Bài báo khoa học: Tiếng Anh trong khoa học

Một trong những vấn đề về công bố khoa học ở Việt Nam là tiếng Anh. Sau khoa học, tiếng Anh là một rào cản lớn đối với đồng nghiệp bên nhà, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực đòi hỏi khả năng ngôn ngữ như khoa học xã hội và các ngành khoa học thực nghiệm. Ngay cả những người đã từng theo học ở nước ngoài hơn 10 năm cũng chưa chắc viết được một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Cái khó là làm quen với văn phong khoa học. Trong cái note này tôi sẽ mách cho các bạn vài kinh nghiệm tôi từng trải qua, và hi vọng sẽ giúp ít nhiều cho các bạn đang học viết bài báo khoa học.



Good writing = clarity + convincing

Một câu hỏi mà nhiều người, kể cả những người đã thành danh trong khoa học, thắc mắc là: thế nào là một cách viết hay (good writing). Câu trả lời đơn giản nhất chỉ tóm lược trong hai chữ C: clarity và convincing (trong sáng và thuyết phục). Để đạt được hai yêu cầu đó, một bài báo cần phải chú ý đến 4 yếu tố sau đây:  

       Cấu trúc một đoạn văn;
       Văn phạm;
       Tính chính xác; và
       Văn phong. 

1.  Cấu trúc đoạn văn

Nên nhớ rằng mỗi đoạn văn chỉ nói lên 1 ý tưởng. Nhất định không có hơn một ý tưởng trong một đoạn văn. Một đoạn văn thường chỉ có 3 đến 6 câu văn. Câu văn khởi đầu là câu văn tuyên bố ý tưởng. Các câu văn tiếp theo là cung cấp chứng cứ để yểm trợ cho ý tưởng. Câu văn sau cùng là một nhấn mạnh đến ý tưởng phát biểu lúc ban đầu. Ví dụ, đoạn văn sau đây viết về tầm quan trọng của thuốc thiazolidinedione (Steven Nissen, NEJM):

[vào đầu, nói về ý tưởng chính] Thiazolidinedione drugs are widely used to lower blood glucose levels in patients with type 2 diabetes mellitus. [cung cấp chi tiết] In the United States, three such agents have been introduced: troglitazone, which was removed from the market because of hepatotoxicity, and two currently available agents, rosiglitazone (Avandia, GlaxoSmithKline) and pioglitazone (Actos, Takeda). The thiazolidinediones are agonists for peroxisome-proliferator–activated receptor γ (PPAR-γ). PPAR-γ receptors are ligand-activated nuclear transcription factors that modulate gene expression, lowering blood glucose primarily by increasing insulin sensitivity in peripheral tissues.  [nhấn mạnh] Rosiglitazone was introduced in 1999 and is widely used as monotherapy or in fixed-dose combinations with either metformin (Avandamet, GlaxoSmithKline) or glimepiride (Avandaryl, GlaxoSmithKline)."

Một cách viết khác cũng theo mô hình trên:

"[câu văn mở đầu mang tính tuyên bố chủ đề] Most medical research findings are false. [Những câu sau là minh hoạ & chứng cứ] The falsity of findings is caused by many factors, including among others, biases, flaws in experimental design, abuse of tests of hypothesis, misuse of statistics, and incorrect interpretation of statistical results. In this lecture, I will make use of real world examples to illustrate some common errors in conceptual understanding, technical modeling, and interpretation. I will then introduce my own principle of data analysis which can be summarized in five letters: SMART (for simplicity, modeling, adequacy and assumption, reproducibility, and transparency). [Câu văn nhấn mạnh] The outcome of this lecture is that participants will acquire useful statistical knowledge that helps reduce the prevalence of false findings in medical research.”

Sau khi viết một đoạn văn, bạn cần phải ngừng một chút và suy nghĩ. Ngừng để đọc lại đoạn văn cho đầy đủ, và tự hỏi rằng "tôi đã nói hết những gì tôi muốn nói chưa", và sau cùng câu hỏi quan trọng là "tôi đã nói cái ý chính chưa?"

2.  Chú ý đến văn phạm

Dĩ nhiên, phần lớn những người viết bài báo khoa học đã học qua tiếng Anh và văn phạm tiếng Anh. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn rất nhiều bài báo khoa học mà tác giả viết sai văn phạm. Những sai sót này chủ yếu ở 3 khía cạnh:

       Dùng sai thì;
       Thiếu nhất quán giữa chủ từ và động từ; và
       Sai cú pháp.

(a) Về cách dùng thì, cần phải nhớ những tình huống sau đây:

Nếu câu văn đề cập đến một loại kiến thức rất phổ biến, kiến thức phổ thông, và được chấp nhận như là "sự thật", dùng thì hiện tại. Ví dụ: "Smoking is associated with lung cancer".

Những kiến thức hay kết quả chưa được nhiều người chấp nhận như là sự thật hay chưa được xem là qui luật, dùng thì quá khứ. Ví dụ: Some recent clinical trials suggested an increased breast cancer risk with long-term use of hormone replacement therapy

Phần kết quả của bài báo, lúc này cũng dùng thì quá khứ: The index of heritability was 85%; We found that polymorphisms of the FTO gene.

Nhưng nếu bạn đề cập đến bảng biểu trong phần kết quả, thì nên dùng thì hiện tại. Ví dụ: Figure 1 shows the age-related change in fasting plasma glucose.

Khi đề cập hay trích dẫn đến một bài báo đã công bố, dùng thì quá khứ. Ví dụ: Nguyen et al showed that a genetic profiling was an independent predictor of fracture risk. Chú ý rằng một số người có xu hướng dùng thì hiện tại để đề cập đến bài báo đã công bố, nhưng tôi nghĩ đó là cách sử dụng thì không hợp lí.

(b) Vấn đề nhất quán giữa chủ từ và động từ không phải là mới, nhưng ngạc nhiên thay, rất nhiều bản thảo bài báo tôi nhận được thường phạm phải sai sót. (Chính tôi cũng thỉnh thoảng sai, nhất là khi viết nhanh). Những sai sót này chủ yếu là quên ghi nhận số nhiều và số ítt của một số danh từ gốc Latin. Nên nhớ rằng những danh từ như data, criteria, addenda, v.v. là số nhiều, chứ không phải số ít. Do đó, nên viết "the following criteria were"   (thay vì "the following criteria was"). Ngoài ra, sau đây là vài sai sót các bạn cần phải chú ý:

·       Xác định chủ đề của câu văn là số nhiều hay số ít và chia động từ thích hợp. Chẳng hạn như câu "The effects of alcohol on enzyme induction was studied in vitro" là sai, bởi vì chủ từ là "the effects", chứ không phảo enzyme induction, và do đó câu văn nên viết lại là "The effects of alcohol on enzyme induction were studied in vitro". Tương tự, câu "The generation of excessively large sets of data were responsible for" cũng sai.

·       Khi câu văn có hai chủ đề thì dĩ nhiên là phải dùng chia động từ số nhiều. Ví dụ: Both the controls and cases were).

·       Khi hai chủ đề được nối kết bằng either/neither, chia động từ số ít. Ví dụ: Neither the doctor nor the patient was informed of the drug used.

·       Nếu "none" có nghĩa là "không có ai" thì nên dùng động từ số ít. Ví dụ: "None of the applicants is fully qualified."

(c) Cú pháp

Những vấn đề cần chú ý trong phần này là những mệnh đề mang tính bổ nghĩa (modifying phrases), vị trí của trạng từ và giới từ, những động tính từ "đong đưa" (pariciples), và động danh từ (gerund).

Chẳng hạn như câu văn "We selected an investigator with considerable expertise in the field called Tom Smith" thì có vấn đề về bổ nghĩa. Người đọc không biết Tom Smith là tên của lĩnh vực nghiên cứu hay là tên của chuyên gia. Thay vì viết như thế, chúng ta có thể viết lại cho rõ ràng hơn: "We selected an investigator called Tom Smith who has considerable expertise in the field." Tương tự, câu văn "The study involved a small group of children in a Swiss children’s hospital with juvenile diabetes" cũng có thể thay thế bằng "The study involved a small group of children with juvenile diabetes in a Swiss children’s hospital."  

Vị trí của trạng từ cũng là một điều đáng bàn, vì tác giả thường đặt trạng từ sai vị trí. Các bạn thử xem xét và so sánh hai câu văn sau đây: 

"It is the investigator’s duty to inform the patient fully before initiating the therapy"

"It is the investigator’s duty to fully informthe patient before initiating the therapy"

Câu nào đúng hơn?

Thỉnh thoảng có những tác giả dùng nhiều động-tính-từ đong đưa (dangling participles) làm cho câu văn khó hiểu và … yểu điệu. Cách viết này khá phổ biến ở người Á châu, có lẽ một phần là do văn hoá thi vị. Chẳng hạn như câu "Structuredinto various sections, the readers of this review can choose the topic of primary interest" là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu viết đong đưa đó. Thay vì viết như vậy, tác giả có thể dùng cách viết chuẩn và dễ hiểu hơn: "The review is structured into various sections, which allows the readers to choose the topic of primary interest."

3.  Tính chính xác

Người Á châu chúng ta quan với những cách nói/viết xấp xỉ. Do đó, chúng ta có những chữ như "khoảng", "cỡ", "gần", v.v. Những cách viết đó không có vấn đề gì trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng với văn phong khoa học thì khó chấp nhận. Văn phong khoa học đòi hỏi yếu tố chính xác và định lượng. 

Để minh hoạ cho ý này, chúng ta thử đọc câu:

"Most patients have suffered from an adverse event"  

Chữ most ở đây chưa thỏa đáng, vì chỉ nói chung là "phần đông". Nhưng "phần đông" là bao nhiêu thì không ai biết. Trong văn phong báo chí thì cách viết đó có thể chấp nhận được, nhưng văn phong khoa học thì cách viết đó có thể bị phê bình. Thay vì viết như trên, chúng ta có thể cho một con số cụ thể:

"Ninety percent of patients have suffered from an adverse event"

hay:

"Most patients (90%) have suffered from an adverse event"  

Do đó, giảm dùng những chữ như most, many, much, enormous, majority, etc. càng nhiều càng tốt, và thay vào đó là những con số cụ thể (nếu được).

4.  Văn phong (style)

Yếu tố thứ tư (và cũng là yếu tố sau cùng) để có một bài báo khoa học tốt là về văn phong. Khi nói đến văn phong ở đây, tôi muốn nói đến cách dùng chữ. Dùng chữ khách quan (objective words), chữ mang tính tích cực, và tránh dùng các biệt ngữ của chuyên ngành (jargon).

Cần phải nhớ rằng văn phong bài báo khoa học là nghiêm trang. Đặc tính này có nghĩa là người viết cần phải giảm (hay tốt hơn là tránh) dùng những chữ:

       không có điểm tham chiếu hay giới hạn: a lot, fairly, long term, quite, really, short term, slightly, somewhat, sort of, very.

       định tính: assuredly, beautiful, certainly, disappointing, disturbing, exquisite, fortuitous, hopefully, inconvenient, intriguing, luckily, miraculously, nice, obviously, of course, regrettable, remarkable, sadly, surely, unfortunately.

       lấp lửng: alright, basically, in a sense, indeed, in effect, in fact, in terms of, it goes without saying, one of the things, with regard to.

       màu mè: agree to disagree, bottom line, brute force, cutting edge, easier said than done, fell through the cracks, few and far between, food for thought, leaps and bounds, no nonsense, okay, quibble, seat of the pants, sketchy, snafu, tad, tidbit, tip of the iceberg.

Văn phong ở đây cũng còn có nghĩa là cách viết nhấn mạnh sao cho thích hợp. Nguyên tắc chung trong tiếng Anh là bắt đầu mệnh đề với điểm mình muốn nhấn mạnh. Các bạn thử so sánh 4 câu văn sau đây:

  1. Although the treatment is highly effective, it has significant side effects.
  2. Although the treatment has significant side effects, it is highly effective.
  3. The treatment has significant side effects, but it is highly effective.
  4. The treatment is highly effective, and it has significant side effects.

Bốn câu văn nói lên một ý, nhưng cách nhấn mạnh thì rất khác nhau. Câu đầu tiên muốn nhấn mạnh rằng điều trị có hiệu quả tốt (điểm chính), nhưng có vài tác động phụ (điểm không muốn nhấn mạnh). Câu thứ hai thì lại nhấn mạnh vấn đề tác động phụ, mà xem hiệu quả là điểm kém quan trọng.

Nên nhớ rằng không nên bắt đầu câu văn bằng những chữ không quan trọng. Chẳng hạn như câu:

First let us consider that bisphosphonates reduce the risk of fracture.

thì chữ mệnh đề đầu tiên (First let us consider that) có lẽ không cần thiết. Nên viết trực tiếp hơn:

Bisphosphonates reduce the risk of fracture.

Sau cùng, cố gắng dùng văn phong tích cực hơn là tiêu cực. Thay vì viết "We will not complete this research project by the end of this year" (tiêu cực) thì nên viết "We will complete the project by early next year".

Tóm lại, một bài báo khoa học được xem là tốt, ngoài nội dung tốt, thì cách viết cũng phải tốt. Cách viết tốt là viết rõ ràng và thuyết phục. Để đạt hai yêu cầu đó (rõ ràng và thuyết phục), người viết phải chú ý đến 4 điểm chính: cấu trúc đoạn văn một cách logic; đúng văn phạm; dùng chữ chính xác và định lượng; và văn phong khách quan.

Francis Darwin (con trai của Charles Darwin) từng nói rằng trong khoa học, công trạng thuộc về người thuyết phục thế giới, chứ không phải thuộc về người đề ra ý tưởng đầu tiên ("In science, the credit goes to the man who convinces the world, not to the man to whom the idea first occurs") (1). Do đó, có nội dung tốt là quan trọng, nhưng cách viết một cách thuyết phục cũng quan trọng không kém. Làm khoa học là phải học viết và nói. Tôi có thể nói câu đó cả chục lần để nhấn mạnh rằng viết và nói là hai kĩ năng giúp nhà khoa học thành công hay thất bại.

----

(1) Trước đây, tôi viết rằng câu trên là của Bác sĩ William Osler (một ông tổ y học hiện đại), nhưng đọc trên JAMA thì mới biết đó là câu của Francis Darwin.
http://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/660225

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO