Cô đơn?

Hôm kia, tôi đi dự buổi giảng công chúng và chợt tiếp thu một ý hay hay. Diễn giả, đương kim bộ trưởng và cựu nhà báo đài ABC, cho biết một thông tin hơi bất ngờ. Bà nói những người đạt đỉnh cao trong chính trị và nghệ thuật hay bất cứ lĩnh vực nào, tuy nhìn bề ngoài họ có vẻ phấn chấn, nhưng trong thực tế đời thường thì họ rất ... cô đơn.


Bà là Pru Goward, một phóng viên mà tôi rất thích khi bà còn làm cho đài truyền hình ABC, chuyên phụ trách chương trình thời sự quốc gia. Một người mà chỉ cần nhìn vào khuôn mặt là toát lên thần thái thông minh, nhanh trí, và dĩ nhiên là hoạt bát. Ấy thế mà khi bà được mời đến nói chuyện ở Viện Garvan trong chương trình "diễn giả công chúng", thì bà lại tỏ ra chẳng hoạt bát chút nào như thời còn làm nhà báo. Không giống như các diễn giả khác, bà nói không hay, ý tưởng có vẻ rời rạc, ngôn ngữ cơ thể tỏ ra bà đang lúng túng. Nhưng nói không hay không có nghĩa là không có ý; trong thực tế, bà nói ra nhiều ý rất hay về lãnh đạo, về cuộc đời làm chính trị của bà (sau khi giã từ nghề kí giả), và về cuộc sống của chính khách.

Bà nói: Ít ai biết rằng giới nghệ sĩ nổi tiếng rất cô đơn, nhưng trong chính trường, những người lãnh đạo kiệt suất cũng rất cô đơn. Theo bà thì những lãnh đạo tài giỏi của nước Úc trong thời gian gần đây là Bob Hawke (cựu thủ tướng, đảng Lao Động), Paul Keating (cựu thủ tướng, đảng Lao Động), và John Howard (cựu thủ tướng, đảng Liberal). Bà Goward là người của đảng Liberal. Lí do những người này cô đơn là vì họ có những suy nghĩ đi trước thời cuộc, và do đó ít ai chia sẻ ý tưởng với họ. Những người như Paul Keating chẳng hạn, chẳng những vì cá tính mạnh mẽ, mà còn là người lúc nào cũng có những suy nghĩ khác người, nên rất ít có bạn ngoài đời. Bạn trong chính trường không hẳn là bạn ngoài đời. Bà nói trong chính trường người ta có thể làm bạn để đạt mục tiêu nào đó, nhưng ngoài đời có khi họ ghét nhau lắm. Đó là chưa kể đến những săm soi của giới báo chí, chỉ cần nói sai một câu là bị chỉ trích, thậm chí mạt sát thậm tệ. Bà kết luận rằng cuộc đời và công chúng thường đối xử không công bằng với những chính khách như thế.

Nhận xét cô đơn của bà làm tôi nhớ đến những nghệ sĩ Việt Nam. Quả thật, nhiều khi đọc tin trên báo thấy những nghệ sĩ lừng danh khi về già có vẻ có cuộc sống rất khó khăn và cô đơn. Chẳng nói đâu xa, những nhạc sĩ lừng danh như Thanh Sơn, Vinh Sử, Trúc Phương, Lam Phương, Nguyễn Văn Tý, v.v. đều than rằng họ cô đơn khi về già. Nhớ có lần xem một đoạn phim về nhạc sĩ Thanh Sơn (hình như là trên Paris by Night) mà trong đó ông cho biết khi ông ngã bệnh và vào bệnh viện cấp cứu, bệnh viện đòi giá 180 triệu đồng, trong khi gia đình chỉ có 1 triệu đồng. Kể đến đó ông khóc. Nhạc sĩ Lam Phương tóm lược sự cô đơn trong 3 câu rất hợp cảnh với ... chính ông:

Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO