Nhật kí đầu năm 2017


Năm nay, Tết ta rơi vào tháng 1, nên tôi có một may mắn hiếm hoi là được đón năm mới và Tết ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếng là về quê nghỉ hè (bên Úc là mùa hè), nhưng trong thực tế thì làm việc nhiều hơn là nghỉ hè. Dưới đây là vài ghi chép trong những ngày đầu năm 2017, bao gồm những chuyện vui buồn quan sát đó đây trong đời sống ở miền Tây. 



1/1/2017: Đón năm mới ở Sài Gòn

Lâu lắm rồi mới có dịp đón năm mới ở Việt Nam, nên hôm qua là một ngày đặc biệt với tôi. Sài Gòn về đêm đèn đóm sáng rực, và dập dìu tài tử giai nhân trên đường phố. Những giao lộ đều bị kẹt xe đến nỗi cảnh sát phải chận một số chốt đường. Những dàn đèn màu mè với hoa văn -- có lẽ là made in china -- được giăng khắp Quận 1. Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn lớn đều đầy thực khách chờ đón giao thừa. Tôi cũng là một trong những thực khách đó. Nhìn chung, đó là một đêm giao thừa an bình, mà cũng đậm bản sắc Việt.

Đón giao thừa Tết Tây cùng với bạn già Nicholas Nguyên và Quỳnh.

Nhân dịp năm mới, tôi mến chúc các bạn và đồng nghiệp nhiều may mắn và hanh thông. Ai còn đang học tập thì cố gắng có nghiên cứu có ích để trình làng quốc tế. Ai đã qua giai đoạn học tập, mến chúc các bạn thăng tiến trong sự nghiệp.

Riêng tôi thì chào đón năm mới với bài báo mới được online vào ngày hôm qua (1). Bài này bàn về xu hướng và tác động của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học ở VN trong thời gian 2001-2015. Cái thông điệp chính của phân tích này là (1) công bố quốc tế của VN đã tăng nhanh trong thời gian gần đây (~17% mỗi năm), nhưng 3/4 trong số tăng trưởng này là do hợp tác quốc tế, và (2) hợp tác quốc tế giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhưng (3) khoa học VN nói chung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lệ thuộc nước ngoài.

(1) http://link.springer.com/article/10.1007/s11192-016-2201-1

2/1/2017: Đi Picnic cùng nhóm nghiên cứu

Tôi có một nhóm nghiên cứu về cơ xương ở Việt Nam, đặt tại và được tài trợ bởi Đại học Tôn Đức Thắng. Năm 2016 vừa qua, chúng tôi thực hiện một công trình nghiên cứu lớn nhất về chuyên ngành loãng xương tại Việt Nam (và có lẽ cả Á châu). Chúng tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con thành phố, và qua 18 tháng làm việc, công trình đã đạt mục tiêu đề ra là tuyển 4200 bà con vào công trình nghiên cứu và theo dõi sức khoẻ. Do đó, kì này về quê là vừa ăn mừng, vừa chiêu đãi các em trong nhóm nghiên cứu.

Các em ấy chọn một resort có tên rất lạ là Madagui. Resort này nằm giữa đường Sài Gòn và Bảo Lộc, là một khu nghỉ picnic rất tuyệt vời. Hôm nay tôi đi cùng các em trong nhóm nghiên cứu cắm trại ở đây để trước là ăn mừng xong giai đoạn I của nghiên cứu, và sau là mừng năm mới 2017.

Một cảnh tại khu nghỉ picnic Madagui

Nhóm nghiên cứu chơi trò gì đó 

Một con suối ở Madagui 

Đêm nay tham gia nhóm nghiên cứu VOS cắm trại ở đây (Madagui) tôi nghĩ lại thấy thế hệ thanh niên bây giờ may mắn hơn thế hệ tôi. Các em ấy còn hay giỏi hơn thế hệ tôi thuộc 4-5 thập niên trước. Nhưng có lẽ vì vậy mà các em ấy hồn nhiên hơn, vui hơn, và không có những trăn trở trước thời cuộc như thanh niên thuộc thế hệ tôi.

Thời xưa đi picnic là phải đạp xe hay "ngon lành" lắm mới có honda; thời nay thì mướn luôn một chiếc xe bus chở cả ba bốn chục người. Thời xưa cắm trại chỉ xa 10-20 km và địa điểm thì cũng giới hạn đôi ba chỗ; thời nay có thể đi vài trăm cây số và địa điểm thì thoải mái (miễn là có khả năng tài chính).

Thời xưa đi cắm trại với dụng cụ thô sơ, ngủ bờ ngủ bụi, không có nhà ở mà cũng chẳng có ... toilet; ngày nay thì có sẵn lều "xịn", muốn ngủ bụi thì có ngay lều, muốn ngủ trong nhà cũng có luôn, và vệ sinh thì rất tốt. Ngày xưa, đi pinic cũng hò hát nhưng chỉ cái đàn guitar; ngày nay vẫn vậy, nhưng có hẳn sân khấu và không chỉ đàn guitar mà có cái loa nho nhỏ nhưng nó phát đủ thứ hoà âm, thậm chí gắn được mobile phone để "ca sĩ" trình diễn! Các em ấy bây giờ quả thật may mắn hơn tụi tôi, những người lớn lên trong thời chiến tranh.

Nhưng cái style đã thay đổi. Ngày xưa trong picnic là những bài ca thuần Việt, dân ca, Phạm Duy, Phạm Thế Mỹ, Trịnh Công Sơn; còn thời nay mấy em ấy chơi nhạc Tây Tàu Hàn gì đó mà tôi không hiểu. Không hiểu nhưng vui. Vui nhất là khi các em ấy ca bài "Nối vòng tay lớn," mà lời ca bị đổi rất nhiều, không có câu "từ bắc vô nam nối liền nắm tay ...". Tôi nghĩ chắc các em ấy không biết lời gốc của ca khúc đó.

Không chỉ may mắn, họ còn giỏi hơn thế hệ tôi. Họ có khả năng tổ chức rất tốt, từ khâu huy động nhân sự đến lo sân khấu và chương trình diễn, phát quà, tất tần tật họ "chạy" một cách nhịp nhàng. Không chỉ trong dịp đi picnic như thế này, mà trong nghiên cứu cũng thế. Không có các em này thì công trình VOS sẽ không thể hoàn tất giai đoạn I tốt đẹp như thế. Tôi cảm thấy mình may mắn.

Do đó, tôi nói với các em là công trình của chúng ta đang làm là một cách kiến tạo cơ sở dữ liệu cho người Việt, và các em có thể sử dụng dữ liệu cho luận văn, luận án, nghiên cứu trong tầm vài chục năm tới. Các em có quyền tự hào rằng dù chẳng có "cấp quốc gia" nào tài trợ mà chúng ta kiến tạo ra một nghiên cứu với dữ liệu dồi dào hơn các công trình "cấp quốc gia". Chúng ta có ý chí và lòng quyết tâm cùng tấm lòng vì cộng đồng khoa học (không vì tiền) là chúng ta làm được rất nhiều việc có ích.

Nhưng một điều làm tôi băn khoăn là thế hệ thanh niên ngày nay "hồn nhiên" hơn tụi tôi ngày xưa. Điều này cũng dễ hiểu vì các em được lớn lên trong môi trường hoà bình, vật chất tương đối đầy đủ, công nghệ thông tin quá tốt, nên các em ấy chẳng thấy có gì phải trăn trở. Các em ấy không thấy "bức tranh lớn" và những hiểm nguy mà đất nước đang đối phó. Một thế hệ thanh niên ưu tú mà như vậy thì đáng lo thật. Có lẽ các em ấy nghĩ rằng "đã có Nhà nước lo"? Kể ra thì đó cũng là một triệu chứng xã hội nói chung hiện nay ở VN.

Nhưng khó có thể trách các em ấy. Tất cả chúng ta đều sống trong môi trường và cơ chế, hay nói theo ngôn ngữ networking medicine là "connected world". Trong cái môi trường connected world, thì "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Nếu mình bị ru ngủ bởi những tiện nghi hiện đại và không bị vướn bận lịch sử và những dao động của lịch sử thì chúng ta hồn nhiên là phải. Nếu có trách thì trách những kẻ đã kiến tạo ra những bình mực đen làm hoen ố lịch sử.

Thôi thì tôi phải học và làm theo Thầy Nhất Hạnh là hay tận hưởng cái giây phút hiện tại cùng các em tại cái địa điểm "yêu dấu Việt Nam" này.

Lửa trại 

và văn nghệ "cây nhà lá vườn" 


5/1/2017: Khai mạc workshop về "Machine Learning"

Sau picnic là về lại Sài Gòn để ... làm việc. Như mọi năm, năm nay chương trình workshop hè được tổ chức tại ĐH Tôn Đức Thắng. Năm nay chúng tôi khai mạc workshop hè hơi trễ so với mấy năm trước. Những ngày cuối năm ai cũng bận rộn chuẩn bị cho Tết, nhưng vẫn có nhiều bạn đam mê khoa học tham gia workshop. Có 115 bạn từ mọi miền đất nước (chủ yếu là từ Sài Gòn trở ra miền Bắc) tham dự chương trình học. Ai cũng chăm chú học và đặt nhiều câu hỏi hay. Câu hỏi hay thường xuất phát từ các học viên làm khoa học thực nghiệm.

Chủ đề năm nay là ứng dụng machine learning trong nghiên cứu khoa học. Hai ngày đầu hơi vất vả giải quyết các vấn đề kĩ thuật trong R, nhưng may mắn là năm nay có một em trợ giảng từ Hà Nội giỏi về IT và R, nên mọi chuyện đều suôn sẻ. Đến ngày thứ ba trở đi thì bắt đầu đi vào thực chất của phân tích dữ liệu, từ phân tích mô tả đến mô hình hoá, và sau đó sẽ đi vào machine learning. Lớp học này kéo dài đến 10 ngày!

Tôi nghĩ rất nhiều bạn và đồng nghiệp thấy hào hứng vì học được những phương pháp (gọi là "võ") không có trong sách giáo khoa. Đó là những phương pháp giải quyết các vấn đề phi chuẩn và những cái gọi là "messy data".

Lớp học Machine Learning 5/1 đến 12/1/2017, có 115 học viên từ mọi miền đất nước về tham dự  

Bs Trần Sơn Thạch đang giảng về phân tích tương quan 

Suốt ngày, từ sáng đến chiều, quay quần trong lớp học, nên tôi không có dịp ra ngoài "thưởng thức" cái nắng ấm Sài Gòn. Nhưng chiều chiều trên đường về nhà thì vẫn thấy tình trạng kẹt xe kinh hồn của Sài Gòn - HCM. Ngồi trên xe taxi hay xe auto nhìn đồng hương lạn lách một cách nguy hiểm trong rừng xe mình cũng thấy chạnh lòng, và chợt nhận ra người Việt mình quá kiên nhẫn!


11/1: Gặp bạn bè bên Mĩ

Đón một người bạn từ Mĩ về thăm quê hương (sau gần 20 năm quay lại), anh cứ thốt lên rằng cứ như là về thăm một vùng đất mới. Cái gì cũng khác, cũng mới, và nhất là ... kẹt xe! Đi qua một con đường quen thuộc nào anh cũng lầm bầm tên cũ trước kia. Này là Hồng Thập Tự, kia là Trần Quốc Toản, đây là Gia Long, đó là Trần Quý Cáp ... Đối với anh, đó là những hoài niệm, những con đường đã thay tên đổi họ, đúng như thi sĩ Nguyễn Đình Toàn từng nói "ta mất người như người đã mất tên".

Ở Sài Gòn ngày nay, ở nhiều chỗ lịch sử chỉ khởi đầu từ năm 1975. Hôm kia tôi thấy một biểu ngữ thiệt lớn đề kỉ niệm 40 năm một trường đại học lớn trước đây. Hai hôm trước tôi có dịp đọc kỉ yếu của một trường đại học lớn khác của Sài Gòn và tác giả cũng viết lịch sử trường từ 1975, còn lịch sử từ 1957 đến 1975 thì không có! Vào một trường đại học, khách không thấy các hiệu trưởng thời trước 1975, mà chỉ gặp những người sau này. Có người tìm cách lí giải rằng vì không có thông tin trước đó nên đành ... lãng quên. Kiểu lí giải khó thuyết phục. Tôi nghĩ có một cách giải thích khác thuyết phục hơn: xoá lịch sử.

Một hệ quả của tẩy não kí ức sử là vong ơn tiền nhân. Bởi vậy nên ngày nay có mấy ai nhớ đến Petrus Ký, một học giả có công đặt nền tảng báo chí Việt Nam. Một anh giảng viên trưởng thành sau 1975 nói với tôi là anh chưa hề nghe đến Trương Vĩnh Ký cho đến khi đọc cái note của tôi hôm nọ. Anh càng ngạc nhiên hơn khi biết ông là người cùng quê của anh! Anh thốt lên rằng "thiệt là ghê gớm". Một học giả lừng danh như thế mà còn bị cho vào quên lãng thì nói gì đến các bậc tiền nhân khác. Một nén nhang cho khoa học xã hội và nhân văn.

Nói đến Petrus Ký, nghe "giang hồ" đồn đại rằng cuốn sách "Petrus Ký: nỗi oan thế kỷ" của tác giả Nguyễn Đình Đầu sắp bị thu hồi. Thiệt là tiếc, vì chưa kịp mua thì cuốn sách có nguy cơ biến mất!

Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký là một trong những -- hoặc là duy nhất -- học giả uyên bác nhất của Việt Nam. Ông là người Vĩnh Long, sống vào thế kỉ 19. Ông là người làu thông đông tây kim cổ, thông thạo hơn 20 ngoại ngữ, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm, trước khi qua đời năm 62 tuổi. Ông cũng là người sáng lập nền báo chí Việt Nam. Học lực và tầm uyên bác của ông làm cho các học giả Pháp phải công nhận ông là học giả hoàn toàn có tư cách sánh vai cùng các học giả kim cổ lừng danh của bất cứ nước phương Tây nào.

Ông từng làm giám đốc trường thông ngôn thời thuộc địa. Đây chính là địa chỉ làm cho sự nghiệp của ông trở nên một chủ đề gây tranh cãi. Người thì cho rằng ông hợp tác với kẻ thù (Pháp), người thì đánh giá công trạng học thuật vô song của ông. Thời nào ông cũng có người ưa kẻ ghét. Nhưng thời VNCH thì công trạng của ông được ghi nhận đúng đắn, và do đó mới lấy tên ông đặt cho trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn. Sau 1975 những người của chính quyền miền Bắc có cái nhìn khác, kém thân thiện hơn, chính trị hoá hơn, nên người ta đổi tên trường thành tên của một người mà tôi không biết có công trạng học thuật gì cho VN. Cá nhân tôi thì không bao giờ tin rằng một đại học giả có lòng với dân tộc như ông Petrus Ký lại hợp tác để làm hại dân tộc. Đánh giá một học giả mà theo kiểu trắng đen là rất không ổn.

Tưởng rằng theo thời gian thì sự thật rõ ràng hơn và người ta có đánh giá công minh hơn, nhưng ai dè vẫn là cái nhìn rất cũ (và sai) và cách làm cũng rất cũ. Tất cả chỉ là lệnh miệng. Không có bàn luận gì hết! Thế mới biết tự do học thuật vẫn còn là một xa xỉ hiện nay.

Bìa sách bị thu hồi để chỉnh sửa (?) 

13/1: Khai mạc lớp học ở Nha Trang

Sau khi bế mạc lớp học ở Sài Gòn ngày 12/1, sáng 13/1 chúng tôi bay ra Nha Trang để thực hiện một lớp khác vốn đã lên kế hoạch từ 6 tháng trước. Phải bay chuyến 5 giờ sáng, nên phải thức 3:30 sáng! Rất oải, nhưng vì nhiệm vụ nên phải chịu khó chút thôi.

Chiều nay (13/1) khai giảng lớp tập huấn 5 ngày về phương pháp nghiên cứu khoa học tại Nha Trang. Hơn 160 học viên từ các trường và bệnh viện thuộc Khánh Hoà và các tỉnh lân cận về tham dự. Khoảng phân nửa là từ các tỉnh thành ngoài Khánh Hoà.

Trong 5 ngày và 16 bài giảng, chúng tôi sẽ bàn về qui trình nghiên cứu, cách và tiêu chuẩn đánh giá một đề cương nghiên cứu, các mô hình nghiên cứu, cách lấy mẫu và xác định cỡ mẫu, cách thiết kế bộ câu hỏi, và một số phương pháp phân tích dữ liệu. Sẽ là một tuần "hard work", nhưng sẽ tắm biển thoải mái.

Khai mạc lớp học ở Nha Trang 13/1 đến 18/1/2017

Có cả biểu ngữ chào học viên, phân nửa là từ các tỉnh thành lân cận 

18/1: Bế mạc lớp học ở Nha Trang

Tưởng là tắm biển thoải mái, nhưng suốt 5 ngày qua trời toàn mưa. Thật là không may mắn! Các bạn ở Nha Trang quá hiếu khách. Tối nào tôi cũng đều được mời đi ăn ở một quán nổi tiếng. Thích nhất là mấy quán bún cá và quán thịt nướng Lạc Cảnh.

Hôm nay là ngày bế mạc khoá học "Phương pháp nghiên cứu khoa học" ở Nha Trang. May mắn thay, sau 5 ngày giảng và thực hành liên tục, chúng tôi -- người giảng lẫn người học -- đều sống sót). Rồi cũng phải đến lúc chia tay Nha Trang và các bạn mới trong cái thời tiết mưa gió sụt sùi.

Như vậy là chúng tôi đã "chiến đấu" suốt 15 ngày liên tục, không có một ngày nghỉ nào! Như nói trên, lớp học này là do Sở KHCN và Đại học Khánh Hoà "đặt hàng" từ nửa năm trước. Vì lần này có sự tham dự của giới quản lí khoa học, nên ngoài các bài giảng về khoa học, tôi dành 2 bài để nói về qui trình và chi tiết đánh giá đề cương nghiên cứu bên Úc và NIH. Dĩ nhiên là khó áp dụng qui trình của Úc cho VN, nhưng tiêu chuẩn của Úc và Mĩ thì rất đáng tham khảo cho giới quản lí khoa học.

Mỗi lớp học là mỗi kinh nghiệm cho tôi, và lớp này cũng không phải là ngoại lệ. Qua tiếp xúc và thảo luận với học viên, tôi phát hiện có rất nhiều hiểu lầm về thiết kế nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, còn rất nhiều sai sót trong phân tích dữ liệu và dẫn đến kết luận sai. Nhưng các bạn đặt/nêu vấn đề đều được trả lời một cách thuyết phục. Cái con số cỡ mẫu huyền thoại 30 cũng đã được giải thích sai như thế nào. Tôi nghĩ qua 5 ngày theo học, các học viên từ các ngành y tế, thuỷ sản, nông nghiệp, xã hội, quản lí, v.v. đã có được những kiến thức và kĩ năng cần thiết để thực hiện một công trình nghiên cứu coi được.

Hôm khai mạc khoá học, một anh trong ban tổ chức làm tôi lo lắng. Anh nói trong các khoá học trước đây (thường 1-2 ngày), đến cuối ngày thứ nhất chỉ còn lại 50% học viên, và đến cuối khoá thì chỉ lèo tèo vài người. Đây là tình trạng chung của các workshop ở VN, dù là có điểm danh. Cái thực trạng đó làm anh em chúng tôi (những người giảng) hồi hộp chờ phản ứng của học viên trong khoá học cận Tết này.

Nhưng khoá học này thành công ngoài dự tính, và sự thành công làm kinh ngạc cả những học viên. Gần như tất cả học viên tham dự lớp học suốt 5 ngày liền, từ sáng đến chiều. Chỉ có khoảng 5 người có việc nên phải quay về nơi công tác sớm hơn dự định. Ai cũng hào hứng học tập, nhất là các phương pháp hiện đại. Có lúc học viên miễn cưỡng nghỉ giải lao, vì họ muốn học nữa! Vài học viên cho tôi biết là chưa bao giờ tham dự một khoá học loại này đông như vậy và không ai bỏ học. Học viên ham học như vậy thì làm sao tôi thấy mệt mỏi được.

Chúng tôi sẽ quay lại Nha Trang trong năm nay để tiếp tục một lớp "nâng cao" hơn, theo yêu cầu của học viên. Hi vọng lớp học tới sẽ không bỏ ai vì lí do bàn ghế và phòng học. Và, hi vọng lúc đó, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách khác cho học viên. Nhân dịp này, thay mặt hai anh trợ giảng, tôi cám ơn các bạn trong ban tổ chức và học viên đã theo đuổi lớp học và giúp cho lớp học thành công mà chúng tôi cảm thấy hài lòng.


Lớp học ở Nha Trang. Ts Trần Sơn Thạch đang giảng bài 

Bs Hà Tấn Đức đang hướng dẫn phân tích 

19/1: ĐH Khánh Hoà

Hai người trợ giảng đã bay về Sài Gòn, chỉ còn tôi ở lại Nha Trang. Chiều nay tôi được dịp tham dự tiệc tất niên của Trường. Một điều mới với tôi là trước khi vào tiệc, cũng có cúng kiến, với mâm đồ ăn, gà quay, heo quay, và rượu, y như cúng kiếng ở nhà vậy. Có nhiều mâm, trong đó có mâm cúng ở giữa sân trước mấy cái xe hơi.

Tôi hỏi một anh bạn tại sao cúng vái, thì được giải thích đây là truyền thống của Trường, theo nghi lễ cúng bái trời đất, vì đất có chủ. Trường ĐH Khánh Hoà trước đây là một tu viện Công giáo, và Giáo hội hiến tặng cho Nhà nước để xây trường cao đẳng. Trường nằm ở một vị trí đắc địa, và nay bị bao quanh bởi một bên là khách sạn Intercontinental và một bên là Sheraton. Hiện nay, Trường chịu áp lực nặng nề của các nhóm thương mại, và chắc sẽ bị "đuổi" đi chỗ khác để nhường chỗ cho một khách sạn mới. Riết rồi cái con đường dọc bờ biển này chỉ toàn là khách sạn và khu ăn chơi đàn đúm của người Nga và người Tàu.

Xem ra việc cúng bái các thần hoàng đất đai chẳng có hiệu quả mấy trong việc giữ gìn mảnh đất quí báu này.



Ngày mai sẽ bay vào Sài Gòn.

20/1 Phỏng vấn các ứng viên cho chức danh giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng. Tôi sẽ có một vài cái note về buổi phỏng vấn thú vị này.

21/1 Chợ sách Sài Gòn

Chiều qua đi chợ sách gần Nhà thờ Đức Bà (xem hình) thấy sách của tôi bày bán ngay tại quầy sách đầu tiên. Hỏi chị bán sách thì được biết là sách bán chạy nhất, tôi thấy vui trong lòng. Định tiết lộ tôi là tác giả, nhưng nghĩ lại thì không nên và cũng chẳng cần.

Tôi thấy nhiều người vào đây chụp hình, chứ ít thấy ai mua sách. Tôi tậu được hai cuốn của Tạ Chí Đại Trường và một cuốn "Câu chuyện giòng sông". Nhưng điều hạnh phúc nhất là gặp một bạn đọc nhận ra tôi, do theo dõi blog của tôi từ bấy lâu nay. Những cuộc gặp gỡ như vầy là những kỉ niệm khó quên đối với tôi.

Chợ sách ở Sài Gòn

Sáng qua tôi lang thang khu bán sách cũ định tìm mua một cuốn sách xưa, nhưng lại gặp cuốn sách viết về tình cảnh nông dân dưới thời Pháp thuộc của sử gia Phạm Cao Dương (trước 1975). Cuốn khảo cứu này có rất nhiều dữ liệu cụ thể về số nông dân, ruộng, thuế má, kinh tế, v.v. mà tôi thấy rất hiếm. Thế là bấm bụng bỏ ra 400k để tậu cuốn sách. Dù tôi không trả giá, cô bán sách thấy động lòng, nên giảm giá 20%.Tôi sẽ dùng số liệu trong cuốn này trong tương lai cho các lớp học.


Sách cũ của Gs Phạm Cao Dương (giá 400 ngàn đồng!) 


22/1 Về miền Tây

Thế là tôi đã xong việc công. Suốt từ 5/1 đến 20/1 toàn làm việc công, nay đến việc tư, có nghĩa là về quê ăn Tết.

Đường về miền Tây trong những ngày giáp Tết đông nghẹt xe gắn máy và xe hơi. Phải mất gần 2 giờ mới ra khỏi nội thành. Nhưng ra khỏi nội thành lại còn phải rồng rắn nối đuôi về miền Tây. Nhìn cảnh đồng hương cùng bầu đoàn thê tử gồng gánh trên những chiếc xe gắn máy nhỏ thó trên đường về quê ăn Tết làm tôi chạnh lòng và tức giận.

Cái vùng đất làm ra lúa gạo và thuỷ sản nuôi cả nước và đem về cho quốc gia hơn 15 tỉ USD mỗi năm, mà đồng hương tôi vẫn nghèo khổ như thế này thì có tức giận không? Số tiền đó đi đâu chẳng ai biết và hình như cũng chẳng có đại biểu QH miền Tây nào đặt câu hỏi. Không biết đến bao giờ miền Tây mới có được một con lộ coi cho được để đồng hương không còn phải cực khổ như thế này. Thiệt là một tiếng vọng từ đáy vực mà.

Không khí Tết cũng thể hiện trên đường từ Vĩnh Long về Cần Thơ và băng qua Vị Thanh. Hai bên đường người địa phương bày bán bông hoa, trái cây và những gói mứt màu mè. Khách hàng thường là những người đi xe gắn máy tranh thủ trên đường về quê mua vài món về cúng ông bà nhân ngày Tết. Cái không khí rộn ràng như vậy làm mình cũng có chút nao nao, vì đây là lần đầu tiên tôi đón Tết ở VN sau 36 năm xa nhà.

Nhưng điều thú vị là đảng cũng ... ăn theo. Dọc theo những con lộ chính cờ đỏ được dựng lên kèm theo những khẩu hiệu quen thuộc hai bên đường. Có những nơi (như Vị Thanh) chỉ thấy toàn cờ đảng và cờ đỏ trên đường phố. Nhìn từ xa người ta có thể lầm là địa phương đang có đại hội đảng, nhưng trong thực tế là treo cờ để ăn Tết. Chỉ có điều không thấy khẩu hiệu "Mừng đảng, mừng xuân". (Nhưng hôm nọ đi ăn tiệc tất niên, một vị quan chức bự có nói câu "mừng đảng, mừng xuân", nhưng chắc là theo quán tính chứ chẳng có suy nghĩ gì đâu).


Công nhân trên đường về quê ăn Tết ở miền Tây 


 
Công nhân trên đường về quê ăn Tết ở miền Tây 

Cả gia đình gồng gánh trên một chiếc xe gắn máy 


Kẹt xe kinh hoàng ở Quốc Lộ I ở Tiền Giang 


Cầu Mỹ Thuận

Cầu Cần Thơ, có rất nhiều người ngừng bên cầu xả rác và ngắm cảnh! 

Đảng cũng "ăn ké" Tết :-)


Cờ đỏ rất nhiều ở Vị Thanh 

Rồi cũng đến màu xanh của lúa ở Bến Nhứt 

24/1: Giao thông miền Tây

Cái biển hiệu với dòng chữ lên lớp "An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người" dường như đang mỉm cười trước giòng xe gắn máy và xe hơi đang cạnh tranh nhau tìm một vài cm đường trên con lộ mang danh "Quốc lộ" này. Không biết mỗi ngày có bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông trên con đường này, nhưng chắc chắn con số không phải là nhỏ.

Sáng nay, lái chiếc Honda từ Rạch Giá về nhà (độ 20 km) tôi lại có thêm một trải nghiệm xấu về giao thông tại đây. Từ Rạch Giá đi về hướng Vị Thanh (Chương Thiện cũ) và Cần Thơ phải đi theo Quốc lộ 1. Nói là "quốc lộ", nhưng thật ra đó chỉ là một con lộ nhỏ xíu, vừa đủ cho 2 lằn xe hơi hai chiều. Hai bên đường, bên cạnh những thửa ruộng là nhà dân và hàng quán mọc lên rất nhiều. Cũng như những nơi khác, mật độ xe gắn máy trên đường lộ dày đặc. Nhưng với sự hiện diện của xe tải và xe hơi thì xe gắn máy chỉ biết ... nhường đường. Điều nguy hiểm nhất là các tài xế xe tải, xe bus và xe hơi nhỏ lúc nào cũng lấn sang lằn xe, có khi họ lấn hết lằn xe đối diện! Nếu các chiếc xe gắn máy không nhường đường thì tai nạn xảy ra ngay, và xảy ra trong vài giây.

Sáng nay tôi chứng kiến một chiếc xe gắn máy bị lấn đường làm cho hai anh em kia văng xuống ruộng. Ấy vậy mà tài xế xe tải vẫn tỉnh queo, không dừng lại để giúp người ta. Tôi và mấy người đi xe gắn máy khác phải dừng xe để giúp hai thanh niên kia. Có lẽ vì tình trạng này mà các tài xế xe tải hay xe hơi nói chung được xem là hung thần trên đường sá. Tôi thì nghĩ mấy tài xế loại này đều có tiềm năng giết người.

Đó là những kẻ giết người mình có thể thấy được, nhưng còn một loại giết người khác đang ngồi trong các phòng có máy lạnh ở các công sở. Tôi muốn nói đến các quan chức giao thông và những người có trách nhiệm hoạch định chính sách phát triển giao thông ở miền Tây. Để cho người dân chết và bị thương mỗi ngày trên những con lộ này là một cái tội: tội giết người, dù là gián tiếp.

Tôi vẫn còn thắc mắc con số hơn 15 tỉ USD mà dân miền Tây xuất khẩu hàng năm đi đâu. Thì ai mà chẳng biết đi ra Bắc, nhưng nó được dùng cho mục tiêu nào thì chẳng rõ. Có thể nó nằm trong con số 77% những kẻ mua các căn hộ đắt tiền ở Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Cần Thơ và nay là Phú Quốc. Tôi nghĩ Nhà nước chỉ cần trích 10-15% con số này (15 tỉ USD) thì sẽ giúp giảm tình trạng dân miền Tây phải bỏ mạng vì giao thông như hiện nay.

Hôm nay đọc được một tin rất sốc: GDP của VN là khoảng 190 tỉ USD, nhưng tham nhũng đã cướp đi 20-40 tỉ USD mỗi năm. Nói cách khác, tham nhũng cướp khoảng 1/5 tài sản quốc dân. Bọn tham nhũng này cũng là những kẻ sát nhân gián tiếp đây. Với tình trạng này thì đất nước sẽ đi về đâu.

25/1: Tình cảnh nông dân miền Tây

Mỗi lần về quê là có được nhiều câu chuyện hay, những câu chuyện có lẽ chẳng bao giờ hay ít khi nào xuất hiện trên mặt báo. Chẳng hạn như vài câu chuyện tiêu biểu dưới đây nói lên thực trạng của giới nông dân vùng miền Tây Nam Bộ, và giải thích tại sao họ vẫn nghèo dù đóng góp hàng chục tỉ USD cho xuất khẩu. Số tiền đó không đến tay nông dan, mà nó vào tay của những con burn cỡ bự.

Làm 1 công ruộng lời không đầy 2 triệu đồng

Anh Đ là anh họ tôi. Suốt đời anh ấy chỉ làm ruộng, và làm giỏi. Anh ấy ít khi nào than vãn cái nghề nông anh theo đuổi, nhưng lần này gặp tôi trên li rượu đế anh than làm ruộng dạo này không có lời, mà nguy cơ lỗ lã thì rất cao. Hỏi một hồi thì tôi mới hình dung ra tình cảnh thực tại, mà tôi chỉ biết thở dài.

Để đơn giản hoá câu chuyện, các bạn hãy hình dung một nông dân canh tác trên 1 công đất. Trong 3 tháng trời canh tác, nếu thời tiết thuận lợi kiểu “mưa thuận gió hoà”, anh nông dân sẽ thu hoạch được 30-50 giạ lúa, tức là khoảng 600-1000 kg. Với 50 giạ lúa, anh bán được 4.5 triệu đồng.

Nhưng trong 3 tháng canh tác, anh nông dân phải dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Tính chung, phân bón và thuốc trừ sâu tốn khoảng 2 triệu (cho 3 tháng). Khi thu hoạch, phải mướn người gặt lúa và suốt lúa, tốn khoảng 500 ngàn đồng. Trong 3 tháng đó, anh phải ra đồng chăm sóc, và tính chung là khoảng 10 ngày; mỗi ngày là khoảng 150 ngàn đồng, và do đó tiền công là 1.5 triệu đồng. Tính tất cả thì trong 3 tháng anh tốn 4 triệu đồng.

Như vậy, với số bán ra là 4.5 triệu, anh chỉ còn lại trong túi 500 ngàn đồng! Mà thôi, hãy tính luôn tiền công, thì trong thực tế anh có khoảng 2 triệu đồng, tức khoảng 90 USD. Nhưng nếu thu hoạch 30 giạ / công thì tiền bỏ túi chỉ còn khoảng 45 USD.
Một người nông dân trung bình có khoảng 5 công đất, mỗi 3 tháng thu nhập là 225-450 USD.

Có nhiều nông dân không làm ruộng nữa mà cho mướn đất. Giá mướn đất hiện nay là khoảng 2.6 triệu một công đất. Tính ra, cho mướn vừa nhàn hạ, vừa đảm bảo có thu nhập mỗi cuối 3 tháng.

Bất công cho người sản xuất

Tôi hỏi anh Đ giá gạo hiện nay là bao nhiêu, thì được biết là 1 kg gạo bán ra giá khoảng 9-10 ngàn đồng. Trong khi đó, một kg lúa bán ra chỉ 4500 đồng. Nói cách khác, từ hạt lúa đến hạt gạo, giá tăng gấp 2 lần.

Câu hỏi đặt ra là ai là kẻ hưởng lợi này? Nhà máy xay lúa không hưởng lợi bao nhiêu cả. Kẻ hưởng lợi chính là con buôn. Mà, con buôn lớn nhất chẳng ai khác hơn là Tổng công ti lương thực (còn có tên là VINAFOOD) mà hình như có một trụ sở đặt ngoài ... Hà Nội. Cái con buôn Vinafood này đi đấu thầu bán gạo ở các nước như Phi Luật Tân, Mã Lai và Nam Dương với giá rẻ mạt, cộng thêm đồng lương khổng lồ họ tự trả, hệ quả là làm khổ nông dân. Chẳng hạn như mới đây con buôn này đấu thầu bán 500,000 tấn gạo cho Phi Luật Tân với cái giá bèo 460 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan 30 USD! Chúng làm như vậy để chiếm được thị trường, và khi chiếm được hợp đồng chúng chia chác nhau. Theo báo chí tường thuật trước đây, lương của "lãnh đạo" vinafood II là 80 triệu đồng một tháng. Làm công chức văn phòng quèn nhất cũng 28 triệu đồng một tháng. Do đó, không ngạc nhiên khi một lãnh đạo miền Tây chỉ đích danh cái con buôn Vinafood 2 này ăn trên đầu trên cổ nông dân.

"Ăn trên đầu trên cổ" ra sao? Theo một bài báo trên Tuổi Trẻ năm 2012, tôi tính ra rằng Tiền lời mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cao gấp 925 lần tiền lời nông dân. Đó không chỉ là một tội phạm mà còn là một sự phản bội.

Muỗi hành

Chẳng những nghèo mà còn gặp cái eo. Mấy năm trước thì ốc bưu vàng hoành hoành ruộng lúa, còn nay thì xuất hiện một loại muỗi mà nông dân đặt tên là "muỗi hành". Sở dĩ có cái tên ngộ nghĩnh này là vì khi con muỗi nói chích vào thân lúa lúc mới lớn thì lúa sẽ không ra hạt, mà quấn lại giống như cây hành ta. Con muỗi này gây điêu đứng cho nông dân hiện nay.

Chẳng biết muỗi hành xuất phát từ đâu, và nó có độc chất nào. Tôi hơi ngạc nhiên là sao ĐH Cần Thơ không nghiên cứu muỗi này và sản suất "vaccine" giúp nông dân. Rất có thể họ đang nghiên cứu mà tôi chưa biết, nhưng rõ ràng đây là cơ hội rất tốt cho khoa học nông nghiệp ở VN có vai trò trong việc giúp đỡ nông dân.

Đến chăn nuôi thất mùa

Nông dân vùng quê tôi ngoài làm ruộng còn nuôi heo. Nhưng mấy năm nay nuôi heo cũng chẳng có lời, thậm chí lỗ lã. Một gia đình tiêu biểu nuôi 4 con heo. Chi phí mua 4 con heo con là 4 triệu đồng. Chi phí mua thức ăn cho 4 con là khoảng 6 triệu đồng (15 bao thức ăn). Tính chung, chi phí nuôi trong 3 tháng là 10 triệu đồng.

Nhưng khi bán ra, 4 con heo (mỗi con 100 kg) thì giá chỉ 12 triệu đồng. Do đó, nếu may mắn (4 con heo đều sống sót) thì chỉ lời 2 triệu đồng sau 3 tháng. Nếu không may mắn, và chỉ cần 1 con heo chết, thì coi như lỗ.

Cần nói thêm là thức ăn nuôi heo ngày nay có thể là loại hormone tăng trưởng, chứ không phải cám như ngày xưa. Ngày xưa, tôi còn nhớ, mỗi con heo phải nuôi hơn 6 tháng trời bằng tấm cám và rau cỏ mới được 90-100 kg. Còn ngày nay, với thức ăn nhập từ Tàu, chỉ 3 tháng sau là con heo được 100 kg. Ngay cả dân nuôi heo cũng không muốn ăn thịt heo họ nuôi!

Nói chung, tình cảnh nông dân ở miền Tây không sáng sủa. Thật ra, tình cảnh này không phải mới, mà đã như thế trong 40 năm qua. Nên nhớ rằng ~70% dân số VN là nông dân, mà nông dân nghèo khổ như thế này, thì làm sao VN phát triển được. Nếu có phát triển thì đó chỉ là một cách chèn ép và cướp của nông dân mà thôi. Tôi nghĩ cần phải xem lại giá lúa và xem lại sự vận hành của các con buôn (như Vinafood) để cho cuộc sống của nông dân VN dễ thở hơn.

Sáng 28/1: Đón Tết

Có những thời điểm mình muốn nói/viết thật nhiều, nhưng không nói/viết ra được. Nói theo Bát Nhã "vô niệm" là nói mà không nói; không nói mà nói; viết mà không viết; không viết mà viết. Chúc mừng tân xuân mà không chúc mừng; không chúc mừng mà chúc mừng tân xuân.

Sáng mồng một Tết. Làng quê miền sông nước. Trời quang đãng và mát lạ thường, dù vài ngày trước đây mưa gió tưởng chừng không dứt. Dưới sông thường ngày ghe xuồng qua lại khá nhiều, hôm nay thì gần như vắng bóng, nhường sông cho những chiếc vỏ vọt đi chùa hoặc chúc Tết bà con. Cái không gian thanh tịnh này dễ làm cho những người như tôi (vốn ngày thường lo toan chuyện trần thế khoa học, chuyện tạo ra tri thức mới, chuyện xin grant, chuyện học trò, v.v.) trở nên tịnh tâm. Mà, tịnh tâm thì nghĩ đến ý nghĩa của cuộc sống.

Vớ được cuốn sách của Daisetz Suzuki, một tác gia lừng danh người Nhật có những kiến giải về Phật rất hay. Cuốn sách nhỏ này xuất bản từ 1968 nằm trong tủ sách của anh hai tôi (người vĩnh viễn ra đi từ ngày 22/12/1980) để lại. Đọc những trang sách màu vàng úa trong ngày Tết chợt làm tôi tỉnh ngộ, như là mình tìm được một mô thức để giải thích được hiện tượng xã hội. Đoạn Suzuki viết về trí thức (kể cả tri thức khoa học) và cái tôi thật là thời sự tính:

"Cái lầm của tri thức là nó đặt nặng tính phân định nhị nguyên, nó dựng lên "cái tôi" rồi chấp cứng như một thực tại, rồi dọn cho nó cái bàn thờ tôn nghiêm trong ngôi nhà kinh nghiệm của con người. [...] Thật vậy, cái tôi là đầu mối của muôn tội. Với người theo Phật và học Phật, cái tôi nó phá tan kho công đức, và siết chặt thêm vòng nghiệp báo. Bởi vậy, theo Phật và tu đạo là phải trở nên người ngu dốt, tâm trí quê dại, vì chân lí, tức là tâm đạo, chỉ vén mở cho những tâm hồn ngây ngô như vậy thôi."

Đúng là như vậy. Khoa học hiện đại ở phương Tây đặt nặng vào sự cạnh tranh và cái tôi. Cạnh tranh để có tài trợ. Cạnh tranh để công bố trước, công bố trên tập san tốt nhất. Cạnh tranh để được ghi nhận (qua giải thưởng). Mà, cạnh tranh thì sẽ có va chạm, xung đột, và mâu thuẫn. Sự xáo trộn xã hội bắt đầu từ đây. Tất cả sự cạnh tranh là nhằm phục vụ cho cái tôi, cái mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là "track record". Tôi cũng là một trong những người đóng góp trực tiếp vào sự xáo trộn này. Mấy năm nay, các nhà tài trợ khoa học đang tìm cách giảm sự xáo trộn này, nhưng có lẽ sẽ không có giải pháp khi mà cái gốc chưa được giải quyết.

Khoa học ngày nay chắc phải học Phật, tức là chặt đứt dòng suy niệm, giải thoát khỏi cái tôi. Giải thoát khỏi cái tôi là vượt lên tri thức, vượt ra khỏi cái thế giới phân định (discrimination và distinction). Tôi nghĩ ngay đến một người có thể đạt được lí tưởng này: đó là bác sĩ Yersin. Đó là một nhà khoa học không màng đến cái tôi, người vượt lên sự phân định ranh giới của chủng tộc và tri thức.

Muốn thoát khỏi cái ngõ bí của tri thức là phải một lần qua cửa ải Đại Tử để đi đến Bát Nhã. Bát Nhã biết mà không biết, hiểu mà không hiểu, nghĩ mà không nghĩ, hay nói chung là "vô niệm", là siêu suy tư. Năm mới này, ở dưới làng quê này, là dịp để tôi mời các bạn cùng nghĩ về Bát Nhã:

Bao thuở mong chờ chẳng thấy đến
Lang thang cuối bãi đầu sông
Tịch mịch không nghe tiếng động
Hiu hiu gió thổi dòng sông.
(Thơ của Suzuki)

Cúng đón ông bà về ăn Tết


Cúng trời đất 

Bàn thờ

Con chó trong nhà 

Sân nhà 

Chiều mồng Một Tết: nhìn sông

Chiều mồng Một Tết, nhìn chiều xuống trên sông quê làm mình có cảm xúc. Miền Tây Nam bộ không có những danh lam thắng cảnh như ngoài Trung hay Bắc. Nhìn quanh chỉ là những con sông lớn nhỏ, những cánh đồng bạt ngàn, những thửa vườn xanh um. Ấy vậy mà mình thấy cảnh vật đẹp và đầy ý nghĩa của cuộc đời, không phải qua cái nhìn [chủ quan?] của người miền Tây, mà là cái nhìn thế thái nhân tình qua dòng sông quê.

Nhạc sĩ Phạm Duy có sáng tác một ca khúc rất tuyệt nhưng có lẽ ít người chú ý: đó là bài "Chiều về trên sông". Phải trầm mình và trải nghiệm buổi chiều bên dòng sông quê Cửu Long mới thấm lời nhạc trong bài này: "Chiều buông trên dòng sông Cửu Long / như một cơn ước mong ơi chiều / về đâu, ơi hàng cây gỗ rong / nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều", và nhất là câu tuyệt diệu: "buồn tôi không vì sao bổng dưng / theo đò ngang quá giang, thương chiều."


Phải là người tinh tế và giỏi chữ lắm mới nhìn thấy "chiều buông" trên sông. Dòng sông lúc nào cũng đem lại nhiều cảm hứng và cảm xúc cho giới văn sĩ. Mà, cũng chẳng cần đến một tâm hồn văn sĩ, chỉ với cảm nhận bình thường, chúng ta cũng thấy dòng sông nó có những nét đặc biệt làm chúng ta rung động.

Dòng sông nào cũng tạo ra một không gian trống cho gió và nước, có thể xem như nhịp thở của người dân quê. Phía dưới nước là gì đó kì nhiệm, và chính cái kì nhiệm này giúp chúng ta tưởng tượng. Sống ở đời cần có tưởng tượng để vượt lên tri thức. Einstein nói logic giúp chúng ta đi từ A đến B, nhưng với tưởng tượng chúng ta có thể đi bất cứ nơi nào. Dòng nước lững lờ đó có thể cuốn trôi bất cứ vật thể nào, nó đem đến tự do cho chúng ta. Nhìn sông chúng ta thấy tự do và bay bổng.

Nhưng dòng nước không chỉ cuốn trôi vật thể, nó còn chuyên chở những phiền muộn trong đời nữa. Thành ra, mỗi khi có nỗi buồn người ta hay tìm đến bờ sông để nhìn dòng nước chảy như cuốn trôi những nỗi lòng, những phiền luỵ trong cuộc sống. Phạm Duy rất có lí khi viết "buồn tôi không vì sao bổng dưng / theo đò ngang quá giang, thương chiều." Dòng sông, do đó, có tác động trị liệu rất tốt. Chả thế mà Nhà văn lừng danh Hermann Hesse nhìn dòng sông mà viết thành cuốn tiểu thuyết bất hủ "Câu chuyện dòng sông".

Cái đặc tính tuyệt diệu của dòng sông là nó nhắc nhở mình lúc nào cũng phải tự làm mới. Dòng sông chảy và lúc nào cũng chảy không ngừng, nhưng nó vẫn ở đó, con nước vẫn là con nước. Ấy thế mà con nước lúc nào cũng mới. Mỗi khoảnh khắc là một con nước mới. Cái mới của dòng sông y chang như cái mới của cuộc sống lúc nào cũng theo dòng chảy nhưng lúc nào cũng mới. Dòng sông như là một phương tiện làm chúng ta tỉnh thức. Bởi vậy, Hermann Hesse mới khuyên chúng ta nên yêu thương dòng sông.

Dòng sông không có tuổi, không có thời gian. Dòng nước hiện hữu cùng một lúc và mọi nơi, không có quá khứ cũng chẳng có tương lai. Đời người cũng như một dòng sông: thiếu niên và lão hoá chỉ cách nhau bởi cái bóng, chứ không có thật. Cả cái chết và về Đại Ngã cũng không phải là quá khứ và tương lai; tất cả đều là hiện tại -- nơi đây và ngay bây giờ. Dòng sông dạy cho chúng ta thấy mọi khổ luỵ là do thời gian; thành ra, gạt bỏ thời gian khỏi tâm trí thì chúng ta sẽ hạnh phúc ngay. Chân lí này xem ra hay đây!

Sống ở thành phố, nhất là thành phố phương Tây, chúng ta không có tiếp xúc với nhiều dòng sông như ở miền Tây này. Đó cũng là một thiệt thòi của người thành phố. Về với dòng sông là về với chính mình, giúp mình suy nghiệm dòng đời:

"Chiều buông trên dòng sông cuốn mau,
Thương đời thương lẫn nhau, ơi chiều."

Con sông quê bị ô nhiễm trầm trọng 

29/1 Mồng Hai Tết: Nghĩ về chiếc võng

Những ngày nghỉ Tết, có dịp nằm võng và chợt thấy cái vật dụng đơn giản này thật là một sáng chế tuyệt diệu. Nằm võng đu đưa không chỉ là một cách nghỉ ngơi mà còn là cách thức tốt giúp mình suy nghiệm về ý nghĩa cuộc sống và lịch sử văn minh sông nước.

Hình như võng là một sáng chế của dân cư thuộc văn minh nông nghiệp hay vùng nhiệt đới. Người Trung Hoa không có võng. Nhưng chữ "võng" lại có nguồn gốc tiếng Hoa, có nghĩa cái "lưới"! Nhưng trong thực tế võng không hẳn là cái lưới; nó là cái giường di động, giường làm bằng vải.

Ở các nước phương Tây tôi không thấy võng, dù tiếng Anh có chữ hammock (chỉ cái võng). Người phương Tây (Tây Ban Nha) tiếp xúc với võng vào thế kỉ 19, và họ đã có khảo cứu về võng. Theo họ, võng xuất phát từ Nam Mĩ (nơi họ đi chinh phục) và dân địa phương gọi là "ham-ma" (và đó là nguồn gốc của chữ hammock trong tiếng Anh).

Ở Việt Nam tôi không thấy ai khảo cứu nghiêm chỉnh về chiếc võng, và đây là một thiếu sót nghiêm trọng. Tôi nghĩ chiếc võng là một sáng chế của người Đông Nam Á, gọi là Sundaland ngày xưa. Dĩ nhiên, ngày xưa đâu có Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luạt Tân, v.v. mà chỉ là Sundaland. Có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy vùng ĐNA là cội nguồn của văn minh nông nghiệp, của văn hoá lúa nước, bởi vì thời tiết vùng đất này rất lí tưởng cho việc trồng lúa. Hạt lúa lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy ở Thái Lan (chứ không phải bên Tàu). Khi trồng lúa được thì phải nghĩ đến thuần hoá thú vật, và chính vì thế mà chúng ta có gà, vịt, heo, chó, v.v. Một nghiên cứu di truyền học cho thấy "tổ tiên" của các loài heo trên thế giới ngày nay xuất phát từ ĐNA.

Sau khi thuần hoá thú vật, người ta mới định cư được, và sau khi định cư, phải nghĩ đến sáng chế những phương tiện sinh sống. Tôi nghĩ chiếc võng được sáng chế trong giai đoạn này, tức là hơn 10 ngàn năm trước, khi nền văn minh nông nghiệp đã định hình ở ĐNA. Do đó, chúng ta thấy võng không chỉ ở VN, mà cả các nước lân cận như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân.

Khi nước biển dâng lên, người dân phải di dời. Một số lên vùng cao nguyên, một số lên vùng miền nam Tàu ngày nay, và một số ra các đảo. Điều này giải thích tại sao ở các đảo phía nam Thái Bình Dương có nhiều công cụ nông nghiệp giống như văn hoá Đông Sơn, và võng rất phổ biến. Từ các đảo, họ tản mát đi các vùng khác, có thể cả nam Mĩ. Thành ra, rất có thể võng ở Nam Mĩ mà người Tây Ban Nha phát hiện có nguồn gốc từ ĐNA. Giả thuyết này cần phải kiểm chứng bằng chứng cứ khoa học.

Nhưng dù xuất phát từ đâu thì rõ ràng rằng võng là sáng kiến của cư dân vùng nhiệt đới. Chỉ có vùng nhiệt đới, võng mới có "chức năng" của nó. Đối với người Việt chúng ta, chiếc võng là một cái giường đầu đời. Từ lúc mới sinh, chúng ta đã quen với chiếc võng, lúc thì trong lòng mẹ, lúc thì trong vòng tay của anh chị, lúc thì "độc lập" ngủ võng. Đến khi trưởng thành, chúng ta cũng lớn lên cùng chiếc võng. Thậm chí có khi chết cũng nằm trong võng. Ngay cả về già, võng là "người bạn" tuyệt vời. Chắc không ngoa nếu nói chúng ta -- người Việt mình -- lớn lên với chiếc võng.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng có một sáng tác về chiếc võng trong loạt ca khúc "Thiền ca", với những lời như sau:

Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa 
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa 
Ha, trần gian lạc thú 
Ha, tiên cảnh phiêu du 
Cõi tử, cõi sinh 
Cõi tình, cõi hận 
Núi đợi, vực chờ 
Niềm vui, nỗi khổ 
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa 
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa 
Tôi nằm đó 
Nằm im mọi chỗ...

Đúng là "an nhiên tự tại" trong Phật giáo. Phải nói chiếc võng là một sáng chế tuyệt diệu. Cái võng nó ôm ấp mình, và mình có dịp đong đưa, rồi đi vào giấc ngủ hồi nào không hay. Trong những buổi trưa hè, cái võng là phương tiện tuyệt vời để suy nghiệm về nhân tình thế thái. Thành ra, lần nào về nhà, tôi cũng nằm võng nhiều hơn là ngồi ghế bàn. Nằm võng đọc sách. Nằm võng nghe nhạc. Nằm võng chỉ để nhìn trời và ... nghe lá cây. Nằm võng bên này sông mà nghe cải lương bên kia bờ sông thiệt là thú vị trong 3 ngày Tết. Những làn điệu cải lương đã làm tôi ngủ suốt buổi trưa hôm qua. Chiếc võng bởi vậy còn chuyên chở những tình tự dân tộc. Đúng như một học giả (Lê Văn Siêu) từng nhận xét rằng tiếng kẽo kẹt của chiếc võng là tiếng vọng của ngàn năm lịch sử dân tộc.

Trưa nào cũng nằm võng nhìn ra sông 

30/1: Mồng Ba Tết

Mồng Ba Tết ở miệt quê. Không khí Tết đã bắt đầu phai nhạt, và sinh hoạt thường nhật bắt đầu bình thường hoá. Đâu có chuyện "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" như ai đó phịa ra. Trong mỗi gia đình là cúng kiếng tiễn đưa ông bà. Trên lộ xe cộ ra vào tấp nập. Dưới sông ghe xuồng qua lại theo hình ảnh "thuyền về nước lại sầu trăm ngã" của Huy Cận. Thế là một năm mới thực sự bắt đầu, nhưng cũng là khởi đầu cho một tương lai chưa thấy sáng sủa.

Nếu nhìn từ ngoài và nhìn trên bề mặt thì nông thôn VN nay đã có nhiều đổi mới mang tính tích cực. Cái điểm sáng nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy là nhà cửa ở vùng nông thôn miền Tây giờ đã tốt hơn, khang trang hơn những năm sau 1975. Chẳng nói đâu xa, hàng xóm tôi giờ đây có rất nhiều nhà mái tole (chưa hẳn là tốt) và tường gạch. Đường bê tông cũng được xây dựng ở hầu hết các vùng quê, nối liền các làng với nhau (mà trước đây chỉ đi bằng xuồng hoặc ghe). Điện về quê từ hơn 15 năm nay, làm cho cuộc sống người dân thoải mái hơn với những tiện nghi hiện đại. Một số nơi cũng đã có chương trình nước sạch cho vài hộ dân. Nhìn chung thì nông thôn miền Tây đã khởi sắc. Dĩ nhiên là sự khởi sắc đó sau ... 40 năm!

Nhưng nếu nhìn kĩ thì đó chỉ là bề ngoài vì phía sau những đổi mới đó là những vấn nạn kinh điển còn đang đeo đuổi người nông dân và xã hội nông thôn. Cái nghèo gần như là một qui luật ở đây, và người dân chấp nhận nghèo như là một phần trong cái thân phận của nghề nông. Theo số liệu của Nhà nước thì tỉ lệ nghèo ở vùng ĐBSCL là 10%, thấp hơn trung bình quốc gia (11%), nhưng nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỉ lệ nghèo cao gấp 2-3 lần con số của Nhà nước. Như tôi nói hôm trước, một nông dân làm ruộng sau 3 tháng chỉ lời khoảng 500 đến 1 triệu đồng/công đất mà thôi. Với thu nhập như vậy thì không nghèo mới là lạ. Do đó, không ngạc nhiên khi báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy nghề nông ở VN là nghề có thu nhập thấp nhất.

Những kẻ xấu miệng khi bàn về ĐBSCL thường nói rằng dân tình ở đây lười biếng và vì thế họ phải gánh chịu hậu quả. Những kẻ này nói rằng con gái miền Tây thì chỉ thích lấy chồng nước ngoài hay bán bia ôm, con trai thì nhậu nhẹt đàn đúm, người dân nói chung là dốt. Vì đánh giá là dốt, nên họ có sứ mệnh khai sáng bằng cách đưa vào vùng đất Tây Đô những anh chàng miệng còn hôi sữa để lên lớp chỉ dạy cho dân miền Tây cách làm kinh tế.

Nhưng chính những kẻ xấu miệng này mới là thất học, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng. Sự thật là thế này: vùng ĐBSCL này, đem về cho VN ~15 tỉ USD xuất khẩu. Vậy mà số tiền đó không đến tay người dân, mà nó lưu chuyển lòng vòng trong các con buôn + tham nhũng. Con buôn lớn nhất lại là cái tập đoàn lương thực do Nhà nước quản lí (?). Mấu chốt vấn đề là ở đây: nông dân làm ra nhiều tiền, mà không hưởng lợi từ đồng tiền mình làm ra; ngược lại những kẻ trung gian như con buôn lại là kẻ hưởng lợi. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng hình như chẳng có chính phủ nào lưu tâm giải quyết.

Thiếu tiền thì xảy ra hàng loạt vấn đề khác, từ y tế, giáo dục đến môi trường. Cả vùng ĐBSCL chỉ có 1 bệnh viện ung bướu, mà trang thiết bị cũng khiêm tốn lắm. Bệnh nhân phải tràn về Sài Gòn, gây tình trạng quá tải ở bệnh viện. Thuở đời nay đã là thế kỉ 21 mà 13% dân số vùng ĐBSCL mù chữ (số liệu của Nhà nước)! Nhưng đáng sợ nhất là sự khủng hoảng về môi trường. Các con sông ở đây đã và đang chết dần. Hầu hết các con sông trong vùng trở thành những thùng rác khổng lồ. Nước sạch thì chỉ đến chưa đầy 20% hộ dân, và điều này có nghĩa là 80% người dân dùng nước bẩn. Giao thông vừa thiếu vừa xuống cấp kinh khủng. Quốc lộ từ đời Pháp để lại vẫn chưa được mở rộng. Có những con lộ ở vùng quê người ta chỉ làm cho có, như bề ngang chỉ 1.5 m vừa đủ cho 1 chiếc xe Honda đi. Người ta không quan tâm đến phát triển nông thôn, hay có quan tâm nhưng trên ... giấy.

"Người ta" là ai? Là những người gọi là "lãnh đạo". Lãnh đạo chỉ là những thiểu số nhờ cơ hội và thế lực của đảng mà hãnh tiến trên địa vị, chứ họ chưa tạo được một nhân cách riêng biệt. Đa số họ xuất thân từ miền quê, nhưng sau một thời gian lên cư ngụ vùng thành thị, sống cuộc sống mới mà họ nghĩ là "văn minh", họ đã cố tình quên đi cái dĩ vãng xưa của họ. Họ quên cái thời cực nhọc tâm tối mà cha mẹ họ phải tần tảo nuôi họ trên mảnh đất cằn cỗi này. Họ đã "hương đồng gió nội bay đi [rất] nhiều".

Nghề nông, như nói trên, là nghề có thu nhập thấp nhất trong tất cả các ngành nghề. Mà, 70% dân số VN làm nghề nông. Từ đó, các bạn có thể suy ra tại sao Việt Nam vẫn còn nghèo. Những điểm sáng mà Nhà nước trình làng ở nông thôn có thể ví như (nói theo Nhà văn Hoàng Đạo) là lượt vôi mỏng phủ lên bức vách nát mà thôi.

Mấy hôm nay nằm võng đọc cuốn "Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc" của sử gia Phạm Cao Dương, và rút ra nhiều ý hay. Cuốn sách này là một khảo cứu của tác giả, công bố vào năm 1965 (tức là hơn nửa thế kỉ trước), nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Bằng một phương pháp luận rất chặt chẽ, kèm theo những dữ liệu thực tế ông sưu tầm từ các nguồn của Pháp và Việt Nam, Gs Phạm Cao Dương đã thuyết phục độc giả rằng "Chừng nào vấn đề nông thôn còn chưa giải quyết được, chừng ấy dân tộc Việt Nam còn bị sa lầy trong tình trạng chậm tiến như ngày nay."

Đúng là người dân ở đây chưa có mùa xuân đúng nghĩa:

http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/toi-chua-co-mua-xuan-nguyen-hung.ade1JAl4pQ1A.html

Một căn hộ nghèo ở miền Tây. Người chủ nhà này đã tự tử chết cách đây vài năm chỉ vì cái toa thuốc bệnh tiểu đường 600 ngàn đồng (khoảng 30 USD) mà bà không có khả năng mua. Con bà hiện ở đây nhưng rất nghèo. 

Một con đường quê, vừa đủ cho 1 chiếc xe gắn máy! 



31/1 Mồng Bốn Tết

Sáng mồng bốn Tết ở Sài Gòn, nhìn từ trên cao. Đường sá trống trơn. Du khách Tàu đầy khách sạn. Họ ồn ào và háu ăn. Nhìn họ tay cầm dĩa trái cây, tay nâng tô phở, miệng tha đôi đũa, tôi cũng phải tránh xa (sợ tô phở kia rớt thì rất phiền phức). Người Tàu đã đến Sài Gòn. Và, đó là một tin buồn cho ngày đầu năm.

Sài Gòn ngày Mồng 4 Tết nhìn từ trên cao. Phía dưới đường có hai hàng cây là đường Hồng Thập Tự cũ (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) 

Sự ngổn ngang của đất nước này cũng giống như sự ngổn ngang của Sài Gòn. Nó chẳng có một trật tự nào tươm tất, mà nhà của và building nhô ra thụt vào, y như nền chính trị. Nó cong cong quẹo quẹo chẳng theo một logic nào hết, nó pha trộn kiến trúc Pháp, Mĩ, Tàu, Nga, giống như nền kinh tế vậy. Dưới đường phố thì người ta lạn lách, chen nhau từng cm đường, và điều này có thể giải thích tính cách của người mình hiện nay. Nếu mình đi trên đường, mình không thấy sự ngổn ngang đó; nhưng nhìn từ trên cao và nhìn vào thì thấy rất rõ, cũng giống như người trong cuộc nhìn không thấy, nhưng người ngoài nhìn thấy rõ. Nhưng người trong cuộc rất bực mình khi có người ngoài nhìn vào và nhận xét. 

Lần nào cũng vậy, mỗi lần sắp xa VN là lòng mình thấy bồi hồi, cảm xúc rất khó tả. Nó giống như mình "belong" ở đây, mà không belong ở đây; đó là quê hương, mà không phải quê hương. Một cảm giác chông chênh. Tôi đoán rằng trong lòng nhiều người Việt hải ngoại cũng có cái cảm giác này.

Dịch vụ SEO