Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi …

Hôm qua, đọc được một bài thơ 5 chữ của Thái Bá Tân viết về những người Việt tiếp tục bỏ nước ra đi mà thấy … buồn buồn. Tôi cũng là một trong những người "li hương" đó, nhưng tôi đã xa quê lâu rồi, còn vấn đề đang nói và đáng bàn là cho đến nay, người Việt vẫn tìm cách li hương. Thành ra, tôi chợt nhớ đến ca khúc Một cõi đi về mà trong đó có câu bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi …



Theo một thống kê (chưa đầy đủ) chỉ riêng năm 2014 đã có hơn 500 người Việt vượt biển đến xin tị nạn ở Úc. Tôi không biết con số năm 2015 là bao nhiêu, nhưng trong một chuyến về VN và ngồi bên cạnh một quan chức di trú Úc thì bà này nói con số cũng xấp xỉ 500, và tất cả đều đi bằng đường biển. Còn con số đi du lịch sang Úc và trốn ở lại thì không đáng kể. Nhưng nói chung, hiện nay số người Việt tìm đường đến Úc tị nạn phải lên đến hàng ngàn.

Tình cảnh của người Việt vượt biển đến Úc rất bi thảm. Đại đa số họ bị chận ngoài khơi và chuyển đến các trại tạm giam ở một vùng xa xôi, hẻo lánh. Một số thì được chuyển về Kampuchea theo một thoả thuận giữa Úc và chính phủ Kampuchea. Cũng có một số được chuyển đến một số trại tạm giam trong đất liền, nhưng cuộc sống thì khỏi nói ai cũng biết là rất khó khăn. Là người đi trước và may mắn định cư ở đây, ai trong chúng ta cũng ngậm ngùi và bức xúc cho tình cảnh của đồng hương mình còn bị giam cầm. Nhưng chúng ta không biết và không thể làm gì được, do chính sách của Úc là hạn chế người nhập cư bất hợp pháp.

Một quan chức di trú Úc cho biết đại đa số những thuyền nhân Việt Nam mới vượt biển đến Úc không phải là "tị nạn". Hai chữ "tị nạn" ở đây phải hiểu là "tị nạn chính trị". Tị nạn chính trị có nghĩa là thuyền nhân phải chứng minh rằng họ bị đàn áp ở Việt Nam vì lí do chính trị, họ bị kì thị tôn giáo, hay bị cắt đường sinh sống, v.v. (Nói chung là phức tạp mà tôi cũng không biết hết). Còn nếu không chứng minh được là tị nạn chính trị, thì Úc sẽ xếp những người này vào nhóm "tị nạn kinh tế". Mà, tị nạn kinh tế thì Úc không nhận và không có nghĩa vụ quốc tế để nhận. Như nói trên, theo giới chức Úc, đại đa số thuyền nhân VN mới đến Úc là tị nạn kinh tế, và do đó, họ phải hồi hương về VN.

Bốn mươi năm trước, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi bằng đường biển và đường bộ. Nhưng chỉ có khoảng phân nửa con số đó là sống sót và được định cư ở nước ngoài. Làn sóng người vượt biển dạo đó phải nói là gây xúc động cho cả thế giới, và tiếng Anh có một danh từ mới: boat people.  Chúng ta gọi là "thuyền nhân". Công bằng mà nói tình cảnh thời đó rất khắc nghiệt làm cho người miền Nam bỏ nước ra đi, mà nói theo người dân lúc đó là nếu cái cột điện biết đi nó cũng bỏ đi.

Nhưng công bằng mà nói Việt Nam ngày nay không phải là Việt Nam của 40 năm trước. Chế độ chính trị ngày nay cởi mở hơn và thoáng hơn trước đây nhiều. Đời sống kinh tế ngày nay khấm khá hơn trước và tiếp tục cải tiến. Đời sống tinh thần cũng dễ thở hơn. Nói chung là dù còn nhiều vấn đề, nhưng nhìn chung thì Việt Nam ngày nay khá hơn trước rất nhiều. Tôi có nhiều bạn hay nói nếu ngày xưa mà VN như ngày nay thì chẳng mấy ai tìm đường vượt biên. Tôi cũng nghĩ như thế.

Thế nhưng trong thực tế, vẫn có người tìm đường vượt biên. Trớ trêu một điều là nhiều người vượt biên có gốc từ vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, tức là một trong những cái nôi của cách mạng. Giải thích sao cho hiện tượng này? Một chủ đề nghiên cứu xã hội thú vị đây.

Nhưng đó là những người nghèo vượt biển, và họ chỉ là thiểu số. Còn một đa số khác cũng tìm đường ra nước ngoài nhưng họ đi theo diện chính thức. Họ là những du học sinh tự túc, du học sinh từ nguồn học bổng của Nhà nước, là những doanh nhân nhiều tiền. Có khá nhiều du học sinh tự túc là con cháu của các quan chức cao cấp sang đây du học và tìm cách ở lại qua nhiều phương cách, kể cả kết hôn. Còn doanh nhân thì đem tiền sang đây đầu tư, mua nhà, nói chung là chuẩn bị cơ sở để cả nhà sẵn sàng rời Việt Nam sau này. Số ra đi chính thức này có thể lên đến hàng vạn người, chứ không phải hàng ngàn. Như vậy, dù là người nghèo hay người giàu, người Việt Nam vẫn tìm đường bỏ nước ra đi.

Vấn đề đặt ra đối với chính quyền là tại sao người ta tiếp tục bỏ nước ra đi hay có ý định di cư ra nước ngoài. Dĩ nhiên, Việt Nam không phải là một ngoại lệ, vì Tàu cũng có tình trạng này. Ở bên Tàu, người giàu cũng tìm đường di cư sang các nước phương Tây để sinh sống và làm ăn. Có một doanh nhân Tàu còn tuyên bố rằng Tàu chỉ là nơi để làm tiền, chứ không phải là nơi để sống! Có lần khi một em nghiên cứu sinh Tàu được hỏi trên tivi tại sao em muốn xin ở lại Mĩ, em này nói lí do của em chỉ có 1 chữ: Freedom. Dịch theo tiếng Việt là "tự do", hay nói hoa mĩ là "chân trời xanh". Tôi nghĩ người Việt bỏ nước ra đi hay có ý định ra đi cũng là tìm chân trời xanh hơn.

Bây giờ, sau mấy mươi năm sống ở nước người, tôi cũng nhận ra là cuộc đời chỉ là, nói như Trịnh Công Sơn, "một cõ đi về" mà thôi. Từ xưa đến nay, ai cũng muốn ra đi, mưu cầu hạnh phúc, và lúc nào cũng nhìn về phía chân trời xanh. Nhưng ít ai nhận ra là khi mình đến cái "chân trời xanh" đó thì lại thấy thêm một chân trời xanh khác, và thế là lại ra đi. Cuộc đời chỉ là những chuyến đi. Nó đúng y chang như cuộc đời của tôi. Đến Úc rồi, mình lại thấy có một chân trời kia còn tự do hơn, và khi đến nơi đó, sau cùng lại quay về nới xuất phát. Nói cho cùng thì dù là ở đâu, Việt Nam, Úc hay Mĩ, cũng chỉ là một bến tạm trong kiếp luân hồi. Mà, cái vòng luân hồi liên tục xoay chuyển, những nơi chốn mình tưởng là "định cư", là bờ cỏ xanh, nhưng thật ra thì chỉ là bến tạm, và do đó mình ảo tưởng và mộng mị:

một bờ cỏ non, một bờ mộng mị ngày xưa

Chính mộng mị này làm khổ chúng ta, làm cho chúng ta bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO