Vào thuở sơ khai, để nấu rượu Sake, người dân Nhật nhai gạo, kê rồi… nhổ vào nồi nấu.
Sake là tên của loại rượu gạo truyền thống của Nhật Bản. Ngày nay, du khách đến Nhật có thể thấy vô vàn chủng loại Sake khác nhau được bày bán la liệt tại các cửa hàng ở Nhật Bản nhưng có lẽ ít ai biết rằng loại rượu này lại có tuổi đời lên tới 2.000 năm trước.
Người Nhật Bản nấu Sake lần đầu tiên vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên. Ban đầu, người ta xay gạo rồi nấu chín nó trong nước sạch. Công đoạn tiếp theo là ngâm gạo. Kỹ thuật xay xát gạo thuở sơ khai khá độc đáo: Mỗi người trong làng đều phải nhai gạo, kê để nghiền nhỏ nó theo phương pháp thủ công rồi nhổ vào nồi nấu rượu. Quá trình này cũng tạo ra một loại enzyme cần thiết cho quá trình ủ men rượu.
Địa phương nổi tiếng nhất về nấu rượu Sake ở Nhật Bản là cả một vùng rộng lớn mang tên Nada, gần thành phố Kobe ngày nay. Rượu Sake lúc đầu là thức uống của những quý tộc, và còn được mệnh danh là “thức uống của thần thánh”. Nó được sử dụng trong những lễ hội Shinto truyền thống, dâng lên bàn thờ thần thánh. Một số nghi lễ cần đến rượu Sake vẫn còn được thực hành cho đến ngày nay.
Năm 1300 là năm chứng kiến sự bùng nổ của rượu Sake, trở thành “quốc hồn, quốc túy” của xứ sở Phù Tang. Đến thế kỷ 20, một số kỹ thuật nấu rượu mới đã được áp dụng và đặc biệt đến Thế chiến thứ 2, người ta đã bắt đầu thêm cồn nguyên chất vào rượu sake.
Kỹ thuật nấu rượu Sake có thể thay đổi nhưng vai trò của nó trong văn hóa Nhật Bản chưa bao giờ thay đổi. Sake luôn có chỗ đứng trong những bữa tiệc, những nghi lễ quan trọng của đất nước hoa anh đào: từ cưới xin cho tới lễ tết…
Sake có thể uống khi nguội, hoặc ấm nóng, tùy theo mùa. Theo truyền thống, nó được chất trong các bình, chai bằng gốm. Chén uống Sake cũng có nhiều loại, thường rất trang trọng. Sakazuki là chén nhỏ và nông, thường được sử dụng phổ biến nhất. Trang trọng hơn nữa là Masu, có hình dạng như chiếc hộp hình vuông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét