Hôm nay (2/7) là ngày bầu cử liên bang ở Úc. Tất cả người dân 18 tuổi trở lên bắt buộc phải đi bầu để chọn người đại diện cho mình. Sự lựa chọn rất phong phú, vì ở hạ nghị viện có 3 đảng chính là Liberal, Lao Động, và Đảng Xanh (Green Party); còn ở thượng nghị viện thì có đến hàng trăm ứng viên của hàng trăm đảng phái. Đúng là một chế độ dân chủ ... "trăm hoa đua nở". Tuy nhiều đảng phái, nhưng cuối cùng thì chỉ có 2 đảng chính là Liberal và Lao Động luân phiên nhau cầm quyền. Năm nay, tôi đoán rằng đảng Liberal của đương kim thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ thắng cử.
Ngày bầu cử ở Úc đúng như là một ngày hội chính trị. Ngày bầu cử thường xảy ra vào ngày thứ Bảy. Địa điểm bầu cử thường là các trường học. Phía ngoài địa điểm bầu cử là một rừng cờ quạt, biểu ngữ, hình ảnh, cùng các tình nguyện viên tiếp thị chính trị, tất cả tạo nên một không gian náo nhiệt và ... vui. Các tình nguyện viên của các đảng miệng ơi ới, tay đưa tờ rơi, tranh nhau tiếp thị cho đảng của họ. Họ thường mặc đồng phục màu mè, tay cầm tờ rơi hoặc lá phiếu cố gắng thuyết phục cử tri bầu cho đảng của họ. Các đối thủ tình nguyện viên của các đảng phái đứng bên cạnh nhau, và tươi cười cạnh tranh, hoàn toàn không có thái độ thù địch với nhau.
Thỉnh thoảng cũng có những tranh luận bỏ túi giữa cử tri và tình nguyện viên. Chẳng hạn như sáng nay, tôi thấy một cử tri cao tuổi chỉ vào tình nguyện viên Đảng Lao động và mắng nhiếc rằng [dịch sang tiếng Việt]: "Cái đảng của cô là một quân phản bội. Đảng của cô đang bán đất nước này cho China!" (Có lẽ ông muốn nói tình trạng các doanh nghiệp Tàu lần lượt mua đất và mỏ của Úc.) Cô tình nguyện viên giơ tay xin giải thích, nhưng ông cử tri đã lụm khụm bỏ đi.
Ở một đất nước tương đối giàu có và an bình thì họ chẳng có gì để nói trong lần bầu cử. Mấy mươi năm qua, tôi thấy lần bầu cử nào cũng xoay quanh ba chủ đề công ăn việc làm, y tế, và giáo dục. Đảng nào cũng tố cáo đối thủ là làm mất công ăn việc làm của người dân, là đang phá hoại hệ thống y tế, là làm cho giáo dục trở nên đắt tiền hơn. Có năm ồn ào nhất là vấn đề người nhập cư liên quan đến người Việt. Năm đó một ứng viên ở bang Queensland tên là Pauline Hanson đặt vấn đề tại sao Úc nhận quá nhiều di dân từ Á châu như Việt Nam. Bà nói rằng người Á châu sang đây lấy công ăn việc làm của người bản xứ, là gánh nặng của hệ thống an sinh xã hội Úc. Nói chung bà nói xấu người Á châu khá nhiều. Bà thuyết phục cử tri rằng nếu bà đắc cử, bà sẽ hạn chế di dân Á châu. Chủ trương kì thị và lới hứa hẹn này làm cho bà trở nên nổi tiếng, và bà đắc cử.
Có năm, đảng Lao Động đưa ra một khẩu hiệu tôi thấy rất hay và hợp lí: "Education is a right, not a privilege" (Giáo dục là một quyền, chứ không phải là đặc quyền. Ý nói rằng giáo dục là một quyền căn bản của công dân, chứ không phải đặc quyền của người giàu có, và do đó, giáo dục phải ... miễn phí. Trong quá khứ thì đúng là Úc có nền giáo dục miễn phí. Thời tôi còn đi học (tức thập niên 1980s) thì hoàn toàn miễn phí, chẳng đóng một đồng nào cả. Ngay cả thời con tôi đi học đại học vào thế kỉ 21, khi Úc đã chuyển sang "chế độ" lấy học phí, thì mỗi năm cũng chỉ đóng khoảng 3000 đôla mà thôi. Nhưng nay thì học phí đại học đã lên đến hàng chục ngàn đôla. Do đó, chủ đề nóng bỏng năm nay là giáo dục. Đảng đối lập Lao Động tố cáo rằng đảng Liberal đang có kế hoạch bí mật tăng học phí đại học và con em chúng ta sẽ mang nợ cả 100,000 đôla sau khi tốt nghiệp! Đảng Lao Động còn rêu rao rằng đảng Liberal sẽ tư nhân hoá hệ thống medicare (tức hệ thống an sinh y tế rất tốt của Úc) và do đó sẽ làm tăng chi phí y tế.
Đảng Liberal chối bai bải là họ không có những kế hoạch đó. Liberal tố cáo rằng đảng Lao Động là một nhóm người chuyên nói láo. Ngược lại, đảng Liberal tố rằng Lao Động đang có kế hoạch đánh thuế vào người mua nhà, và sẽ làm hại nền kinh tế Úc. Họ rêu rao rằng đảng Lao Động là cái đảng chuyên xài tiền vô tội vạ. Họ chỉ ra một thực tế là thời gian đảng Liberal cầm quyền thì ngân quĩ lúc nào cũng cân bằng và dự trữ dồi dào, nhưng khi Lao Động lên nắm quyền thì họ phung phí ngân quĩ đó. Đảng Liberal cho rằng đảng Lao Động là đảng nuôi dưỡng những kẻ lười biếng, không chịu lao động, và do đó làm cho nền kinh tế Úc nghèo nàn. Trong thực tế, một số cáo buộc của đảng Liberal cũng có cơ sở chứ không phải vô lí.
Năm nay, đảng Liberal đưa ra một chính sách mà tôi nghĩ sẽ thu hút nhiều cử tri trong giới khoa bảng và khoa học: Innovation. Khi ông Malcolm Turnbull lên làm thủ tướng, việc đầu tiên ông làm là uỷ nhiệm cho một uỷ ban đánh giá lại thành tựu khoa học và cách tân của Úc. Sau gần 1 năm, uỷ ban này đệ trình một báo cáo "màu xám". Trong báo cáo, họ khen Úc có những nghiên cứu cơ bản rất tốt, với số lượng và chất lượng bài báo khoa học trên các tập san ISI rất cao so với những nước cùng nhóm. Nhưng Úc rất kém trong việc cách tân, và đặc biệt là chuyển giao công nghệ. Khám phá thì tốt, nhưng không biến thành sản phẩm hữu dụng là một điểm yếu của Úc.
Do đó, ông Turnbull hô hào cho ra đời cái ông gọi là "National Innovation and Science Agenda". Ông hô hào tất cả các lĩnh vực xã hội phải nghĩ đến innovation, từ công nghệ thông tin đến y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, và quân sự, phải sáng tạo, phải "thông minh" hơn. Phải làm sao giúp nước Úc ở biên cương của khám phá và sáng chế, phải làm cho Úc có khả năng cạnh tranh tốt trên trường quốc tế, phải tạo công ăn việc làm, và phải làm cho người Úc có đời sống có chất lượng cao.
Nói là làm. Ông Turnbull tuyên bố sẽ dành thêm 1.1 tỉ đôla trong vòng 4 năm để yểm trợ các chương trình cách tân khoa học và công nghệ. Không chỉ nói chung chung, chính phủ Turnbull đề ra một loạt chương trình cách tân, trong đó có quantum computing, chuyển giao khám phá từ nghiên cứu y học, Big Data và chia sẻ dữ liệu (data sharing), đổi mới cách đánh giá nghiên cứu khoa học trong các đại học, thu hút nhân tài nước ngoài về Úc, sáng lập những chương trình "ươm mầm" sáng kiến, v.v. Những ai, kể cả tôi, làm trong khoa học đều nhận ra đây là những vấn đề rất thiết thực và ít nhiều thấy mình có liên quan, nhất là vấn đề Big Data và chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Nói chung, đây là một chương trình qui mô mà chưa có một chính phủ nào từ trước đến nay quan tâm. Chính phủ Turnbull của đảng Liberal đã nhận dạng được vấn đề và có hành động thiết thực. Do đó, tôi nghĩ đảng Liberal lần này sẽ kiếm được nhiều phiếu từ giới khoa học và đại học.
Nhưng ở vùng tôi, tôi bị dằn co một thực tế, một bên là sự ủng hộ cho ông Turnbull vì chính sách innovation, một bên là ... tình cảm đồng hương. Số là địa phương tôi có một anh chàng đương kim dân biểu (và đang ứng cử để tái cử), anh này thuộc đảng Lao Động. Cái điều quan trọng là anh này có vợ người Việt. Anh chàng dân biểu này và vợ anh ta gặp nhau thời học đại học, rồi thành hôn với nhau sau này. Vợ anh ta là con gái của một trong những người bạn của tôi từ thời tị nạn vào thập niên 1980. Họ cũng như tôi đây đúng là người của giai cấp lao động. Cái anh chàng dân biểu đó cũng là giai cấp lao động. Thấy hai vợ chồng ngày ngày đứng ở các khu phố, các trạm xe lửa, xe bus để xin phiếu mà ... tội nghiệp. Anh ta còn "tâm lí" đến nỗi dùng tiếng Việt trong các biểu ngữ tranh cử.
Do đó, vì tình cảm đồng hương, vì tiếng gọi của con tim, tôi chắc phải bầu cho anh ta, dù lí trí bảo tôi nên bầu cho đối thủ của anh ta là đảng Liberal. Dù thế nào thì tôi biết chắc chắn một điều là anh ta sẽ tái đắc cử (vì vùng anh ta ứng cử là quê hương của đảng Lao Động), còn xác suất đảng Liberal đắc cử liên bang có thể không là 100%, nhưng chắc phải hơn 60%. Thôi, dù lí trí thì đang suy nghĩ về Liberal, nhưng vì tình cảm, tôi bầu cho Lao Động lần này. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy mình may mắn vì có quyền lựa chọn ứng viên và chính sách, chứ ở nhiều nơi khác thì chắc gì cử tri đã có lựa chọn.
===
Đảng Liberal được 65 ghế.
Đảng Lao động: 67 ghế.
Theo hiến pháp, phải cần đến 76 ghế thì mới thành lập chính phủ. Mấy vị đứng đầu đảng chắc sẽ mất ăn mất ngủ trong vài ngày đây. :-)
Có thể theo dõi kết quả ở đây: http://www.abc.net.au/news/federal-election-2016/results/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét