Mấy ngày qua, tôi đi phó hội bên Atlanta (Georgia, Mĩ). Như là một thói quen, đi đâu tôi cũng ghi lại vài dòng nhật kí, trước là chia sẻ, sau là lưu làm kỉ niệm. Chuyến đi phó hội này có nhiều chuyện vui, vì những nghiên cứu của nhóm tôi, labo ở Úc cũng như labo ở VN, được ban tổ chức ưu ái cho trình làng, và báo chí địa phương quan tâm đến phỏng vấn ...
16/9 Atlanta
Atlanta có lẽ là một trong những thành phố buồn chán ở Mĩ. Đây là thủ phủ của CNN và Coca Cola, nhưng không giống như thủ phủ của Microsoft và Boeing chút nào cả. So với Seattle, Atlanta không có cái "vive" chút nào. Rất rất khó tìm được một nhà hàng "ăn được" ở đây. Còn dân tình thì cũng có nhiều điều đáng nói ...
Đây là lần đầu tiên tôi đến Atlanta, miền Nam nước Mĩ, nên tôi rất hăm hở. Mong muốn đến miền Nam nước Mĩ, nơi được đề cập một cách thơ mộng trong trận nội chiến của thế kỉ trước, nơi mà tác giả Margaret Mitchell sáng tác tác phẩm văn chương lừng danh "Cuốn theo chiều gió". Tôi phải tìm giờ ghé qua đây mới được.
Nhưng đến nơi rồi thì thất vọng quá. Thành phố này không có sinh khí. Đường xá vắng tanh, rất ít người đi bộ, rất ít hàng quán, rất rất ít quán cafe, nhà hàng loại restsurant đàng hoàng thì tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy. Tôi đang nói ngay tại trung tâm, central downtown, ngay tại trung tâm CNN chứ không phải ngoài trung tâm. Dịch vụ cực kì kém, kém xa Seattle cả chục năm ánh sáng. Khách sạn hạng 1 ở đây mà ăn sáng thì chẳng khác gì continental. Taxi thì tranh nhau làm tiền khách, và đàn áp Uber. Giá từ phi trường về downtown chỉ 30 USD, nhưng họ hét ... 50 USD! Ai mà không rành tiếng Anh hay chưa am hiểu Mĩ thì bị họ làm tiền ngay (và trong thực tế hai tên bạn tôi từ Thái Lan đã bị làm tiền). Ôi, tất cả thua xa Sài Gòn cả trăm năm ánh sáng.
Do lịch sử để lại ở đây, Atlanta, có nhiều người da đen, có lẽ lên đến 90%, nhưng điều đó có lẽ không quan trọng -- tôi nghĩ thế. Vậy mà trong thực tế thì cũng có vài phiền phức đấy. Mua hàng mà cần đến thối tiền, nếu máy tính chạy ok thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu máy tính gặp trở ngại thì ... mệt đấy. Mệt là vì người tính tiền (da đen) làm toán không ổn, nên họ loay hoay làm mất thì giờ mình. Người ăn xin ở đây ít hơn Seattle, nhưng ăn xin "di động" thì khá nhiều. Tất cả đều là người da đen. Hỏi đường cũng bị đòi 2.5 đôla! Không phải một lần, mà gần như bất cứ lần nào. Ở quán ăn thấy họ có vẻ nhiệt tình là coi chừng, vì họ xin thêm tiền đấy. Đi đường toàn người da đen, ăn mặc theo kiểu làm cho người đối diện thấy không thoải mái. Nhân viên khách sạn nói xa nói gần rằng tôi không nên đi bộ ban đêm vì sợ không an toàn.
Tôi đi khá nhiều thành phố lớn của Mĩ nhưng chưa thấy nơi nào buồn chán như ở Atlanta này. Cũng may, những chương trình trong hội nghị làm tôi không còn thì giờ để bận tâm đến bên ngoài xã hội Atlanta. Thôi, chờ vài ngày nữa xong hội nghị tôi sẽ bay về "vùng ánh sáng" Cali, nơi tôi sẽ gặp gỡ bà con cùng bè bạn và tha hồ thưởng thức cà phê nghiêm chỉnh và ăn uống văn minh.
16/9 Đem chuông đi đấm xứ người
Hai nghiên cứu được ban tổ chức chọn ra để trình làng trong symposium về Omics (hệ gen) và loãng xương trong Hội nghị loãng xương quốc tế tại Atlanta hôm nay. Hội nghị có khoảng 6000 người dự. Hai bài này đã được trao giải xuất sắc trong hội nghị loãng xương ở VN vào tháng 7/2016 vừa qua. Hội đồng VN đã chọn đúng nghiên cứu để trao giải.
17/9 Một bước gần hơn với y học cá nhân hoá
Hôm qua nhóm tôi trình bày một loạt 3 báo cáo. Một bài về bổ sung calcium và vitamin D; một bài về "hồ sơ gen" tiên lượng gãy xương; và một bài về mối liên hệ giữa thuốc bisphosphonates và tử vong sau gãy xương.
Trong một hội nghị toàn cầu như thế này, với hơn 1000 bài nghiên cứu, chỉ có khoảng 50 bài được chọn cho báo cáo oral. Do đó, báo cáo được chọn cho báo cáo oral là một thành tựu đáng kể. Cả ba bài đều được trình bày rất tốt.
Tạp chí EndocrinologyAdvisor chú ý đến nghiên cứu của tôi và đi hẳn 2 bài về công trình calcium & vitamin D, và genetic profiling.
20/9 Trẻ và già
Hôm qua, tôi gặp lại một học trò cũ nay làm postdoc bên Mĩ rồi nhảy qua Canada. Nó đến chào và hỏi thăm tình hình bên Úc. Nó nói mới chiếm được một cái fellowship danh giá bên Canada, và đó là bước sau cùng để thành independent investigator. Thấy nó "làm ăn khá", danh sách papers, giải thưởng bắt đầu dài ra, tôi mừng cho nó.
Năm nay gặp nó trong hội nghị và thấy một nghiên cứu của nó dùng phương pháp finite element analysis (fea) cho xương hay hay, nên hỏi nó cách làm sao. Nó mỉm cười nói đã bỏ ra cả năm trời học và làm, nên khó giải thích lắm, và đề nghị tôi gửi mẫu scan để nó làm cho. Kiểu giấu nghề đó mà.
Tôi chợt lục trong kí ức, mình đâu có dạy nó cái thủ thuật này mà nay nó áp dụng cho mình. Nghĩ thế thôi, chứ tôi cũng mừng khi thấy nó chững chạc hẳn sau giai đoạn postdoc và bắt đầu có cái nhìn toàn cục hơn. Thỉnh thoảng nhìn thấy trò làm ăn khá thì mình mừng. Nhưng trong bụng thì cũng thấy ngậm ngùi vì biết mình đang già.
22/9 Ngộ cố tri
Sau Atlanta, tôi về California thăm bà con và bạn bè. Đây là hình chụp ở Long Beach, Nam California. Từ trái qua phải: bác Lê Xuân Khoa, Bs Ngô Thế Vinh, Ks Phạm Phan Long, và tôi. Hôm nay nhân dịp về Cali tôi được gặp lại những người bạn vong niên của tôi. Vui mừng quá. Một năm chỉ gặp một lần!
Bác Khoa từng là cựu phó viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn (như ĐHQG HCM ngày nay). Người Hà Nội thứ thiệt, từ phong cách đến giọng nói. Bác ấy đã hơn 80 tuổi rồi nhưng rất minh mẫn, đang soạn tiếp cuốn sách về lịch sử người tị nạn ở Mĩ và trên thế giới.
Anh Vinh là tác giả cuốn "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng", rất đáng đọc, vì anh đã dự báo trước tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Đã hơn 70 tuổi nhưng anh vẫn hàng ngày đến bệnh viện Veterans khám bệnh và điều trị. Anh ấy kể mới đây được bệnh viện cấp giấy ghi công 25 năm phục vụ.
Anh Long là một trong những sáng lập viên nhóm Viet Ecology, người cùng tôi soạn bản tuyên ngôn về nguy hại dòng sông Mekong gần 20 năm trước đây. Anh ấy từng du học bên Tân Tây Lan, nhưng đã sang Mĩ lập nghiệp hơn 35 năm qua. Dù vậy, lúc nào anh cũng đau đáu về tình trạng môi sinh bên VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét