Ốc gạo miền Trung.

Ốc gạo hay còn gọi là ốc lể, ốc ngũ sắc, sống ở vùng nước lợ, chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út nhưng thịt thơm ngon.
 
Ốc được cào về ngâm với nước vo gạo vài tiếng đồng hồ cho nhả hết bùn đất rồi chà sạch đến khi vỏ ánh lên sắc hồng. Các bà nội trợ có thể chọn ốc đã được làm sẵn hoặc mua về tự chế biến. 

Ốc gạo thường có nhiều màu sắc, tuy nhỏ nhưng thịt thơm ngon.
Ốc gạo thường có nhiều màu sắc, tuy nhỏ nhưng thịt thơm ngon.

Đơn giản và phổ biến nhất là món ốc xào. Ốc mua về, rửa sạch bụi bẩn, luộc vừa chín tới thì vớt ra để ráo. Đun sôi chảo dầu rồi cho ốc vào đảo đều, thêm tí muối, nước mắm, đường, hành lá, sả, lá gừng. Ốc sẽ mất đi vị thơm ngon, nồng nàn nếu thiếu một tí ớt và gừng giã nhuyễn. Đảo đều tay cho ốc thấm đều gia vị là hoàn thành đĩa ốc.

Cuối tháng giêng đến giữa tháng tư âm lịch là mùa ốc gạo, cũng là mùa cây bưởi ra gai. Ốc gạo phải được lể bằng gai bưởi mới đậm đà hương vị. Lúc rảnh rỗi, mọi người quây quần bên đĩa ốc nghi ngút khói, hít hà hương ốc, hương bưởi nồng nàn. Những câu chuyện cứ thế râm ran mãi theo bàn tay lể ốc thoăn thoắt.

Ốc gạo còn được chế biến thành món gỏi. Ngon nhất là món gỏi nộm hoa chuối. Hoa chuối xắt mỏng, ngâm nước muối pha loãng cho trắng và bớt vị chát. Ốc gạo đem luộc vừa chín tới, lể lấy thịt. Phi củ nén cho thơm, dùng nước mắm chanh trộn vào hỗn hợp thịt ốc gạo và hoa chuối, thêm một ít rau thơm, lá gừng xắt nhỏ, đậu phộng rang, tiêu bột, ớt tươi cắt lát. Gỏi ốc xúc với bánh tráng nướng, vị ngọt ngọt, mặn mặn của ốc, vị chát của hoa chuối quyện với miếng bánh tráng giòn rụm. Tuy khá tốn công nhưng đây cũng là món ăn dân dã được ưa thích.

Ốc gạo được lễ bằng gai ốc, có hương vị đặc trưng riêng.
.
Ốc gạo sống ở dọc vùng biển miền Trung nhưng ngon nhất là ốc ở vùng Cửa Đại, nơi được phù sa sông Thu Bồn bồi đắp. Vào cuối vụ, ốc gạo Hội An lên tới 15.000 đồng /lon trong khi ốc ở Huế, Nam Ô, Tam Kỳ, Quảng Ngãi vẫn chỉ 3.000 – 5.000 đồng. Cách phân biệt ốc ở vùng nào dựa vào màu sắc. Ốc Huế, Lăng Cô, Nam Ô có màu đỏ, ốc Tam Kỳ, Quảng Ngãi màu trắng, ốc Cửa Đại màu xám. Vì vậy, dù giá chênh lệch, người bán hàng vẫn khó đánh tráo được người sành ăn.

Những năm gần đây, ốc gạo đã theo chân người Quảng xa quê vào tận Sài Gòn, để những đứa con xa xứ vẫn có thể thưởng thức món ăn quê giản dị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO