Xếp hạng đại học thế giới 2016/2017

Các nhóm xếp hạng đại học lần lượt trình làng các bảng xếp hạng đại học niên học 2016/2017 (1). Cũng như những lần gần đây, mỗi danh sách đều gây ra vài ngạc nhiên, và lần này tôi thấy ngạc nhiên cho Nhật. Ở Á châu, xu hướng là các đại học "trẻ" đang lên, và các đại học "già" đang đi xuống hay mất vị trí dẫn đầu.


Danh sách 10 đại học hàng đầu thế giới vẫn là những đại học của Mĩ và Anh:
1. MIT
2. Stanford
3. Harvard 
4. Cambridge 
5. Caltech
6. Oxford
7. UCL 
8. ETH Zurich
9. Imperial College London 
10. Chicago


Kế đến là Princeton, Yale, Cornell, Johns Hopkins, Columbia, ĐHQG Úc (hạng 22). Các đại học của Á châu nằm trong danh sách top 20 bao gồm NUS (Đại học Quốc gia Singapore) và Viện công nghệ Nanyang. Riêng Úc có 6 đại học xếp hạng cao như:
• ĐH Quốc gia Úc (hạng 22)
• ĐH Melbourne (hạng 42)
• ĐH Sydney (46)
• ĐH New South Wales (49)
• ĐH Queensland (51) 
• ĐH Monash (65)

ĐH Công nghệ Sydney (UTS) đứng hạng 193, cũng may mắn được nằm trong "Top 200". Ở hạng này, UTS chỉ nằm trong nhóm các đại học "làng nhàng" như Bern (Thuỵ Sĩ), Illinois, Sussex, Cape Town, Stockholm, Calgary, Vrije Amsterdam.

Ở Á châu, NUS vẫn đứng đầu bảng. Kế đến là Đại học Hồng Kông, Viện công nghệ Nanyang, ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), ĐH Thanh Hoa, Viện KAIST, ĐH Thành Đô Hồng Kông (CUHK), ĐH Bắc Kinh, và ĐH Quốc gia Hán Thành (SNU). Điều có lẽ gây ngạc nhiên là trong số 10 đại học hàng đầu của Á châu, không có các đại học lừng danh của Nhật!

Các đại học Á châu khác cũng có thứ hạng trong bảng là Chulalongkorn (45), Mahidol (hạng 61), ĐH Nam Dương (67), ĐH Phi Luật Tân (70). Riêng VN thì có ĐHQG Hà Nội đứng hạng 139 và ĐHQG HCM (147). Vài con số để so sánh:

ĐHQG Hà Nội:
• 2426 giảng viên; 95 là quốc tế; 
• 1224 giảng viên với bằng tiến sĩ; 
• Số sinh viên: 34257; số sinh viên quốc tế 255.

ĐHQG HCM:
• 2184 giảng viên
• Số sinh viên: 46882 
• Số sinh viên quốc tế 179

Nói chung, các đại học hàng đầu thế giới thì không có gì thay đổi đáng kể. Nói theo cách nói bình dân là "ra vào cũng thằng cha khi nãy", tức là vẫn các đại học hạng "elite" của Mĩ và Anh đứng đầu. Nếu mở rộng top 50 thì có 5 đại học Úc trong danh sách.

Bảng xếp hạng cũng cho thấy một xu hướng chung là các đại học Á châu đang -- nói theo tiếng Anh là -- rất dynamic. Đáng phục là Singapore, một quốc đảo chỉ có 5 (?) triệu dân, mà có đến 2 đại học hàng đầu thế giới và hàng đầu cả Á châu. Kết quả xếp hạng còn cho thấy trong khi các đại học Nhật có vẻ như đang chựng lại, thì đại học trẻ hơn ở một số nước đang vươn lên nhanh như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và đặc biệt là Tàu. Nói gì thì nói, sự năng động và phát triển của các đại học Tàu là đáng nể. Riêng Việt Nam chúng ta tuy ở bên cạnh Tàu, nhưng hình như vẫn  chưa học được cái hay của họ, và có lẽ chính vì thế mà giáo dục đại học Việt Nam có vẻ "lạc nhịp" so với thế giới và ngay cả so với các nước trong vùng.

===

Xin nhắc lại tiêu chuẩn để xếp hạng đại học của QS là:
• Bình duyệt của các giáo sư trên thế giới (qua survey): trọng số 40%; 
• Tỉ số giảng viên trên sinh viên: 20%;
• Số trích dẫn tính trên mỗi giảng viên: 20%;
• Danh tiếng trong doanh nghiệp: 10%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO