Ám sát cá nhân

-->
Có lẽ các bạn đã biết trong thời gian gần đây tôi trở thành đối tượng của nhiều tấn công trên mạng. Không phải chỉ là những tấn công vào blog hay báo cáo facebook trước đây, mà còn là những vu cáo mang tính, nói như một người bạn bên Bỉ, "character assassination" (ám sát cá nhân). Những kẻ ám sát này là những tôi từng quen biết vài giờ hay từng giúp đỡ dài lâu, một số người hoàn toàn không biết tôi, và dĩ nhiên là cũng có nặc danh. Qua kinh nghiệm này tôi mới thấy có không ít người Việt thuộc loại có học hành xử rất xấu. Và, đó cũng là bài học cho các bạn, và đó là lí do tôi viết cái note này để chia xẻ cùng các bạn của tôi.



Thoạt đầu, tôi cũng muốn tranh biện lại những kiểu ám sát cá nhân đó, nhưng nhiều bạn bè khuyên rằng với vị trí hiện nay, tôi không nên "hạ mình" để đôi co với những người vu cáo. Thời gian sẽ trả lời trắng đen. Do đó, ở đây, tôi không có ý trả lời những ám sát cá nhân đó, cũng chẳng có ý định phổ biến, mà chỉ muốn giải thích để các bạn của tôi hiểu rõ hơn những lời đồn thổi đầy ác ý.  

Thoạt đầu, họ vu cáo rằng tôi không phải là giáo sư chính thức, mà chỉ là giáo sư "conjoint". Người này có vẻ hiểu một chút về hệ thống khoa bảng của Úc, nhưng hiểu chưa đến nơi đến chốn. Đúng là ở Úc có những người được bổ nhiệm chức danh "conjoint professor" (có thể xem là giáo sư liên kết), vì những người này có đóng góp cho đại học trong việc đào tạo tiến sĩ. Họ là những nhà khoa học cấp cao, những bác sĩ cao cấp, hay những chuyên gia hàng đầu trong kĩ nghệ. Rất nhiều bạn bè tôi ở Viện Garvan và Bệnh viện St Vincent's là conjoint professor, và quá trình bổ nhiệm rất đơn giản, chỉ cần điền cái đơn và hội đồng khoa bảng xét duyệt là xong. Nhưng trường hợp của tôi thì khác. Chẳng hiểu sao khi tôi đệ đơn, họ bắt buộc tôi phải qua hệ "academic appointment", có nghĩa là làm hồ sơ (vài trăm trang) và gửi cho 7 người bình duyệt, rồi phỏng vấn, và sau đó là quyết định bổ nhiệm chính thức. Thời gian từ lúc đệ đơn đến lúc có kết quả là 1.5 năm. Do đó, tôi được bổ nhiệm là "professor" chính thức, chứ không phải "conjoint professor." Lúc được bổ nhiệm, tôi là người Việt duy nhất đạt chức danh này của UNSW -- hội đồng academic của trường nói như thế. Nếu họ thật sự muốn biết thì chỉ cần email tôi là sẽ có lời giải thích và biết thêm về hệ thống khoa bảng của Úc.

Kế đến là họ nói tôi mạo nhận chức danh giáo sư. Lí do là họ tìm trên trang web của ĐH New South Wales không có tên tôi. Đối với những người không ưa tôi thì đây là dịp rất tốt để nói tôi mạo nhận. Người ta sống ảo nhiều quá, nghĩ rằng những gì trên mạng là thực tế. Có người nặc danh giả mạo email của bạn tôi, thậm chí của tôi, viết cho các bạn tôi ở Việt Nam để nói rằng tôi chẳng phải là giáo sư. Cũng may phước là các bạn tôi đều biết và hiểu rõ tôi, nên họ chỉ cười mà không lên tiếng. Họ viết email về Đại học Tôn Đức Thắng (nơi tôi có labo nghiên cứu) vu cáo rằng tôi khai man với Trường! Nhưng họ không biết rằng lúc đó Đại học UNSW làm lại trang web research.unsw.edu.au, nên không thể nào tìm các giáo sư ngoài trường trong đó. Sau khi UNSW làm xong thì mọi thứ đâu vào đấy (1). Nếu họ có thiện chí, họ nên liên lạc tôi để hỏi cho rõ.

Lại có người thì chỉ trích mạnh mẽ rằng tôi là kẻ phách lối, ngông nghênh, khinh thường đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng những kẻ này không hề biết rằng tôi đã làm việc với các bạn đồng nghiệp bên Việt Nam gần 20 năm nay, và tôi vẫn phục vụ trong Hội loãng xương Sài Gòn và Hà Nội. Tôi thậm chí còn được trao nhiều giải thưởng về đóng góp cho chuyên ngành ở Việt Nam. Nếu tôi ngông nghênh, khinh thường đồng nghiệp ở Việt Nam thì làm sao tôi có thể làm việc với họ gần 20 năm qua. Nếu những người nói tôi "ngông nghênh" có tư cách thì chỉ cần hỏi những người tôi từng làm việc chung trong các hiệp hội thì biết ngay, chứ đâu cần phải lên mạng chỉ trích cá nhân như thế.

Đối với nhiều người thì chức danh và bằng cấp là những gì họ bận tâm. Nhưng thú thật với các bạn, đối với tôi ở một giai đoạn sự nghiệp hiện nay, tất cả chỉ là ... phù du. Tôi không cần và không bao giờ hám những chức danh "professor" để có người cho rằng tôi tự xưng hay mạo nhận. Không bao giờ. Bằng chứng là vài đại học ở Úc và nhiều đại học khác trên thế giới trao cho tôi chức danh "professor", nhưng tôi đâu có cần phải ghi hết các chức danh đó. Những cái danh xưng và bằng cấp đối với tôi rất là vô nghĩa. Cái quan trọng hơn và có ý nghĩa với tôi là mình đã làm gì đem lại lợi ích và phúc lợi cho chuyên ngành hay rộng hơn là cho xã hội, chứ không phải những danh xưng phù phiếm kia đâu.

Hầu như một khóa học nào do tôi giảng ở Việt Nam cũng đều có "lời ra tiếng vào". Có người có vẻ biết tôi hơn tôi biết, khi họ phao tin rằng tôi sắp bị mất việc ở bên Úc nên phải về Việt Nam để xin việc. Có người nói rằng tôi rất dốt thống kê mà đòi lên mặt dạy thống kê cho đồng nghiệp trong nước! Có người thì nói vu vơ rằng "ông ấy sốt sắng quá thì chắc có ý đồ gì đằng sau," như là gieo một mối nghi ngờ. Lại có người nói rằng những lớp học đó là chỉ để kiếm tiền, chứ chẳng khoa học gì cả. Họ còn lấy lí do những khách sạn tôi ở để nói là tôi làm chỉ vì tiền. Thật là những trò … hạ cấp và đầy tính đố kị.

Họ không biết rằng các lớp học đó là do các công ti dược hay các tổ chức quốc tế tài trợ, họ cũng không hiểu rằng ở Úc người ta, kể cả các công ti dược, có hẳn qui định người cấp head of laboratory và cấp professor như tôi có chế độ đi vé máy bay hay ở khách sạn loại nào, và đó là mặc định (chứ chẳng cần phải đòi hỏi gì cả). Vả lại, khi không có tài trợ thì trường và nơi địa phương thu học phí, chứ tôi đâu có thu học phí. Ở Việt Nam, người ta tổ chức những lớp học SPSS vài ngày với học phí 5 triệu đồng là bình thường, thì việc các trường đại học thu học phí 2.5 triệu đồng trong 10 ngày là cũng bình thường. Nếu vì tiền thì tại sao chúng tôi không làm các lớp học ở ngoài này (với cái giá 3000 đô la mỗi học viên cho lớp học 1 tuần). Họ không thấy thiện chí của anh em chúng tôi phải bỏ biết bao nhiêu tâm trí và nhiều đêm để soạn bài, và nói cả 5-15 ngày trời.

Rồi lại nổi lên một vu cáo rằng tôi đạo văn! Có thể nói đây là một vu cáo đầy ác ý và một ám sát cá nhân rất tuyệt. Thoạt đầu tôi cũng ngạc nhiên vì mình từng là người giảng về cách viết bài báo khoa học và phải biết đạo văn là gì. Hóa ra đó là cuốn sách "Từ nghiên cứu đến công bố". Đó là cuốn sách đã giúp cho hàng ngàn nghiên cứu sinh trong và ngoài nước trong việc viết bài báo khoa học và công bố quốc tế.  Tôi muốn nghĩ rằng cuốn sách của tôi là đầy đủ nhất cho nghiên cứu sinh, và chắc vì thế mà nó rất phổ biến trong giới nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Tôi mới nhận một em từ Hàn Quốc và em này nói rằng bên đó các nghiên cứu sinh dùng sách và những bài viết của tôi hầu như hàng ngày. Không có cuốn sách nào là hoàn hảo, và chính tôi cũng viết rằng trong phần giới thiệu là nếu các bạn tìm thấy lỗi, sai sót thì báo cho tôi biết.

Trong sách, tôi trích dẫn rất nhiều đoạn văn từ các bài báo khoa học, từ những đề cương nghiên cứu của NIH (có trên mạng), và những câu văn hay nói trong các hội nghị. Đó là cuốn sách được tập hợp từ những bài viết trên blog của tôi qua nhiều năm, và những ghi chép cá nhân sau khi dự các hội nghị, nên phiên bản đầu tiên có thiếu sót vì tôi chẳng nhớ nguồn. Ngay sau khi cuốn sách được in, có ít nhất 5 bạn đọc viết thư riêng cho tôi chỉ ra những chỗ sai chính tả, sai văn phạm, chỉ ra nguồn, chỉ ra bài báo, đề nghị kích cỡ sách, v.v. Tôi rất cám ơn các bạn này, và phiên bản sau thì tương đối hoàn chỉnh hơn. Dù vậy, tôi vẫn kêu gọi nếu thấy sai sót thì xin email cho tôi.

Những ví dụ trong sách đều có trích dẫn nghiêm chỉnh, nhưng tôi không theo qui ước bài báo khoa học (có nghĩa là tên họ, số trang, tựa đề bài báo hay sách, năm, v.v.), và có thể xem đó là một thiếu sót của tôi. Ví dụ như tôi viết trong câu mở đầu "Phần lớn những cụm từ trong chương này được trích và sắp xếp lại dựa trên danh sách của Tiến sĩ Morley", nhưng khi đến từng câu thì tôi không nhắc lại là từ ông Morley nữa. Do đó, người ta chỉ cần nhìn vào các câu trích dẫn mà không xem câu trên thì rất dễ vu cáo đạo văn. Ngoài ra, cũng có những câu tôi không trích dẫn vì (a) đó là bài báo của chính tôi và đồng nghiệp, hay (b) những câu quá phổ biến. Ngay cả khi trích dẫn, tôi thường viết "Tác giả viết" chứ cũng không nói là câu chữ của mình. Xin nhấn mạnh đó là những ví dụ về cách viết, chứ không phải ý tưởng. Ngay cả trong các workshop về viết bài báo khoa học mà Nature tổ chức ở đây, người ta không cần ghi nguồn về các ví dụ. Ấy vậy mà những người chưa đọc cuốn sách hơn 500 trang đó đã vội vã vu cáo tôi!


Còn những câu nói mà tôi trích ra để chỉ dẫn cho các bạn tham dự hội thảo khoa học như "Our first speaker is Dr, ABC from Heaven University ...", hay "Next is Dr. Peter Flannery from UCLA Medical Center", hay "The session is adjourned until 4 pm" là những câu hết sức phổ biến trong hội thảo. Ai từng dự hội nghị quốc tế đều nghe những câu như thế, và chúng cũng được các sách về kĩ năng mềm in lại. Sách tôi cũng in lại những câu đó, và tôi thấy không cần trích dẫn nguồn. Cho rằng những câu đó là đạo văn thì tôi nghĩ người vu cáo đó không biết đạo văn là gì.  

Nói ra không phải là khoe khoang (vì tôi không có nhu cầu đó), nhưng trong thực tế tôi đã viết hơn 250 bài báo khoa học, biết bao nhiêu chương sách, và làm editor cho các tập san khoa học, thì tôi phải biết đạo văn là gì. Tôi đã hướng dẫn cho hàng chục luận án tiến sĩ ở nước ngoài và 5 nghiên cứu sinh ở trong nước có công bố quốc tế. Tôi tuy là người Việt và tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ nhưng đủ trình độ để được mời giảng dạy về cách viết bài báo khoa học cho nghiên cứu sinh, cho postdoc, cho các nhà khoa học ở Úc, Mĩ, Thái Lan và Tàu. Bất cứ ai ở Việt Nam từng được tôi hướng dẫn về viết bài báo khoa học và công bố quốc tế, từ nghiên cứu sinh đến nhà khoa học, phải biết rằng tôi không thiếu chữ để đến nỗi làm bậy.

Tại sao?

Đôi khi tôi tự hỏi tại sao có những vụ ám sát cá nhân trên không gian mạng, không phải chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người khác cũng bị. Tôi thấy một mẫu số chung là tất cả những ai phát biểu chính kiến về các vấn đề xã hội, bất công, chưa nói đến chính trị, đều là nạn nhân của những vu khống. Cách vu khống phổ biến nhất là tấn công cá nhân, với ý đồ sỉ nhục, hạ thấp uy tín của nạn nhân. Nhưng ngoài mẫu số chung đó ra, tôi còn nghĩ đến vài yếu tố khác dưới đây.

Yếu tố thứ nhất là ganh tị và đố kị. Một số bạn tôi ở trong nước nói rằng giới có học Việt Nam rất ư là ganh tị, họ tự đánh giá mình quá cao và không muốn ai ngang bằng họ. Trong văn hóa phương Tây có hội chứng "tall poppy syndrome." Những người mắc hội chứng này thường có xu hướng hạ thấp, thậm chí hạ nhục, những ai mà họ thấy là ngang bằng hay hơn họ. Khi tôi giảng trong các lớp về cách viết bài báo khoa học ở trong nước, rất nhiều người rất tức tối chẳng hiểu vì lí do gì?! Hình như đối với họ, chỉ có ông Tây bà Đầm mới có tư cách giảng dạy về môn học này, và tôi nghĩ đó là một quan điểm sai. Tôi đã từng giảng trong những lớp như thế ở Thái Lan, Úc, mà chẳng ai có vấn đề gì. Trong thực tế, chỉ có một số ít khó chịu mà thôi, vì nhiều đồng nghiệp trong nước đều chào đón những chương trình học do tôi thiết kế và phụ trách giảng.

Yếu tố thứ hai là háo thắng, "ngựa non háu đá". Những người tre trẻ khi mới học được một cái gì đó là họ vội nghĩ rằng mình đã là đỉnh, là chuyên gia. Khi thấy ai đó bàn về vấn đề họ quan tâm thì họ lồng lộng lên theo kiểu "Tại sao ngươi dám bàn chuyện đó, ta mới là chuyên gia." Một anh chàng kia từng làm ở ĐHQGHN có thời quen khá tốt với tôi. Anh ta phụ trách bản tin của ĐHQGHN và dùng không biết bao nhiêu bài viết của tôi trong các bản tin. Anh ta từng cùng tôi và một bạn khác tên là NĐP đàm đạo nhiều giờ bên cái quán cà phê bên cạnh khách sạn Melia trong chuyến tôi đi dự hội nghị xương ở đó. Anh ta từng sang Úc, năn nỉ tôi đến Viện Garvan cho xem lab, và gửi nhiều email nhờ giúp đỡ. Cũng như với mọi người Việt khác, tôi giúp anh ta tận tình. Nói chung, anh ta và tôi có mối quan hệ tốt đẹp, và tôi còn in bài phỏng vấn của anh ta vào lời bạt của cuốn sách "Từ nghiên cứu đến công bố". Ấy vậy mà đùng một cái, anh ta trở thành người rất hằn học, thù hằn tôi, và lớn tiếng "chửi" tôi trên mạng. Trong cái nhìn của người thầy, tôi thấy anh ta chưa chứng tỏ là người làm khoa học nghiêm chỉnh. Với tư cách là người giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, tôi đánh giá việc anh ta làm là mang tính tài tử, chứ không phải khoa học. Nhưng anh ta lại rất háo thắng chỉ trích hết người này đến người khác. Thật ngỡ ngàng cho một kẻ phản bạn phản thầy! Nhưng tôi nghĩ anh ta còn trẻ và còn thời gian để suy nghĩ và nhìn lại mình.

Yếu tố thứ ba là không am hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Đôi khi, phải làm và có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học thì mới có thể có những nhận xét công bằng và chính xác. Điều đáng tiếc là những người vu cáo và ám sát cá nhân tôi không có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Chẳng hạn như cái cô chuyên vu cáo người khác là đạo văn thì bản thân cô ấy chưa bao giờ công bố được một bài báo khoa học dù đã tốt nghiệp tiến sĩ từ Úc! Bản thân cô ấy cũng chưa bao giờ, một cách độc lập, viết được một câu tiếng Anh đúng cách. Không phải cứ học ở nước ngoài là am hiểu tiếng Anh. Những ai từng đào tạo tiến sĩ cho nghiên cứu sinh nước ngoài có thể hiểu tại sao những người như thế được cho ra trường. Ấy thế mà cô ấy rất hung hãn trên mạng vu cáo hết người này đến người kia là đạo văn và viết sai tiếng Anh!

Cô này từng mời tôi hợp tác nghiên cứu và mời giảng một lớp về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế do cô ấy tổ chức ở Đại học Quốc gia HCM. Chúng tôi từng có lần ngồi bàn việc nghiên cứu về giáo dục ở một quán cà phê ở Sài Gòn. Nhưng tôi không nhớ vì lí do gì mà sau đó sự việc không thành, và cô ấy không liên lạc với tôi nữa. Cô ấy "liên kết" với ông Hồ Hải chỉ trích tôi đủ điều trên mạng, và cãi cọ rất hăng với nhóm "giaosudom" trên wordpress (2). Nhìn thấy cách cô ta cãi cọ trên mạng với mấy em sinh viên, tôi chỉ biết hỡi ơi, và thấy mình may mắn không liên quan gì với cô ta nữa.

Yếu tố thứ tư là quen sống ảo và xem không gian ảo là sự thật. Tôi phát hiện một điều rằng có khá nhiều người Việt Nam sống trên không gian ảo nhiều quá, và họ nghĩ rằng những gì trên mạng là thực tế. Chẳng hạn như khi tôi nói rằng tôi từng giảng trong hội nghị loãng xương toàn quốc vừa qua ở Brisbane, và thế là có người vào trang web của hội nghị và không thấy tên tôi, và thế là cho rằng tôi nói sai. Nhưng người ngoài cuộc không biết rằng ban tổ chức thay đổi chương trình vào phút cuối, nên những gì trên mạng không phải là thực tế nữa.

Có những việc tôi làm cho Việt Nam từ 25 năm trước mà các bạn chưa biết (vì có thể lúc đó các bạn còn thiếu niên). Thế giới mạng rất phức tạp, thật giả lẫn lộn. Không nên quá lệ thuộc vào những gì tìm thấy trên mạng để gây tác hại cho người khác.

Và những bài học

Những câu chuyện tôi bị tấn công và ám sát cá nhân không mới với tôi. Ngay từ hơn 20 năm trước, khi viết hàng loạt bài báo (và sau này thành sách) về chất độc da cam, tôi đã bị vài đồng hương bên Mĩ chửi bới. Họ còn gửi email đến sếp tôi nói rằng tôi không làm về chất độc da cam mà dám mạo danh Garvan để viết bài về chất độc da cam. Một bài báo thậm chí còn bị chuyên gia bình duyệt phê rằng "chống Mĩ". Nhưng họ (những đồng hương đó, hay chuyên gia đó) không ám sát cá nhân như những người tôi vừa kể ở bên Việt Nam.

Tôi thiết nghĩ người tử tế nếu có gì chưa rõ ràng thì nên liên lạc với tác giả để hỏi thêm, hay nếu phát hiện cái gì sai sót thì nên báo cho tác giả biết (và trong thực tế nhiều người đã giúp tôi như thế). Ngay cả khi viết note trên fb tôi viết sai hoài, và mỗi lần như thế là có người (như T Chan Ngo hay Tuệ An) message riêng chỉ ra cái sai, tôi rất cám ơn họ. Nếu chỉ dựa vào những cái sai sót (nếu có) mà ám sát cá nhân và sỉ nhục người ta thì tôi nghĩ đó là việc làm của người thiếu tử tế và kém lương thiện.

Câu chuyện và những trải nghiệm tôi vừa nói cũng là bài học cho các bạn trong cái thế giới ảo nhưng đầy nguy hiểm này. Tôi nghĩ bài học thứ nhất là phải cẩn thận và chọn bạn mà chơi, vì ngay cả người có học họ vẫn có thể trở thành những kẻ ám sát cá nhân rất tốt. Bài học thứ hai là phải chuẩn bị một ngày nào đó những kẻ này sẽ trở thành loại "lừa thầy phản bạn". Chính những kẻ thọ ơn mình, những kẻ nói lời đường mật với mình là những người có khả năng quay 180 độ với mình. Bài học thứ ba là phải giữ vững thiện ý. Tôi thích cái nhìn của Nhà văn Mai Thảo khi ông nói về những người chửi bới ông [đại khái] rằng chữ nghĩa rất quí và đẹp, chỉ nên dùng chữ để ca ngợi cái đẹp, chứ đừng bao giờ dùng chữ để nói xấu người khác. Văn là người, và do đó, kẻ dùng chữ nghĩa để nói xấu thì chỉ làm dơ bẩn cái tâm của chính họ mà thôi. Đối với những người hung hãn chỉ trích người khác, tôi chỉ khuyên họ là nên sống tử tế với nhau.

=====



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO