Văn hóa bia

Nói "văn hóa bia", ắt có bạn cho tôi là lạm dùng từ ngữ "văn hóa", một từ ngữ trở thành "mốt", "thời thượng" khắp thế giới từ sau "Thập kỷ thế giới về văn hóa" của UNESCO và nhất là trong khi UNESCO đang kêu gọi đối thoại văn hóa chống khủng bố.

Nếu ta hiểu văn hóa là tất cả những gì do con người sống trong một cộng đồng xã hội tạo ra, chi phối tư duy, ứng xử và giao tiếp của cộng đồng ấy thì có thể nói: văn hóa bia, văn hóa bóng đá, văn hóa sách...

Không phải là văn hóa bia sao lại có Bảo tàng Bia ở Bỉ (Rodt), có Liên hoan bia nổi tiếng thế giới ở Munich, thành phố cổ kính Đức. Bia đã được "toàn cầu hóa".

Dưới hình thức hiện đại, bia được làm bằng hạt lúa mạch (orge) đã nảy mầm, đem sấy khô (malt), cho lên men, rồi ướp hoa bia (hoa cây houblon) thành bia vàng (blonde), nếu ướp đường trưng (caramel) thì thành bia nâu (brune), nếu ướp chất cay thì thành bia đắng (âcre). Cũng có thể chế bia bằng các loại ngũ cốc khác hoặc hoa quả như chuối, ngô, sắn... Bia có các chất: rượu, muối khoáng, glucide, protein, vitamin... Bia lợi tiểu.

Bia ra đời cách đây 4.000 năm ở Lưỡng Hà, Ai Cập. Nó là thức uống của nam giới, có thể mới đầu là của các chiến binh. Ở Ireland, các chiến binh uống bia vào các lễ hội lớn. Ở xứ đó, nó cũng là thức uống của vương giả. Khi một ông vua cảm thấy già nua hay bị truất vị thì ông vua ấy tự tử trong bồn bia.

Ở châu Mỹ xích đạo, đến nay, bia làm bằng ngô hay sắn vẫn được dùng trong các nghi lễ cầu chúc cho linh hồn người chết vượt sang thế giới bên kia.

Dĩ nhiên, bia được tiêu thụ rộng rãi trước tiên và nhiều nhất ở phương Tây, có nhiều nước phương Tây đã có truyền thống bia (Đức, Hà Lan, Bỉ, Bắc Âu...) bên cạnh những nước có truyền thống rượu vang ở Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Pháp, Italy... Có điều lạ là trong vài thập kỷ gần đây, các nước văn hóa vang thì bớt uống vang và uống bia nhiều hơn, còn các nước truyền thống bia thì giảm bia tăng vang. Các nước châu Á có truyền thống rượu gạo làm bằng gạo như Trung Quốc, Nhật Bản thì lại quay sang uống bia cũng nhiều.

Việt Nam cũng vậy. Thời Pháp thuộc, chỉ tầng lớp trung lưu thành phố trở lên, cũng không phải là nhiều, uống bia. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở vùng tạm chiếm, nhất là miền Nam, uống bia khá phổ biến. Bác sĩ Bùi Minh Đức cho biết thành ngữ "bia lùn" đã được dùng để chỉ những người lùn và béo, giống như những chai bia Pháp Kronenburg thịnh hành vào cuối những năm 1940. Thời kỳ Mỹ leo thang oanh tạc miền Bắc, cứ tan còi hú báo an là mấy trung tâm bia ở Hà Nội lại đầy người. Chế độ bao cấp, bia được coi là đồ uống cao cấp, như thuốc bổ. Từ khi đổi mới, dịch "bia bọt" và "nhậu nhẹt" đi kèm, lan từ miền Nam ra miền Bắc. Quán bia mọc ra như nấm, phong cách uống thay đổi hẳn: không còn nhấp nhấp chén rượu nhỏ ngồi đàm đạo ung dung kiểu Tản Đà, Nguyễn Tuân nữa, bia uống ừng ực, ngồi chen nhau trong quán, nói oang oang, coi như ở nơi không người, y như trong Thủy hử. Bia uống mọi lúc, ma chay, cưới xin, giỗ Tết, cúng thần, sinh nhật... thay đổi phong tục, tập quán, ngay cả ở nông thôn và miền núi.

Trên phạm vi thế giới, "toàn cầu hóa bia" đang gây ra sự cạnh tranh quốc tế về bia. Mỗi năm, toàn thế giới uống hàng chục tỷ lít bia. Một người Đức hàng năm uống 128 lít, người Trung Quốc: 17 lít (nhưng Trung Quốc số lít uống mỗi năm tăng 6%, còn khối lượng uống ở châu Âu dường như chững lại). Đứng về khối lượng bia tiêu thụ, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất trên thế giới, trên cả Hoa Kỳ.

Dẫn đầu cuộc đua bia quốc tế này là mấy công ty khổng lồ như công ty bia Mỹ Anheuser Busch (doanh thu năm 2003: 14 tỷ Euro), công ty Anh Sab Miller (10,4 tỷ Euro), công ty Hà Lan Heineken (9,2 tỷ Euro), công ty Bỉ Interbrew (7 tỷ Euro). Có những sự điều chỉnh chiến lược bất ngờ. Từ tháng 3/2004, "hảo hán thứ tư" về bia thế giới là Interbrew hợp nhất với "hảo hán số 1" ở Nam Mỹ là Am.Bev. quyết định tăng doanh số mỗi năm lên 9,5 tỷ Euro (190 triệu lít, sử dụng 73.000 công nhân), Am.Bev. chiếm thị trường châu Mỹ, Interbrew chiếm các thị trường còn lại trên thế giới. Hãng Mỹ Anheuser Busch sát cánh hãng bia lớn nhất Trung Quốc Hapi quyết định đưa bia Trung Quốc vào Mỹ...

Pháp là nước thứ năm châu Âu về sản xuất bia, nhất thế giới về sản xuất lúa mạch nha để làm bia, phải thay đổi mẫu mã bia, chế loại bia nhẹ hơn cho phụ nữ và các vị nam giới muốn bia ít đắng hơn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO