Arsenic và nước mắm: vấn đề truyền thông khoa học


Câu chuyện "nước mắm nhiễm arsenic" có thể xem là một biến cố về truyền thông khoa học (science communication). Giới báo chí Việt Nam nói chung không am hiểu về khoa học và thiếu kĩ năng xử lí thông tin khoa học, nên dẫn đến những ngộ nhận và đưa tin sai. Trong cái note này tôi muốn đề ra 5 tiêu chuẩn để giới báo chí có thể sử dụng tron việc xử lí thông tin khoa học.



Tôi nghĩ ở khía cạnh xử lí thông tin, nhà báo cũng giống như bác sĩ. Bác sĩ hàng ngày phải xử lí thông tin, qua đọc y văn và đánh giá mức độ tin cậy để phục vụ cho các quyết định lâm sàng. Nhà báo cũng thế, mỗi ngày họ phải đánh giá nhiều thông tin và sàng lọc những thông tin cần thiết để cung cấp cho độc giả.

Tôi có cơ duyên với truyền thông khoa học vì tôi hay viết về lĩnh vực này. Có lần tôi được hân hạnh nói 3 bài về chủ đề này trong một hội nghị của giới báo chí do Bộ KHCN tổ chức ở Vĩnh Phú. Sau này tôi viết thành một số bài về cái mà tôi gọi là "truyền thông thực chứng" (evidence based communication), theo đó tôi đề nghị 10 tiêu chuẩn để đánh giá thông tin khoa học (1). Mấy hôm nay, qua vấn đề nước mắm và thạch tín, tôi nghĩ đến 5 tiêu chuẩn mà tôi muốn chia sẻ với các nhà báo (và các bạn đọc).

Tiêu chuẩn 1: giá trị khoa học

Một thông tin liên quan đến khoa học (như nhiễm độc chất, mối liên quan giữa yếu tố nguy cơ và bệnh tật) có giá trị nếu nó được đúc kết từ một quá trình thu thập và phân tích dữ liệu nghiêm chỉnh. Quá trình ở đây có thể bao gồm:

  • mô hình nghiên cứu, tiêu chuẩn chọn mẫu, cách lấy mẫu hoặc sinh phẩm;
  • phương pháp và thiết bị đo lường; 
  • độ chính xác (accuracy) của phương pháp đo lường;
  • độ tin cậy (reliability) của phương pháp đo lường;
  • phương pháp phân tích dữ liệu; và
  • cách trình bày, diễn giải kết quả phân tích.


Có khi nhà báo không đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá các khía cạnh trên, và cách hay nhất là họ kiểm tra xem nơi cung cấp thông tin xem họ đã có kinh nghiệm làm khoa học. Họ có hợp tác với ai để phân tích hay tiến hành nghiên cứu. Kiểm tra nơi hợp tác xem họ đã có thành tích nào trong quá khứ, nếu có công bố khoa học thì càng tốt. 

Tiêu chuẩn 2: phân biệt giữa ý kiến cá nhân và chứng cứ

Chứng cứ qua dữ liệu thật mới có giá trị cao. Cùng một dữ liệu nhưng các chuyên gia có thể diễn giải hoặc hiểu khác nhau. Chẳng hạn như nếu nồng độ thạch tín là 3 mg/L thì có người có thể nói là không quan trọng, nhưng người khác có thể nói nồng độ đó cao gấp 2 lần nồng độ cho phép, và do đó ... quan trọng. Trong trường hợp này, nhà báo chỉ cần báo cáo dữ liệu thật và so sánh với một giá trị tham chiếu, chứ đừng nghe diễn giải của chuyên gia.

Cần nói thêm rằng trong khoa học, ý kiến cá nhân có giá trị khoa học thấp nhất. Lí do là có khi cá nhân tuy có chức danh nhưng không có kinh nghiệm và kiến thức chưa đạt, nên họ có thể phát biểu theo kinh nghiệm cá nhân. Do đó, trong truyền thông khoa học, cũng như y học thực chứng, ý kiến cá nhân có giá trị thấp nhất.

Tiêu chuẩn 3: tư vấn chuyên gia

Không bao giờ tin vào một nguồn tin hay một chuyên gia. Lúc nào cũng phải tìm tư vấn của ít nhất 2 chuyên gia khác trong chuyên ngành. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy khi các nhà báo bên này phỏng vấn tôi, họ sau đó tìm hỏi ý kiến của hai, ba đồng nghiệp khác để có thêm ý kiến. Tôi thấy cách làm việc này rất hay, vì nó đảm bảo tính đa chiều của thông tin và cách hiểu thông tin.

Tiêu chuẩn 4: đối chiếu với thực tế 

Những kết quả khoa học thường được rút ra từ những nghiên cứu trong môi trường có kiểm soát chặt chẽ và khó có thể áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn như để tìm mối liên quan giữa arsenic và tử vong, nhà nghiên cứu có thể cho chuột uống một liều lượng lớn arsenic mỗi ngày suốt 3 tháng trời, và sau đó xem tỉ lệ tử vong. Một kết quả như thế khó có thể áp dụng cho người, vì trong thực tế chúng ta không phải là chuột, và chúng ta cũng không ăn uống nhiều arsenic như thế. Cho nên, những kết quả như thế không có ý nghĩa gì trong thực tế cả.

Cũng giống như thông tin về thịt đỏ và ung thư mà WHO làm ồn ào năm ngoái, trong thực tế thì rất khó áp dụng cho người. Theo ước tính của WHO, mỗi ngày ăn 50 gram thịt chế biến hoặc 100 gram thịt đỏ chưa qua chế biến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng 18%. Khoan hãy bàn về lí do sinh học đằng sau sự gia tăng nguy cơ này, câu hỏi đặt ra là con số tăng 18% này có nghĩa gì? Muốn hiểu con số này, đòi hỏi phải dùng đến dịch tễ học (mà có lẽ đại đa số các bạn chưa học từ sách giáo khoa). Theo nghiên cứu dịch tễ học, ở người da trắng, nguy cơ (trọn đời) mắc bệnh ung thư trực tràng là khoảng 5%. Do đó, ăn 50 gram thịt chế biến MỖI NGÀY và trọn đời sẽ tăng nguy cơ lên 5.90%, tức chỉ tăng 0.90% mà thôi. Không bao giờ "mắc mưu" mấy con số!

Một điều cần ghi nhận rằng không phải hoá chất nào cũng độc. Bất cứ hoá chất và bất cứ dược phẩm nào cũng có hoạt tính lợi và hại, tuỳ theo cách sử dụng và liều lượng sử dụng. Trường hợp arsenic cũng thế, không phải cứ arsenic hay arsenic vô cơ là có độc tố (như ông Bộ trưởng bộ 4T nói "Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột"). Trong thực tế, arsenic đã được dùng như là một độc tố để ám sát các vua chúa (có giả thuyết rằng vua Quang Trung bị ám hại bằng arsenic), nhưng arsenic cũng được dùng như là một loại dược phẩm để điều trị một số bệnh, kể cả ung thư máu và giang mai. Do đó, không bao giờ quá cực đoan chỉ nhìn cái độc của một hoá chất mà lờ đi cái lợi của nó.


Tiêu chuẩn 5: mâu thuẫn lợi ích

Tiêu chuẩn này tiếng Anh gọi là "conflict of interest". Trong thời đại ngày nay, rất nhiều nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu y khoa, chịu sự tác động của kĩ nghệ dược phẩm. Kĩ nghệ dược có khả năng (tiền) mướn nhà khoa học làm nghiên cứu, và điều khiển nhà khoa học nên/phải nói gì. Trong các hội nghị khoa học, nhiều người trng giới khoa học cao cấp đều là những người bán hàng cho các công ti dược mang danh giáo sư mà thôi. Có nhiều công còn táo tợn soạn slide cho họ! Không phải tất cả, nhưng nhiều người, đặc biệt là những người nói về thuốc.

Do đó, nhiệm vụ của nhà báo là phải tìm hiểu xem đằng sau thông tin, hay đằng sau một nhóm nào đó, có bóng dáng của các thế lực thương mại. Nếu có sự dính dáng của các doanh nghiệp, thì cần phải cẩn thận, hoặc tốt hơn hết là lờ đi thông tin đó. Chẳng hạn như câu chuyện arsenic và nước mắm càng ngày càng lộ ra là đằng sau thông tin này có bóng dáng của một công ti làm nước mắm nước ngoài.

Nhân nói chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một công trình nghiên cứu của chúng tôi về ăn chay và loãng xương. Khi công bố, bài báo gây tiếng vang và cả tai tiếng. Những người ăn chay họ mạt sát chúng tôi là "điếm" của kĩ nghệ thịt (meat industry) vì họ hiểu lầm rằng Ts Nguyễn Đình Nguyên được một công ti giết thịt ở Mã Lai tài trợ! Câu chuyện nói lên rằng sự dính dáng của doanh nghiệp vào các thông tin khoa học là rất tế nhị.

Nước mắm Việt Nam có bao nhiêu arsenic độc?

Đây là câu hỏi làm tôi bận tâm mấy ngày nay, nhưng tôi nghĩ đã có câu trả lời bằng ước tính. Qua vài số liệu của Vinastas (2), tôi đã ước tính rằng nồng độ arsenic trung bình trong nước mắm là khoảng 2.18 mg/L. Chúng ta cần phải có thêm một thông tin khác, và đó là độ lệch chuẩn (standard deviation, SD). Theo một nghiên cứu trước đây công bố trên một tập san khoa học quốc tế thì SD là khoảng 0.05 mg/L (3). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khoảng 90% hàm lượng arsenic trong nước mắm là dạng hữu cơ, tức chỉ 10% hay thấp hơn là ở dạng vô cơ.

Từ các dữ liệu này chúng ta có thể ước tính nồng độ arsenic vô cơ trong nước mắm Việt Nam:

  • Nồng độ arsenic vô cơ và hữu cơ trong nước nắm có thể dao động trong khoảng 2.18 ± 3*0.05 = 2.03 đến 2.33. (Cho dù, SD là 0.1 thì nồng độ arsenic cũng chỉ dao động trong khoảng 1.88 đến 2.48 mg/L.) 
  • Nồng độ arsenic vô cơ (giả định là 10% tổng arsenic) có thể dao động trong khoảng 0.068 đến 0.368 mg/L. Nói cách khác, nồng độ arsenic vô cơ vẫn thấp hơn 1 mg/L là nồng độ được xem là an toàn.


Tôi nghĩ những ước tính trên đây có vẻ hợp lí. Cách đây vài tuần, báo Thanh Niên cũng có thử nghiệm 106 mẫu nước mắm, và họ viết "... mẫu nước mắm được mua trong một siêu thị tại TP.HCM có độ đạm 50 thì hàm lượng thạch tín là 4,09 mg/lít, cao hơn 4 lần; mẫu nước mắm tại tỉnh Kiên Giang có độ đạm 43 thì hàm lượng thạch tín là 2,97 mg/lít, cao hơn gần 3 lần ..." (4).

Như vậy, ngay cả nước mắm có nồng độ arsenic cao như 4.1 mg/L, thì nồng độ arsenic vô cơ cũng chỉ 0.41 mg/L. Ngay cả xem đây là số trung bình, thì chúng ta cũng có thể đoán được rằng nồng độ arsenic vô dao động trong khoảng 0.26 đến 0.56 mg/L, tức vẫn thấp hơn nhiều so với nồng độ an toàn là <1 mg="" o:p="">

Nhưng cũng chú ý rằng Thanh Niên đã viết một câu kết luận sai, và sai rất tai hại! Nồng độ cho phép là 1 mg/L hoặc thấp hơn nhưng là nồng độ arsenic vô cơ. Họ so sánh nồng độ hữu cơ + vô cơ với qui định về nồng độ vô cơ. Thật là một sai lầm cơ bản!

Thế nhưng chẳng ai phê phán Thanh Niên, mà tất cả đều nhắm đến Vinastas!

Quay lại câu chuyện arsenic và nước mắm, đối chiếu với 5 tiêu chuẩn tôi nêu trên đây, chúng ta dễ dàng thấy thông tin đều không đạt cả 5 tiêu chuẩn. Họ không cho chúng ta biết về phương pháp và qui trình lấy mẫu, phương pháp phân tích, độ chính xác và độ tin cậy. Các nhà báo khi đồng loạt đưa tin mà không hỏi ý kiến chuyên gia. Khi hỏi chuyên gia thì phần lớn chỉ là ý kiến cá nhân mà không hề có bằng chứng khoa học. Liều lượng [cứ cho là] nhiễm arsenic thật ra là rất thấp, không đáng quan tâm. Và, sau cùng là có thể có sự tác động của doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ trong thị trường nước mắm. Rõ ràng, giới truyền thông đã thất bại hoàn toàn trong việc đưa tin arsenic và nước mắm.

Chú thích:


(2) http://suckhoedoisong.vn/nuoc-mam-va-thach-tin-4-van-de-dang-sau-nhung-con-so-n123899.html


(4) http://thanhnien.vn/kinh-doanh/lam-gi-de-nuoc-mam-viet-vuon-ra-the-gioi-can-trong-voi-ham-luong-thach-tin-754112.html

(5) Vấn đề phân biệt arsenic hữu cơ và vô cơ rất quan trọng, nhưng ngay cả Thông tư số 02/2011/TT/BYT của Bộ Y tế cũng còn hơi mập mờ. Lần dò theo thông tư này, tôi phát hiện là Bộ Y tế cũng chỉ dựa vào tiêu chuẩn của Association of Official Analytical Chemists, chứ không có nghiên cứu gì ở VN cả. Thông tư này viết chung chung rằng: "Giới hạn ô nhiễm arsen (As) trong thực phẩm" dành cho nước chấm là 1 mg/L. Câu đó không phân biệt cụ thể vô cơ và hữu cơ! Và, đây có thể chính là nguồn gây hiểu lầm cho báo chí vì họ thấy nồng độ arsenic cao hơn 1 mg/L là lập tức cho rằng ... độc hại!


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO