Vụ arsenic trong nước mắm: diễn giải kết quả của Bộ Y tế


Bộ Y tế mới ra thông cáo báo chí (1) cho biết rằng họ đã làm kiểm nghiệm trên 247 mẫu nước mắm, và kết quả là không có mẫu nào (0) có arsenic vô cơ. Kết quả này có lẽ làm an lòng công chúng và cho thấy Vinastas có thể đã sai. Nhưng đối với giới khoa học kết quả đó đặt ra vài câu hỏi về cách làm và diễn giải.



Ấn tượng đầu tiên khi đọc thông cáo này là chẳng khác gì cách mà Vinastas trình bày, tức là thiếu thông tin khoa học. Bất cứ một điều tra xã hội nào cũng có thể xem như là một sự khảo sát về một tham số trong quần thể (population). Cái "tham số" ở đây chính là hàm lượng arsenic trong nước mắm. Chúng ta không biết trong quần thể nước mắm toàn quốc có hàm lượng arsenic là bao nhiêu, và vì thế chúng ta phải lấy mẫu (samples). Nếu lấy mẫu đúng phương pháp và ngẫu nhiên, thì kết quả có thể cho phép chúng ta ước tính cái tham số trong quần thể.

Ở đây BYT chỉ nói rằng họ lấy "247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất." Không hiểu tại sao có con số 247, nhưng đó là mẫu khá lớn và phần nào làm chúng ta tự tin hơn. Địa điểm lấy mẫu là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Chúng ta có thể hỏi tại sao không lấy mẫu ở những vùng "thủ đô" nước mắm như Phú Quốc và Phan Thiết.

Cũng như Vinastas, lần này chúng ta cũng không rõ BYT dùng phương pháp phân tích nào. Điều đáng quan tâm là họ làm ở 4 nơi khác nhau (chứ không phải tại một địa điểm): Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc Gia, Viện Dinh Dưỡng, Viện Y tế Công cộng thành phố Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang. Vấn đề đặt ra là các thiết bị giữa 4 địa điểm phân tích có được calibrated hay không? Điều này rất quan trọng, vì nó chẳng khác gì chúng ta đo lường nồng độ vitamin D ở hai địa điểm cùng một phương pháp, nhưng chưa chắc cho ra kết quả giống nhau nếu không được chuẩn hoá.

Không có bằng chứng ≠ bằng chứng không có

Thật ra, rất khó bàn chuyên sâu về kết quả của BYT, vì họ chẳng cung cấp thông tin khoa học nào cả. Đối với giới khoa học, dữ liệu cần biết là số trung bình và độ lệch chuẩn của hàm lượng arsenic phân chia theo từng thành phần như arsenobetaine, arsenocholine, arsenite, arsenate, methylarsonic acid, dimethylarsinic acid, trimethylarsine oxide, trimethylarsenopropionate. Nhưng Bộ Y tế không hề báo cáo bất cứ một con số nào về các thành phần trên, và chúng ta có lí do để nghi ngờ tính khoa học đằng sau kết quả 247/247.

Cách báo cáo rằng "247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ," theo tôi là -- nói theo tiếng Anh -- là non-informative, tức thiếu thông tin. Giả dụ rằng có mẫu nước mắm có hàm lượng arsenic vô cơ là 0.98 mg/L, thì theo BYT kết quả này là âm tính, vì nó thấp hơn 1 mg/L. Nhưng trong thực tế thì khó nói là âm tính được nếu chúng ta biết rằng sai số đo lường (error of measurement) là 2-5% là sai số hay thấy trong các máy HPLC. Nói cách khác, cách trình bày số liệu theo kết quả nhị phân (yes/no, dương tính/âm tính) là không thoả đáng về mặt khoa học.

Trong khoa học chúng ta có câu "absence of evidence is not evidence of absence". Trong trường hợp arsenic và nước mắm, câu này phải hiểu là không thấy arsenic vô cơ trong 247 mẫu nước mắm KHÔNG có nghĩa là chứng cứ cho thấy nước mắm không nhiễm arsenic vô cơ. Có thể chúng ta chưa tìm ra mà thôi. Nên nhớ rằng arsenic hữu cơ có thể chuyển hoá thành vô cơ trong quá trình chế biến (2).

Với nguyên lí "absence of evidence is not evidence of absence" và với kết quả 0 mẫu âm tính trên 247 mẫu kiểm nghiệm, chúng ta diễn giải như thế nào? Theo tôi, có hai cách diễn giải kết quả này:

Cách thứ nhất là áp dụng "nguyên tắc 3/n biến cố". Trong nghiên cứu can thiệp lâm sàng, thỉnh thoảng chúng ta không phát hiện một biến chứng nào cả, và điều đó không có nghĩa là thuốc quá tuyệt vời; nó chỉ có nghĩa là chúng ta chưa "gặp ma" thôi. Năm 1983, tác giả Hanley và Lippman dùng lí thuyết phân bố Poisson chứng minh rằng nguy cơ (xác suất) tối đa mà biến cố có thể xảy ra về lâu dài là 3/n, trong đó n là số mẫu. Điều này có nghĩa là chúng ta kì vọng rằng về lâu dài, tỉ lệ tối đa mẫu nước mắm bị nhiễm arsenic vô cơ là 1.2% (tức 3/247).

Cách thứ hai là dùng phương pháp Bayes để ước tính. Phương pháp này đòi hỏi chúng ta phải cho một thông tin tiền định (còn gọi là prior distribution), rồi sau đó dùng số liệu thực tế của BYT để ước tính tỉ lệ nước mắm bị nhiễm. Giả dụ rằng chúng ta không biết gì về tỉ lệ thật, và giả định rằng các tỉ lệ này có xác suất như nhau, tức là phân bố Beta(1,1). Dùng phân bố này và kết hợp với số liệu 0/247, chúng ta có thể mô phỏng tỉ lệ đó như sau (xem hình).


Như các bạn thấy từ kết quả mô phỏng chúng ta có thể ước tính tỉ lệ bị nhiễm là 0.3% (tức 3 trên 1000), nhưng nếu lấy mẫu nhiều lần thì tỉ lệ này sẽ dao động trong khoảng 0% đến 1.2%. Kết quả phần trên của khoảng tin cậy 95% này hoàn toàn nhất quán với nguyên tắc 3/n mà tôi trình bày trên.

Tạm kết luận

Nói tóm lại về tính khoa học, thông cáo báo chí của Bộ Y Tế không khác gì so với thông cáo báo chí của Vinastas. Nếu kết quả của Vinastas là một cực đoan dương, thì kết quả của BYT là một cực đoan âm. Cái kết quả cực đoan âm đó có thể cho chúng ta an tâm là nước mắm Việt Nam không bị nhiễm arsenic.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận với tình trạng too good to be true, vì trong khoa học bất cứ một kết quả nào quá đẹp (như của BYT) hay quá xấu (như của Vinastas) đều đáng nghi ngờ. Hãy giả định rằng BYT đã làm đúng qui chuẩn khoa học, thì tính toán của tôi cho thấy tỉ lệ nước mắm nhiễm arsenic vô cơ cao lắm là 1.2%, nhưng khả năng cao là 0%.

===

(1) http://moh.gov.vn/news/pages/tinkhacv2.aspx?ItemID=1798

(2) Kato A, Nagashima Y. Identification of dimethylarsinic acid as the major arsenic compound in fish sauce by liquid chromatography/electrospray ionization-mass spectrometry. Fisheries Science 2004;70:695–702.

Ghi thêm: 

Hôm nọ tôi có bàn về kết quả khảo sát của báo Thanh Niên. Hôm nay thì Thanh Niên đã gỡ những bài viết đó. 

Bộ Y tế nói rằng trong qui định về giới hạn arsenic (mà họ dựa vào qui định của một tổ chức quốc tế) là chỉ nói về arsenic vô cơ. Nhưng trong thực tế thì cách viết của thông tư đó không đề cập đến vô cơ (xem hình), và đó chính là nguồn gốc của sự lẫn lộn: 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO