Quốc vương Bhumibol Adulyadej: Nhà vua không cười


Hôm qua là một ngày buồn của những người bạn Thái của tôi, vì đó là ngày Đức vua Bhumipol Adulyadej băng hà. (Tên ông đọc là Phu-mi-pỏn). Ông thọ 88 tuổi (nhưng người Thái thì tính 89 tuổi). Ông là vị vua trị Thái Lan suốt 70 năm, được xem là lâu nhất trong các vương quốc hiện đại trên thế giới. Nhưng ông còn là một vị vua được tuyệt đại đa số người Thái kính trọng vì những đóng góp mang tầm khai phóng đưa Thái Lan thịnh vượng như ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Bhumipol Adulyadej cũng là một vài bài học của nước ta.




Từ Mongkut, Chulalongkorn, đến Mahidol và Bhumibol

Thiết tưởng cũng nên tìm hiểu tên của vị vua và các bậc tiền bối của ông để biết thêm về những địa danh và tên trường nổi tiếng của Thái Lan. 


  • Ông là người con trai út của Mahidol Adulyadej (tức là Hoàng tử Songhla hay Mahidol Songkla) và bà Sirikit Kitiyakara. Trường đại học nổi tiếng Mahidol chính là lấy tên của vua Mahidol Adulyadej.
  • Hoàng tử Mahidol Adulyadej là con trai út (thật ra là con thứ 69) của vua Chulalongkorn và hoàng hậu Savang Vadhana. Chulalongkorn là vua Rama đời V.Trường đại học danh tiếng vào hàng số 1 của Thái Lan Chulalongkorn chính là lấy tên của ông. 
  • Vua Chulalongkorn là con trai của vua Mongkut và hoàng hậu Debsirindra. Đại học Mongkut của Thái Lan chính là lấy tên của vị vua Rama IV này.

Như vậy, vua Bhumipol Adulyadej là cháu nội của vị vua nổi tiếng Chulalongkorn, và cháu gọi vua Mongkut là ông cố. Như chúng ta thấy, các trường đại học danh tiếng của Thái Lan, từ Mongkut, Chulalongkorn, đến Mahidol, đều lấy tên vua.

Lên ngai vàng bất ngờ

Vua Bhumipol Adulyadej sinh ngày 5/12/1927 tại bang Massachusetts (Mĩ), chứ không phải tại Thái Lan. Câu chuyện hơi dài dòng, nhưng tôi đọc sách thì hiểu như sau. Lúc đó (1927), thân phụ của ông là Mahidol Adulyadej đang theo học tại Đại học Harvard (chuyên ngành y tế công cộng) và thân mẫu ông theo học y tá và dinh dưỡng học tại đó. Vua Mahidol Adulyadej có 2 người con trai là Ananda Mahidol và Bhumipol Adulyadej. Hai năm sau khi ông chào đời, thân phụ ông là hoàng tử Mahidol Adulyadej qua đời vì suy thận.

Sau đó, thân mẫu ông cùng con cái sang Thuỵ Sĩ sống. Lúc đó, vị vua trị vì ở Thái Lan là Prajadhipok, và ông là anh em cùng cha khác mẹ với Mahidol Adulyadej. Vua Prajadhipok không có con. Năm 1932 xảy ra một cuộc "đảo chính êm thắm", và hệ quả là chế độ quân chủ cáo chung và vua Prajadhipok phải lưu vong ở Anh và chính thức thoái vị 3 năm sau đó. Dù vua Chulalongkorn có 32 con trai và 45 con gái (từ 36 hoàng hậu và thê thiếp), nguồn nối vương nghiệp của ông có vấn đề. Thế là hoàng tử Ananda Mahidol (tức là cháu của Prajadhipok) trở thành vua ở tuổi thiếu niên (9 tuổi) và đang học ở Thuỵ Sĩ. Năm 1938, vua Ananda Mahidol mới về vương quốc SIAM lần đầu. Năm 1939, ông đổi quốc danh sang "Thailand".

Nhưng một biến cố quan trọng xảy ra đã đưa em trai của ông là Bhumibol Adulyadej trở thành vua. Buổi sáng (9 giờ) ngày 9/6/1946, vua Ananda Mahidol được phát hiện chết tại hoàng cung. Phòng ngủ của ông nằm cạnh phòng của người em trai Bhumibol Adulyadej. Một viên đạn từ khẩu súng Colt-45 xuyên qua đầu vị vua lúc đó mới 20 tuổi, và ông chết ngay trên giường. (Khẩu súng là một món quà của sĩ quan tình báo Mĩ Alexander MacDonald tặng, và ông này cũng chính là người sáng lập ra tờ báo Bangkok Post). Cái chết của Ananda Mahidol cho đến nay vẫn là một bí ẩn, vì đó không phải là một tai nạn và cũng không phải là tự tử. Dù có nhiều suy đoán sau này (phần lớn là vô căn cứ), nhưng không ai giải thích được tình huống dẫn đến cái chết của một vị vua còn rất trẻ. 

Một cách logic, người kế vị Ananda Mahidol là người em trai của ông, tức Bhumibol Adulyadej. Thế là ngày 9/6/1946, Bhumibol Adulyadej lúc đó mới 18 tuổi lên ngôi. Ông trị vì Thái Lan suốt 70 năm dài cho đến ngày ông qua đời vào ngày 13/10/2016. Thời gian trị vì của ông được xem là lâu nhất thế giới, và người "cạnh tranh" với kỉ lục này có lẽ là Nữ hoàng Elizabeth của Anh.

Sự nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà vua Bhumibol Adulyadej được toàn dân Thái kính yêu. Họ xem ông như là một vị thánh sống. Cuộc đời, sự nghiệp và trị vì của ông không có một xì căng đan nào. Ông trị vì một đất nước đã trải qua 29 chính biến, 16 cuộc đảo chính, 16 cuộc cách mạng!

Như nói trên, ông sinh ra ở Mĩ, nhưng lớn lên và học ở Thuỵ Sĩ. Thời gian ở Thuỵ Sĩ ông theo học tại trường Ecole Nouvelle de la Suisse Romande ở Lausanne. Sau đó, ông vào Đại học Lausanne để học khoa học, nhưng ông phải về Thái Lan để lên ngôi vào năm 1946. Ngay sau khi lên ngôi vào năm 1946, ông quay về Thuỵ Sĩ theo học luật và chính trị học tại Đại học Lausanne. Ông tuyên bố với thần dân lúc đó rằng ông muốn tái tạo mình ("recreate myself") bằng giáo dục. Chính vì quá trình học vấn này mà sau này ông lúc nào cũng khuyến khích người Thái nên, nếu có điều kiện, học hành ở các nước phương Tây. Ông cũng lập ra quĩ học bổng cho các sinh viên nghèo có điều kiện đi học ở Mĩ và Âu châu.

Năm 1948, ông bị tai nạn xe hơi, khi một chiếc xe tải tông vào làm ông mất tay lái. Kết quả là ông mất mắt phải. Trong thời gian theo học, ông làm quen và sau này đi đến kết hôn với Sirikit Kitiyakara, con gái của Đại sứ Thái Lan tại Paris. Có câu chuyện vui là cô Sirikit Kitiyakara lúc đó không ưa vị hoàng tử mấy, vì ông hẹn cô lúc 4 pm, mà mãi đến 7 pm ông mới đến! Cô ấm ức nói "anh ta bắt tôi chờ, mà còn phải tập phong cách tiếp vua nữa chứ. Tôi không ưa anh ta mấy." Không ưa lúc đầu, nhưng sau này thì cô thành hôn với vị vua vào năm 1950 tại Bangkok, và họ sống cho đến nay. Hai người có 3 con, 1 trai và 2 gái, và tất cả đều là những người thành đạt. Một người con gái là Ubol Ratana tốt nghiệp từ MIT và thành hôn với một người Mĩ (nhưng sau này họ li dị). Một người con gái khác là Maha Chakri Sirindhorn thì không lập gia đình. Người con trai là Vijiralongkorn là một tướng lãnh trong quân đội sẽ kế nghiệp ông làm vua Thái Lan.

Sự trị vì của ông lúc đầu gặp vài trục trặc vì ông còn quá trẻ. Ông kể lại rằng lúc ông quay về Thái Lan sau khi tốt nghiệp đại học (lúc đó 24 tuổi), những người trong nội các không xem trọng ông. Ông nói "khi tôi mở miệng ra đề nghị cái này cái kia, thì họ nói: 'thưa bệ hạ, bệ hạ không biết gì cả'!" Ông vui vẻ kể: thế là tôi phải im lặng, dù tôi biết chuyện ("so I shut my mouth. I know things, but I shut my mouth").

Có thể nói ngay từ lúc lên ngôi, ông đã tuyên bố ông sẽ trị vì vì lợi ích của dân tộc. Ông nói "We shall reign with righteousness for the benefits and happiness of the Siamese people", và đó như là một mission - sứ mệnh của Nhà vua. Chú ý ông dùng chữ "we" (chúng tôi). Ông bắt đầu thời kì trị vì bằng cách cùng hoàng hậu đi thăm TẤT CẢ vùng nông thôn và nghèo nhất của Thái Lan, vì ông muốn tận mắt xem người dân sống ra sao. Ông nói với người dân rằng "Vấn đề của quí vị cũng là vấn đề của tôi." Những hình ảnh chân thật như bá vai với người nghèo, ngồi trên bãi cỏ, quần áo lam lũ nói chuyện với thường dân làm cho cả nước xúc động.

Sau những chuyến đi thực địa đó, ông đích thân lên kế hoạch những dự án để giải quyết những khó khăn của người dân ở vùng quê. Cái dự án phát triển hoàng gia (Royal Development Projects -- RDPs) ra đời. Ông thấy ngay rằng phát triển nông thôn phải đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nói là làm, đích thân ông tự nghiên cứu, thu thập dữ liệu về môi trường và thuỷ lợi. Ông tìm các nhà khoa học hỏi ý kiến họ và tìm cách nâng cao năng suất nông nghiệp. Ông viết báo cáo khoa học mà sau này được mệnh danh là lí thuyết quản lí đất nông nghiệp (New Theory on Managing Agricultural Land). Hàng loạt dự án lớn được triển khai từ RDP, trong đó xây dựng những đập nước lớn như Pa Sak Jolasid, và cây cầu Rama VIII. Những dự án ban đầu cùng triết lí phát triển bền vững của nhà vua gây cảm hứng cho cả nước và bắt đầu cho một quá trình phát triển mới của Thái Lan. Do đó, không ngoa khi nói rằng sự phát triển của Thái Lan hiện đại là bắt đầu từ ý tưởng quan tâm đến nông thôn của Nhà vua. Người Thái gọi ông là "Father of the Land" là hoàn toàn hợp lí.

Vua Bhumibol Adulyadej không chỉ là một nhà vua bình thường; ông còn là một chính trị gia. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chính trường Thái Lan. Cái hình ảnh hai viên tướng đang tranh quyền và chống nhau bị ông triệu tập và quì trước nhà vua làm cho cả thế giới thấy hoàng gia Thái Lan không chỉ là hoàng gia tầm thường; đó là một thể chế -- institution. Có thể nói rằng hoàng gia Thái Lan là một thể chế vương quyền.

Cái thể chế vương quyền đó ngay từ đầu đã chọn hướng đi: thân phương Tây. Ngay từ những năm đầu lên ngôi, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã xác định lí tưởng chống cộng, và có lí do. Ông cho rằng phong trào cộng sản là một sự đe doạ đến vương triều của Thái Lan, nên phải hạn chế sự hoạt động của cộng sản Thái Lan bằng cách liên minh với đồng minh Mĩ.

Vua Bhumibol Adulyadej còn là một nghệ sĩ. Ông tự học vẽ và đã có những tác phẩm hội hoạ được đánh giá cao. Ông đam mê nhiếp ảnh, nên đi đâu ông cũng kè kè cái máy ảnh, giống như là một "icon" của nhà vua. Ông đam mê âm nhạc, đặc biệt là nhạc jazz. Không chỉ đam mê, ông còn là một tay chơi kèn saxophone có hạng, và từng biểu diễn chung với các nghệ sĩ danh tiếng trong nước. Nói tóm lại, không giống như những chính trị gia XHCN chỉ thích "cưỡi ngựa xem hoa", nhà vua Bhumibol Adulyadej là một nghệ sĩ thứ thiệt và tự mình học hỏi và sáng tác.

Nhưng dù là một người mang tính nghệ sĩ như thế, ông là người ít cười, thậm chí không cười. Đã có một cuốn sách viết về cuộc đời của nhà vua với tựa đề "The King Never Smiles" (Nhà Vua không bao giờ cười) của Paul Handley. Hình như cuốn này không được phát hành ở Thái Lan, dù cuốn sách không có gì xúc phạm đến hoàng gia.

Cái hình ảnh của vua Bhumibol Adulyadej cũng có thể là do "thiết kế". Ở Thái Lan, người ta có thể phê bình và chỉ trích chính trị gia thoải mái, nhưng không được phê bình Nhà vua. Và, điều này là luật. Phê bình Nhà vua là bị phạt, có khi bị đi tù. Trong thực tế, nhà vua cũng không thích cái luật này, nhưng ông cũng không xoá bỏ nó. Ông từng nói rằng Nhà vua cũng có thể sai, và nếu không cho người ta phê bình Nhà vua thì chính Nhà vua là người có vấn đề. Dù nói như thế, ông không tác động để giới lập pháp Thái Lan xoá bỏ cái đạo luât bảo vệ thanh danh cho vua!

Nhìn lại Việt Nam
 
Tôi có nhiều cơ hộp tiếp xúc và trải nghiệm Thái Lan, nên phải bỏ ra hơn 2 giờ đồng hồ để viết cái note mang tính nhật kí này. Có năm tôi ở Thái Lan đến hơn 1 tháng trong tư cách là một visiting professor của một đại học lớn thứ 3 của Thái Lan, nên có dịp đi đây đó ở Thái Lan. Đi từ thành thị đến các vùng đồng quê, từ miền núi đến biên giới Lào. Tôi phải nói là tôi rất có cảm tình với đất nước này. Về vùng quê, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của người dân, tôi thấy họ hạnh phúc. Trong khi đó thì người dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân Việt Nam, ánh mắt của họ nói lên sự lo âu, trăn trở, bất định, và sợ hãi.

Tại sao một đất nước có thể nói là "anh em" với chúng ta (vì Thái Lan và Việt Nam có rất nhiều yếu tố tương đồng), và chỉ cách nhau 1 giờ bay, mà một bên thì hạnh phúc và một bên thì đầy lo âu và sợ hãi? Câu hỏi đó ám ảnh tôi hoài, có lẽ ám ảnh đến suốt đời.  Tất cả những so sánh đều khập khiễng. Biết thế, nhưng không thể không nói ra vài khác biệt hiển nhiên.

1. Học Tây mà không vọng ngoại. Chúng ta thấy các vua của Thái Lan (và hoàng tộc) đều là những người Tây học. Một số vua chúa của Việt Nam cũng Tây học. Nhưng cái khác biệt lớn là các vua Thái Lan dù xuất thân từ các trường bên Âu châu và Mĩ, nhưng họ không "cuồng Tây", không vọng ngoại hay lấy chủ nghĩa ngoại lai làm kim chỉ nam cho đất nước. Tiêu biểu là vua Bhumibol Adulyadej dù học ở Tây, nhưng khi về Thái Lan ông áp dụng cái học đó để đi đến một triết lí phát triển bền vững cho Thái Lan.

2. Phật giáo là nền tảng. Đạo Phật là Quốc giáo của Thái Lan, nên không ngạc nhiên khi các vua đều là Phật tử. Cái gốc Phật của họ có lẽ giải thích tại sao họ không quá cuồng, không quá cực đoan như các vua chúa Việt Nam. Ngay cả là người chống cộng, nhưng vua Bhumibol Adulyadej không quá cực đoan như ở các nước khác (Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai).

3. Tấm gương sáng. Một yếu tố quan trọng khác và cũng là khác biệt với vua chúa Việt Nam là các vua Thái Lan (và gia đình họ) đều là những tấm gương tốt. Họ đều là những người học hành đàng hoàng, tử tế, một số còn được theo học tại các trường danh giá nhất trên thế giới như Harvard, MIT, Cornell, Oxford, Cambridge, v.v. Vua Mahidol Adulyadej (tức là Prince of Songhla) học y khoa ở ĐH Harvard và tốt nghiệp thủ khoa, sau đó ông quan tâm đến y tế công cộng, và được xem là "cha đẻ" của y tế hiện đại của Thái Lan. Họ không chỉ học giỏi, họ còn tỏ ra khiêm tốn trước công chúng, và là những tấm gương sáng cho dân tộc.

Dĩ nhiên, hoàng gia cũng có vài xì căng đan nho nhỏ, nhưng nhà vua Bhumibol Adulyadej thì không có xì căng đan. Ông không viết sách tự khen mình; ông được người ta yêu kính qua những việc làm thực tế đem lại lợi nước an dân cho người Thái Lan. Có thể nói rằng đại đa số thành viên trong hoàng gia đều là những tấm gương mẫu mực về học hành, làm việc, và khiêm tốn. Cố nhiên, Thái Lan cũng có rất nhiều vấn đề như Việt Nam (tham nhũng, hối lộ), nhưng mức độ và qui mô thì hình như nhỏ hơn Việt Nam. Trong khủng hoảng, người Thái có thể tìm được một tấm gương ở nhà vua để soi mình và để tự điều chỉnh.

Còn ở Việt Nam thì cực kì khó tìm được một tấm gương sáng. Những "tấm gương" được trình làng qua tuyên truyền không gây được tác động tốt nào. Trong lịch sử cận đại, Việt Nam chưa bao giờ có một người có thể sánh với Mahidol Adulyadej, người mà dân Thái Lan xem là một diễm phúc và niềm kiêu hãnh của quốc dân, và điều đó có thể giải thích một phần tại sao đất nước và dân tộc chúng ta có phần long đong và chông chênh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO