Tựa đề bài báo khoa học (hay bất cứ sáng tác nào) là một yếu tố quan trọng. Phần lớn độc giả đọc tựa đề đầu tiên trước khi đọc nội dung bài báo. Có một thống kê của tập san y khoa JAMA cho biết cứ 500 người đọc tựa đề thì chỉ có một người đọc toàn văn bài báo, và điều này cho thấy tựa đề là một yếu tố để thu hút người đọc. Ngoài ra, tựa đề còn được dùng như là một văn bản tham khảo ngắn cho thư viện, cơ sở dữ liệu tham khảo, thư mục khoa học, báo cáo, v.v. Do đó, chúng ta có nhiều lí do để quan tâm đến tựa đề, và phần này sẽ hướng dẫn các bạn cách đặt tựa đề cho ... khoa học.
1. Ba loại và hai dạng tựa đề
Giới nghiên cứu khoa học phân biệt tựa đề dựa trên nội dung và cấu trúc. Dựa trên nội dung, tựa đề có thể chia làm 3 loại:
Loại 1 là tựa đề mang nội dung mô tả (descriptive): Ví dụ như "Genetics and the individualized assessment of fracture" là loại mô tả, trung dung, không phát biểu một thông điệp nào cả.
Loại 2 là tựa đề mang nội dung tuyên ngôn (declarative), tức tựa đề mang tính khẳng định. Chẳng hạn như tựa đề "Mutation of PRX gene is associated with increased risk of death" nói thẳng rằng đột biến gen PRX có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong.
Loại 3 là tựa đề mang nội dung hỏi (interrogative): Đây là tựa đề thường có tính gợi sự tò mò của độc giả. Ví dụ "Is estrogen bad for heart?" là một cách hỏi và tác giả có lẽ hi vọng rằng độc giả sẽ ... đọc bài báo để biết câu trả lời.
Theo nhiều nghiên cứu về tựa đề trước đây thì tựa đề mang tính trung dung (mô tả) được trích dẫn nhiều hơn hai loại tựa đề kia. Tựa đề hỏi câu hỏi thì được nhiều người tải về đọc, nhưng họ không trích dẫn nhiều. Tựa đề loại phát biểu (tuyên ngôn) cũng được nhiều trích dẫn, nhưng theo nhiều người có kinh nghiệm thì loại tựa đề này dễ làm đồng nghiệp ... tức giận. Lí do họ tức giận là vì trong khoa học ít khi nào có câu trả lời dứt khoát, do đó tựa đề kiểu "tôi biết chân lí" là khó chấp nhận.
Trong mỗi loại tựa đề trên, có hai dạng tựa đề. Loại thứ nhất là chỉ có một câu văn, và loại thứ hai là tựa đề 2 phần. Tiêu biểu cho tựa đề một câu là "Network analysis implicates alpha-synuclein (Snca) in the regulation of ovariectomy-induced bone loss".
Loại tựa đề hai phần, với khoảng cách là dấu hai chấm. Với tựa đề 2 phần, tác giả có khoảng trống để đưa vào tựa đề một điểm nhấn, thường là phương pháp. Ví dụ như "Improved survival in homozygous sickle cell disease: Lessons from a cohort study", thì phần sau là nhấn mạnh đến dạng nghiên cứu, làm thông tin bổ sung cho phần đầu.
2. Năm nguyên tắc đặt tựa đề
Đặt tựa đề cũng là một khoa học, và điều này không phải là nói theo kiểu mĩ từ đâu, mà là một thực tế. Trong quá khứ đã có rất nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa tựa đề, số chữ trong tựa đề, và tần số trích dẫn của bài báo. Qua những nghiên cứu này, các nhà khoa học có kinh nghiệm đã đi đến vài qui luật (hay đúng hơn là "nguyên tắc") về cách đặt tựa đề sao cho tối ưu. Kinh nghiệm của tôi thì 5 nguyên tắc sau đây cần phải chú ý khi đặt bút viết tựa đề.
Nguyên tắc 1: Một tựa đề tốt nên chuyển tải được những nét chính của nghiên cứu với số chữ ít nhất.
Nét chính của nghiên cứu có thể bao gồm phát hiện chính, phương pháp hay cách tiếp cận mới. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu chữ là vừa? Một nghiên cứu trên tập san y khoa lừng danh Lancetcho thấy số chữ trong tựa đề dao động trong khoảng 4 đến 34 chữ. Vẫn theo phân tích này, những bài báo được nhiều trích dẫn có số chữ trung bình trong tựa đề là 18, còn những bài báo có số trích dẫn thấp thì số chữ trong tựa đề là 9. Do đó, theo như kết quả nghiên cứu này, tôi nghĩ số chữ tối ưu trong tựa đề là từ 10 đến 18 chữ.
Như nói trên, tựa đề bài báo nên có một thông điệp, và nếu được, có thêm một yếu tố mới. Những chữ mới có thể là new, innovative, novel, v.v. Ví dụ như bài báo có tựa đề dưới đây báo cáo một mô hình mới để tiên lượng bệnh tiểu đường:
An innovative prognostic model for predicting diabetes risk in the Thai population.
Dĩ nhiên, không phải tựa đề nào cũng cần cái mới (nhiều cái mới quá làm người đọc có khi "dị ứng"). Có khi tựa đề nói lên một thông điệp về cơ chế, ví dụ như bài báo kinh điển của John Vane trên tập san Nature (1971):
Inhibition of prostaglandin synthesis as a mechanism of action of aspirin-like drugs.
Cần tránh những tựa đề quá dài và quá "tham vọng", vì muốn chuyển tải nhiều thông điệp. Những tựa đề như dưới đây (chỉ là ví dụ):
The effect of calcium antagonist felodipine on blood pressure, heart rate, working capacity, plasma renin activity, plasma angiotensin II, urinary catecholamines and aldosterone in patients with essential hypertension.
rất khó hiểu. Một cách đơn giản hóa tựa đề trên là suy nghĩ đến cái thông điệp chính (ảnh hưởng của thuốc calcium antagonist felodipine), còn những chỉ số lâm sàng khác thì có lẽ không cần. Do đó, tựa đề đơn giản hơn là:
Essential hypertension: effect of calcium antagonist felodipine.
Nguyên tắc 2: Bắt đầu tựa đề với từ quan trọng.
Thời gian là ... tiền bạc. Trong thế giới hiện đại, người ta không có nhiều thì giờ để đọc. Người ta không phải tiêu ra 20 giây để biết cái gì quan trọng trong tựa đề. Do đó, một nguyên tắc quan trọng là nên dùng những chữ quan trọng ngay trong phần đầu của tựa đề. Nếu bài báo nhấn mạnh đến yếu tố hút thuốc lá thì có thể nên viết tựa đề:
Smoking is associated with post-fracture mortality.
Nếu yếu tố di truyền là điểm nhấn của bài báo, thì tựa đề có thể là:
Genetics and the individualized assessment of fracture.
Nguyên tắc 3: (Nếu có thể tựa đề) nên có một điểm mạnh về phương pháp.
Trong y khoa, có nhiều mô hình nghiên cứu, nhưng mô hình randomized controlled trial, hay có khi meta-analysis được xem là có giá trị cao. Tác giả có thể "khoe" điểm mạnh đó trong tựa đề. Chúng ta có thể xem qua 3 tựa đề dưới đây:
Zinc supplementation for growth
Zinc supplementation for growth in preterm infants
Zinc supplementation for growth in preterm infants: a randomized controlled trial
Tựa đề thứ nhất rất chung chung, nên độc giả khó biết nội dung gì trong nghiên cứu. Tựa đề thứ hai thì tốt hơn tựa đề đầu, vì độc giả biết được đối tượng nghiên cứu. Nhưng tựa đề thứ ba là tốt nhất vì nói lên được điểm quan trọng là công trình nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên.
Do đó, khi đặt tựa đề, tác giả cần phải suy nghĩ và tự hỏi 3 câu hỏi:
· Điểm mới của nghiên cứu là gì?
· Phát hiện chính là gì?
· Có điểm gì "mạnh" về phương pháp.
Chẳng hạn như nghiên cứu ước tính sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền mà dùng mô hình nghiên cứu sinh đôi là một thế mạnh, cần phải "quảng cáo". Do đó, tựa đề có thể là:
Genetic determinants of bone mass: a twin study.
Nguyên tắc 4: Dùng những "từ khóa" (keywords) trong tựa đề.
Như nói trong phần mở đầu, tựa đề bài báo thường được sử dụng trong các thư mục, đặc biệt là Pubmed. Mà, thư mục thì thường dựa vào từ khóa; cho nên tựa đề phải có từ khóa. Còn số từ khóa bao nhiêu có lẽ không quan trọng; quan trọng là điểm nhấn của bài báo. Ví dụ như nếu bài báo dùng siêu âm để đánh giá gãy xương, tôi phải suy nghĩ hai từ khóa quan trọng là "fracture" và "ultrasound", và tôi có thể đặt tựa đề:
Fracture risk assessment: the role of ultrasound.
Nhưng trong tựa đề này, điểm nhấn là gãy xương; nếu tôi đổi ý và muốn "bán" cái ý tưởng dùng siêu âm thì tôi có thể đổi tựa đề trên thành:
Ultrasonography as a novel tool for fracture risk assessment.
Nguyên tắc 5: Tựa đề cần phải có thông tin, hay nói theo tiếng Anh là "informative".
Một tựa đề có thông tin có nghĩa là hàm chứa một thông điệp hay một điểm trong bài báo. Ví dụ như nếu nghiên cứu của tôi tìm ra mối liên quan giữa số tế bào trong máu và mất xương, tôi có thể viết:
Bone density loss is associated with blood cell counts
Nhưng nếu tôi viết "Bone density loss and blood cell counts" thì tựa đề này được xem là ít thông tin. Người đọc không biết tôi tìm ra điều gì trong nghiên cứu. Hay như tựa đề "Postmenopausal osteoporosis" thì cũng là thiếu thông tin, vì người đọc không biết tác giả muốn nói điều gì. Tựa đề thiếu thông tin rất dễ bị độc giả bỏ qua.
3. Một số điều cần tránh khi đặt tựa đề
Ở trên là 5 nguyên tắc trong việc đặt tựa đề. Trong thực tế, nhiều tác giả có lẽ chưa qua huấn luyện kĩ, nên vẫn phạm phải vài sai lầm trong cách đặt tựa đề. Chỉ cần một vòng xem qua những tựa đề bài báo trên Pubmed, chúng ta dễ dàng thấy những tựa đề mà đọc qua thì thấy rất bí hiểm, vì hình như tác giả chỉ viết cho họ đọc, chứ không phải chia sẻ thông tin với độc giả. Dưới đây là 4 điều cần phải tránh khi suy nghĩ về đặt tựa đề: không dùng biệt ngữ, không viết tắt, tránh chữ chung chung, và tránh chi tiết linh tinh.
(a) Không dùng những "biệt ngữ" (jargon). Chúng ta cần nhiều người đọc và hiểu. Do đó, cần phải tránh những tựa đề với những biệt ngữ quá khó hiểu với người ngoài ngành.
(b) Không dùng chữ viết tắt. Đây là một điểm cần phải lưu ý, vì thường chúng ta quen với ngành của mình và những thuật ngữ chuyên ngành, nên hay dùng chữ viết tắt mà người ngoài ngành có thể hiểu khác. Chẳng hạn như người trong chuyên ngành loãng xương ai cũng biết BMD là gì (bone mineral density), nhưng người ngoài ngành có thể hiểu là "bone mass density". Dĩ nhiên, những chữ viết tắt nổi tiếng như DNA thì có thể chấp nhận được.
(c) Không dùng chữ chung chung. Những tựa đề dùng chữ chung chung như "Calcium supplementation for growth" là không tốt. Đọc tựa đề này, chúng ta không biết "growth" (tăng trưởng) ở đây là tăng trưởng cái gì hay ở đối tượng nào.
(d) Không để những chữ hay chi tiết không cần thiết. Những chữ như "Study" hay địa điểm và đặc điểm của đối tượng nghiên cứu là thừa, và do đó không cần thiết. Không cần phải viết:
A study of association between statin and bone loss in women aged 60-90 years in District 1, Ho Chi Minh City, Vietnam.
mà chỉ cần đơn giản hơn, có thể là:
Protective effect of statin on bone loss: a prospective study
hay một cách nhấn khác:
Bone protective effect of statin in elderly women.
là đủ và chuyển tải được thông điệp chính.
4. Tình trạng ở Việt Nam
Nhìn qua tựa đề của những luận văn ngành y ở Việt Nam (4) chúng ta dễ dàng thấy chưa đáp ứng các nguyên tắc chung mà tôi trình bày trên. Những tựa đề luận văn ở Việt Nam có xu hướng chung như sau:
· Thường bắt đầu bằng động từ như "Nghiên cứu", "đánh giá";
· Thường có địa điểm cụ thể trong tựa đề, như "Nghiên cứu tỷ lệ và nguyên nhân tử vong tại huyện Ba Vì - Hà Nội";
· Thường có thời gian cụ thể, ví dụ như "Nghiên cứu tỷ lệ và nguyên nhân tử vong tại huyện Ba Vì - Hà Nội năm 2006-2008"; và
· Thường mang tính phát biểu trung dung, không nói lên thông điệp chính.
Tuy nhiên, bài báo khoa học (5) thì không có xu hướng bắt đầu bằng động từ "nghiên cứu". Phần lớn những bài báo này cũng không nói lên được thông điệp chính của nghiên cứu, và hình như mang tính mô tả là chính.
Tóm lại, đặt tựa đề một bài báo khoa học đòi hỏi phải có suy nghĩ cẩn thận và đầu tư thời gian. Năm nguyên tắc trong việc đặt tựa đề là ngắn gọn (10-18 chữ), tận dụng từ khóa, bắt đầu với từ quan trọng, điểm nhấn về phương pháp, và giàu thông tin. Nên chọn tựa đề hai phần, và tựa đề mang tính mô tả hay phát biểu, vì những tựa đề loại này tính trung bình thu hút độc giả và có nhiều trích dẫn.
===
Tham khảo và đọc thêm:
(1) Jacques TS, Sebire NJ. The impact of article titles on citation hits. JRSM Short Rep. 2010 Jun 30;1(1):2.
(2) Jamali HR, Nikzad M. Article title type and its relation with the number of downloads and citations, Scientometrics 2011;88 (2):653-661.
(3) Letchford A, Moat HS, Preis T. The advantage of short paper titles. R Soc Open Sci. 2015 Aug 26;2(8):150266.
(4) Danh bạ một số luận án ở Việt Nam (trong ngành y):
http://yte.gov.vn/Luan%20an%20tien%20sy.htm
http://yte.gov.vn/Luan%20an%20tien%20sy.htm
(5) http://www.vjmp.vn/tap-chi-moi-27/vietnam-journal-of-medicine-and-pharmacy-volume-1-no1-54.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét