Nhạc boléro trên đài truyền hình Vĩnh Long

Tôi mới xem qua vài chương trình thi hát nhạc bolero trên đài truyền hình Vĩnh Long, và phải có lời khen. Chương trình hay từ cách dàn dựng, ca sĩ, ca khúc, hoà âm phối khí, đến người MC đều rất tốt. Hiếm thấy một chương trình nhạc ở Việt Nam nào mà hay đến như thế.



Xem qua chương trình thi nhạc bolero trên đài truyền hình Vĩnh Long làm tôi thay đổi cái nhìn về dàn dựng nhạc ở trong nước. Đã vài lần xem các chương trình ca nhạc được sản xuất từ Việt Nam làm tôi thất vọng đến nỗi không muốn xem nữa. Đó là những chương trình bắt chước phong cách của Thuý Nga ngoài này, nhưng bắt chước không đạt. Nhưng chương trình "Solo cùng boléro" làm tôi thay đổi cái nhìn của mình và lạc quan hơn về khả năng cũng như tiềm năng trong nước. Đây là một chương trình được dàn dựng công phu, sân khấu khá hoành tráng và được các đạo diễn chuyên nghiệp thiết kế. Quan trọng nhất là họ không bắt chước các chương trình ở hải ngoại, mà tự thiết kế chương trình theo phong cách rất Việt Nam.

Điều làm tôi ngạc nhiên là một đài truyền hình cấp tỉnh mà có khả năng làm một chương trình qui mô và chuyên nghiệp như thế. Chắc chắn họ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia từ Sài Gòn, nhưng họ có sáng kiến và thực hiện được một chương trình sáng tạo và hay như thế là rất đáng khen. Đây cũng là lí do tôi không ưa kiểu "tập trung hoá" và "trung ương hoá", dồn tài lực về các cơ sở ở thủ đô hay thành phố lớn, vì cách làm đó vô tình dìm các tài năng từ các tỉnh lẻ và vùng xa (như kiểu tài trợ cho khoa học). Sự thành công của "Solo cùng boléro" do một đài truyền hình tỉnh tổ chức là một minh chứng cho nhu cầu decentralization.

Chương trình nhạc thì gần như là nhạc boléro. Tuần qua, tôi vừa làm việc vừa xem qua 5 chương trình thì thấy tất cả đều là những bài nổi tiếng trước 1975 của các nhạc sĩ lừng danh với dòng nhạc boléro như Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Tú Nhi (Chế Linh), Trúc Phương, Vinh Sử, Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ và Trịnh Lâm Ngân. Một chút ngạc nhiên nhưng là đáng khen, họ còn chọn những bài của các nhạc sĩ lính như Duy Khánh, Nguyễn Văn Đông, Mai Việt Thu, Trầm Tử Thiêng, v.v. Nghe qua những ca khúc này làm tôi có khi cảm thấy xúc động vì như là một bầu trời kỉ niệm quay về.

Phải nói là người mình có khiếu về thanh nhạc. Chương trình này qui tụ nhiều ca sĩ nghiệp dư nhưng tôi thấy ai cũng ca hay. Có người xuất thân là thợ may, người thì công chức, người là doanh nhân, người là sĩ quan trong quân đội, có cả người mẫu, có người là diễn viên điện ảnh. Và, họ đến từ mọi miền đất nước, từ Lạng Sơn đến tận Cà Mau, Kiên Giang. Các ứng viên ca sĩ ai cũng duyên dáng, ca hay và biểu diễn hết mình. Có người trình diễn mà tôi cứ tưởng họ là ca sĩ chuyên nghiệp! Có thể một số các em thí sinh trình diễn chưa biết nguồn gốc của các ca khúc đó, nhưng họ đều trình bày rất đạt, rất hay. Với đà này, và nếu họ ra ngoài thi ca nhạc, thì làm sao các đồng hương hải ngoại có thể cạnh tranh được với các thí sinh này?!

Tôi không rành về âm nhạc, nhưng là người nghe thì thấy phong cách hoà nhạc thì thật khó có chỗ nào chê. Có những bài ca thật xưa, nhưng với cách hoà âm phối khí mới làm cho các ca khúc đó trở nên hay lạ thường. Điều thú vị là ban tổ chức lấy đoạn mở đầu của bài "Xuân trên rừng cao" (một bản nhạc lính của Trầm Tử Thiêng) trong video của Thuý Nga ra làm nhạc hiệu của chương trình "Solo cùng boléro"!

Vì là chương trình thi ca nhạc, nên ban tổ chức có mời ban giám khảo. Điều đáng khen là họ mới các giám khảo là những ca sĩ thành danh ở hải ngoại như Ý Lan, Hoạ Mi, Phương Dung, Phi Nhung, Thanh Hà, Thái Châu, v.v. Cũng có ca sĩ trong nước như Đàm Vĩnh Hưng làm giám khảo. Nói chung các giám khảo cho ra nhiều nhận xét rất chí lí và tinh tế. Nghe họ phê bình và nhận xét các thí sinh, tôi cũng biết thêm vài kĩ thuật và "chiêu" trong thanh nhạc. Điều tôi thích là các giám khảo có thái độ rất lịch sự, nhã nhặn, chứ không bốp chát như tôi có lần thấy trong một chương trình khác.

Điều đáng khen trong chương trình này theo tôi là người giới thiệu chương trình (MC) tỏ ra rất chuyên nghiệp. Tôi chán nhất khi thấy các MC cầm giấy cúi đầu chằm chằm đọc, và hình ảnh này thì rất nhiều ở Việt Nam. Tôi cũng nản nhất và kị nhất là những lời nói sáo ngữ (vd như trích thơ), cải lương tính và cảm tính (kiểu như "các bạn thân thương") của các MC ngoài Bắc và một số MC trong Nam, nghe cứ nổi da gà! Nhưng các MC trong "Solo cùng boléro" thì không có những đặc điểm đó. Họ dẫn chương trình một cách tự nhiên, tuy thỉnh thoảng cũng có chút kịch (do dàn dựng) nhưng vẫn làm cho người xem khó tính thấy chấp nhận được. Họ có cầm giấy, nhưng không chằm chằm đọc. Họ không kéo dài lời dẫn, và điều đó rất quan trọng. Họ tuy không thể uyên bác như Nguyễn Ngọc Ngạn, nhưng họ khá hơn gấp trăm lần so với những người MC chỉ thích đọc. Nói chung, trình độ MC trong bối cảnh khó khăn như thế là rất được.

Nhạc boléro có một sức sống kì lạ ở cộng đồng người Việt. Trải qua bao nhiêu năm bì vùi dập, thậm chí cấm đoán, mà nó vẫn tồn tại. Không những tồn tại mà còn phát triển. Tôi không rõ nhạc boléro du nhập vào Việt Nam chính xác vào lúc nào, nhưng theo vài nguồn thì nhạc boléro xuất phát từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỉ 18. Đó là loại nhạc được chơi chỉ bằng đàn guitar, với lời ca chỉ 4 đến 7 từ trong mỗi dòng, và mỗi đoạn chỉ 4 đến 5 dòng nhạc. Một nguồn khác thì cho biết nhạc boléro theo kiểu Mĩ Latin xuất hiện lần đầu ở Santiago (Cuba) vào khoảng cuối thế kỉ 19. Nếu lịch sử tân nhạc ở nước ta hình thành từ những năm 1930, thì có thể nói rằng nhạc boléro Việt cũng đã có mặt vào lúc đó. Như vậy, dòng nhạc này đã tồn tại và song hành cùng chúng ta ngót nghét 80 năm.

Sự thăng hoa của dòng nhạc này trong chương trình "Solo cùng boléro" còn cho thấy những ca khúc trữ tình thời trước 1975 vẫn còn sống mãi trong công chúng yêu nhạc. Những ca khúc boléro là những câu chuyện đời và chuyện tình được kể qua âm nhạc. Do đó, có thể nói rằng những ca khúc boléro là một loại thức ăn tinh thần của người Việt, nên nó có thể minh chứng cho một qui luật bất biến: những sáng tác mang tính nhân văn và nhân bản có sức sống mạnh hơn những ca khúc bị "chém giết hoá".

====

Vũ Khanh và Ý Lan trình bày ca khúc "Khi người yêu tôi khóc" với cách hoà âm mới.

https://www.youtube.com/watch?v=gsyNdCOG5ZU
"Lá thư đô thị" do một em từ miền thượng du Bắc Việt trình bày.

https://www.youtube.com/watch?v=L7shfkN9qHY

"Người đi ngoài phố" của Anh Việt Thu

https://www.youtube.com/watch?v=MyCcyh2PSmM
Một doanh nhân ca bài "Cho người tình lỡ" cũng hay. Không biết câu chuyện của chị ấy là diễn hay là tâm sự thật, nhưng ok.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO