Hội nghị loãng xương VN lần thứ 10


Tôi vừa mới dự xong Hội nghị thường niên lần thứ 10 do Hội loãng xương TPHCM và Hà Nội tổ chức tại Nha Trang. Mệt nhừ tử. Sau 2 năm quay lại Nha Trang thấy thành phố biển này có quá nhiều thay đổi đến chóng mặt. Tôi sẽ viết về cảm nghĩ của tôi trước những thay đổi này sau khi lấy lại sức. Nhưng nhân dịp này tôi phải ghi nhanh vài dòng để chúc mừng các thành viên trong nhóm được trao giải thưởng trong hội nghị.


Vì đây là hội nghị thường niên lần thứ 10, một cái mốc quan trọng, nên chúng tôi có 2 sáng kiến làm cho phong phú hơn. Thứ nhất là tổ chức nửa ngày "Meet the Expert" để bàn về các vấn đề nóng và phương pháp nghiên cứu. Thứ hai là tổ chức đánh giá và trao giải thưởng cho những công trình tốt nhất. Chúng tôi gửi abstracts ra cho 5 chuyên gia, trong đó có 2 giáo sư nước ngoài, đánh giá và cho điểm abstract. Abstract không có tên tác giả. Ba tiêu chí được đề ra để làm chuẩn đánh giá như sau:

·       Câu hỏi nghiên cứu và ý tưởng: Câu hỏi nghiên cứu có giải quyết một vấn đề lâm sàng hay không, hay có đóng góp vào việc hiểu biết thêm về bệnh loãng xương. Ý tưởng nghiên cứu có mới ở Việt Nam hay trên thế giới.

·       Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu liên quan đến cách thiết kế, đối tượng nghiên cứu được chọn thích hợp, phương pháp đo lường hoặc đánh giá là phương pháp chuẩn, phương pháp phân tích dữ liệu có đạt chuẩn mực hay không.

·       Kết quả và cách trình bày trong abstract: Kết quả được trình bày một cách khúc chiết, dễ theo dõi và dễ hiểu. Kết quả có khả năng công bố quốc tế hay đóng góp vào y văn thế giới trong chuyên ngành loãng xương?  

Dựa vào kết quả đánh giá, chúng tôi chọn 3 abstracts có điểm cao nhất để trao giải:

·       Abstract 1: Genetic determinent of trabecular bone score, Bs Hồ Phạm Thục Lan, Đại học Tôn Đức Thắng và Bệnh viện 115.

·       Abstract 2: Prediction of bone density and fracture by genetic profiling, NCS Hồ Lê Phương Thảo, Đại học Công nghệ Sydney.

·       Abstract 3: Cost-effectiveness analysis of osteoporosis screening, NCS Phạm Nữ Hạnh Vân, Đại học Dược Hà Nôi.

 
Công bố kết quả trao giải thưởng

Xin chúc mừng ba tác giả. Một điều vinh hạnh đối với tôi là cả ba người đều đã và đang làm việc với tôi.

Hạnh Vân đang trình bày kết quả nghiên cứu 


Phương Thảo đang trình bày kết quả nghiên cứu về genetic profiling 

Ngoài ra, tôi cũng xin chúc mừng các bạn đã có điểm abstract "suýt soát" được giải thưởng (nhưng vì chỉ có 3 giải nên đành phải …) Đó là các bạn đã có ít nhiều liên quan với tôi hay là thành viên của nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study (VOS):

·       Bs Thái Viết Tặng, trình bày nghiên cứu so sánh mô hình tiên lượng FRAX và Garvan.

·       Bs Nguyễn Công Hoàng, trình bày báo cáo về nghiên cứu mối tương quan giữa xơ vữa động mạch và loãng xương.

·       Bs Châu Ngọc Minh Phương, nghiên cứu về cholesterol và mật độ xương.

 
Bs Thái Viết Tặng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Kiên Giang, trình bày kết quả nghiên cứu so sánh mô hình FRAX và Garvan trong chỉ định điều trị loãng xương. Mô hình Garvan tốt hơn! 

Bs Nguyễn Công Hoàng trình bày kết quả nghiên cứu VOS về mối liên quan giữa cholesterol và mật độ xương. Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam.  

Bs Minh Phương trình bày kết quả nghiên cứu VOS về mối liên quan giữa xơ vữa động mạch và loãng xương. Đây là một đề tài mới và rất hấp dẫn, lần đầu tiên làm ở Việt Nam.



Đây là Bs Tăng Hà Nam Anh (BV Nguyễn Tri Phương) đang nói về quan điểm của bác sĩ ngoại khoa về loãng xương. Bài nói chuyện của Bs Nam Anh là hay nhất, hào hứng nhất, vui nhất, thật nhất, và có ích nhất. Hiếm thấy một bác sĩ nào ở VN có khả năng thu hút khán giả như Nam Anh. 


Đây là Gs Grahame Elder đang nói về chẩn đoán và điều trị loãng xương ở bệnh nhân thận mãn tính. Ông là khách mời của tôi, và ông đã đem đến cho hội nghị những kinh nghiệm, kiến thức và kĩ năng tuyệt vời.

Hội nghị kết thúc, nhưng tôi nghĩ hơn 400 khách đã có được nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm có ích. Cá nhân tôi rất vui mừng vì trong 10 năm qua, chúng ta đã hình thành một cộng đồng nghiên cứu loãng xương ở VN và đã có những đóng góp đáng tự hào trên trường quốc tế.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO