Theo hẹn trước, trong chuyến đi này tôi có dịp đi Bến Tre để nói hai bài về chuyên môn. Đây là lần đầu tiên tôi ghé qua Bến Tre và ngủ đêm ở đây, chứ trước kia tôi chỉ đi ngang qua và nếu có dừng lại thì cũng chỉ vài giờ. Từ Rạch Giá đi Bến Tre cũng tiện lắm, vì chỉ cần đi ngược về hướng Vị Thanh (tức Chương Thiện cũ), rồi băng ngang qua Cần Thơ là đến Bến Tre. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng vẫn mất gần 5 giờ đồng hồ mới đến Bến Tre!
Cơ duyên của tôi với Bến Tre lâu lắm rồi. Ngày xưa, tôi quen một anh là phó giám đốc bệnh viện Bến Tre và anh này là bạn của anh bạn tôi bên Úc, nên đã nhiều lần tôi muốn ghé qua Bến Tre. Gần đây, tôi còn quen với một anh bác sĩ, là người Bình Định, quê nội ngoại tôi. Chẳng hiểu sao anh ấy lưu lạc vào tận Bến Tre, và thế là tạo ra một cơ duyên thứ hai. Anh bác sĩ này và tôi có một sở trường là yêu sách cũ, nên mỗi lần tìm sách cũ là tôi phải nhờ đến anh ấy. Những cơ duyên đó dẫn tôi đến Bến Tre.
Trong những tỉnh tôi từng ghé qua, Bến Tre là nơi êm đềm và hiền lành nhất. Ở đây, ngay tại thành phố này, xe máy không nhiều như ở Rạch Giá hay Cần Thơ, và do đó có vẻ an toàn hơn. Thật vậy, tôi cảm thấy an toàn khi băng qua đường lộ ở đây hơn là ở Rạch Giá. Hình như ở đây cái gì cũng chầm chậm và nhỏ. Xe cộ đi đường thong thả, không có rầm rú như Cần Thơ hay Rạch Giá.
Tỉnh Bến Tre có một lịch sử hay hay. Nói là "Bến Tre", nhưng thật ra nhìn toàn cảnh chỉ thấy ... dừa. Những vườn dừa bạt ngàn, phủ xanh cả một cù lao rộng lớn. Chẳng thấy tre đâu cả. Vậy mà ngày xưa, thời TT Ngô Đình Diệm, tỉnh này có tên là "Trúc Giang". Nghe nói khi ông Diệm lên làm tổng thống, ông có xu hướng bỏ những địa danh dân dã và đặt tên các tỉnh cho mĩ miều hơn, và đó là lí do Bến Tre thành Trúc Giang. Nhưng chẳng hiểu sao sau này, Trúc Giang lại trở thành "Kiến Hoà". Tưởng cần nhắc lại là thời trức 1975 thì có hai tỉnh miền Tây mang chữ "Kiến", như Kiến Tường (Long An ngày nay), Kiến Phong (Đồng Tháp).
Nói đến Kiến Hoà hay Bến Tre, chắc nhiều người sẽ nhớ đến nhân vật Phạm Ngọc Thảo, mang hàm đại tá trong quân đội VNCH. Ông còn là tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hoà. Tuy mang hàm đại tá VNCH và giữ chức tỉnh trưởng, nhưng hoá ra ông lại là một đại tá của QĐND! Nói chính xác hơn, ông là một điệp viên của phe cộng sản hoạt động trong lòng của phe cộng hoà, và phải nói là ông làm rất tốt cái vai trò này. Trong thời gian làm tỉnh trưởng, ông từng bị du kích ám sát nhưng không chết. Một trong những người ám sát ông vẫn còn sống và từng giữ chức vụ quan trọng của tỉnh Bến Tre sau này. Nói là "ám sát" nhưng hình như chỉ là giả vờ thôi, vì ném lựu đạn lép. Năm 1965, do những bất đồng chính kiến với VNCH, ông bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt và giết chết, lúc đó ông chỉ mới 43 tuổi. Cho đến nay, hình như cái chết cũng như cuộc đời tình báo của ông vẫn là một bí ẩn.
"Điểm nhấn" của Bến Tre có lẽ là sông Hàm Luông. Con sông này là một nhánh nhỏ của sông Tiền, trong hệ thống sông Cửu Long. Cũng như bao nhiêu con sông khác ở miền Tây, Hàm Luông là mạch sống của hàng triệu người thuộc tỉnh Bến Tre và vùng lân cận. Nó chuyên chở phù sa cho cây trái và cung cấp nguồn thuỷ sản cho dân chúng. Tôi thấy con sông Hàm Luông này có vẻ ít ô nhiễm hơn những con sông ở quê tôi dưới miệt Kiên Giang. Ít hơn thôi, chứ không phải là không có ô nhiễm. Mùa này ở quê tôi thỉnh thoảng thấy cá chết lềnh bềnh trên sông (do thuốc trừ sâu) nhưng ở Hàm Luông này thì chẳng thấy ô nhiễm trầm trọng như ở quê tôi.
Sông Hàm Luông
Vậy mà ngay tại tỉnh này, cách đây vài tháng đã xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng! Người ta chỉ tay về phía Tàu và những con đập ở thượng nguồn sông Cửu Long như là nguồn căn của tình trạng thiếu nước ở Bến Tre, nhưng có lẽ đó chỉ là nguyên nhân nhỏ; cái nguyên nhân gần hơn là mấy con đập ở ... Việt Nam. Nghĩ thế thôi, chứ chẳng ai nói ra trên mặt báo.
Bến Tre nhìn hiền hoà vậy mà trong thời chiến từng là chiến địa của những trận đánh khá lớn. Dấu tích còn lại thì nhiều, nhưng có lẽ cái tượng đài "Cưỡi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ" là một ví dụ. Nghe nói cái tượng đài này tốn hơn 10 tỉ đồng. Tôi nghỉ ở Khách sạn Hàm Luông, nên buổi chiều hay ra cái tượng đài bên bờ sông ngấm cảnh sông nước. Nói chung, cái motif của tượng đài này không có gì ấn tượng, nó vẫn mang đậm phong cách Xô-viết, với một khối đá nặng chịch, còn nhân vật thì tay giơ lên trời hay nắm lại hay chỉ về phía trước hay cầm súng hay trong tư thế tấn công. Tôi không đọc được dòng chữ ghi trên tượng đài, nhưng chỉ nhìn thấy chữ "US NAVY", do đó không rõ chiến công này là gì. Mấy du khách Mĩ cầm máy hình chụp tượng đài cũng chẳng biết viết gì, nên quay sang hỏi tôi, và tôi cũng … bí, không giải thích được. Sau này tìm hiểu mới biết đây là tượng đài ghi lại chiến công của lính đặc công đánh chìm và "tiêu diệt 15 tàu chiến" của Mĩ. Chưa biết con số có bị thổi phồng hay không, nhưng tiêu diệt 15 tàu chiến là trong một trận đánh là quá nhiều. Vả lại, tôi đoán là chỉ có giang thuyền thôi, chứ làm sao chiến hạm Mĩ vào được sông Hàm Luông.
Tượng đài "Cưỡi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ"
Một "chứng tích" khác là tỉnh này có nhiều tướng lãnh. Khi được hỏi Bến Tre có gì đặc biệt, các đồng nghiệp của tôi nói ngay rằng điểm đặc biệt của Bến Tre có nhiều tướng lãnh (dưới thời nay dĩ nhiên). Tổng cộng là 23 tướng lãnh! Đây là một thông tin mới đối với tôi, vì nghĩ đến Bến Tre, tôi chỉ nghĩ đến bà Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống, hai người được phong hàm tướng trong thời chiến. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng Bến Tre và miền Nam nói chung chỉ có 1 đại tướng duy nhất: Lê Văn Dũng. Có lẽ vùng đất này có long mạch phát tướng chăng?
Đi một vòng mấy khu phố ở đây, tôi phát hiện ra rằng Bến Tre thích hủ tíu xương heo. Đi đâu cũng thấy có mấy quán chuyên bán hủ tíu loại này. Tôi cũng có dịp vào thử một quán đông khách, và nhận ra là hủ tíu ở đây nấu ngọt quá. Vài đồng nghiệp Bến Tre cũng đồng ý là hình như dân Bến Tre thích ngọt, nên nấu cái gì cũng có nồng độ ngọt cao hơn các nơi khác. Một buổi sáng, tôi và vài đồng nghiệp đến một quán cháo lòng nổi tiếng ở đây, cháo thì rất ngon và nấu đúng điệu Nam bộ, nhưng vị thì hơi ngọt. Ngay cả trái bưởi xanh (một đặc sản Bến Tre) cũng ngọt, ngọt tự nhiên, hơn các loại bưởi khác.
Một chợ ở Bến Tre
Một điều rất hay là giá sinh hoạt ở đây khá rẻ, ít ra là rẻ hơn nhiều so với Rạch Giá. Chẳng hạn như một li cà phê "xịn" (và ngon) giá chỉ 10 ngàn đồng, trong khi đó ở Rạch Giá một li cà phê loại này giá có khi lên đến 30 ngàn đồng. Có lẽ vì kinh tế chưa được phát triển tốt, hoặc do chưa có nhiều đầu tư từ ngoài như các tỉnh khác, nên Bến Tre vẫn còn là một vùng đất đậm cái chất "hương đồng gió nội" (và như thế mà lại hay). Chỉ sợ một ngày nào đó Bến Tre lọt vào mắt xanh của các tập đoàn như Vincom thì chưa biết sẽ ra sao, có thể cái hương đồng gió nội sẽ "bay đi ít nhiều".
Dù chỉ hai ngày ở Bến Tre nhưng tôi có dịp gặp nhiều bạn bè đồng nghiệp ở đây và rất mến họ. Đó là lời nói chân tình. Tôi gặp một số bác sĩ trẻ trong bệnh viện, và họ chia sẻ với tôi nhiều câu chuyện hay. Có những chuyện làm tôi cảm thấy bất ngờ, nhưng tôi sẽ không đề cập đến những chuyện đó ở đây. Lần đầu gặp anh giám đốc bệnh viện, tôi hơi ... chú ý. Tôi vốn ngại những người có chức quyền, không phải vì họ quan liêu hay gì cả, mà vì họ thường giữ lời "phải đạo" nên khó nói chuyện. Nhưng gặp anh giám đốc bệnh viện lần đầu tôi thấy có cảm tình ngay. Không chỉ vì cái tính cách hào hiệp và cái phong cách Nam bộ của anh ấy, mà vì cái phong thái suy tư của anh ấy. Tôi nghiệm ra một điều [hiển nhiên] là những người có học như chúng ta thường hay suy tư trước hiện tình đất nước, và anh bạn giám đốc đang ngồi trước mặt tôi cũng không phải là ngoại lệ. Chúng tôi bàn những việc chuyên môn, nhưng dần dà rồi cũng đến hiện tình đất nước. Khi nói đến những vấn đề mà dư luận đang bức xúc, anh ấy bỗng chùng xuống, tay mân mê cái điện thoại, và cẩn thận lựa lời nói. Anh chẳng nói gì không phải đạo cả, và tôi cũng lựa lời để không nói gì để anh khó xử, nhưng tôi hiểu những suy nghĩ đằng sau những câu nói đó, và chia sẻ với anh ấy. Tôi nghiệm ra một điều là ở Việt Nam, tất cả chúng ta đều tự kiểm duyệt nhưng tất cả chúng ta đều biết ý nghĩa đằng sau sự tự kiểm duyệt đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét