Một lời cảm ơn

Mỗi lần về Việt Nam là mỗi lần trải nghiệm với những cảm nhận buồn vui lẫn lộn. Hai tuần qua tôi có dịp về công tác bên nhà, đi đây đi đó, và tiếp xúc với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, và những đồng hương lao động chân tay, nên có nhiều chuyện để ghi lại.


Trước hết là chuyện hội nghị. Năm nay, Hội loãng xương TPHCM và Hà Nội kỉ niệm 10 năm ngày thành lập hội, nên chúng tôi quyết định hợp lực tổ chức chung ở thành phố biển Nha Trang. Tôi cố gắng lên chương trình khoa học theo mô thức ngoài này, tức là có những buổi Meet the Expert (gặp gỡ chuyên gia) hay còn gọi là Meet the Professor để trao đổi những vấn đề thời sự nóng, những vấn đề mang tính phương pháp và "bếp núc" trước khi khai mạc chính thức. Chúng tôi có 3 phiên gặp gỡ chuyên gia bàn về vấn đề bổ sung calcium và vitamin D, về phương pháp nghiên cứu loãng xương, và một số ca lâm sàng thú vị.

Sau các phiên gặp gỡ chuyên gia là phần lễ kỉ niệm 10 năm. Nhân dịp này, Hội loãng xương có quyết định trao giải "vinh danh" cho thầy Trần Ngọc Ân, PGS Lê Anh Thư, PGS Vũ Thị Thanh Thuỷ, anh Nicholas Nguyên, và tôi. Đây là những thành viên sáng lập hội 10 năm trước. Kể ra thì cũng ngạc nhiên đối với tôi, nhưng là một sự ngạc nhiên lí thú. Trong hơn 10 năm qua, tôi cố gắng đã làm hết mình để góp phần nâng cao chuyên ngành loãng xương ở VN, trong nhiều vai trò, từ sáng lập viên, cố vấn, giảng viên, đến chủ toạ chương trình khoa học, và nghiên cứu. Và, qua đó giúp cho ngành loãng xương VN có mặt trong y văn thế giới. Hôm nọ, trong hội nghị có người làm thống kê và kết quả cho thấy VN có khoảng 27 bài trên các tập san quốc tế, và 22 bài là từ nhóm của chúng tôi. Xin có lời cảm ơn chân thành đến hai hội.


Chủ đề hội nghị năm nay là "Loãng xương và các bệnh lí liên quan". Những bệnh lí mà chúng tôi quan tâm bao gồm béo phì, tiểu đường, thoái hoá khớp, tim mạch, và ung thư. Tôi có một dự án về loãng xương và các bệnh lí phức tạp, với tham vọng định dạng những gen và yếu tố môi trường liên quan. Khách mời năm nay là Gs Grahame Elder (Úc) và Gs Chatlert Pongchaiyakul (Thái Lan). Một khách mời quan trọng khác thì do trục trặc về vé máy bay nên không tham dự được.

Chương trình khoa học của hội nghị năm nay dĩ nhiên là phải tốt hơn năm trước. Có tất cả 28 bài báo cáo; trong số này, có 14 bài "original research" và 14 bài tổng quan / giảng. Theo kinh nghiệm của tôi, đó là một sự cân đối tốt (nhất là hiện nay rất nhiều hội nghị trong nước có nhiều bài tổng quan hơn là số bài nghiên cứu gốc). Tôi quan niệm rằng hội nghị khoa học thì phải có nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học gốc, và giảm số bài tổng quan. Trong hội nghị lần này, có những bài báo cáo nghiên cứu hoàn toàn mới ngay cả đối với thế giới loãng xương. Chẳng hạn như bài về di truyền của TBS là hoàn toàn mới, chưa có bất cứ nhóm nào trên thế giới làm (bài này đã được chọn để trình bày trong phiên họp về Omics trong hội nghị loãng xương Hoa Kì vào tháng 9 này). Cho đến nay, sau khi hội nghị kết thúc, tôi vẫn nhận được email khen ngợi của nhiều bạn về chương trình khoa học rất có ích. Xin cám ơn các bạn.

Gs Chatlert Pongchaiyakul (Thailand)

Dr Thái Viết Tặng (Kiên Giang) đang trình bày báo cáo 

Sau hội nghị tôi đi Kiên Giang để thực hiện một khoá học do  ĐH Kiên Giang tổ chức. Khoá học 5 ngày được tổ chức ở Rạch Giá như dự kiến, với những kết quả ngoài dự đoán. Thoạt đầu, tôi nghĩ học viên chủ yếu là các bạn từ miền Tây (và đó cũng là ý định của tôi), nhưng hoá ra phần lớn học viên lại là từ miền Bắc và miền Trung. Có một số bạn du học sinh nước ngoài cũng về tham dự. Trong khi đó số bạn từ miền Tây chỉ chiếm 1/4 tổng số học viên!

Qua lớp học này, tôi đã góp phần của mình cho tỉnh nhà, nhưng qua đó cũng có dịp làm quen với nhiều bạn và đồng nghiệp mà trước đây chỉ biết tôi qua trang blog. Tôi nghĩ với 17 bài giảng và hàng loạt bài tập, các bạn học viên đã trang bị cho mình nhiều kiến thức và kĩ năng cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Tôi muốn nói thêm nhiều lắm, nhưng thì giờ không cho phép (dù ngày nào cũng quá giờ và học viên đều ... ok với quá giờ). Có điều an ủi là ở miền Tây, cứ mỗi cuối ngày là anh em kéo nhau đi ... nhậu.

Theo tôi thấy (qua email của học viên) thì lớp học đã đạt mục tiêu đề ra. Nhiều bạn đề nghị cuối năm nay nên tiếp tục làm tiếp một lớp khác "nâng cao". Tôi đặc biệt tâm đắc với đề nghị của các bạn ở Khánh Hoà, nên chắc cuối năm nay sẽ thực hiện một lớp học nữa ở Nha Trang. Đại học Kiên Giang có đề nghị làm tiếp một lớp ở Phú Quốc, và tôi đang suy nghĩ về nội dung và thời gian, vì cuối năm nay tôi có rất nhiều việc làm ở bên nhà.

Nhân dịp này, tôi cám ơn các học viên, nhất là Bs Hồ Xuân Tuấn ở Đà Nẵng, người tôi mới quen nhưng đã có nhiều điều tâm đầu ý hợp. Cám ơn ĐH Kiên Giang, anh Trương Minh Chuẩn (phó hiệu trưởng), Thái Thành Lượm (Hiệu trưởng), Kiều Diễm (phòng đào tạo) đã tổ chức lớp học rất tốt. Dĩ nhiên, tôi phải cảm ơn hai người bạn đồng hành đã cùng tôi rong ruổi trong nhiều khoá học: Ts Trần Sơn Thạch và Bs Hà Tấn Đức. Không có hai đồng nghiệp này thì tôi cho dù có 3 đầu 6 tay cũng không thể nào kham nổi những lớp học dài ngày được.

Bs Hồ Xuân Tuấn (Bệnh viện Đà Nẵng) 

Sau Kiên Giang, tôi có dịp đi nói chuyện ở Bến Tre theo lời mời của các đồng nghiệp ở đây. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp đến Bến Tre và có dịp quan sát vùng đất thú vị này. Sẽ có một vài cảm nhận sau. Nhưng tôi muốn tỏ lòng cảm ơn Bs Nhân, Bs Việt, và các bạn tôi từng quen trước đây đã có nhã ý mời tôi đến chia sẻ một số vấn đề thời sự trong chuyên ngành loãng xương. Tôi đề nghị các bạn ấy nên mua một cái DXA để phục vụ cho việc chẩn đoán loãng xương, và nhân đó mà làm vài dự án nghiên cứu có ích. Hi vọng lần sau tôi sẽ ghé đây và ở dài ngày để thực hiện một lớp học khác.

Sông Hàm Luông (Bến Tre) 

Sau Bến Tre, tôi về lại Sài Gòn với một chương trình làm việc dày đặt cho đến giờ lên máy bay! Tôi cám ơn Đoan Trang và các bạn trong nhóm VHA (Vietnam Viral Hepatitis Alliance) đã mời tôi đến chia sẻ cùng các bạn trẻ ngày hôm 28/7. Tôi rất hân hạnh gặp các bạn người Mĩ từ Stanford và PennState, và có một buổi trò chuyện vui. Tôi biết hôm đó còn có nhiều câu hỏi của các bạn trẻ, nhưng vì thì giờ không cho phép nên đành phải chấm dứt. Thôi thì hẹn dịp sau.

Một trong những ngạc nhiên trong chuyến đi này là dự hội nghị dinh dưỡng. Thật ra thì tôi quen khá nhiều bạn trong trung tâm dinh dưỡng, và quen cả với anh LDT ở Viện Dinh Dưỡng ngoài Hà Nội (anh này từng sang Úc làm việc một thời gian và chúng tôi cũng đã có nhiều trao đổi sôi nổi). Nghe tôi có mặt ở Sài Gòn nên các bạn ấy mời tôi đến tham dự hội nghị thường niên của TT Dinh Dưỡng, và thế là tôi dành nguyên ngày thứ Bảy cho hội nghị.

Tôi có dịp gặp nhiều bạn trong hội nghị, trẻ có, trung có, già cũng có. Không nhận lời thì thôi, chứ đã nhận lời tham gia thì tôi tham gia tích cực. Tôi đã có nhiều ý kiến sau các bài báo cáo, và hình như ai cũng thích những ý kiến hoặc góp ý của tôi. Trong hội nghị, một giáo sư người Nhật và tôi đã có những trao đổi hào hứng, có lẽ làm ngạc nhiên các đại biểu trong hội trường. Số là vị giáo sư đáng kính này nghĩ rằng người Việt ăn nhiều chất đạm động vật, và điều này có thể gây tác hại đến sức khoẻ của xương. Tôi cũng đồng ý với quan điểm về protein động vật và sức khoẻ xương, nhưng tôi không nghĩ người Việt ăn nhiều chất đạm động vật, và tôi có dữ liệu thực tế từ nghiên cứu của chúng tôi để chứng minh cho điều đó. Tôi cũng đưa ra data chứng minh rằng quan điểm protein động vật có tác hại đến xương là chưa chắc đúng, tôi cũng chỉ ra rằng một biểu đồ của ông là có vấn đề về ecologic interpretation. Vị giáo sư tuy đã cao tuổi và tỏ ra chậm chạp trong khi trình bày báo cáo, nhưng khi "chạm" đến các vấn đề khoa học thì ông bừng sáng lên, tỏ ra rất hăng say tranh luận. Thấy ông cụ có "khí phách khoa học", tôi cũng lấy micro và bàn luận tiếp. Vì chúng tôi nói qua, nói lại quá nhiều, và vì có những thuật ngữ chuyên sâu, nên người dịch không kịp, và thế là tôi làm người thông dịch luôn. Một điều rất vui là ông giáo sư nói với ban chủ toạ là ông ấy thích tôi lắm, ông còn đề nghị lần sau mời tôi đến tham gia hội nghị để ... tranh luận tiếp vì ông ấy vẫn chưa xong với tôi. Đúng là bậc tiền bối đáng kính.

Nhân đây, tôi cũng xin cám ơn Bs Diệp đã có nhã ý mời tôi đến tham dự hội nghị và thăm TT Dinh Dưỡng. Tôi biết rằng các bạn ấy có những survey lớn, nhưng không ngờ các bạn ấy còn có nhiều nghiên cứu có ích khác. Một điều đáng tiếc là những nghiên cứu này chưa bao giờ được khai thác và công bố. Tôi nghĩ trong tương lai gần tôi sẽ có những ý tưởng cụ thể để chúng ta có những công trình công bố trên các tập san có uy tín cao.

Ngoài những buổi làm việc và gặp gỡ đó, tôi còn có một chương trình làm việc dài ngày với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trường mới thành lập một nhóm nghiên cứu mà tôi nghĩ trong tương lai sẽ góp phần quan trọng trong nghiên cứu về nghiên cứu khoa học.  Nhóm đang tuyển các chuyên gia có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, infometrics, statistics, và phương pháp học. Điều kiện quan trọng là có bằng masters hoặc PhD có bài báo công bố quốc tế. Các bạn muốn tham gia nhóm có thể gửi CV để tôi chuyển cho Trường, hay liên lạc trực tiếp với nhóm Demasted của Trường. 

Trường cũng đang tiến hành xem xét các hồ sơ bổ nhiệm chức danh giáo sư. Tôi ngạc nhiên là qua công bố trên báo chí, Trường đã thu hút khá nhiều nhà khoa học (gần 70 hồ sơ) xin bổ nhiệm; trong số này có khá nhiều người ngoại quốc từ Á châu và Âu châu. Dĩ nhiên, một số hồ sơ bị loại trong bước đầu vì không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu. Nhìn qua một số hồ sơ của người nước ngoài, tôi có cảm giác họ "xem thường" Việt Nam. Có người mới có khoảng 20 bài mà cũng muốn làm "professor" của Trường!  Có người đang là giáo ở nước ngoài và muốn được bổ nhiệm chức giáo sư của Trường, nhưng nhìn qua lí lịch khoa học thì chỉ tương đương với chức danh assistant professor mà thôi. Nhưng trường hợp đó bị loại ngay từ vòng đầu. Số còn lại sẽ được gửi hồ sơ ra nước ngoài cho các giáo sư từ các trường có uy tín bình duyệt. Đây là bước khó khăn vì phải nhờ người ta bình duyệt, và "người ta" phải có thành tích cao hơn ứng viên, phải đến từ trường có tên trong top 300 trên thế giới (chứ không phải ai cũng được chọn để bình duyệt), v.v. Nhưng tôi nghĩ đợt bình duyệt này sẽ là một kinh nghiệm quan trọng cho lần bình duyệt sau.

Nói tóm lại, tôi đã có một chuyến công tác bận rộn nhưng rất hào hứng. Xin mượn cái note này để nói lời cám ơn các bạn. Hẹn gặp lại vào dịp cuối năm.   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO