư đó có công cho trường đại học thì Hội đồng học thuật của trường có thể trao danh xưng "Emeritus Professor".

Đề nghị 3: Đưa thêm điều lệ bổ nhiệm chức danh giáo sư là 5 năm. Cần nói rõ là cứ sau 5 năm thì ứng viên sẽ được xét duyệt một lần.

Nhận xét 4:  Tiêu chuẩn chưa đầy đủ. Hiện nay, theo như dự thảo thì đa số các tiêu chuẩn chỉ xoay quanh các "tiêu chuẩn cứng" về năng suất khoa học, mà chưa xem xét đến các tiêu chuẩn khác như:
·       chất lượng và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu;
·       tầm nhìn;
·       khả năng hay triển vọng lãnh đạo;
·       đóng góp cho chuyên ngành;
·       đóng góp cho trường/viện;
·       đóng góp cho Việt Nam.

Đề nghị 4: Một giáo sư đúng nghĩa không chỉ làm nghiên cứu khoa học, mà phải nghiên cứu có chất lượng, có ảnh hưởng trên trường quốc gia hay quốc tế, và có những đóng góp cho ngành và cho cộng đồng.

Nhận xét 5: Tiêu chuẩn "cứng".  Tiêu chuẩn về số bài báo còn quá thấp. Dự thảo viết "Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 02 (hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus." Theo tôi, tiêu chuẩn này quá thấp cho một giáo sư. Ở nước ngoài (và ngay cả ở Việt Nam), nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng đã phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI trước khi bảo vệ luận án. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (2), tiêu chuẩn cho chức danh Assistant Professor cũng đã phải 4 bài báo trở lên. Do đó, một giáo sư do Hội đồng Nhà nước phong phải có năng suất cao hơn 2 bài báo thì mới "xem được".

Đề nghị 5: Số bài báo khoa học tối thiểu cần phải nâng lên 10 cho chức danh phó giáo sư, và 20 cho chức danh giáo sư. Cần phải đặt tiêu chuẩn về tác giả chính, chẳng hạn như 70% số bài báo tối thiểu ứng viên phải là tác giả chính. Phải xem xét đến số bài báo trong vòng 5 năm qua như là tiêu chuẩn chính để nhận dạng những "ngôi sao đang lên", vì những ứng viên này rất cần được hỗ trợ. Chú ý là không nên đưa ra một con số cứng nhắc, mà chỉ đưa ra một con số tối thiểu. Cần tham khảo các tiêu chuẩn của các trường đại học ở các nước tiên tiến để xem tiêu chuẩn tối thiểu của họ.

Nhận xét 6: Cách qui đổi điểm.  Cách qui đổi điểm bài báo thiếu tính hợp lí. Ở Điều 11, có qui định "Một bài báo khoa học có phản biện và được công bố trên tạp chí trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN được tính tối đa 1,0 điểm; nếu công bố trên tạp chí nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISSN tế được tính tối đa 1,5 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus được tính tối đa 2,0 điểm." Theo tôi thấy qui định này hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào cả, và không hợp lí.

Bài báo khoa học có bình duyệt (peer reviewed papers) cho dù là công bố trên các tập san trong danh mục ISI có chất lượng không đồng đều nhau. Chẳng hạn như một bài trên tập san Lancet, New England Journal of Medicine, JAMA, hay Nature có giá trị cao hơn nhiều so với một bài trên tập san như Scientific Reports hay PLoS ONE, dù tất cả những tập san này đều có bình duyệt và có mã số ISSN. Do đó, không thể đánh đồng giá trị bằng cách qui điểm đơn giản như dự thảo được. Càng khó thuyết phục hơn khi hệ số qui đổi điểm bài báo trên một tập san trong nước có ISSN là 1, trong khi đó bài báo trên tập san nước ngoài là 1.5.

Đề nghị 6: Bỏ cách qui đổi điểm. Sự nghiệp và thành tựu khoa học của một cá nhân không thể nào cân đo đong đếm đơn giản như cách qui đổi điểm.

Nhận xét 7: Qui trình bình duyệt. Dự thảo đề cập đến 3 hội đồng (cơ sở, ngành, và nhà nước). Qui trình này có vẻ rườm rà, và hội đồng cấp cơ sở có lẽ không cần thiết. Ứng viên chỉ cần hỏi ý kiến người có trách nhiệm nơi công tác là đủ, không cần đến một hội đồng. Ngoài ra, không thấy đề cập đến bình duyệt của chuyên gia nước ngoài.

Đề nghị 7: Bỏ hội đồng cấp cơ sở, nhưng thêm vào bình duyện từ chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia này phải là những người cấp giáo sư đang công tác trong các đại học có trong danh sách Top 500. Bình duyệt từ ngoài là cần thiết vì chỉ có người trong chuyên ngành hẹp mới đánh giá chính xác ứng viên.

Bổ nhiệm chức danh giáo sư hay phó giáo sư là một hình thức ghi nhận đóng góp của ứng viên không chỉ trong khoa học mà còn cho trường, cộng đồng, và quốc gia. Các tiêu chuẩn cần phản ảnh ba cấp giáo sư. Một Assistant Professor cần đáp ứng tiêu chuẩn chung là có thành tích nghiên cứu khoa học tốt hay giảng dạy tốt và có đóng góp ở cấp trường hay quốc gia. Một Associate Professor phải chứng tỏ có uy tín cấp quốc gia về thành tựu khoa học và có đóng góp ngoài trường, thường là cấp quốc gia. Một Professor cần có một thành tích nghiên cứu khoa học thuộc vào hạng xuất sắc (distinguished) và có uy danh cấp quốc tế. Các tiêu chuẩn định lượng là quan trọng, nhưng cũng chỉ mang tính tham khảo, bởi vì trong thực tế không có một tiêu chuẩn mang tính định lượng nào có thể phản ảnh đầy đủ những đóng góp của một ứng viên. Một bộ tiêu chuẩn quá lệ thuộc vào định lượng theo kiểu "cân đo đong đếm" và qui đổi điểm rất khó nhận dạng được những ứng viên xuất sắc.

Tóm lại, những tiêu chuẩn trong Dự thảo chưa tạo nên một sự "đột phá" cần thiết cho cải cách chức danh giáo sư. Các tiêu chuẩn vẫn mang nặng tính định lượng, nhưng ngưỡng lại khá thấp so với chuẩn quốc tế và trong vùng. Dự thảo còn thiếu vài tiêu chuẩn về chất lượng và tác động của nghiên cứu. Qui trình vẫn chưa được đơn giản hoá, và không có sự tham gia bình duyệt của các giáo sư nước ngoài. Những khiếm khuyết vừa kể có thể khắc phục dễ dàng để Dự thảo được hoàn chỉnh hơn.
  
----




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO